Mắc dịch chợt nhớ thằng Bờm

109

Cuộc đời có những điều tưởng chừng là nghịch lý nhưng thực ra lại chẳng có gì mâu thuẫn cả, thậm chí có thể hóa thành thuận lý. Tương tự, có những thứ đơn giản mà nhiêu khê, có những thứ phức tạp mà đơn giản; có những thứ quý giá mà không cần thiết, có những thứ tầm thường mà giá trị; có người giàu mà lại hèn, có người nghèo mà vẫn sang.

Dịch cúm Tàu hoành hành mọi nơi, đáng thương là những người nghèo, cái nghèo làm tăng độ khổ, cụ thể là vấn đề lương thực, gợi nhớ câu chuyện về Thằng Bờm và Phú Ông mà chắc hẳn ai cũng biết.

Về đại danh từ cũng cho thấy rõ vấn đề công bình xã hội: Người ta khinh kẻ nghèo nên gọi là “thằng,” và nịnh hót kẻ giàu mà gọi là “ông.” Câu chuyện xưa giản dị, bình dân, nhưng chứa đựng triết lý sống thâm thúy lắm.

Trong làng, Phú Ông là người giàu “nứt đố đổ vách,” còn gọi là Phú Hộ – Phú Ông nói về cá nhân, Phú Hộ nói tới cả nhà. Phú Ông luôn ỷ mình giàu có nên thường tỏ ra khinh miệt, thậm chí độc đoán và độc tài, mưu đồ cướp của, áp bức đám dân đen nghèo khổ. Vì thế, ngày xưa người ta thường gọi người giàu là “trọc phú” hoặc “cường hào ác bá.” Dưới con mắt của họ, đám dân đen là hạng cùng đinh, bần tiện, đáng khinh bỉ.

Nay cũng vẫn như xưa, người giàu có thể dùng tiền “lót tay” quan lớn để họ tự tung tự tác, thậm chí là làm những điều khuất tất, coi thường công lý. Còn những người đã bị mua chuộc thì không muốn “làm mạnh” vì sợ mất “miếng ngon” béo bở, cũng không muốn nói vì “đầy miệng” rồi, như người ta thường nói: “Cả vú lấp miệng em.” Dạng “to – nhỏ” này xuất hiện ở mọi lĩnh vực và mọi tầng lớp xã hội. Đâu đâu cũng thấy có, với phong cách và quy trình riêng biệt!

Thằng Bờm đại diện đám dân đen nghèo khổ, chỉ có Chiếc Quạt Mo; Phú Ông giàu có mà tham lam, hống hách, đại diện cho quan chức tham ô, nhũng nhiễu. Như chúng ta biết, chiếc quạt mo của Bờm cắt từ mo cau khô, chẳng có giá trị gì. Ở vùng quê ngày xưa, loại quạt tự làm như thế không mấy gia đình không có. Dù vậy, Phú Ông ta vẫn muốn sở hữu chiếc quạt mo của Bờm nên sẵn sàng đổi bất cứ thứ gì ông ta có: ba bò, chín trâu,…

Thấy Bờm từ chối, ông ta đã giảm vật chất cụ thể xuống còn là “ao cá mè.” Bờm vẫn khăng khăng từ chối. Phú Ông có vẻ rành tâm lý nên tiếp tục giảm xuống còn là “bè gỗ lim.” Chưa thể thỏa thuận với Bờm, Phú Ông lại đề nghị đổi “chim đồi mồi.” Nhưng Bờm vẫn một mực khước từ.

Tất nhiên không phải ông ta ham chi cái “của lạ” là chiếc quạt mo, mà ông ta muốn mỉa mai Bờm và hợm hĩnh khoe khoang sự giàu có của mình mà thôi. Cuối cùng, Phú Ông đề nghị đổi “nắm xôi.” Thế là Bờm cười tươi rói. Nụ cười đồng ý, nụ cười thỏa mãn, nhưng lại đầy lòng tự trọng. Có vấn đề gì?

Chắc chắn Phú Ông biết Bờm chẳng dám lấy những thứ “lớn lao” nên ông ta mới đề nghị, chứ ông ta chẳng tốt lành gì và cũng chẳng ngớ ngẩn gì mà dễ dàng đổi của quý để lấy vật tầm thường kia. Ông ta thâm độc mà cười trên sự đau khổ của người khác.

