Màu xanh Noel

167

Mau-Xanh-NoelĐến hẹn lại lên, Giáng Sinh lại về, vừa êm ả vừa ồn ào, hình như cái tiết lạnh làm người ta “thấy khác” hơn là những thứ khác. Hình như màu sắc cũng như bất chợt khác hẳn…
Giáng Sinh thực sự có màu gì? Mỗi người đều thấy Giáng Sinh có màu sắc khác nhau. Riêng NS Nguyễn Văn Đông thấy Giáng Sinh có màu xanh. Thế nên ông đã viết ca khúc “Màu Xanh Noel”. Tại sao Giáng Sinh lại có màu xanh mà không có màu khác? Đó mới là vấn đề. Tất nhiên ông có lý do riêng chứ ông không vu vơ “nói đại” cho có.
Ca khúc “Màu Xanh Noel” được viết ở nhịp 4/4, âm thể trưởng, tiết tấu vừa phải, mênh mang và xa vắng chứ không ủy mị. Ca khúc này nói về tâm trạng của một cô gái nhớ người yêu đang ở chiến trường xa xăm. Đêm Noel, nàng nhớ về kỷ niệm đẹp vào Mùa Giáng Sinh trước…
Về màu xanh của Giáng Sinh, tác giả giải thích rõ như thế này: “Mùa giáng sinh xưa, anh hẹn anh sẽ về, ngày đó Noel bên hội sao trần thế, anh có nhớ không anh, em mặc màu áo xanh lam, xanh như liễu Đà-lạt, một chiều Đông giáng sinh”.
Thì ra là người yêu của ông mặc áo xanh, mà lại là xanh lam chứ không màu xanh kiểu khác, ông ví von là “xanh như liễu Đà-lạt”, mà hôm đó lại là “chiều Đông giáng sinh”. Ngẫu nhiên hay cố ý? Có trời mới biết. Gớm thật, yêu có khác! Thấy cái gì ở người yêu cũng đẹp tuốt. Méo miệng mà lại hóa duyên, mắt lé xé chết người, da đen lại bảo “đen đen nhìn quen thấy yêu”. Ôi chao, lý lẽ của mấy con-tim-đang-yêu thì chẳng luật sư nào cãi lại. “Bó tay” thôi!
Chính đêm Giáng Sinh năm đó, hai người hạnh phúc bên nhau. Có lẽ cô gái không là dân nhà đạo nên anh chàng mới “lên lớp” cho nàng nghe về “Cổ Tích Giáng Sinh”. Chắc hẳn nàng say như điếu đổ và phục sát đất về tài kể chuyện của chàng người yêu này: “Ngồi chờ rê-vây-dông, anh kể tích xưa rằng vào một đêm giá lạnh, rợp trời hào quang thiên thần, và nơi hang Belem, Thiên Chúa sinh trên máng cỏ là Con Chúa Trời”.
Có lẽ ngày nay ít người còn nhắc tới từ Rê-vây-dông (Réveillon, Pháp ngữ, nghĩa là “canh thức”, đặc biệt có bánh “khúc cây” gọi là Bûche de Noël). Đó là dạ tiệc Giáng Sinh, hoặc đơn giản chỉ là bữa ăn đêm, để cùng nhau mừng Chúa giáng sinh. Và như một lời tuyên tín, chàng xác định với nàng rằng: “Nơi hang Belem, Thiên Chúa sinh trên máng cỏ là Con Chúa Trời”.
Trong các ca khúc về giáng sinh của NS Nguyễn Văn Đông, hình như rồi thế nào ông cũng có cách nói liên quan “sao sáng”. Ở phần đầu ca khúc này, ông nhắc tới “đêm hội sao trần thế”, phần này ông nói rõ luôn: “Ngày tháng trôi đi qua mau, mùa sao sáng năm nào. Giờ cũng Noel, một mình em thẫn thờ, quỳ bên hang đá nguyện cầu, một người chân mây gió, được sống gần nhau”.
Trong đêm vui mừng đón Chúa giáng sinh mà cô gái lại chợt buồn: Buồn vì không có chàng bên cạnh, buồn vì lẻ loi một mình (người miền Nam gọi là “mình ên”), cô thầm thĩ nguyện cầu cho cô và “người chân mây gió” có thể sớm “được sống gần nhau”. Đó là “điều ước” của bất kỳ những người nào đang yêu nhau.
Cô gái biết “anh yêu” của cô rất thích màu xanh, thế nên nàng quyết tâm gìn giữ tà áo đó cho những lần hẹn sau, vì lính chiến có may mắn lắm thì cũng chỉ gặp nhau mỗi năm một lần thôi: “Tà áo năm xưa xanh màu thông Ðà-lạt, dành đến năm sau, khi cùng anh dạo phố, để nhớ giáng sinh xưa, kỷ niệm ngày Chúa ra đời, cho em sống lại màu xanh ái ân”. Mơ ước của cô gái thật đẹp, đẹp như màu-xanh-thông-Đà-lạt và đẹp như sắc màu lung linh của những vì sao sáng trong đêm Chúa giáng sinh…
Giáng Sinh màu gì không thành vấn đề, không hề quan trọng, chỉ cần biết là màu Giáng Sinh đẹp lắm, đẹp hơn bất kỳ màu sắc nào mà người ta có thể phối hợp hoặc tưởng tượng ra.
Thiết nghĩ, màu Giáng Sinh có thể là Màu Đỏ – Màu Cứu Độ. Tại sao? Vì đó là màu đặc trưng của Tình Yêu, màu của Máu Đức Kitô, màu của Lòng Chúa Thương Xót. Phải chăng vì thế mà Giáng Sinh thường có nhiều màu đỏ? Ông Già Noel cũng mặc đồ đỏ đấy thôi!
TRẦM THIÊN THU
Thưởng thức ca khúc “Màu Xanh Noel”: