Lương tâm là một khoảng nội tâm để lắng nghe sự thật, để lắng nghe Thiên Chúa.

95

Lương tâm là một khoảng nội tâm để lắng nghe sự thật, điều tốt, để lắng nghe Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Benêđictô XVI như là mẫu mực tuyệt vời cho việc lắng nghe tiếng Chúa trong lương tâm mình. “khi Thiên Chúa đã làm cho ngài hiểu, trong lời cầu nguyện, đâu là lối đi phải hoàn tất. Ngài đã bước theo, với tinh thần phân định lớn lao và can đảm, với lương tâm của ngài, tức là theo thánh ý Thiên Chúa, Đấng đã nói trong tâm hồn của ngài”. Đó lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các tín hữu và những người hành hương đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô sáng hôm nay 30/06/2013 tại quảng trường thánh Phêrô, trước khi đọc kinh truyền tin.

Anh chị em thân mến.

Tin mừng của Chúa nhật hôm nay (Lc 9, 51-62) trình bày cho chúng ta một lối đi rất quan trọng trong cuộc sống của Đức Kitô : Như Tin mừng Luca đã viết “ngay lúc Chúa Giêsu đưa ra quyết định đi lên Giêrusalem” (9,51). Giêrusalem là điểm cuối trong lễ Vượt qua sau hết, nơi Chúa Giêsu phải chết và sống lại, dẫn đến việc hoàn thành sứ mạng cứu độ của Ngài.

Từ lúc đó, sau khi “quyết định”, Chúa Giêsu hướng trực tiếp về đích điểm, cũng như hướng về những người Ngài gặp gỡ và những ai xin được đi theo Người và nêu ra những điều kiện cách rõ ràng: không có chỗ tựa đầu; tự biết tách mình ra khỏi những tình cảm con người; không chìu theo lòng lưu luyến về quá khứ.

Chúa Giêsu cũng nói cho các môn đệ của Người, những người có trách nhiệm đi trước trên đường hướng về Giêrusalem để loan báo  bước đường của Người, không áp đặt điều gì : nếu người ta không sẵn lòng nhận ra và đón tiếp Người, Người đi về hướng khác, tiến về phía trước. Chúa Giêsu không bao giờ áp đặt. Chúa Giêsu khiêm nhường mời gọi, nếu bạn muốn, hãy đến với Người. Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu là như vậy : Người luôn mời gọi, không áp đặt.

Tất cả điều này làm cho chúng ta suy nghĩ. Nó nói cho chúng ta tầm quan trọng của lương tâm, ngay cả đối với Chúa Giêsu : nghe trong tâm hồn mình tiếng nói của Chúa Cha và bước theo Ngài. Chúa Giêsu, trong cuộc sống trần thế, có thể nói rằng, không phải được “điều khiển từ xa” : Người là Ngôi lời nhập thể, Con Thiên Chúa làm người, tại một thời điểm Ngài đã quyết định đi lên Giêrusalem lần cuối cùng, một quyết định được bén rễ từ ý thức, nhưng không phải một mình Người : mà cùng với Chúa Cha, trong sự hiệp nhất tràn đầy với Cha. Người đã quyết định trong vâng phục Cha, lắng nghe trong sâu thẳm, trong ước muốn mật thiết của Cha. Vì vậy Người đã quyết định, đã quả quyết, bởi vì Người đã thực hiện cùng với Cha. Trong Chúa Cha, Chúa Giêsu đã tìm thấy được sức mạnh và ánh sáng cho bước đường của mình. Chúa Giêsu là người tự do, quyết định của Người thì tự do. Chúa Giêsu muốn mỗi người tín hữu cũng tự do như Người, với sự tự do đến từ cuộc đối thoại với Chúa Cha, với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng không muốn người kitô hữu ích kỷ, họ sống cho chính mình, không nói chuyện với Thiên Chúa; Người cũng không muốn người kitô hữu yếu đuối, những người kitô hữu không có ước muốn, bị “điều khiển từ xa”, không có khả năng sáng tạo, luôn tìm kiếm liên hệ với ước muốn của người khác và không được tự do. Chúa Giêsu muốn chúng ta tự do và ở đâu người ta có thể làm nên tự do này? Ở trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong chính lương tâm của mình. Nếu một người kitô hữu không biết nói chuyện với Chúa, không biết cảm nhận Chúa trong chính lương tâm mình, người đó không được tự do.

Vì vậy, chúng ta phải học để lắng nghe nhiều hơn nữa trong lương tâm của mình. Nhưng phải chú ý! Điều này không có nghĩa là theo cái tôi của mình, làm những điều mình thích, có lợi cho mình, thích hợp với mình… không phải như thế! Lương tâm là một khoảng nội tâm để lắng nghe sự thật, điều tốt, để lắng nghe Thiên Chúa; là nơi bên trong của mối liên hệ giữa mình với Thiên Chúa, Đấng nói cho tâm hồn tôi, giúp tôi phân định, hiểu được con đường tôi phải đi, và một khi đã đưa ra quyết định, hãy tiến về phía trước, hãy giữ vững đức tin.

Chúng ta đã có một mẫu gương tuyệt vời giống như là mối tương quan với Thiên Chúa trong chính lương tâm mình, một mẫu gương tuyệt vời hiện tại. Đức Thánh Cha Benêđictô XVI đã cho chúng ta mẫu gương này khi Thiên Chúa đã làm cho ngài hiểu, trong lời cầu nguyện, đâu là lối đi phải hoàn tất. Ngài đã bước theo, với tinh thần phân định lớn lao và can đảm, với lương tâm của ngài, tức là theo thánh ý Thiên Chúa, Đấng đã nói trong tâm hồn của ngài. Đây là mẫu gương của Cha chúng ta thực hiện rất tốt cho tất cả chúng ta, đó như là mẫu mực để noi theo.

Đức Mẹ, với tâm tình đơn sơ, đã lắng nghe và suy niệm trong nội tâm của chính mình Lời của Thiên Chúa, những điều đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Mẹ đã bước theo Con của mình với sự xác tín thâm sâu, với xác quyết về niềm hy vọng. Xin Mẹ giúp chúng ta luôn trở thành những con người của lương tâm nhiều hơn nữa, tự do trong lương tâm, bởi vì trong lương tâm làm cho con người đối thoại với Thiên Chúa; con người, có khả năng lắng nghe tiếng Chúa và đi theo Người bằng quyết định.

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