GÓC SUY TƯ ĐỨC MARIA Maria, một cái tên hợp nhất

Maria, một cái tên hợp nhất

SHAHRZAD HOUSHMAND ZADEH
Trong thế giới Kitô giáo, Đức Maria mang các tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, Trinh Nữ, Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lên Trời, Thánh Thiện, Diễm Phúc và Mẹ có tầm quan trọng rất lớn trong tâm hồn của người tín hữu. Nghệ thuật và tâm linh từ hai nghìn năm qua được nuôi dưỡng bởi vẻ đẹp của Mẹ.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là lòng tôn kính Mẹ đối với những người Hồi giáo trên thế giới và sự hiện diện đặc biệt của Mẹ, nếu không muốn nói là duy nhất, trong kinh Koran.
Có hàng trăm đền thờ Hồi giáo được đặt theo tên của Đức Maria, ở Châu Á, Châu Phi và ở các châu lục khác, bởi người Sunni hoặc người Shiite. Hằng năm ở Pakistan, người ta tổ chức một cuộc hành hương với sự tham gia của hàng trăm nghìn phụ nữ và đàn ông, già trẻ, Kitô hữu, Hồi giáo và Ấn giáo vào dịp lễ 8 tháng 9, lễ Sinh nhật của Đức Trinh Nữ. Họ tuôn đến đền thờ Mariamabad, thành phố của Đức Maria, sánh bước bên nhau, ca hát, nhảy múa và cầu nguyện cùng nhau.
Các phụ nữ Hồi giáo khi chuyển dạ hoặc sinh nở họ đọc chương 19 của kinh Koran có tựa đề Maria và nói về Mẹ. Hàng nghìn thiếu nữ hồi giáo được gọi với cái tên là Mariam, tên của Đức Maria trong tiếng Arập.
Vẻ đẹp và sự thuần khiết của Đức Maria là lý do để các nhà thơ Ba Tư hoặc Arập soạn tác.
Rumi, một nhà thơ thần bí người Ba Tư, thế kỷ 13, giới thiệu Đức Maria như ánh sáng để noi theo. Ông so chiếu trong cuốn sách chiều sâu nội tâm, nỗi đau của Mẹ khi sinh nở, khi Mẹ cảm thấy đau buồn và bị ruồng bỏ với nỗi đau của linh hồn trên hành trình tâm linh để tìm kiếm Thiên Chúa bằng những lời dưới đây:
“Thân thể giống như Đức Maria. Mỗi người chúng ta đều có Chúa Giêsu trong mình, nhưng một khi chúng ta chưa cảm nghiệm được nỗi đau này trong mình thì Chúa Giêsu của chúng ta vẫn chưa được sinh ra. Nếu nỗi đau này không bao giờ đến, thì Chúa Giêsu trở về nguồn gốc của mình bằng chính con đường mà Ngài đã đến cách kín đáo, để lại cho chúng ta sự hoang vắng và không có bất kỳ điều gì của ngài”.
Theo trình thuật kinh Koran, Đức Maria khi còn rất trẻ đã chọn ánh sáng: “Hãy nhớ đến Maria, khi Mẹ rời xa gia đình đến một nơi ở phương Đông”, sharqiyyan (Koran 19:16).
Từ sharqi có nghĩa là phương Đông. Và phương Đông của Đức Maria là con tim kín ẩn của Mẹ; truyền thống cho rằng tâm hồn của người tín hữu là ngai của Thiên Chúa, Mẹ Maria là bí mật của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là bí mật của Mẹ.
Sau khi đã chọn con đường của mình, Mẹ đã xây dựng lầu đài nội tâm một thời gian, để suy niệm và hưởng nếm ánh sáng nội tại: “Mẹ đã giăng một tấm màn giữa mình và người khác” (Coran 19,17). Để chiêm ngắm sự vĩnh cửu và gặp gỡ Thiên Chúa dấu yêu của mình bằng những diễn tả đẹp đẽ nhất của Mẹ: “Những danh xưng đẹp nhất chính là Ngài, hãy cầu khẩn Ngài qua những danh xưng này” (Koran 7,180).
