Mắng yêu (Thứ Năm Tuần 28 Thường niên)

116
Lời Chúa: Lc 11, 47-54
 
1Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người ! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. Vì thế mà Ðức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Ðồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia”. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Ðiện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết, các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”
 
Khi Ðức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.
 
Suy niệm:

Cha mẹ thương con đó là điều dễ hiểu, vì muốn con nên người mà cha mẹ phải dùng đến “roi vọt”, đâu còn là chuyện lạ. Kinh nghiệm cho thấy, thành công của bậc sinh thành không phải là xây dựng theo kiểu quân đội, “y lệnh”. Con cháu thành danh đâu phải là không có giai đoạn nhắc bảo sửa dạy. Hạnh phúc gia đình cũng chẳng đến theo tiến trình được ăn cả ngã về không.

Chúa Giêsu hôm xưa không ngại nói lên một sự thật phũ phàng, bởi tính giả nhân giả nghĩa của các luật sĩ biệt phái, Chúa gay gắt lên án hành động đổ máu các ngôn sứ mà cha ông họ đã làm. Theo nguyên tắc, người chết không thể sống lại để nói, để xin lỗi về hành vi xấu xa của mình, vấn đề ở chỗ con cháu phải nhận biết, phải có trách nhiệm sửa sai, gầy dựng lại cơ nghiệp cho dòng tộc.

Sự thật, việc thật của người công chính dù họ đã bị sát hại, nhưng tình yêu và sự kiên cường của họ vẫn còn đó, khúc ca khải hoàn sẽ mãi vang vọng. Sự thiện, việc làm tốt mà chúng ta đang làm, có thể không mang lại kinh tế, hoặc không xoa dịu được bao nhiêu tâm hồn, nhưng chắc chắn có tình yêu và bình an ở trong đó. Theo luật nhân quả : gieo gió thì gặt bão, ai làm việc xấu, lương tâm người ấy sẽ bị cắn dứt. Nếu như người sống giả dối, che đậy tội ác của mình, nghĩa là đang hãm hại người tốt có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.

Bụt ngồi tòa, gà nào mổ mắt, câu thành ngữ ấy, cha ông chúng ta thẳng thắn phê phán những xung đột xảy đến đều có nguyên nhân. Một số người trẻ hôm nay vẫn mạnh mẽ tuyên bố : có chơi có chịu. Người xưa thì nói rằng : có gan ăn cướp có gan chịu đòn. Bất cứ là hình thức nào, con người có trưởng thành hay chưa còn tùy thuộc cá nhân ấy có dám chịu trách nhiệm về hành vi của mình không. Vì thế, ai cũng phải qua giai đoạn biết đứng, biết đi, rồi mới biết chạy, biết nói biết làm, rồi sẽ biết phân biệt trắng đen.

Gần đèn thì sáng, gần người tốt sẽ biết làm những việc làm tốt, đó là chân lý. Và từ xa xưa, ai cũng công nhận chỉ có ánh sáng mới tiêu diệt được bóng tối, chỉ có tình yêu mới xoa dịu được vết đau tâm hồn, chỉ có những lời nói yêu, cha mẹ mới ngăn cản được sự dại dột của con cái. Các luật sĩ và biệt phái, cả chúng ta hôm nay, khi sống gần Chúa, có tình yêu của Chúa, lúc ấy người ta không còn phải phân biệt đâu là lời khiển trách, đâu là lời mắng yêu.

Các luật sĩ biệt phái là những người “cầm cân nẩy mực” giúp dân sống đạo, giữ đạo, do đó nếu họ nói tốt và làm đúng, hẳn Chúa Giêsu đã không quở mắng họ làm gì ! Sai sót, lầm lỡ là bản chất tự nhiên của con người, điều Chúa Giêsu chờ đợi là chúng ta chưa là thánh thì đều phải phục thiện, nếu vậy người ta sẽ hiểu như thế nào là mắng yêu, là thương cho roi cho vọt. Amen.

Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc