Mầu nhiệm phục sinh và đời sống tu trì

452

1. Các giáo xứ, các tu viện và Mầu Nhiệm Thương Khó. 

Theo Tân Ước mỗi lần loan báo cho các Tông Đồ về giai đoạn cuối đời, Đức Giê-su đều nói: “Con Người sẽ bị nộp trong tay người đời, sẽ bị các kinh sư và biệt phái giết chết, nhưng ngày thứ ba, người sẽ sống lại”.

Trong một số đoạn thuộc các thư của thánh Phaolô, ngài cũng đề cập đến Mầu Nhiệm Thương Khó và Phục Sinh. Ví dụ trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, người  viết: “Nếu kẻ chết đã không sống lại, thì Đức Kitô  đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng […] Nhưng không phải thế ! Đức Kitô đã trổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1Cr 15, 12-20).

Mặc dù Đức Giê-su và thánh Phao-lô đã nói rõ ràng về sự Phục Sinh như thế, nhưng nhiều thế kỷ trong lịch sử Hội Thánh, có thể nói Mầu Nhiệm Phục Sinh đã hơi bị quên lãng. Người ta nhắc nhiều đến Mầu Nhiệm Thương Khó hơn là Mầu Nhiệm Phục Sinh, nhất là trong đời sống đạo ở các giáo xứ. Thực tế đó có lẽ bắt nguồn từ thánh An-sen-mô. Vị thánh này đã có một quan niệm pháp lý về Mầu Nhiệm Cứu Độ. Theo Ngài, Đức Giê-su đã chịu chết là để gánh tội thay cho loài người và để đền bù tội lỗi của loài người. Sở dĩ Đức Giê-su phải chịu Thương Khó và phải trải qua những hình phạt đớn đau vì con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Không ai trong nhân loại có thể đền bù một cách tương xứng cho sự xúc phạm đó, vì mọi việc con người thực hiện đều chỉ có giá trị tương đối. Chỉ một mình Đức Giê-su, Đấng là Thiên Chúa, Đấng mà mọi việc đều có giá trị vô cùng mới có thể đền trả cho Thiên Chúa một cách cân xứng. Bởi đó, thần học của Hội Thánh nhấn mạnh đến sự Thương Khó, tới những đau đớn mà Đức Giê-su phải chịu. Cũng bởi đó, trong các giáo xứ, đã từ rất lâu, Mầu Nhiệm Thương Khó luôn nổi bật và được nhắc nhớ nhiều, nhất là trong các Mùa Chay Thánh.

Cụ thể là, tại nhiều giáo xứ, cứ vào Mùa Chay là giáo dân bắt đầu thay cung đọc kinh có tính cách hân hoan thành cung trầm và hơi buồn thảm hơn mọi khi. Họ đọc kinh cầu chịu nạn. Họ Thường xuyên đi đàng thánh giá, nhất là vào các ngày thứ sáu. Họ cũng thường đem đọc các suy niệm về Cuộc Thương Khó, đặc biệt là ngắm các bản kinh nói về việc Đức Giê-su chịu Thương Khó, thường được gọi là Ngắm 15 Sự Thương Khó hoặc Ngắm Rằng, Ngắm Dấu Đinh. Nhiều nơi, các ngày thứ Hai thứ Ba thứ Tư Tuần Thánh, mỗi ngày đều có các cá nhân lần lượt lên Ngắm 5 hoặc 15 Sự Thương Khó, ngày thứ Sáu thì Ngắm Dấu Đinh rồi hôn kính Thánh Giá, ngày thứ Bảy thì Ngắm Rằng hoặc diễn lại cuộc tháo đinh Chúa từ Thánh Giá và rước tượng Chúa đến nơi an táng. Đó là những việc và những kinh thuộc nền đạo đức bình dân.

Suốt Mùa Chay và đặc biệt trong Tuần Thánh, bầu khí trong giáo xứ đầy vẻ u sầu buồn thảm, nhưng từ lễ tối thứ Bảy, mừng Mầu Nhiệm Phục Sinh và trong các tuần lễ Mùa Phục Sinh,  giáo xứ dần trở lại bầu khí và nhịp sống bình thường của những tuần lễ trước Mùa Chay. Mầu Nhiệm Phục Sinh lúc này chỉ còn  được nhắc đến qua việc đọc hoặc hát kinh Vinh Danh trong thánh lễ và bằng các tiếng “Alleluia” ở cuối một số kinh đọc hoặc câu hát.

Đó là sinh hoạt trong các giáo xứ. Còn các tu sĩ và tu sinh – tức là những người sống trong tu viện – thì khác giáo dân ở giáo xứ, nghĩa là họ thường không đọc hoặc không ngân nga các Ngắm Thương Khó, Ngắm Rằng, cũng không đọc kinh theo cung giọng buồn thảm giống như giáo dân bên ngoài tu viện.

2. Các tu sĩ và tu sinh với Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Như vừa nói, vì không sống với giáo dân ở các giáo xứ, nên đa số tu sĩ hoặc tu sinh cũng thường không sống những sinh hoạt của giáo xứ liên quan đến việc suy niệm hay hát ngắm về mầu nhiệm thương khó. Đối với Mầu Nhiệm Phục Sinh thì sao? Có thể nói so với giáo dân, thì các tu sĩ gần hơn với Mầu Nhiệm Phục Sinh, theo nghĩa là họ được học về Mầu Nhiệm ấy nhiều hơn, nhất là trong các năm thần học, vào những năm cuối giai đoạn Đại chủng viện hoặc Học viện. Có nhiều giáo trình đề cập về Mầu Nhiệm Phục Sinh một cách đầy đủ và sâu sắc. Nhiều tác giả trong các thế kỷ trước cũng như nhiều sách xưa và nay nói về Mầu Nhiệm Phục Sinh được trình bầy cho các thầy Đại Chủng Viện hoặc các thầy, các sơ  Học Viện. Về mặt hiểu biết, nhờ Phụng Vụ chính thức của Hội Thánh, chắc chắn các thầy có điều kiện đạt tới mức độ cao hơn so với bậc giáo dân.

Nhưng được học là một chuyện, hiểu được Mầu Nhiệm ấy lại là chuyện khác. Nhất là hiểu là một chuyện, còn sống Mầu Nhiệm ấy lại là chuyện khác.

3. Sống Mầu Nhiệm Phục Sinh trong đời tu trì.

Các tu sĩ sống Mầu Nhiệm Phục Sinh thế nào? Về điểm này, có thể nói có hai hạng tu sĩ và nơi mỗi tu sĩ, cũng có thể có hai giai đoạn xen lẩn với nhau, giai đoạn sống Mầu Nhiệm Phục Sinh và giai đoạn không sống Mầu Nhiệm ấy cũng như Dân Do Thái xưa, ta tạm hình dung như thế: sau Xuất hành và băng qua Biển Đỏ, có hạng người Do Thái thỉnh thoảng quay về Ai Cập trở lại, có hạng tiếp tục đi trên con đường sa mạc đến cùng, đến khi đạt đất hứa. Các tu sĩ cũng thế, họ đã xuất hành một cách chính thức khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nhất là khi long trọng và công khai tuyên khẩn các lời khuyên Tin Mừng, trở nên thành viên của Hội Thánh hoặc của một Hội Dòng. Nhưng không phải tu sĩ nào cũng sống Mầu Nhiệm Phục Sinh và không phải lúc nào họ cũng sống Mầu Nhiệm ấy. Giống như người Do Thái xưa, khi quay về lại Ai Cấp hoặc dừng lại trên đường sa mạc và bỏ cuộc, có khi đi tiếp con đường sa mạc, nghĩa là tu sĩ bền đỗ sống Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Tu sĩ không sống Mầu Nhiệm Phục Sinh khi họ quay về với tinh thần thế gian, không quảng đại từ bỏ hy sinh, trái lại để cho các giá trị thế gian chi phối và có thể nói định hướng cho đời mình. Đó là điều ta có thể nhận thấy lúc này lúc khác nơi một tu sĩ, lúc họ nhiệt thành làm môn đệ Đức Kitô, lúc họ chán nản, có những biểu hiện tiêu cực trong việc bắt chước Đức Kitô. Ngược lại các tu sĩ sống Mầu Nhiệm Phục Sinh khi sống các lời khuyên Tin Mừng là khó nghèo, khiết tịnh, và vâng lời. Sống như thế, theo con mắt thế gian là đau khổ, thiệt thòi, đi trên con đường hẹp, nhưng không phải là để tâm hồn bị héo hắt, cũng không phải là để mãi mãi dừng lại trong Mầu Nhiệm Thương khó, mà là để đạt tới Mầu Nhiệm Phục Sinh và niềm vui của Mầu Nhiệm ấy.

Như đã nói ở trên, đời sống và sinh hoạt của Hội Thánh có vẻ như tách rời Mầu Nhiệm Thương Khó và Mầu Nhiệm Phục Sinh qua việc Hội Thánh chú tâm và đề cao Mầu Nhiệm Thương Khó trong thời gian Mùa Chay, rồi từ lễ Phục Sinh, Hội Thánh như chia tay với bầu khí buồn thảm của Mùa Chay và bước vào bầu khí hân hoan hơn của Mùa Phục Sinh. Thế nhưng trong thực tế, Hội Thánh không tách lìa hai Mầu Nhiệm và cũng không muốn giáo dân và tu sĩ tách rời Mầu Nhiệm Thương Khó khỏi Mầu Nhiệm Phục  Sinh. Phải nói Thương khó và Phục Sinh là hai mặt của cùng một Mầu Nhiệm. Phục Sinh gắn liền với Thương Khó, cũng như sống lại gắn liền với sự chết, với hy sinh. Đã có Thương Khó thì nhất thiết sẽ có Phục Sinh, cũng như để đạt tới Phục Sinh, nhất thiết phải đi qua Thương Khó. Ý thức hay không ý thức, đời sống tu trì luôn nằm trong hai Mầu Nhiệm ấy, cũng là trung tâm và nền tảng của đời sống Kitô Hữu và đời sống tu trì.

Mọi lúc, các tu sĩ sống Mầu Nhiệm Thương Khó nhưng họ cũng là những người luôn luôn tràn ngập niềm vui sâu xa trong tâm hồn. Càng hy sinh, từ bỏ, càng chìm sâu trong Mầu Nhiệm Thương Khó, họ càng đầy tràn niềm vui trong tâm hồn và đời sống. Đại đa số các tu sĩ trong thời gian Nhà Tập đều cảm nghiệm một niềm vui đặc biệt, khiến tâm hồn họ bình an, nét mặt họ hân hoan, vì càng gần Chúa, càng gắn bó với Chúa, người ta càng có niềm vui.

Vậy đời tu là đời sống thể hiện Mầu Nhiệm Khổ Nạn Phục Sinh, minh chứng về niềm vui khi từ bỏ, minh chứng về sự sống mãnh liệt khi chấp nhận chết đi cho con người xác thịt, cho các giá trị thế gian. Đời tu, như người ta định nghĩa, là  ‘‘dấu  chỉ của Nước Trời’’, vì qua người tu sĩ đích thực, người thật sự sống Mầu Nhiệm Phục Sinh, người ta thấy ảnh hưởng sâu đậm của Nước Trời, qua họ, người ta như được trông thấy Nước Trời, được trông thấy Đức Giê-su sống động và đang sống những giá trị của Nước Trời.

Đó là một diễm phúc lớn lao của đời tu, mà cũng là một ơn gọi, một sứ mạng cao cả của các tu sĩ trong Hội Thánh: mỗi tu sĩ đều được mời gọi trở nên chứng nhân cho Nước Trời, trở nên hiện thân của Đức Giê-su, qua chính con người hy sinh từ bỏ trong hân hoan và qua chính nét mặt bình an hạnh phúc thật sự của mình.

Nguồn : trích từ tập san « Nhịp Cầu Thánh Hiến và Mục Vụ » số 20 của Ban Tu Sĩ Giáo Phận Qui Nhơn.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt, CSsR