GÓC SUY TƯ MÙA XUÂN Ly rượu mừng

Ly rượu mừng

 

Chiều Ba Mươi, lúc sẵn sàng tống cựu, quyết tâm chừa tội lỗi, xin Chúa ban ơn tha thứ.
Sáng Mồng Một, khi háo hức nghinh tân, thề hứa sống nhân lành, cầu Ngài ghé mắt xót thương.
***
Mùa Xuân là mùa vui mừng, ngày Tết là ngày hạnh phúc, đầu năm là dịp đoàn tụ và yêu thương. Mùa Xuân cũng là mùa đẹp nhất trong bốn mùa của thiên nhiên. Các Kitô hữu có niềm vui háo hức đặc biệt là đón Mùa Xuân Trường Sinh nơi Thiên Quốc.
Khi người ta vui mừng và hạnh phúc như vậy thì không thể trì hoãn “cái sự sung sướng” ấy, không thể lại không có chút men để nhân lên niềm hạnh phúc trào dâng đó – như ông bà xưa nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Chút men rượu giúp người ta cởi mở và chuyện trò rôm rả, tiếng cười vang như pháo nổ đón Tết chào Xuân vậy!
Hòa chung niềm vui Xuân rộn ràng của đất trời và mọi người, cố NS Phạm Đình Chương (1) đã viết ca khúc “Ly Rượu Mừng” (2). Ca khúc này được ông viết ở Fa Trưởng, loại âm thể phổ biến, được lồng trong nhịp 3/4, loại nhịp thường dùng điệu Valse – điệu này khiêu vũ vừa đẹp vừa sang, với giai điệu sáng kết hợp với tiết tấu nhanh, vui.
NS Phạm Đình Chương mời chúc những gì bình thường nhất: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó”. Việt Nam là nước bắt đầu từ nông nghiệp, cơm gạo là chính, ngày nay mới đang khởi đầu công nghiệp hóa, do đó mà lại có nhiều công nhân. Họ là những người nghèo, thiếu thốn đủ thứ, nhưng không có họ thì người giàu cũng chẳng sống nổi đâu. Đừng khinh suất!
Một ly rượu mà đã thấm men nồng, say rượu thì ít mà say tình thì nhiều: “Á a a a, nhấp chén đầy vơi chúc người người vui. Á a a a, muôn lòng xao xuyến duyên đời”. Niềm vui như thủy triều dâng cao trong những ngày sóc, ngày vọng mỗi tháng. Niềm vui Xuân càng mạnh hơn, cứ cuồn cuộn chảy vào lòng nhau những con sóng yêu thương dạt dào…
Tiếp đến ông gởi lời chúc Xuân tới các chiến sĩ đang vất vả bảo vệ biên cương, hy sinh niềm vui riêng để bảo vệ bình an cho nhân dân an tâm ăn Tết: “Rót thêm tràn đầy chén quan san, chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng người vì nước quên thân mình”.
Ông cũng không quên những bà mẹ già không được đón con trai về nhà ăn Tết với mình. Các bà mẹ ăn tết mà lòng vẫn ngóng về nơi xa, cầu mong con trai được bình an: “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con mắt vương lệ nhoà, chúc bà một sớm quê hương, bước con về hoà nỗi yêu thương”. Muốn đoàn tụ để cùng vui đón Xuân thì phải có hòa bình, càng sớm càng tốt, đó mới là mùa Xuân đích thực vì có mẹ và có con. Con cái cũng chỉ mong như vậy, vì chỉ có mẹ là mùa Xuân mà thôi.
Lời chúc Xuân lại vang lên, vang xa, vang mãi… Chúc bình an cho những người con nơi chiến trường gian lao, và chúc bình an cho những bà mẹ: “Á a a a, hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính. Á a a a, chúc mẹ hiền dứt u tình”.
Cũng có những đám cưới đầu Xuân, niềm vui của đôi uyên ương nhân đôi: “Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương”. Rồi ông nhớ tới giới văn nghệ sĩ. Thật ra các nghệ sĩ là những người có tâm hồn nhạy cảm lắm, vì thế mà nỗi cô đơn của họ cũng “lớn” hơn những người bình thường. Có lẽ NS Phạm Đình Chương cũng là nghệ sĩ nên ông thấy thương cảm những người đồng tâm trạng: “Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ, tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới”.
Tiếp theo, ông cầu chúc cho quê hương, cho đất nước, cho tổ quốc Việt Nam thân yêu:“Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng, chúc non sông hoà bình, hoà bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy vơi”. Có hòa bình là có đoàn tụ, có đoàn tụ là có tự do, có tự do là có mùa Xuân. Xuân Hòa Bình và Xuân Tự Do thật là tuyệt vời biết bao!
Lời chúc Xuân cũng chính là niềm khát vọng Hòa bình và Tự do của bất kỳ ai, dù trẻ hay già, dù nam hay nữ, dù nghèo hay giàu, vì không ai lại không muốn sống trong sự hòa bình và tự do. Niềm vui đó dâng cao và vỡ òa: “Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hoà”.
Câu kết (coda) là câu nhạc gồm 8 nhịp với giai điệu đi lên cao vút, thể hiện niềm hy vọng không ngừng vươn lên chính mình bằng sức sống của mùa Xuân: “Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, hương thanh bình dâng phơi phới”. Muốn sống hạnh phúc thì phải có hòa bình, hòa bình xã hội và hòa bình tâm hồn, muốn hòa bình thì phải nỗ lực kiến tạo hòa bình bằng cách thể hiện công lý và cương quyết bảo vệ sự thật, không hèn nhát hoặc nhu nhược trước thế lực của kẻ xấu. Như vậy mới có thể chân thành chúc mừng nhau:
Cung Chúc Tân Xuân – Chúc Mừng Năm Mới
Happy New Year (tiếng Anh)
Bonne Année – Heureuse Nouvelle Année (tiếng Pháp)
Feliz Año Nuevo (tiếng Tây Ban Nha)
Feliz Ano Novo (tiếng Bồ Đào Nha)
Felix Novus Annus (tiếng Latin)
明けましておめでとうございます (tiếng Nhật)
Bonan Novjaron (tiếng Esperanto, quốc tế ngữ)
Còn người Công giáo cầu chúc nhau điều gì? Xin mượn lời Kinh Thánh gởi đến mọi người mấy lời chúc Xuân mới:
1. Cầu chúc Thiên Chúa ở với bạn (Xh 18:19).
2. Xin Thiên Chúa ban cho tâm hồn chúng ta niềm hoan hỷ, và cho đời chúng ta được hưởng phúc bình an, tại đất Ít-ra-en đến muôn thuở muôn đời! Xin Thiên Chúa hằng tỏ lòng lân tuất với chúng ta, và giải cứu chúng ta trong những ngày chúng ta đang sống! (Hc 50:23-24).
3. Cầu chúc anh em đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu! (1 Cr 16:23).
4. Cầu chúc anh em được mọi bề thịnh đạt: thể xác mạnh khoẻ và tinh thần phấn chấn (3 Ga 1:3).
Đặc biệt là cố gắng chiêm niệm và sống những lời cầu chúc của Chúa Giêsu trong Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật), để ai cũng xứng đáng được Ngài động viên: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5:12). Đó cũng chính là sống tinh thần Đức Ái, sống Tình Yêu Thương và loán báo Lòng Chúa Thương Xót.
Và trong suốt cuộc đời, đặc biệt trong năm mới này, ước gì mỗi chúng ta đều quyết tâm thực hiện lời hứa này: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi” (Tv 34:2).
Lạy Chúa Xuân vĩnh hằng, xin hướng lòng chúng con về Mùa Xuân Thiên Quốc. Xin ban cho chúng con sự hòa bình đích thực trong tâm hồn, sự tự do được thoát khỏi ách tội lỗi và ma quỷ, để chúng con có thể tận hưởng Mùa Xuân của Chúa ngay trên thế gian này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Xuân Giáp Ngọ – 2014
_______________________________
(1) NS Phạm Đình Chương sinh ngày 14-11-1929 tại Bạch Mai (Hà Nội). Ông còn có bút danh khác là Hoài Bắc. Quê nội ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, thân phụ là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ kết hôn với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng, vợ NS Phạm Duy), con trai thứ là NS Phạm Đình Chương, và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).
Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý, nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập Ban Văn nghệ Quân đội ở Liên khu IV.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác lúc 18 tuổi (1947), nhưng phần nhiều những nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng (viết chung với Phạm Duy), Hò Leo Núi,… đều có nét hùng kháng, tươi trẻ.
Năm 1951, ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với nghệ danh ca sĩ Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc Giao Duyên, Kiếp Cuội Già, Được Mùa, Tiếng Dân Chài,… Thời gian sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: Xóm Đêm, Đợi Chờ, Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Xuân Tha Hương,…
Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca, đặc biệt là ca khúc Nửa Hồn Thương Đau (thơ Thanh Tâm Tuyền) được ông viết khi biết vợ ngoại tình: “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa… Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau…”. Về sau, mỗi khi Khánh Ngọc nghe ca khúc này đều bật khóc vì hối hận. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm Cuối Cùng, Thuở Ban Đầu, Khi Cuộc Tình Đã Chết,… NS Phạm Đình Chương rất đau lòng vì vợ ông – ca sĩ diễn viên Khánh Ngọc – đã loạn luân với anh rể của ông.
Ông được coi là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Có thể nói rằng Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Đêm Nhớ Trăng Saigon (thơ Du Tử Lê), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ), Màu Kỷ Niệm (thơ Nguyên Sa), Buồn Đêm Mưa (thơ Huy Cận),… Ông cũng đóng góp cho tân nhạc một bản trường ca bất hủ “Hội Trùng Dương”, viết về ba con sông Việt Nam: Sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Sau 1975, ông định cư tại California (Hoa Kỳ), và qua đời ngày 22-8-1991.
Exit mobile version