Ngược lại, mặc dù chỉ là giới hạ lưu tầm thường, Bờm cũng thừa biết rằng Phú Ông chẳng dại gì mà dễ dàng đổi bằng những thứ quý giá như vậy để lấy chiếc quạt mo rẻ mạt đâu. Thằng Bờm đã thỏa mãn nhu cầu của chính mình, đồng thời cũng thỏa mãn cả nhu cầu của Phú Ông. Có phải Bờm ngớ ngẩn và tham ăn đến nỗi quá thực tế khi bằng lòng với một điều đơn giản là “nắm xôi” hay không? Bờm không nói gì, chỉ cười thôi. Chính nụ cười đơn sơ và chân chất ấy lại hàm súc bao ý nghĩa khác.

Những kẻ dã tâm như Phú Ông luôn mưu mô, thâm độc, và đặc biệt là keo kiệt. Phú Ông có thể dùng áp lực và quyền thế để tước đoạt chiếc quạt mo mà rồi Bờm cũng không làm gì được, nhưng ông ta muốn che mắt thiên hạ, muốn chứng tỏ mình “tốt lành” nên mới đề nghị đổi chiếc quạt mo của Bờm bằng chính tài sản của ông ta. Mà nếu Bờm có bằng lòng đổi mấy thứ quý giá kia thì rồi ông ta cũng sẽ tìm cách lấy lại. Mưu mô thâm độc và xảo quyệt vô cùng!

Tuy nhiên, một con người “vô học thức” như Bờm mà vẫn đủ ý thức để có thể biết người và biết mình, không bị dụ dỗ. Thằng Bờm nghèo nàn và khốn khó, nhưng hoàn toàn trong sạch, không tham lam, không ảo tưởng mà chấp nhận đổi lấy những thứ quý giá của người khác. Thằng Bờm biết người, biết mình, biết chiếc quạt mo kia chẳng đáng gì, nhưng nó là của mình. Đói vẫn sạch, rách vẫn thơm.

Quả thật, nhân cách và lòng tự trọng của Thằng Bờm đáng trân trọng, đáng quý, và đáng học hỏi, bởi vì chưa chắc mấy ai đã làm được đâu!

Trong cơn dịch bệnh tái phát mùa hè 2021 này, chúng ta có thể nhận biết đâu là chính và đâu là tà, ai là từ thiện chính danh hoặc giả danh. Có những người âm thầm chia sẻ những thứ có giá trị cụ thể bằng tiền mặt, thực phẩm, giảm hoặc miễn tiền nhà trọ,… nhưng cũng có những người lấy danh nghĩa từ thiện mà còn kỳ thị, chê bôi, chỉ trích người nghèo. Có những chuyến xe mang danh từ thiện nhưng lại “chém” với giá cắt cổ.

Chúa Giêsu đã xác định: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có.” (Ga 12:8) Đâu đó vẫn có những tiếng kêu cứu, xin giúp đỡ, họ là dân lao động nghèo ở những nơi bị phong tỏa, không có nguồn thu nhập vì đã thất nghiệp vài tháng qua. Rồi những người vô gia cư, lúc trước còn có những người thiện nguyện trao những phần ăn, lúc này họ cũng đành bó tay vì lệnh giãn cách “siết chặt” hơn và lại giới nghiêm từ 18 giờ hằng ngày.

Khổ đau chồng chất đối với người nghèo, chúng ta không thể tưởng tượng nổi!

Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3:14) Thật vậy, bác ái là nhân đức chứng minh đức công chính, bởi vì “người công chính phải có lòng nhân ái,” (Kn 12:19) và “người công chính quan tâm đến quyền lợi kẻ nghèo.” (Cn 29:7)

Một hành vi nhỏ bé với chén nước lã chẳng đáng gì mà cũng được Thiên Chúa ghi công, nếu hành vi đó được thực hiện với lòng trắc ẩn. (Mt 10:42) Chắc chắn có thưởng, có phạt: “Việc bố thí nào cũng được Chúa ân thưởng, và mỗi người cứ theo việc mình làm mà lãnh nhận.” (Hc 16:14)

Lạy Thiên Chúa, xin thương ban lương thực xác hồn cho mọi người, nhất là những người nghèo khó đang trực tiếp chịu áp lực của dịch bệnh. Xin cho mọi người biết bảo vệ sự sống, tôn trọng nhân vị và nhân phẩm lẫn nhau, và luôn can đảm thực thi công bình bác ái. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU