Malaysia: Toà án tối cao bác quyền sử dụng từ “Allah” đối với các Kitô hữu

33

 WHĐ (27.06.2014) – Hôm thứ Hai 23-06-2014, Toà án Liên bang Malaysia đã giữ nguyên lệnh cấm đối với báo Herald, một tờ tuần báo Công giáo địa phương, không cho phép báo này dùng từ Ả Rập Allah để chỉ Thiên Chúa, mặc dù từ này đã được các Kitô hữu Mã Lai dùng từ lâu.

Toà án Liên bang Malaysia nói gì?

Với 4 phiếu trên 7, Toà án Liên bang Malaysia vừa qua đã bác bỏ kháng nghị của báoHerald, yêu cầu được tiếp tục sử dụng từ Allah trong ấn bản bằng tiếng Mã Lai.

Trong một bài báo có tiêu đề “Lệnh cấm y án, cuộc đấu tranh của Giáo hội Công giáo đã kết thúc”, tờ báo tường thuật: “Trước toà án, khi nghe biết phán quyết của Toà, đám đông các nhóm Hồi giáo liền hô vang “Allah Akbar” (Thượng Đế vĩ đại)”.

Bối cảnh của vụ án

Cuộc xung đột nổ ra vào năm 2007 khi Bộ Nội vụ thu hồi phép sử dụng từ Allahtrong ấn bản bằng tiếng Mã Lai của tuần báo Herald. Báo này liền đưa vụ việc ra toà và đã thắng kiện vào năm 2009; phán quyết của toà án đã dẫn đến một loạt các cuộc tấn công vào các nhà thờ Công giáo.

Các Hội đồng Hồi giáo của bảy tiểu bang Malaysia và của Hiệp hội Hồi giáo của người Hoa ở Malaysia lại kháng cáo, và toà án đã giữ nguyên lệnh cấm vào tháng 10 năm 2013, với tuyên bố “danh xưng Allah không thuộc về đức tin và thực hành Kitô giáo” và biện pháp này nhằm “tránh sự lẫn lộn giữa các tôn giáo khác nhau”.

Tại phiên toà hồi tháng Ba, trước Toà án Tối cao, chủ nhiệm của tờ Herald, Đức Tổng giám mục Murphy Pakiam, Quản trị Tông toà Kuala Lumpur, và tổng biên tập, linh mục dòng Tên Lawrence Andrew, đã biện hộ và nhấn mạnh: “Việc cấm sử dụng từAllah là vi hiến; Bộ Nội vụ đã vượt quá thẩm quyền của mình”. Và đặc biệt thật là phi lý khi thấy một toà án phát biểu về thần học đối chiếu, đưa ra kết luận dựa vào những tìm kiếm đơn giản trên mạng Internet.

Tại sao có lệnh cấm?

Cha Emmanuel Pisani, Dòng Đa Minh, dạy môn Hồi giáo học tại Học viện Công giáo Paris, giải thích: “Allah là một từ Ả Rập –rõ ràng là phát sinh từ tiếng Do Thái– trước khi được Hồi giáo sử dụng để chỉ Thiên Chúa: al-lah nghĩa là “thượng đế”. Ở khắp Trung Đông, các Kitô hữu Ả Rập vẫn sử dụng từ này, kể cả trong phụng vụ”.

Rémy Madinier, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và là đồng giám đốc Viện Nghiên cứu Hồi giáo và các xã hội, nhận định: “TừAllah cũng được sử dụng ở Malaysia, như nhiều từ Ả Rập khác, bên cạnh từ Mã Lai“tuan”, nhưng điều này chưa bao giờ là một vấn đề cho đến nay. Allah chỉ Thượng đế nhưng không phải riêng cho Thượng đế của người Hồi giáo”. Ông nhìn thấy đằng sau vụ việc này “sự tức tối của một số người Hồi giáo Mã Lai và họ sợ hãi Kitô giáo ở quốc gia này”.

Đang khi “vô cùng thất vọng” với quyết định này, một quyết định “tệ hại về nhiều mặt”, tiến sĩ Eu Hong Seng, chủ tịch Liên đoàn các Kitô hữu Malaysia, khẳng định sẽ coi quyết định của toà án chỉ liên quan đến “trường hợp này” và cho biết “các cộng đoàn Kitô hữu sẽ vẫn sử dụng từ Allah trong Kinh Thánh, trong phụng vụ và các cuộc hội họp”.

(La Croix)
Minh Đức

Nguồn: WHĐ