Mặt Nạ Halloween

229

Mặt nạ vừa thật vừa giả, giống như ánh sáng và bóng tối luôn xen lẫn nhau. Không biết đâu là thật và cũng chẳng hiểu đâu là giả, nếu chỉ thoáng qua theo số đông không cần suy xét. Thật giả như Chúa Giêsu xác định: “Sự khôn ngoan được biện chính nơi công việc mình làm” (Mt 11,19b).

Giả xen vào thật.  

Trái với định luật thông thường, ở đâu có ánh sáng thì không có bóng tối. Thế nhưng, có những việc xấu, đáng hổ thẹn rõ như ban ngày nhưng lại mang vào chiếc mặt nạ bằng những ngôn từ bóng bẩy, đẹp đẽ, mỵ dân. Những bóng tối từ những bàn tay sau lưng thật đáng sợ vì biết bao thủ đoạn để sát hại người công chính, ngay thẳng, những người dám nói lên sự thật và liều chết cho sự thật.

Những lời dụ dỗ ngon ngọt, những hào nhoáng bên ngoài, phủ che những gian lận, tham lam, đánh lừa người khác lọt bẫy. Những giọng điệu khôn khéo gài bẫy những lòng tham của người khác vào tròng rồi chuồn mất. Biết bao kiểu lừa, không thể hoặc ít khi khám phá ra nổi sự gian tà ẩn sau những điều tốt đẹp. Chúa ví như mồ mả tô vôi (Mt 23, 27).

Chiếc mặt nạ thành tích, địa vị, danh vọng… mang dấu ấn của giả dối, che đi những yếu nhược, lối sống giả nhân, giả nghĩa. Nói và làm trái ngược nhau, che giấu khôn ngoan không dễ ai được biết, đóng phim, đóng kịch, lên sóng nhiều lần, phát đi phát lại, như nguyên tắc: “nói dối được nói đi, nói lại, phát đi nhiều lần, sẽ khiến người khác tin đó là sự thật”. Một sự thật ảo tưởng thường được sử dụng để làm những quảng cáo. Dù cũng ý thức nó không thật, nhưng vẫn bị chi phối bởi những gì quen thuộc. Ví như câu nói: “Tôi biết nó mà! không hiểu nó lại lừa dối tôi như vậy?. Không ngờ và không tưởng luôn gặp trong cuộc sống hằng ngày.

Nụ hôn của Giuđa là một biểu hiện rõ ràng cho chiếc mặt nạ biểu lộ thương mến trong vỏ bọc của giả dối. William Barclay nói rằng: “Giuđa giấu tấm lòng của một con quỉ dưới hành vi, cử chỉ của một ông thánh”.

Mặt nạ của người thâm hiểm cũng bình tĩnh, không phản ứng ngay, nhưng lại nuôi ý định trả thù về sau.

Sự khôn ngoan biện chính bằng việc làm.

Thật nhưng phải đeo mặt nạ để tránh sự tàn độc. Phong trào đeo mặt nạ tại Hong Kong cho ta biết điều này. Bởi vì những người này tránh bị từ Camera nhận diện qua khuôn mặt tránh kẻ ác trấn áp, bắt cóc, hãm hiếp và giết chết cách bí mật.

Mặt nạ của những chú hề nói đến một sự thật đau lòng hơn, khi mua vui cho người mà chính mình còn mang bao nỗi oan khiên, buồn đau.

Mặt nạ của những lối sống ảo, nhốt người ta trong cô độc và trầm cảm. Hãy rời xa những mạng xã hội ảo, những biểu tượng cảm xúc vô hồn, để sống thật với nhau hơn, gặp gỡ và đối thoại hơn là qua công nghệ.

Vâng phục và mang lấy.

Không cần mặt nạ mà là trở nên, đồng hình, đồng dạng với con người đau khổ, tội lỗi, nghèo khổ, cùng đinh, chịu bóc lột, cường bạo.

Chúa Giêsu là Đấng vô tội đã trở nên tội nhân vì chúng ta, trở nên “giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi” (Pl 2, 6 7; Dt 4, 15). Không giống như mặt nạ mà là trong vâng phục Người đã mang lấy thân phận con người như chúng ta, để cứu chúng ta. Có biết bao vĩ nhân, những con người đã cảm thông với những đau khổ của đồng loại, đã tự nguyện hy sinh những cao vọng để dấn thân nơi dấn thân vì người nghèo. Như Đức cha Jean Cassaigne Hạt Đại Diện Tông Toà Sài Gòn, sống và chết với người phong tại Di Linh. Như Mẹ Têrêsa Cacutta sống với người nghèo trở nên như người nghèo. Như nhiều chứng nhân sống động khác.

Mang lấy khuôn mặt nhân hậu với tấm lòng quảng đại đời mình. Truyền thông hỏi Chuck Feeney, vì sao ông lại quyên góp hết gia tài của mình? Câu trả lời của ông đơn giản và ngoài dự đoán của mọi người! Ông nói: “Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi”. Thật đơn giản như những nhà tỷ phú cũng đã từng nghĩ như vậy để chia sẻ tài sản mình cho người khác như Bill Gates, như Warren Buffet.

Những tấm lòng cao cả không kể hết từ những hy sinh của cha mẹ lam lũ, vất vả làm nên những người con trưởng thành nhân cách, hy sinh cho người, dấn thân cho đời.

“Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia” (Cl 3,12).

Ước ao có nhiều người mang lấy hình ảnh của Chúa, sẻ chia với những con người đau khổ, nghèo khó, biết nghĩ đến người khác hơn là mình, và giống Chúa Giêsu mỗi ngày:

“Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa,

nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được

chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.

Song Ngài đã hủy mình ra không,

là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,

trở thành giống hẳn người ta;

đem thân đội lốt người phàm,

Ngài đã hạ mình thấp hèn,

trở thành vâng phục cho đến chết,

và là cái chết thập giá!

(Thư Dt, 2, 6 – 8)

Lm Giuse Hoàng Kim Toan