Khi Chúa Giêsu lập Hội Thánh, gồm những người tin Chúa, thì Đức Mẹ hơn ai hết đã là thành phần tuyệt hảo của Hội Thánh này. Như vậy Đức Mẹ với tư cách con người, với tư cách một tín hữu Mẹ thuộc về nhân loại và thuộc về Hội Thánh. Thế thì sao lại nói Mẹ là Mẹ nhân loại, Mẹ là Mẹ Hội Thánh ? Có đời nào vừa là mẹ vừa là con một trật ? Làm sao giải quyết vấn đề này ?
Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu một người chị cả trong gia đình, khi người mẹ chết, đã thay mẹ nuôi em, đóng hết mọi vai trò của mẹ trong gia đình: lo lắng cho các em có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được giáo dục nên người. Tuy không trực tiếp sinh ra các em, nhưng người chị đó là người mẹ thứ hai của đàn em dại …
Cũng thế, Chúa Cứu Thế đã muốn cho Mẹ được cộng tác, tham gia vào công trình cứu chuộc của mình, cho nên dưới cây thập giá, Chúa đã trối nhân loại cho Mẹ săn sóc thay mình và chính vì “hiệp công cứu chuộc”, mà Mẹ đã góp phần trong việc tái sinh các linh hồn. Mẹ là cho sự sống, Mẹ đã mang lại cho nhân loại sự sống thiêng liêng qua sự hiệp công của Mẹ, thì đó là mẹ rồi còn gì nữa. Điều thứ hai, Hội Thánh là nhiệm thể Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu, Hội Thánh là mình, Đức Mẹ sinh ra Chúa Kitô thì cũng sinh ra Hội Thánh. Dưới cây thập giá, Mẹ đã chứng kiến con tim Chúa mở rộng, máu cùng nước chảy ra, biểu trưng bí tích Rửa Tội và Mình Thánh Chúa, hai bí tích mẹ trong Hội Thánh: sinh và dưỡng, con tim của Mẹ bị gươm sắc thâu qua mạnh nhất trong giờ phút đó và như vậy máu Mẹ hòa lẫn với nước mắt cũng hiệp thông với Chúa trong việc khai sinh Hội Thánh và tiếp tục nuôi dưỡng Hội Thánh.
Từng ấy suy tư trên cũng đủ mạnh để chúng ta kết luận Mẹ Maria là Mẹ nhân loại và là Mẹ Hội Thánh. Ađam và Evà xưa, nguyên tổ của loài người đã phạm tội dưới cây trái cấm, và đã trở thành mẹ kẻ chết, thì nay Evà mới là Mẹ Maria hiệp cùng Ađam mới là Chúa Giêsu, chịu treo trên thập giá, cây trường sinh, cây phần rỗi, Mẹ đã sinh ra Hội Thánh và nuôi dưỡng Hội Thánh ngày càng lớn mạnh, Mẹ quả là Mẹ của kẻ sống và của Hội Thánh.
Để có một giáo lý chân truyền về Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội, chúng ta hãy dừng lại đây một lát theo dõi sinh hoạt của các nghị phụ ở công đồng Vatican II và duyệt qua giáo lý Công đồng về Mẹ Maria được đúc kết cách kỳ diệu ở chương thứ VIII trong hiến chế tín lý về Giáo Hội.
Trong dịp Đức Giáo Hoàng tham khảo ý kiến chung các Đức Giám mục, các bề trên dòng và các viện đại học để chuẩn bị Công đồng thì có chừng 600 vị đã yêu cầu Công đồng đề cập đến vấn đề Đức Trinh Nữ Maria. Ngày 24 tháng 10 năm 1963, người ta trao cho các nghị phụ câu hỏi sau đây: “Xin Ngài vui lòng cho biết Ngài có đồng ý để cho lược đồ về Đức Maria diễm phúc, Mẹ Giáo Hội được làm chương cuối cùng của lược đồ về Giáo Hội không ?”. Ngày 29 tháng 10 năm 1963 bỏ phiếu và kết quả 1114 phiếu thuận đồng ý sáp nhập, 1074 phiếu chống và 5 phiếu bất hợp lệ. Chỉ hơn có 40 phiếu, lược đồ về Mẹ Maria đã được sáp nhập vào lược đồ Giáo Hội. Nhưng vì số chống đối còn đông, nên Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phải can thiệp để ra chỉ thị một đường hướng: “Chúng tôi hy vọng Công đồng sẽ làm lược đồ về Đức Trinh Nữ được đúc kết tốt đẹp ngần nào có thể : chúng tôi mong Công đồng sẽ đồng tâm nhất trí và với lòng hiếu thảo cao độ công nhận địa vị tuyệt vời phải dành riêng cho Mẹ Thiên Chúa ở trong mầu nhiệm Giáo Hội, mà Giáo Hội là đối tượng chính yếu của Công đồng này. Chúng tôi nhắc lại, cái địa vị cao vời nhất sau Chúa Kitô, nhưng lại gần gũi chúng ta nhất đến nỗi chúng ta có thể tôn kính Mẹ với danh hiệu là Mẹ Giáo Hội và điều đó sẽ trở nên vinh dự cho Mẹ và an ủi cho chúng ta”. Đó là lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đọc trong diễn văn ngày 4 tháng 12 năm 1963. Theo Ngài, nên sáp nhập lược đồ Đức Maria vào mầu nhiệm Giáo Hội, Đức Maria là một chi thể của Giáo Hội. Nhưng việc sáp nhập này không có nghĩa hạ thấp Đức Maria ngang hàng với các tín hữu khác. Để làm nổi bậc ưu vị của Mẹ Maria trong Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã đề nghị xưng Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Tuy nhiên chúng ta đừng quên tiếng “Mẹ” ở đây không nên hiểu theo nghĩa hẹp của nó, nhưng phải hiểu theo nghĩa tương tự. Trong bài giảng ở đền thờ Đức Bà Cả ngày 11 tháng 10 năm 1963, Đức Giáo Hoàng đã nói: “Ôi Maria, xin Ngài hãy làm cho Giáo Hội Chúa Kitô cũng là Giáo Hội của Ngài, để trong khi Giáo Hội xác định chính mình, thì Giáo Hội nhìn nhận Ngài như “hiền mẫu”, là “ái nữ”, là “chị cả” dấu yêu cũng như là mẫu mực vô đối của mình.”
Theo chiều hướng này các nghị phụ đã tranh luận ráo riếc về vai trò của Mẹ trong Giáo Hội và dùng tước hiệu nào cho đúng. Các ngài đề nghị một vài tước hiệu như trạng sư, đấng phù hộ… ngược lại một vài nghị phụ tha thiết yêu cầu Công đồng ít ra cho dùng tước hiệu trung gian cho Đức Mẹ nếu không công khai định tín. Cuộc đầu phiếu ngày 20 tháng 10 như sau : 1559 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 521 thuận với dè dặt, sau cuộc bỏ phiếu này Công đồng còn truyền sửa thêm để thỏa đáng 521 nghị phụ dè dặt. Sau khi sửa chữa, vào ngày 19 tháng 11 đã bỏ phiếu và kết quả 2096 thuận, 23 chống. Công đồng công bố cùng một lúc hiến chế Tín Lý về Giáo Hội trong đó có chương VIII dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, lúc đó chỉ còn 5 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu chung kết. Chính ngày công bố hiến chế Tín Lý về Giáo Hội kết thúc khóa 3 Công đồng, Đức Phaolô VI đã đọc bài diễn văn, gần nửa bài dành nói về Đức Trinh Nữ Maria. Trong bài diễn văn này điều khiến các nghị phụ chú ý nhất là lời tuyên xưng “Đức Maria, là Mẹ Hội Thánh”: “Đây là giây phút trọng đại nhất và thích hợp nhất để đáp ứng nguyện vọng mà chúng tôi đã nói ám tàng vào cuối khóa họp trước và cũng là nguyện vọng của số đông các nghị phụ đã tha thiết mong rằng trong thời gian họp Công đồng này phải rõ ràng công bố chức làm mẹ của Đức Trinh Nữ Maria đối với dân Kitô giáo. Với mục đích đó, chúng tôi thấy thật thuận tiện để tuyên nhận nơi công hội này tước hiệu danh dự của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng tôi tuyên bố “Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh.”
Lúc đó một số đông nghị phụ đứng lên vỗ tay vang dội. Dần dần tiếng vỗ tay lan rộng tới 4/5 nghị trường kéo dài chừng 1 phút. Bấy giờ, Đức Phaolô VI mới có thể tiếp: “Mẹ Hội Thánh, tức là Mẹ của toàn dân Thiên Chúa, của các tín hữu cũng như của các mục tử”.
Lời tuyên bố này đã gây phấn khởi cho một vài miền (đặc biệt ở Ý, Tây Ban Nha, Balan), nhưng đối với một vài giới, người ta lấy làm tiếc về lời tuyên bố này, vì nó có ảnh hưởng đến vấn đề đại kết.
Trong văn kiện Công đồng, Hiến chế không dùng thành ngữ Maria, Mẹ Hội Thánh, nhưng dùng tước hiệu: “Trạng sư, vị Bảo trợ, Đấng phù hộ, Đấng trung gian” (số 62). Nếu chúng ta muốn biết rõ chính xác giáo lý về Đức Mẹ, xin hãy đọc và suy gẫm chương 8 của Hiến Chế Tín Lý. Trong khuôn khổ hẹp hòi của bài trình bày hôm nay, chúng ta chỉ đề cập những điều liên quan cốt yếu đến đề tài : Maria, Mẹ Hội Thánh, hay nói trong ngôn ngữ Công đồng: “Đấng trung gian”. Ảnh hưởng của Đức Mẹ trong công cuộc cứu rỗi nhân loại. Theo thánh Phaolô chỉ có một Đấng Trung gian duy nhất là Chúa Kitô, nên việc trung gian của Mẹ không thể nào nằm trên cùng một bình diện với sự trung gian của Chúa được. Công đồng dạy: “Vai trò làm Mẹ của Đức Maria không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực trung gian ấy” (số 60). Cũng như ánh trăng chiếu sáng không làm giảm bớt ánh sáng mặt trời, bỡi lẽ mặt trời là nguồn sáng còn mặt trăng là gương phản chiếu ánh sáng. Người ta quen phân biệt hai loại hay đúng hơn hai giai đoạn ảnh hưởng của Mẹ Maria trong công cuộc cứu chuộc và thánh hóa:
1. Trung gian khái quát: khi nói ảnh hưởng có tính cách quyết định, xuất phát từ sự kiện Đức Maria trong ngày truyền tin và trong suốt cuộc đời trần thế đã chấp nhận một cách tự do việc cộng tác mật thiết vào mầu nhiệm nhập thể. Nhờ sự quyết định này, chúng ta mới có Đức Kitô Cứu Thế độc nhất và phổ cập. Sự giải thoát của mỗi người chúng ta theo một nghĩa rất đích thực đã tùy thuộc một cách nào đó vào sự đáp ứng của Đức Maria trong ngày truyền tin. Người ta gọi ảnh hưởng này là khái quát (in universali) bởi vì lúc đó Đức Mẹ không biết riêng từng người chúng ta, không yêu từng người chúng ta, nhưng chỉ yêu một cách ẩn tàng và một cách chung trong Thiên Chúa và trong bản thân những người sống chung quanh Ngài.
2. Trung gian đặc thù: Vai trò trung gian hoặc ảnh hưởng thánh hóa của Đức Mẹ trong mệnh danh là đặc thù (in speciali) khi muốn nói đến ảnh hưởng hiện thời của Đức Maria vinh hiển trên trời đối với riêng mỗi người chúng ta. Sự ảnh hưởng này (thuộc phạm vi cầu bàu) có cùng một bản tính với ảnh hưởng của các vị thánh khác trong mầu nhiệm Giáo Hội (tín điều các thánh thông công, sự liên lạc giữa Giáo Hội chiến đấu, luyện hình và vinh hiển). Tuy nhiên ảnh hưởng này của Đức Maria có tính cách riêng biệt, trổi vượt và hoàn toàn đặc sắc, nó phát sinh do mức độ trổi vượt của tình ái của Ngài, mức độ trổi vượt này tương ứng với một chuỗi những ơn huệ đặc biệt do Thiên Chúa ban phát và chuỗi những ân huệ này đã được hoàn tất bằng sự vinh quang hồn xác của Người trên trời (số 62).
