Màu tím, màu của Mùa chay

37

Nada Mazzei

Tất cả chúng ta đều thích trang trí nhà cửa theo từng mùa, từ quả bí ngô màu cam, vòng hoa màu đỏ và vàng vào mùa thu cho đến hoa diên vĩ màu tím, hoa tulip màu hồng và trắng trong khu vườn mùa xuân của chúng ta. Mỗi mùa có những màu sắc đặc trưng riêng, gợi nhớ đến thời điểm nào đó trong năm.

Giáo hội cũng sử dụng nhiều màu sắc khác nhau như cách thức để các tín hữu có thể kết nối trực quan với một mùa, mầu nhiệm hoặc bí tích nhất định. Các màu sắc không được chọn ngẫu nhiên, nhưng mỗi màu có một ý nghĩa đặc biệt và nhằm kết nối chúng ta với ý nghĩa sâu xa hơn của mỗi mùa hoặc mỗi sự kiện.

Phụng vụ mùa Chay được diễn tả bằng màu tím. Màu tím trở thành thông lệ cho các linh mục theo nghi lễ Rôma mặc lễ phục màu tím và phủ khăn màu tím trong suốt mùa chay. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thánh giá được che phủ bằng khăn màu tím.

Màu này giàu tính biểu tượng, cả trong Kinh thánh và trong Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta thường không nhận ra tầm quan trọng của nó và lý do tại sao nó lại đóng vai trò trung tâm như vậy vào thời điểm này trong năm.

Màu tím trong Kinh Thánh

Vào thời cổ đại, màu tím được coi là màu của hoàng gia, thường gắn liền với trang phục của các vị vua và hoàng hậu cũng như phẩm phục của các linh mục và giới quý tộc. Thuốc nhuộm dùng để tạo màu tím cho quần áo được chiết xuất từ ​​một loại động vật có vỏ cứng quý hiếm (trai, sò, vẹm…) và rất đắt tiền. Thuốc này chỉ có thể mua được ở một vài nơi rất hạn chế, chủ yếu ở bở biển Địa Trung Hải của Lebanon và Syria ngày nay. Chỉ một lượng nhỏ thuốc nhuộm có thể được chiết xuất từ ​​mỗi chiếc vỏ, khiến nó trở nên cực kỳ có giá trị, đôi khi còn đắt hơn cả vàng.

Một trong những trung tâm quan trọng nhất của thuốc nhuộm màu tím là Tyre (Liban ngày nay), nơi sản xuất ra màu tím Tyrian, một loại thuốc nhuộm màu tím-đỏ thẫm có màu sắc và độ bóng không dễ phai mà sẽ trở nên sáng hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nó còn được gọi là màu lam tím hoặc màu tím biển và là màu chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh.

Màu tím trong Cựu Ước

Màu lam tím được tìm thấy xuyên suốt Kinh thánh Cựu ước và là một trong những màu được sử dụng để thờ phượng. Nó xuất hiện nhiều lần trong sách Xuất hành khi mô tả Lều tạm. Môisê được chỉ dẫn làm Lều tạm từ “mười tấm thảm bằng sợi gai mịn xe, vải đỏ tía, vải điều và vải đỏ thẫm” (Xh 26,1). Sau khi đã lấy tro khỏi bàn thờ và trải lên tấm vải điều (Ds 4,13), và Vua Salômôn đã ra chỉ thị trang hoàng Đền thờ Giêrusalem bằng những tấm vải màu tím (2Sb 3,14). Đó là một trong những màu sắc nổi bật thường được sử dụng cho lễ phục của linh mục, cùng với màu xanh và đỏ tươi.

Trong sách các Thẩm phán, màu tím là biểu tượng của vương quyền, các vị vua mặc quần áo có màu tím (Tl 8, 26). Trong sách Đaniel, Vua Benxátsa ngỏ lời rằng ai có thể giải thích được dòng chữ lạ trên tường sẽ được cho mặc “cẩm bào đỏ thẫm, đeo vòng vàng vào cổ; người ấy sẽ là nhân vật thứ ba trong vương quốc” (Dan 5,7). Cả Vua Đavít và Solomon đều mặc quần áo nhuộm màu tím hoàng gia.

