1-Tiếng nói từ những ngôi mộ
Tháng 11 kết thúc năm phụng vụ, cũng là tháng của Đức Ái, của lòng Hiếu thảo. Hội Thánh mời gọi cách riêng mọi tín hữu tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ, những người thân yêu và mọi người đã vĩnh biệt ra đi đang an nghỉ trong tay Chúa, chờ ngày phục sinh. Mỗi lần chúng ta đến nghĩa trang viếng mộ, tuy mọi ngôi mộ đều nằm im lặng trong không gian cô đơn tĩnh mịch, nhưng từ các ngôi mộ đều vang lên một tiếng nói không âm thanh : “Ta xưa cũng như ngươi. Ngươi sau cũng như ta”…! Tiếng nói thầm kín của ngôi mộ tuy êm đềm nhưng mãnh liệt thôi thúc lòng trí chúng ta hãy ghi nhớ một chân lý cuộc đời : Trong hết mọi sự, tiên vàn hãy nghĩ đến cùng đích đời mình.
Thật vậy, cuộc đời là một chuyến đi. Vừa sinh ra chào đời, con người đã nhịp bước theo thời gian và khởi sự cuộc hành trình trần thế của mình. Mỗi ngày qua đi như một bước chân ra đi, đi mãi như chuyến tàu chạy suốt không bao giờ trở lại. Thời gian trôi mau như “bóng câu qua cửa sổ, như bông hoa sớm nở chiều tàn”, từng bước nó dẫn đưa đời người về cùng đích là giờ chết. Khi vừa chào đời, con người đã mặc lấy “bản tính của sự chết” và đã đủ điều kiện để đón chào thần chết. Trên đời, chẳng ai có kinh nghiệm về sự chết, chúng ta chỉ là những kẻ chứng kiến sự chết mà thôi. Tuy nhiên thần chết luôn ở bên cạnh mình và sẵn sàng đón chào từng người không biết ngày giờ nào. Cuối cùng, cuộc đời kết thúc : “Con người tay trắng ra đi, cát bụi về với cát bụi, trần gian chỉ là quán trọ, một chỗ dừng chân”! Vậy đâu là chân giá trị của đời người ?
Thiên Chúa phán: “Nào ta dựng nên con người giống hình ảnh ta” (St.1,26-27). Sự sống của con người là nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng tội tổ tông đã khiến con người bị lầm đường lạc lối, ham danh chuộng lợi, nghiêng chiều về tội, hậu quả là sự chết. Vì yêu thương, Thiên Chúa luôn tỏ ý cứu vớt con người, không muốn nó phải chết đời đời. Giáo lý Công giáo đã dạy : “Thiên Chúa tạo dựng con người để nó được thông phần vào sự sống vĩnh cửu của Chúa. Thiên Chúa đã đến kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm, nhận biết và hết lòng yêu mến Người. Thiên Chúa muốn triệu tập mọi người đã bị tội lỗi phân tán để đưa về hợp nhất thành một đại gia đình là Hội Thánh. Đến thời viên mãn, Thiên Chúa sai Người Con xuống thế làm người cứu độ trần gian, để “trong và nhờ” Người Con ấy, loài người được trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và nhờ đó họ được thừa kế đời sống hạnh phúc vĩnh cửu…” ( GLCG, 1) Khi đi rao giảng, Chúa Giêsu-Kitô đã phán : “Ai tin vào Ta sẽ không bao giờ phải chết” ( Jn.11,26 ). Thánh sử Gioan đã viết : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người Con thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16). Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Giêsu-Kitô là Trưởng Tử của Thiên Chúa Cha, là Đường, Sự Thật và Sự Sống. ( Jn.14, 6 ) và là Đầu của Hội Thánh.
2- Hội Thánh lữ hành trần thế : Giáo Hội Chiến Đấu
Hội Thánh tại thế là cộng đoàn những kẻ tin, là nơi đón nhận tất cả mọi người đến cư ngụ để được nên thánh nhờ ơn sủng Chúa. Nhờ phép Rửa tội và Thêm sức, mọi người thuộc về Chúa Kitô, lãnh nhận Chúa Thánh Thần, hợp thành một Giáo Hội duy nhất liên kết trong Chúa Kitô là Đầu. Tuy vẫn còn mang khuôn mặt chóng qua ở đời này, Giáo Hội được trang điểm bằng sự thánh thiện, nhưng chưa được vẹn toàn. Hội thánh lữ hành chỉ được nên vẹn toàn trong vinh quang trên trời vào thời gian viên mãn, khi mọi sự được đổi mới trong Đức Giêsu-Kitô ( Ep.1, 4-10 ). Bởi lẽ, ở giữa thế gian với các thụ tạo còn đang rên siết mong chờ ngảy vinh quang (Rm,8,19-22), Giáo Hội lữ hành sống giữa bóng tối chen lẫn ánh sáng, giữa bao thử thách gian truân, giữa những cạm bẫy của ba thù, như thánh Phêrô đã kêu gọi : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử gào thét tìm mồi cắn xé” (1Pr. 5, 8-9). Thánh Phaolô đã nói : “Anh em hãy mang lấy sức mạnh của Thiên Chúa để dứng vững trước mọi mưu đồ của ma quỷ, hãy chiến đấu với quyền lực thống trị của thế giới tối tăm…”(Ep. 6,10-14). Khi Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi rao giảng, đã căn dặn : “Thầy sai anh em ra đi nhu con chiên ở giữ sói rừng”. Bởi vậy, sống đức tin là cuộc chiếm đấu với ba thù, làm chứng nhân cho Chúa Kitô, sống hiệp thông đức ái trong Chúa Kitô. Vì đức công bằng, đến ngày cánh chung, mọi người sẽ trình diện trước vuơng quyền Vua Giêsu để được phân chia rõ chiên và dê…Công Đồng Vatican II định nghĩa : Trong khi mong đợi Chúa đến trong vinh quang, có các thiên thần hầu cận (Mt. 25, 31) và chờ ngày muôn loài quy phục Người sau khi sự chết bị tiêu diệt, trong số các môn đệ Chúa, có những người đang còn lữ hành nơi trần gian, có những người đang còn được thanh luyện sau khi hoàn tất cuộc sống, có những người đang được hạnh phúc vinh quang, chiêm ngưỡng tỏ tường Thánh Nhan Thiên Chúa Ba Ngôi hằng hữu. Tất cả mọi người, tùy cấp độ cách thức khác nhau, đều chia sẻ chung một lòng mến Chúa yêu người, cùng hát một bài chúc tụng vinh quang Thiên Chúa ( LG. VII, 48-51). Như vậy, mầu nhiệm hiệp thông Hội Thánh có ba trạng thái. Trong kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ, Hội Thánh tuyên xưng : “…Tôi tin Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công….” Trong Thánh Lễ an táng, Hội Thánh tung hô : “…Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi. Và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời.” (Kinh Tiên Tụng I)
3- Giáo Hội Vinh Quang : Thật đẹp đẽ và đầy ý nghĩa, lễ mừng Các Thánh Nam Nữ trên trời được cử hành vào ngày đầu tháng 11 như lời mời gọi mọi người hãy ngước nhìn trời cao, “Hãy mau đến với các anh em đang chờ đợi chúng ta” (Thánh Bênađô). Chiêm ngắm các Thánh Nam Nữ sẽ khơi dậy trong tâm hồn chúng ta niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh cửu.
Cùng với Mẹ Maria và các thiên thần, các thánh trên trời đang hân hoan hưởng ngày “Hội Vui Muôn Thuở” trước tòa Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế. Các ngài là đoàn người được cứu chuộc, thuộc mọi chi tộc, mọi quốc gia ngôn ngữ. Xưa kia các ngài cũng là những con người xác thịt trần thế, được sinh ra và có cuộc sống ở đời này như chúng ta. Nhưng nay các ngài là đoàn người đến từ thử thách gian truân, đã giặt và tẩy sạch áo trắng bằng máu Con Chiên (Kh. 7,19). Các ngài là đoàn người đông vô kể, không thể đếm được, thuộc mọi dân mọi nước, đứng trước Ngai Tòa Con Chiên, mặc áo trắng, tay cầm cành thiên tuế (Kh.7,10). Các ngài đã bước theo Chúa Kitô mời gọi, đã sống mối tình muôn thuở mến Chúa yêu người, là muối là men cho đời, là nén bạc được chôn giấu nay được tìm thấy. Các ngài là những người được Thiên Chúa Cha chúc phúc cho vào hưởng gia nghiệp đã có từ đời đời : “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống…v.v…” (Mt.25, 26-31). Các ngài là những đầy tớ trung tín, là những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón chàng rể, là những người bước vào qua cửa hẹp… và các ngài đã cùng đồng hành sánh vai với Chúa Kitô, cùng sống, cùng chết với Chúa và cùng được phục sinh vinh quang với Người. Thánh Bênađô đã phải tung hô lên rằng : “Mỗi khi tưởng nhớ đến các ngài, tôi cảm thấy bừng lên một khát vọng mãnh liệt”. (Bài giảng lễ Các Thánh). Trên trời cao, cùng với Mẹ Maria và các thiên thần, nhờ càng kết hợp mật thiết với Đức Kitô hơn nữa, các thánh không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên tòa Chúa. Như thế các ngài càng giúp cho Giáo Hội Tại Thế thêm vững mạnh trong sự thánh thiện, càng nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta trong tình hiệp thông huynh đệ.
4-Giáo Hội đau khổ : Các linh hồn nơi luyện tội
Tất cả mọi người đã liên kết với Chúa Kitô là Đầu trong một Thân Thể nhiệm mầu duy nhất, mọi chi thể đều ăn khớp với nhau và Người đã làm cho toàn Thân Thể ấy lớn lên, được xây dựng trong đức ái huynh đệ. (Ep. 4,16). Do đó, vì đã ý thức rõ sự hiệp thông của Hội Thánh Tại Thế và các linh hồn không bị gián đoạn, nên ngay từ buổi sơ khai, Giáo Hội Tại Thế luôn tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời. (x. các kinh nguyện Thánh Thể). Bởi lẽ, việc cầu nguyện cho người quá cố để họ được sớm giải thoát khỏi tội là ý nghĩ rất tốt đẹp (2Mac. 12, 45-46). Các linh hồn chỉ còn trông nhờ vào công phúc lập được của mọi người còn sống trên trần gian, như của lễ hiến tế nguyện cầu Chúa xót thương. Tháng 11 mời gọi mọi người sống tình liên đới, cách riêng hiếu thảo với các bậc tiền bối đã ra đi. Các người quá cố cũng là con cái của Chúa, đã an nghỉ trong tay Chúa, nhưmg chưa được vẹn toàn, đang cần được thanh luyện. Đặc biệt tháng 11, Hội Thánh mở kho hồng ân để chúng ta tích cực làm việc lành hy sinh đền bù thay cho các linh hồn, nhất là những lời cầu nguyện và dâng Thánh lễ cầu xin Chúa xót thương sớm đưa các linh hồn sớm về dự bữa tiệc vui muôn thuở. Thánh Gioan Phaolô II cũng kêu mời : “Chúng ta được mời gọi tưởng nhớ và cầu nguyện cho mọi người qua đời, dù tin hay không, dù thuộc về hay ở ngoài Giáo Hội..” (Thư gửi Đức Cha Raymon Sagi). Khi các ngài được về trời, các ngài lại bầu cử trước tòa Chúa cho chúng ta.
Vậy, tháng 11, chúng ta hãy mượn lời Chúa Giêsu mạc khải cho Chị Consolata để cầu nguyện: GIÊSU- MARIA- GIUSE, con yêu mến Chúa, xin cứu rỗi các linh hồn. Amen.
Dusinh Nguyên