Trên đây là tất cả giáo lý của Công đồng về sự trung gian của Mẹ, giáo lý này đã được đúc kết qua niềm tin và cuộc sống của các tín hữu khắp hoàn cầu và ngày nay trong các cộng đoàn nhỏ bé của chúng ta giáo lý này đã, đang và vẫn được sống một cách tích cực dưới tước hiệu Mẹ Maria là Mẹ của Hội Thánh và Mẹ của mỗi người chúng ta.
Giáo Hội không muốn cho chúng ta tôn sùng Mẹ Maria với một tình cảm quá ướt át mà cũng không bằng lòng để cho chúng ta khô khan nguội lạnh với Mẹ. Do đó một đàng luôn xác định đúng đắn vai trò của Mẹ trong Giáo Hội qua nền tảng giáo lý vững chắc, đàng khác luôn cổ võ những tôn sùng và đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy các con cái mình kính yêu Đức Mẹ. Năm Thánh mừng 400 loan báo Tin Mừng Giáo phận Qui Nhơn chúng ta là một sáng kiến tuyệt vời để chúng ta có dịp suy ngắm và tôn vinh Mẹ. Sùng kính Mẹ với tư cách cá nhân thì không bao giờ nói cho hết vì nó đa dạng, có ai tính được tình cảm của con đối với mẹ trên trần gian này ?. Nhưng hôm nay chúng ta suy về tình Mẹ đối với chúng ta với tư cách là Mẹ Hội Thánh và tình chúng ta đối với Mẹ như là những đứa con, những thành phần ưu tú của Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã nói: tu sĩ là những người “gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội”. (số 45 HC L.G.). Do đó mà Công đồng đã kêu gọi: “Mọi tu sĩ nên biết rằng việc khấn giữ lời khuyên Phúc Âm, tuy bao gồm sự từ bỏ những của cải mà dĩ nhiên phải được quý trọng, sẽ không làm ngăn trở việc phát triển đích thực nhân vị, trái lại do bản chất của nó còn có lợi cho con người. Thực vậy, các lời khuyên Phúc Âm mà các tu sĩ đã tình nguyện chấp nhận theo ơn gọi riêng của mình, góp phần không ít vào việc thanh luyện tâm hồn và phát huy tự do thiêng liêng, và không ngừng khích lệ sống bác ái nhiệt thành ngày càng nên giống đời sống trinh khiết và khó nghèo mà Chúa Kitô đã chọn và Đức Trinh Nữ Mẹ Người, đã sống, như gương lành của bao Đấng sáng lập dòng đã chứng tỏ. Không ai được nghĩ rằng vì tận hiến như thế các tu sĩ trở nên xa lạ với mọi người và vô dụng đối với xã hội trần thế. Vì dù đôi khi không trực tiếp phụ giúp người đồng thời với mình nhưng tu sĩ lại hiện diện cùng họ cách sâu xa hơn trong lòng Chúa Kitô và cộng tác một cách thiêng liêng với họ để xây dựng xã hội trần thế luôn đặt nền mống nơi Chúa và luôn hướng về Người hầu những người xây dựng xã hội trần thế sẽ không luống công.
Vì thế, Thánh Công đồng công nhận và ngợi khen nam nữ tu sĩ sống trong tu viện, trường học, bệnh viện hoặc trong các xứ truyền giáo đang trang điểm Hiền thê Chúa Kitô bằng lòng dạ khiêm hạ và kiên trung trong sự tận hiến và quảng đại phục vụ mọi người dưới muôn vàn hình thức.