Màu tím trong Tân Ước

Màu sắc thanh thế này đã được các nhân vật giàu có mặc trong Tân Ước. Trong dụ ngôn người phú hộ và Lazarô, người phú hộ “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” ( Lc 16,19 ).

Bà Lydia quê ở Thyatira được mô tả trong Công vụ Tông đồ là “người buôn vải điều”, là một thương gia giàu có buôn bán thuốc nhuộm tím và hàng vải để kiếm sống, đây rất có thể là một doanh nghiệp gia đình (Cv 16,14 ). Lydia người thành Thyatira, một thành phố công nghiệp ở Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), nổi tiếng với các cơ sở nhuộm và đóng vai trò trung tâm trong buôn bán vải tím. Bà là một phụ nữ sùng đạo, ngoại giáo, được Thánh Phaolô ca ngợi và là người đầu tiên trở lại đạo ở Châu Âu. Lydia động viên thánh Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài ở lại nhà của bà một thời gian dài với tư cách là khách của bà. Bà cũng có thể đã cho phép những người theo Kitô giáo địa phương sử dụng ngôi nhà của mình ở Philippi làm nhà thờ. Giáo hội coi bà là vị thánh bảo trợ của những người thợ nhuộm.

Áo choàng tím của Chúa Giêsu

Tài liệu tham khảo quan trọng nhất về màu lam tím được tìm thấy trong Phúc âm Marcô và Gioan. Một nhóm lính Rôma đã chế nhạo Chúa Giêsu bằng cách mặc cho ngài một chiếc áo choàng màu tím, đội một vòng gai trên đầu và chào Ngài là “Vua dân Do Thái” ( Mc 15,16–20 ).

Điểm thường bị bỏ qua là chiếc áo choàng họ khoác cho Ngài có màu tím. Các trình thuật Kinh thánh thường không có những chi tiết mô tả như màu sắc quần áo của ai đó. Nhưng trong một vài trường hợp nhất định thì chi tiết này được đưa vào vì nó gắn liền với ý nghĩa biểu tượng.

Chiếc áo choàng màu tím họ mặc cho Chúa Giêsu tượng trưng cho vương quyền của Ngài. Ngài bị đánh đòn và chế nhạo như vị vua (Ga 19,1–5 ). Cảnh tượng thật mỉa mai, vì những gì bọn lính nói về Chúa Giêsu và về bản thân Ngài đều là sự thật, mặc dù họ không nhận ra điều đó. Chúa Giêsu thực sự là Vua dân Do Thái và Ngài đáng được mọi người kính tôn.

Nhưng Chúa Giêsu là một vị vua hoàn toàn khác so với những gì người ta có thể tưởng tượng. Ngài không cai trị từ ngai vàng mà từ thập tự giá. Ngài là một vị vua đau khổ, vương quyền của Ngài được thể hiện qua sự đau khổ và cái chết của Ngài, theo sau là sự Phục sinh của Ngài vào ngày thứ ba. Vương quyền của Chúa Giêsu là duy nhất: Ngài cai trị bằng tình yêu cứu chuộc trên thập giá.

Màu tím trong Mùa Chay

Từ sự kiện đáng chú ý này, màu lam tím dần dần gắn liền với Cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Màu này tượng trưng cho sự hy sinh và hối cải, nó như lời mời gọi chúng ta nhận ra sự đau buồn vì tội lỗi và ăn năn về những việc làm sai trái của mình. Màu tím trở thành màu lý tưởng cho Mùa Chay. Nó nhắc nhở chúng ta về sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu và cũng gợi nhớ đến danh tính của Chúa Giêsu là Vua duy nhất, đích thực là vua trên các vua, Đấng ngự trị trong tâm hồn mỗi chúng ta.

Khi nhìn thấy màu này được dùng trong các nhà thờ vào Mùa Chay, chúng ta hãy suy ngẫm về những đau khổ của Chúa Giêsu và chuẩn bị đón nhận Ngài vào lòng chúng ta.

Võ Tá Hoàng

https://catholicstand.com