Lý do nào khiến con người chối từ Chúa Giêsu?

60

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô sáng Chúa nhật 22/08/2021 tại quảng trường thánh Phêrô, Chúa nhật 21 thường niên. Trong bài huấn dụ này, ĐTC giải thích lý do tại sao con người từ chối không đón nhận Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 6, 60-69) cho chúng ta thấy phản ứng của đám đông và của các môn đệ trước bài giảng của Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta giải thích về dấu chỉ đó và tin vào Ngài, là bánh đích thực từ trời xuống, bánh hằng sống; và Ngài đã tỏ ra cho biết bánh mà Ngài sẽ ban là thịt và máu Ngài. Những lời này nghe có vẻ chói tai và khó hiểu đối với nhiều người, đến nỗi, từ lúc đó – theo Tin mừng -, nhiều môn đệ của Chúa bỏ đi, tức là không theo Thầy nữa (c. 60.66). Rồi Chúa Giêsu chất vấn nhóm 12: “Anh em cũng muốn bỏ đi sao?” (c. 67), và Phêrô, đại diện cho cả nhóm, xác nhận quyết định ở lại với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống và chúng con đã nhận ra, đã tin rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Đó là lời tuyên tín rất tuyệt vời.

Chúng ta hãy nhìn lại một chút về thái độ của những người tự rút lui và quyết định không theo Chúa Giêsu nữa. Sự cứng tin này phát xuất từ đâu? Lý do của sự từ chối này là gì?

Những lời của Chúa Giêsu đã gây ra một cản trở rất lớn: Ngài nói rằng Thiên Chúa đã chọn việc tỏ bày chính mình và thực hiện việc cứu độ trong sự yếu hèn của thân xác nhân loại. Đó là mầu nhiệm nhập thể. Việc nhập thể của Thiên Chúa đã gây cú sốc và trở ngại cho dân chúng – cũng thường xảy ra với chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài là bánh cứu độ đích thực, đem lại sự sống đời đời, đó là chính thân thể của Ngài. Để được hiệp thông với Chúa, trước khi tuân giữ lề luật hay làm tròn các giới luật tôn giáo, cần phải sống mối tương quan thực sự và cụ thể với Ngài. Bởi vì ơn cứu độ xuất phát từ Ngài, trong việc nhập thể của Ngài. Điều này có nghĩa là không cần phải bước theo Chúa trong những giấc mơ và những hình ảnh vĩ đại, quyền lực, mà cần phải nhận ra Ngài trong nhân tính của Chúa Giêsu, và do đó, cũng cần nhận ra Ngài nơi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ trên mọi nẻo đường cuộc sống. Thiên Chúa đã trở nên xác phàm. Và khi chúng ta nói điều này, trong Kinh Tin Kính, trong ngày lễ Giáng sinh, Truyền tin, chúng ta quỳ gối để tôn thờ mầu nhiệm nhập thể này. Thiên Chúa đã trở thành thịt và máu: Ngài tự hạ mình đến nỗi trở thành như chúng ta, chịu nhục đến nỗi mang lấy những đau khổ và tội lỗi của chúng ta, và vì vậy, Ngài xin chúng ta hãy tìm kiếm Ngài, không phải bên ngoài cuộc sống và lịch sử mà trong mối tương quan với Chúa Kitô và với anh chị em. Hãy tìm kiếm Chúa trong cuộc sống, trong lịch sử, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Và đây là con đường để gặp gỡ Thiên Chúa: là sống mối tương quan với Chúa Kitô và với anh chị em.

Ngay cả ngày nay, mạc khải của Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giêsu có thể gây ra sự cản trở và không dễ để chấp nhận tí nào. Điều đó được thánh Phaolô gọi là “sự điên dại” của Tin mừng trước những người đi tìm phép lạ hay sự khôn ngoan trần thế (x. 1Cor 1, 18-25). Và sự “cản trở” này được thể hiện rõ qua Bí tích Thánh Thể: trong con mắt người đời, làm sao có thể quỳ gối trước một tấm bánh được? Tại sao phải ăn thứ bánh này cách đều đặn? Cả Thế giới bị cản trở.

Trước hành động kỳ diệu qua việc Chúa Giêsu cho hàng nghìn người ăn no nê với năm chiếc bánh và hai con cá, tất cả mọi người đều tung hô và muốn nâng Ngài lên trong sự đắc thắng, tôn Ngài làm vua. Nhưng khi chính Chúa giải thích rằng hành động đó là dấu chỉ của sự hy sinh của Ngài, nghĩa là dấu chỉ ban tặng sự sống, là thịt và máu của Ngài, và rằng những ai muốn đi theo Ngài phải trở nên giống như Ngài, nhân tính của Ngài đã trao hiến cho Thiên Chúa và cho người khác, và khi đó nhiều người không thích nữa, Chúa Giêsu khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng. Thật vậy, chúng ta hãy lo lắng nếu điều đó không khiến chúng ta khủng hoảng, bởi vì có lẽ chúng ta đã làm phai nhạt sứ điệp của Ngài.

Và chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mình được khích lệ và hoán cải nhờ “Lời hằng sống”. Và Xin Mẹ Maria rất thánh, đấng đã cưu mang hài nhi Giêsu bằng xương bằng thịt và đã kết hiệp với hy tế của Ngài, giúp chúng ta luôn biết làm chứng cho niềm tin của mình bằng cuộc sống cụ thể.

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng