MÁI ẤM TÌNH THƯƠNG
Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy thế, nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở”. Rồi dọn nhà ra gần chợ.
Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước cách buôn bán đảo điên. Bà mẹ thấy thế, lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.
Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở”
Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết heo, về nhà hỏi mẹ: “Người ta giết heo làm gì thế?” Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối hận: “Ta nói lỡ rồi. Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Rồi bà đi mua thịt heo, đem về cho con ăn thật.
Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi; trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt như vậy”. Từ ngày đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao?
Thánh Gia là mẫu gương giáo dục tuyệt vời cho các gia đình cũng như cho các cộng đồng tu viện. Thánh Gia là trường huấn luyện cho Chúa Giêsu, chuẩn bị ngày lãnh nhận sứ mạng Chúa Cha trao phó.
Thánh Gia là chuẩn mực chính xác nhất cho các người cha, người mẹ và con cái trong gia đình.
Thánh Giuse đích thực là một người cha: sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng Mẹ Maria. Người làm chủ gia đình với tinh thần trách nhiệm cao và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo Nagiarét.
Maria chính là người mẹ: Gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu.
Chúa Giêsu là người con thảo hiếu: “Hằng vâng phục cha mẹ” Giuse và Maria, lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức, nhất là luôn lo việc “bổn phận ở nhà Cha”.
Gia đình là nền tảng của xã hội: Gia đình có thuận hoà, thì xã hội mới an vui. Lễ Thánh Gia chính là lễ của mọi gia đình. Noi gương Thánh Gia, các gia đình chúng ta luôn sống có trật tự trên dưới, liên đới trong tình hiệp thông, và chăm lo cho nhau trong tình yêu thương đầm ấm.
Con Thiên Chúa chỉ ra giảng đạo có ba năm, nhưng đã phải chuẩn bị ở mái trường Nagiarét suốt ba mươi năm. Nagiarét là trường dạy cầu nguyện, dạy lao động, dạy yêu thương. Nagiarét là một vùng quê nghèo hẻo lánh, nhưng lại mang một mái ấm tình thương. Mái ấm Nagiarét rất đỗi bình thường, nhưng cũng rất khác thường.
Một mái ấm luôn chan hoà bầu khí yêu thương và đạo hạnh.
Một mái ấm luôn ngập tràn tiếng cười vui vì hạnh phúc.
Một mái ấm mà các thành viên luôn để ý quan tâm cho nhau.
Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trước tiên phải có Chúa hiện diện.
Mái ấm Nagiarét luôn hạnh phúc vì lúc nào cũng có Chúa ở giữa thánh Giuse và Đức Maria. Nếu mỗi gia đình chúng ta đều mời được Chúa đến ở trong gia đình, thì chính Người sẽ là dây liên kết để chúng ta yêu thương nhau, là sức mạnh để chúng ta vượt thắng mọi sóng gió, là mẫu gương để chúng ta nhẫn nhịn và tha thứ cho nhau.
Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình, mỗi người chúng ta cũng hãy sống cho đúng cương vị của mình là cha, là mẹ, là chồng, là vợ, là con cái. Thánh Phaolô khuyên: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,18-21).
Lạy Chúa, là nguồn mọi tình yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tấm gương Thánh Gia, làm khuôn mẫu cho mọi quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình, và giữa cộng đoàn tu viện với nhau.
Lm. Đaminh Xuân Trường – GP Bắc Ninh