Lược sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức

1285

LƯỢC SỬ HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỦ ĐỨC (2022)

I.QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

  1. Ngoài Bắc

1.1. Đất Mẹ Bắc Ninh

Địa Phận Bắc Ninh được tách ra từ Địa Phận Đông Đàng Ngoài và chính thức được thành lập ngày 29.05.1883, lúc đó gọi là Địa Phận Bắc Đàng Ngoài. Ngày 03.12.1924, Địa Phận Bắc Đàng Ngoài được đổi tên thành Địa Phận Bắc Ninh.

Nói đến vùng đất Bắc Ninh là nói đến mảnh đất Quan Họ, tranh Đông Hồ, sơn mài Đình Bảng… Bắc Ninh còn là quê hương của nhiều nhân tài nước Việt. Hơn thế nữa, Bắc Ninh đã thấm máu hàng trăm vị anh hùng Tử Đạo để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô.

1.2. Nhà Phước Bắc Ninh

Trên mảnh đất Bắc Ninh trù phú, hạt giống Tin Mừng do các thế hệ thừa sai gieo vãi đã trổ sinh hoa trái dồi dào. Nhà Phước đầu tiên được thành lập tại Hương La, sau đó các Nhà Phước khác lần lượt ra đời. Đến năm 1954, Địa Phận Bắc Ninh có chín Nhà Phước[1]: Hương La, Xuân Hoà, Đạo Ngạn, Đình Tổ, Nhã Lộng, Yên Mỹ, Tiên Nha, Yên Tràng và Vĩnh Phúc Yên.

Mỗi Nhà Phước có cơ cấu tổ chức riêng biệt, có đời sống chung và tuân giữ luật Dòng Ba Đa Minh, nhưng không có lời khấn công theo Giáo Luật.

Chị em sống giản dị như những người bình dân tại thôn quê. Để mưu sinh, một số chị dạy học, đa số còn lại lao động chân tay như làm ruộng, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, làm thuốc Nam… Các chị đi từ làng này sang làng khác, đến những nơi xa xôi hẻo lánh để thăm viếng, giúp đỡ dân nghèo, với mục đích đem Phúc Âm Chúa Kitô đến cho lương dân và rửa tội cho trẻ em lâm cơn nguy tử. Ngoài ra, các chị cũng chăm sóc trẻ mồ côi.

1.3. Biến cố lịch sử năm 1954

Với hiệp định Genève ngày 20.07.1954, đất nước tạm thời bị chia đôi khiến tình hình xã hội bất an, dân chúng miền Bắc và miền Trung đổ xô vào miền Nam. Trong biến cố này, chị em các Nhà Phước cũng đồng chung số phận như những người khác, hơn một trăm chị vào Nam, còn đa số các chị cao niên quyết tâm ở lại miền Bắc.

  1. Trong Nam

2.1. Sinh hoạt khởi đầu

Ngày 09.08.1954, các chuyến bay và tàu thuỷ đã lần lượt đưa dân chúng, trong số đó có các chị từ chín Nhà Phước thuộc Địa Phận Bắc Ninh, di cư vào miền Nam. Tuy vào Sài Gòn đất lạ, người đông, nhưng các chị may mắn được Nhà Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và giáo xứ Đức Hoà (Long An) giúp đỡ trong thời gian đầu, sau đó, các chị di chuyển đến Xoài Minh (Đồng Nai). Để phục vụ dân chúng và cũng là phương tiện để sinh sống, các chị chăm sóc trẻ mồ côi, hoặc làm thuốc, làm may, vào rừng chặt cây, kiếm lá làm nhà, đóng sàn làm giường, phá rừng để có đất trồng cấy[2].

Sau khi đã ổn định cuộc sống, các chị được tự do gia nhập vào một dòng tu thích hợp để tiếp tục đời sống dâng hiến. Tháng 06.1956, các Nhà Phước Đa Minh thuộc bốn Địa Phận gốc Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn và Bắc Ninh được tập trung tại Hố Nai để thực hiện việc cải tổ. Các chị lần lượt được tuyển chọn vào Nhà Tập Dòng Đa Minh Chân Lý, để có lời khấn theo Giáo Luật.

Một số chị không gia nhập Dòng Đa Minh trở về gia đình hoặc sống từng nhóm tại Tua Sáu, Tua Chín (nay thuộc Giáo xứ Thiết Nham, Giáo phận Xuân Lộc). Dù sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng các chị luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau và vẫn nuôi lý tưởng được sống đời tu trì để hiến thân cho Thiên Chúa và phục vụ mọi người.

Theo thời gian, Thiên Chúa dần dần biểu lộ chương trình yêu thương của Ngài, qua đó, các chị trở thành những hạt giống đầu tiên mà Thiên Chúa gieo trồng để Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh được nảy mầm và lớn lên.

2.2. Hạt giống nảy mầm

Năm 1959, cha Gioan Baotixita Đào Duy Du, gốc Bắc Ninh, du học từ Rôma trở về, ngài quan tâm đặc biệt tới các chị Nhà Phước Bắc Ninh còn lại và có ý định giúp các chị cải tổ. Có thể nói rằng, Thiên Chúa đã dùng cha Gioan Baotixita để thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài đối với các chị.