“Ngài là Đức Chúa. Không có Chúa nào khác ngoại trừ Ngài, Đấng thấu suốt điều hữu hình và vô hình. Ngài là Đấng Xót thương, từ bi. Ngài là Thiên Chúa! Không có Chúa nào khác ngoài Ngài. Ngài là Vua, Đấng Thánh, Đấng Hòa bình, Đấng Bảo vệ, Đấng Toàn năng, Sức Mạnh, Đấng Uy nghiêm, Đấng Cao cả, là Khởi Đầu của tất cả, Sáng tạo tất cả, những danh xưng đẹp đẽ nhất chính là Ngài. Vạn vật trên trời dưới đất ngợi khen Ngài. Ngài là Đấng Toàn năng, Đấng Thông Sáng” (Koran 59:22-24).
Ngày nay, hơn bao giờ hết, Đức Maria là ngọn lửa hiệp nhất giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo.
Chúng ta đang sống trong một thời điểm lịch sử rất đặc biệt, một mặt Trái đất đã trở thành một ngôi làng toàn cầu; mặt khác sự mất cân đối trong việc phân phối các nguồn tài nguyên ngày càng lớn. Trong bài phát biểu trước những người tham gia hội nghị “Triển vọng cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị toàn diện” vào ngày 10 tháng 11 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Các mối quan hệ quốc tế không thể bị chi phối bởi sức mạnh quân sự, bởi sự đe dọa lẫn nhau, bởi sự phô trương các kho vũ khí chiến tranh. Vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí nguyên tử, không tạo ra gì ngoài cảm giác an toàn giả dối và không thể xây nền cho sự chung sống hòa bình giữa các thành viên của gia đình nhân loại, mà thay vào đó phải được truyền cảm hứng từ một nền đạo đức liên đới”.
Đứng trước vực thẳm này, Mẹ Maria thực sự là vũ khí mạnh mẽ nhất của sự hiệp nhất và hòa bình, cháy lên để soi đường cho các thành viên trong gia đình nhân loại, và truyền cảm hứng cho một nền đạo đức liên đới.
Đối với người Kitô hữu và Hồi giáo, Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng được sinh ra từ sự can thiệp trực tiếp của Chúa Thánh Thần. Với kinh Coran Mẹ còn là một trinh nữ, là mẫu gương cụ thể về đức tin và lòng trung thành, cho tất cả mọi người và mọi thời đại (Koran 66,12). Mẹ là người có phúc, thánh thiện, tự do, Vô nhiễm, thầy dạy của tiên tri Zacaria trong thời đại của Mẹ” (Koran, 3,37).
Mẹ là người nữ duy nhất có tên trong toàn bộ bản văn thánh của người Hồi giáo! Có lẽ đó là một mầu nhiệm được bảo tồn, chính xác cho thời đại chúng ta, có thể nói, đây là một kiểu hiện ra của Đức Maria trong kinh Koran.
Đoạn kinh Koran rất ý nghĩa về Đức Maria chỉ cho mọi người thấy Mẹ như ánh sáng rực cháy của sự hiệp nhất khi được trình bày như mẫu gương cho mọi tín hữu thuộc mọi thời đại. Đây là một người nữ! Maria! Và kinh Koran giải thích trong Mẹ và với Mẹ tiêu chuẩn để có thể xây dựng một thế giới hòa bình, hòa hợp và hiệp nhất: một sự khôn ngoan có khả năng tiếp nhận mọi thứ và mọi người và bao gồm các tôn giáo, đang tin vào Sách của Chúa: «[Đây là mẫu mực để noi theo] Đức Maria, người đã gìn giữ sự đồng trinh của mình và chúng tôi đã thổi vào Mẹ Thần khí của chúng tôi, Mẹ đã nhận ra và đã tin vào lời của Chúa và tin vào các sách của Ngài».
Ba động từ, ba nhiệm vụ: Bảo vệ, nhận biết, đón tiếp
G. Võ Tá Hoàng

Nguồn: Maria, un nome che unisce

Exit mobile version