Vậy mỗi tu sĩ được gọi để tuyên khấn hãy chuyên tâm sống bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã gọi mình và hãy mãi mãi tiến bộ để làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội thêm phong phú hơn và sự vinh hiển của Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất và bội phần thêm cao cả hơn. Trong và nhờ Chúa Kitô, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và nguyên thủy mọi sự thánh thiện” (LG. 46-47).
Căn cứ những lời nhắn nhủ trên đây của Giáo Hội, chúng ta đừng nghĩ quá trừu tượng như “Tận hiến Giáo Hội cho Mẹ”. Nghĩ như thế có khác nào như học trò“trả bài” cho thầy giáo theo nghĩa “trả xong” thì có quyền quên đi. Không phải chúng ta dâng Giáo Hội cho Đức Mẹ rồi rảnh tay. Không, chúng ta phải ra sức làm những gì cụ thể để làm đẹp Giáo Hội bằng chính đời sống phụng sự và phục vụ của chúng ta. Cụ thể hơn mỗi người hãy tự hỏi, trong môi trường sống hiện tại, tôi phải làm gì để khuôn mặt Giáo Hội được rạng rỡ: ví dụ tôi sẽ tạo một bầu khí thật dễ thương chung quanh tôi, hết lòng yêu mến anh chị em tôi như những người ruột thịt. Làm như vậy người ngoài nhìn vào cộng đoàn, họ thấy rõ là một Giáo Hội lý tưởng đang thu hẹp nơi cộng đoàn. Tôi cố gắng tử tế bác ái với hết mọi người và vui tươi trong cuộc sống giao tế, làm như vậy tôi sẽ cho mọi người biết chúng ta đi tu không phải trốn đời mà làm cho đời thêm ý nghĩa, lôi kéo những người đang vật lộn với những khó khăn vất vả trong cuộc sống, biết nhìn lên, biết tin tưởng, biết cậy trông để họ cũng vui sống và sống xứng đáng với nhân phẩm con người. Đức Mẹ luôn thánh hóa Giáo Hội, điều đó chúng ta khỏi cần xin, nhưng hãy làm sao để mình tự nguyện cộng tác về phần mình trong việc thánh hóa chính mình và những ai chúng ta được Chúa cho gặp gỡ tiếp xúc. Trong khi cầu cho Giáo Hội được hiệp nhất chúng ta hãy hiệp nhất với nhau, không chia rẽ ganh tỵ, không nói những lời mất tình đoàn kết, như vậy là chúng ta bắt đầu thắp lên một ánh sáng, ánh sáng từ que dim nhỏ bé đó sẽ tràn lan khắp chốn. Hãy thiết thực và cụ thể, đã có và sẽ có biết bao lời hay ý đẹp trong suốt năm Thánh này, nhưng nhìn lại cuộc sống riêng tư mình xem đã có phân ly nào tiến bộ chưa, người đời họ đấu tranh luôn nêu cao khẩu hiệu: “năm sau cao hơn năm trước”, nói đến kinh tế thì họ đánh giá con người theo đơn vị “miệng ăn”, do đó mà có chuyện nhập khẩu cắt khẩu … Chúng ta tranh đấu cho nước Chúa, làm sao cho Giáo Hội theo gương Mẹ Maria thì cũng hãy thực tế, sống và sống trong thực tế. Thánh Ygnatiô viết cuốn linh thao cũng là đề cao sự thực tế: ngài coi việc tập đàng nhân đức như là một cuộc luyện tập thể dục, đi từ giác quan đến suy niệm và tập từng bước một. Nếu đọc một bài hay rồi khoanh tay ngồi suy gẫm, giấc ngủ hay dì mơ sẽ đến lôi kéo chúng ta đi vào một thế giới huyền ảo …
Một điểm cuối cùng, là khi nói đến Mẹ ai cũng tưởng đến khía cạnh dịu ngọt và hiền lành, đầy mến thương ủy mị. Nhưng Mẹ Maria là một người Mẹ dũng cảm, sẵn sàng hy sinh người con một mình cho Giáo Hội thì chắc chắn Mẹ cũng sẽ rất yêu sách đối với chúng ta, những người muốn trở thành những người con yêu của Mẹ. Do đó mà chúng ta đừng lầm tưởng cứ lúc nào cũng làm nũng với Mẹ được. Mẹ thương con có lúc phải cho roi cho vọt. Vì thương Giáo Hội và muốn Giáo Hội được luôn đẹp lòng Chúa, là hiền thê Chúa Kitô không tỳ ố, mà Mẹ đã rất đòi hỏi nơi những linh mục, tu sĩ chúng ta. Chúng ta đọc những sách nhắn nhủ của Mẹ, chúng ta thấy lúc nào Mẹ cũng phiền trách các linh mục và tu sĩ đã vô ơn bạc ngãi, đã làm gương xấu, đã làm cho trái tim Mẹ phải héo hắc, âu sầu và có lần Mẹ đã hiện ra với đôi dòng lệ trên má. Như vậy quá đủ để chúng ta thấy Mẹ tuy dịu dàng nhưng rất nghiêm khắc.
Những người mẹ Á Đông chúng ta cũng đã cho thấy nhiều mẫu gương này. Tôi xin nhắc lại đây một người mẹ Việt Nam đã đối xử với con mình như thế nào: Một vị tổng đốc Bình Định xưa là người Bắc, vào Trung làm quan, ông tổng đốc này rất yêu mến mẹ và tự coi mình là người chí hiếu. Nhưng cung cách ông yêu mẹ đã sai lệch và bà mẹ đã sửa chữa ông một cách nghiêm khắc. Số là sau khi được làm quan được nửa năm, ông sai một người lính đem 10 thước lụa vectơ Phú Phong về Bắc biếu mẹ để chứng tỏ lòng hiếu thảo của đứa con đi làm quan xa. Sau sáu tháng đi bộ, người lính đến Bắc Hà và vào ra mắt bà cụ. Lạy bái và dâng lụa lên. Đáng lẽ bà cụ vui mừng vì nghĩa cử hiếu thảo của con, nhưng bà đã nhìn anh đưa lụa, thấy anh quần áo rách rưới, chân rướm máu vì trải qua đoạn đường đầy gian lao nguy hiểm, thời ấy không có xe cộ như bây giờ. Bà đã ân cần cho săn sóc người lính, sau khi anh khỏe lại cho quần áo cho anh và trao cho anh một gói nhỏ kèm theo lá thư. Anh lên đường về lại Miền Trung trình lên quan sứ mệnh đã hoàn thành. Quan mở thư mẹ ra xem. Mẹ viết cho anh những lời rất cứng rắn: “Nếu con làm quan thanh liêm thì có tiền đâu mà mua được lụa đắt giá như vậy. Sao nhẫn tâm sai người đi trong một năm trời để đem lụa ra cho mẹ ? Con hãy bán lụa lấy tiền thưởng cho người ta vì công lao khó nhọc và hãy lấy roi này đến trước bàn thờ tổ tiên nằm xuống chịu 25 roi. Quan tổng đốc mở gói thấy lụa vectơ được gởi trả y nguyên và kèm theo một con roi ngắn. Người con hiếu thảo ấy đã nhờ một người hầu cận đánh mình trước bàn thờ tổ tiên để lãnh sự chỉ giáo của Mẹ và giữ trọn chữ hiếu. Tất cả chúng ta, ai có thể tự xử sự như thế đối với những yêu sách của Mẹ Maria ?
Chúng ta không sống cho riêng mình, vì chúng ta thuộc về Hội Thánh, nên chúng ta phải đảm đương trách vụ làm con Giáo Hội và kế tục sự nghiệp Mẹ là Mẹ Giáo Hội ở trần gian này. Ước mong các tu sĩ là những con người mà Mẹ đã để lại ở trần gian đóng đúng mức vai trò thế mẹ chăm sóc gia đình Giáo Hội đầy những đứa em thơ dại.
Gm. Phêrô Nguyễn Soạn