Từ tháng 08.1959, cha Gioan Baotixita thường xuyên liên lạc và khích lệ tinh thần các chị, đồng thời chuẩn bị việc cải tổ. Cuối năm 1959, ngài đến Tua Chín tổ chức tĩnh tâm và giúp các chị đi vào nề nếp đời sống tu trì. Thời điểm này, cơ sở vật chất và điều kiện sinh sống của các chị đã tạm ổn, nhưng vì đường xá không thuận tiện nên cha Gioan Baotixita đề nghị các chị liên hệ với cha Phêrô Nguyễn Thượng Hiền, chánh xứ Từ Đức, thuộc ấp Từ Đức, Linh Xuân, Thủ Đức, để xin sự trợ giúp. Cha Phêrô Hiền sẵn lòng nhường cho các chị một khu đất khá rộng, gần nhà xứ của ngài. Chính nơi đây đã trở thành chiếc nôi của Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh

Năm 1960, cha Gioan Baotixita đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà ở và trường học cho các chị. Sau khi cơ sở vật chất tạm ổn, mười sáu chị Nhà Phước đang tản mác tập trung về cơ sở mới ở trại Bắc Ninh[3], giáo xứ Từ Đức.

Đầu năm 1961, cha Gioan Baotixita tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất: nhà ở, trường Mẫu giáo và Tiểu học để các chị có điều kiện sinh sống và làm việc tông đồ. Cùng với cha Gioan Baotixita, các chị tham gia vào việc dạy học và chăm sóc học sinh nội trú. Những năm tháng đầu tiên, tuy hết sức khó khăn nhưng với ơn Chúa, các chị đã từng bước vượt qua.

Mặc dù các chị đã tập trung vào một cơ sở để sống chung thành cộng đoàn, nhưng tinh thần tu trì chưa có định hướng rõ ràng. Do đó, các chị rất thao thức được cải tổ để trở thành nữ tu thực thụ trong một Hội Dòng theo đúng Giáo Luật.

Niềm mong ước mãnh liệt ấy thúc đẩy các chị mạnh dạn liên lạc với Bề Trên Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá[4] xin giúp cải tổ. Dù lần thỉnh cầu thứ nhất bị từ chối, nhưng các chị vẫn tiếp tục duy trì ước mơ của mình trong âm thầm cầu nguyện; đến lần thứ hai, các chị được Bề Trên Cả Têrêsa Avila Nguyễn Thị Phúc và Hội Đồng Cố Vấn chấp thuận lời thỉnh cầu.

Sau khi được sự đồng ý của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá, cha Gioan Baotixita trực tiếp trình bày với Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và đệ thư xin cho chị em Nhà Phước Bắc Ninh di cư còn lại được cải tổ theo tinh thần Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá.

Trong thư phúc đáp đề ngày 06.07.1964, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chấp thuận, với điều kiện phải có sự đồng ý của Đức Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt.

Ngày 08.07.1964, Đức Cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt, đã ký văn bản ban phép cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá giúp huấn luyện các chị Nhà Phước Bắc Ninh.

2.3. Hình thành Hội Dòng

Hạ tuần tháng 05.1965, Bề Trên Cả Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá cử Mẹ Rosa Hoàng Thị Nhung và Dì Anna Nguyễn Thị Thơm đến Thủ Đức để bắt đầu việc huấn luyện, đồng thời kiêm việc điều hành Nhà Phước.

Ngày 01.06.1965, hai mươi ba chị[5] được gia nhập lớp Tiền tập đầu tiên. Sau sáu tháng, vào lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08.12.1965, các chị được gia nhập Tập viện lớp đầu tiên. Đây là điểm mốc lịch sử quan trọng mà chị em đã quyết định chọn làm ngày khai sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh.

Sau một năm Tập theo Giáo Luật, ngày 19.12.1966, lần đầu tiên Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh có 22 chị tuyên khấn lần đầu, theo Hiến Pháp-Kỷ Luật Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá.

Năm 1968, Dì Anna Nguyễn Thị Thơm trở về Bảo Lộc, Dì Têrêsa Phạm Thị Đức đến Thủ Đức thay thế.

Theo Hiến Pháp-Kỷ Luật, phải qua thời gian khấn tạm tối thiểu sáu năm, ứng sinh mới được khấn trọn đời, nhưng Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đấng Bản Quyền Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ban phép chuẩn cho các chị lớn tuổi đã ở Nhà Phước lâu năm được khấn trọn đời sớm hơn. Nhờ đặc ân này, ngày 02.05.1970, sau hơn ba năm khấn tạm, 15 chị được tuyên khấn trọn đời. Trong tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, các chị trở thành nền móng cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh.

 

2.4. Tiến đến độc lập

Năm 1970, Hội Dòng đã có các chị khấn trọn và có thể độc lập về mặt quản trị, nên Ban Điều Hành Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá quyết định để chị em tự điều hành, Mẹ Rosa Hoàng Thị Nhung và Dì Têrêsa Phạm Thị Đức trở về Bảo Lộc. Tuy nhiên, chị em Mến Thánh Giá Bắc Ninh vẫn tiếp tục tuân giữ Hiến Pháp-Kỷ Luật của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá và gửi tập sinh lên Tập Viện để tiếp tục được huấn luyện, vì chị em Mến Thánh Giá Bắc Ninh chưa có nhân sự đảm trách việc huấn luyện. