Mắt thấy tai nghe (Thứ Năm tuần 16 Thường niên)

118

Lời Chúa: Mt 13, 10-17

The Lord's Prayer10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? “11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

Suy niệm

Trong ái tình, có một thứ ngôn ngữ thật tinh tế và hiệu quả đó là “ngôn ngữ không lời”, âm thanh ấy phát xuất từ lý trí, từ sâu thẳm của trái tim, hòa quyện giữa hai tâm hồn. Chẳng biết đúng, sai thế nào, cổ nhân cho rằng : gái ham tài, trai ham sắc, hoặc đôi tai người nữ sẽ bị “siêu lòng” bởi sự ngọt ngào, đôi mắt người nam có thể gục ngã chỉ vì sắc đẹp. Không phải chỉ dừng lại ở thấy và nghe, ở tình yêu đôi lứa, mà qua kinh nghiệm, người ta vẫn dùng sự ngọt ngào để chinh phục cuộc sống, lấy sự trìu mến nhằm xoa dịu nỗi trống vắng cô đơn làm cản trở hạnh phúc.

Các môn đệ của Đức Giêsu hôm nay thắc mắc vì sao Thầy lại dùng dụ ngôn để nói về “tình yêu”, về “Mầu nhiệm Nước Trời”; và các ông đã được lý giải vì “tai và mắt” của người đời chỉ thích thấy và nghe những sự dưới đất. Có nhiều cách diễn ta, khơi dạy, thức tỉnh lòng người, nhưng trên hết, người ta dễ đón nhận hơn cả là tấm lòng thành, không quanh co mưu mẹo. Người chia sẻ và người lãnh nhận chỉ mãn nguyện trong “nhịp yêu thương”, khi một bên biết lắng nghe, một bên không ngần ngại xả thân phục vụ.

Chúa Giêsu không chỉ cho các học trò, cho chúng ta nghe “lời ngọt ngào”, thấy vẻ đẹp của tiền nhân, của các ngôn sứ được ghi chép trong “sách thánh”; mà chính Con Thiên Chúa đầy quyền năng và tình yêu thương đang hiện diện ở giữa nhân loại. Chúa Giêsu nhắc lại lý do lòng người chai đá, sử dụng tự do của mình mà bịt tai, nhắm mắt làm ngơ trước lời kêu gọi của tiên tri Isaia, nên người ta không thể hiểu được “Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa”.

Khi sử dụng dụ ngôn để nói về “Nước Trời”, Chúa Giêsu đã hòa nhập tập tục và truyền thống tiền nhân để làm sáng tỏ hơn về giá trị của TÌNH YÊU THIÊN CHÚA. Và chỉ những ai biết sử dụng “tai, mắt tâm hồn” mới hiểu, và nhận ra Đức Giêsu là ơn cứu độ được ban tặng cho thế giới loài người. Cách diễn tả bằng dụ ngôn, là thứ ngôn ngữ nói với người trong cuộc, những người ở trong dòng tộc được Thiên Chúa tuyển chọn, được ký kết qua trung gian Môisê.

Để nghe, thấy, hiểu dụ ngôn, cần có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và đức ái huynh đệ; các môn đệ đã chấp nhận vào cộng đoàn những kẻ tin Đức Giêsu nên các ông hiểu “Mầu nhiệm Nước Trời”. Những kẻ ở bên ngoài, vì kiêu hãnh, vì “mắt và tai” họ quen nhìn và nghe những âm thanh của thế gian, của quyền lực thống trị, do đó, các luật sĩ Biệt phái khi đọc, nghe, các dụ ngôn, đối với họ chỉ là những bí ẩn khó hiểu.

Hoàn cảnh nào, thời đại nào, tai, mắt, và óc não con người cũng cần hòa nhịp với nhau để tiếp nhận những giá trị thiết thực cho cuộc sống hiện tại của mình. Mắt hướng về cảnh đẹp, tai nghe những âm thanh hạnh phúc, đó là thao thức của con người tự nhiên; nghe và hiểu được “Mầu nhiệm Nước Trời” đúng là người có phúc, người biết sử dụng ơn ban của Chúa cách trọn vẹn hơn. Amen.

Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc