Mâm ngũ quả ngày Tết – Một nét đẹp mang tính nhân văn
Đất nước ta từ thuở Vua Hùng dựng nước và giữ nước vốn là một dân tộc sinh sống đa phần bằng nông nghiệp nhất là nông nghiệp trồng lúa nước. Từ thập niên 50 cho đến thập niên 80, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới và hiện nay đang giữ vị trí thứ hai sau Thái Lan. Nhưng thật ra, nông nghiệp của nước ta rất phát triển luôn áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất nông nghiệp từ hàng nghìn năm qua. Song song với gạo lúa, người dân ta còn phát triển về cây ăn quả nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa của cả nước). Trái cây nước ta nhiều vô số kể với bốn mùa sum xuê hoa thơm, trái ngọt.
Có lẽ vì vậy mà khi xuân về, ông bà đã dành những sản vật do chính bàn tay lao động cần cù của mình tạo ra để dâng lên tổ tiên, trời đất. Hoàng tử Lang Liêu, con vua Hùng vương thứ 6 cũng đã nói khi chàng tận tay làm ra bánh chưng, bánh dày để dâng lên vua cha là: ” Con nghĩ không có thứ gì quý nhất để dâng lên Vua cha và ông bà tiên tổ cho bằng những phẩm vật được tạo ra từ công sức lao động miệt mài và cần cù của con người cả. Gạo là vật quý nhất được tạo ra từ mồ hôi con đổ trên đồng ruộng mà có được nên con lấy gạo làm bánh chưng biểu tượng cho mặt đất như tình mẹ mênh mông luôn nâng đỡ và nuôi nấng con thơ và bánh dày hình tròn tượng trưng cho bầu trời bao la, rộng lớn như nghĩa cha che chở bao dung. Kính xin phụ vương hãy nhận cho tấm lòng hiếu thảo của con trẻ bằng những phầm vật được tạo ra từ bàn tay lao động miệt mài của con trên đồng ruộng!“
Mâm ngũ quả bao gồm năm loại trái cây mà theo quan niệm của phong thủy thuật số là năm yếu tố cấu thành nên càn khôn, vũ trũ, đó chính là Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ thường gọi là ngũ hành. Nhưng theo quan niệm dân gian thì ngũ quả cũng có nghĩa là ngũ cốc, năm loại cây có hạt được vua Thần Nông truyền dạy cho con người trồng trọt từ thuở khai thiên lập địa, đó là: Gạo, nếp, lùa mì, mè và , đậu (tiếng Hán Việt cổ gọi là Đạo, thử, tắc, mạch, thục). Nhưng trên mâm ngũ quả thì không thấy năm loại cây có hạt này mà chúng ta thấy có năm loại trái cây mà người dân Việt hay chưng và gọi tên theo vần điệu, ám chỉ cho ước nguyện về một đời sống hưng thịnh là: Cầu, dừa, đủ, xoài, thơm.
Cầu là trái mãng cầu hay quả na (gọi theo miền Bắc), Vừa là trái dừa (mà người Nam đọc trại ra là vừa), Đủ là trái đu đủ, Xài là trái xoài, Thơm là trái dứa, trái thơm. Ước nguyện thật nhỏ nhoi, khiêm nhường biết bao, như một lời cầu nguyện mong ông bà tổ tiên và trời đất chứng minh cho ước nguyện nhỏ nhoi đó là: “Cầu vừa đủ xài thơm”. Nhưng cái ước nguyện chất phác và dung dị ấy có phải ai cũng làm đúng như vậy. Có ai cầu vừa đủ xài đâu, mà hầu như ai cũng cầu cho dư giả, càng dư nhiều càng tốt chứ thời buổi này là thời buổi nào mà cầu cho đủ xài. Biết bao nhiêu cho đủ và có bao nhiêu mới gọi là đủ?
Thành ra mâm ngũ quả ngày nay cứ có cái gì chất hết lên là bảo đảm nhất, càng dư càng tốt. Mâm ngũ quả thành ra mâm bách quả (trăm loại quả), vì thành quả lao động ngày nay không chỉ có nông nghiệp mà còn có công nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…còn chưa nói đến thất nghiệp nữa!!! Có nhà chưng dưa hấu chung với thơm, bưởi, mận, xoài, sung, nhãn, quýt…Nói chung là ngoài cầu vừa đủ xài thơm ra còn có cả sung cho sung túc, bưởi, lựu, cam, quýt (những loại trái cây có nhiều múi, tép, hạt) cho có con đàn cháu đống,v..v..
Nhưng thật ra, ý nghĩa của mâm ngũ quả tượng trưng cho thành quả lao động miệt mài của một năm công với ước nguyện về một cuộc sống an nhàn, sung túc của người dân Việt trong ngày Tết dành dâng lên trời đất, ông bà chính là một nét văn hóa độc đáo mang tính nhân văn của dân tộc ta. Nó không chỉ biểu hiện cho tấm lòng thành kính tri ân của con cháu dành cho trời đất và ông bà tiên tổ mà nó còn thể hiện ý chí vươn lên vì một cuộc sống ấm no, giàu mạnh của con người trong mọi thời đại, dù ở thành thị hay thôn quê thì ai cũng đều mong cầu một đời sống như vậy.
Muốn có một mâm ngũ quả đẹp thì có thể chưng bao nhiêu loại trái cây cũng được, miễn là có nhiều màu sắc càng tốt, nói theo quan niệm phong thủy thì có đủ ngũ hành là năm yếu tố cấu thành nên trời đất, biểu tượng cho trời đất. Màu xanh của bưởi, dưa hấu, dừa, mãng cầu trộn lẫn với màu đỏ của mận, quýt, sung và xem lẫn màu vàng của xoài, đu đủ sẽ tạo nên nét đẹp sống động cho mâm trái cây chưng trên bàn thờ trong ba ngày Tết.
Thường thì nên có một nãi chuối sứ hoặc chuối cao làm chân cho chắc, phía sau nên dựng một quả bưởi, dừa, dưa hấu hoặc thơm để làm điểm tựa rồi chen những quả quýt, cam, mận, mãng cầu tây hoặc mãng cầu ta xung quanh cho chắc, sau đó chất các loại trái cây nhỏ lên trên và nhớ chú ý là phải chèn cho chắc để tạo sự đan kết vững vàng, không rời rạt cho mâm trái cây. Tốt nhất là cứ đặt một chân quả tử (loại chân bằng gỗ chạm rồng có ba chân) lên bàn thờ, chọn một cái dĩa (đĩa) thật lớn bằng sành đặt lên chân quả tử, sau đó bắt đầu chưng trái cây lên. Nếu muốn mâm trái cây đẹp thì nên chứng xen kẽ màu sắc của từng loại trái cây và đặt mỗi thứ ở một vị trí thích hợp, chắc chắn. Nên chưng theo hình thế từ rộng lên đến hẹp theo hình chóp tức là từ thấp rộng lên cao thì nhỏ dần. Bên cạnh mâm ngũ quả cũng nên có những lễ vật khác như bánh chưng, bánh tét, trà, rượu, bánh, mứt, một bình hoa la dênh đỏ hoặc cúc vàng, đặc biệt không thể thiếu một cành mai vàng hay một nhánh đào đỏ là linh hồn của ngày Tết cổ truyền.
Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh ngày Tết thêm sinh động, không khí trong nhà thêm ấm áp, đượm đầy sắc xuân. Nó mang triết lý cuộc sống, tín ngưỡng và văn hóa cổ truyền của người Việt ta. Đặc biệt mâm ngũ quả còn mang tính kế thừa và giáo dục về nguồn cội, về tổ tiên ông bà cho các thế hệ mai sau được biết và học tập theo những việc làm mang tính nhân văn của thế hệ đi trước. Do đó, mâm ngũ quả chính là một yếu tố văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc và trong mỗi gia đình Việt Nam.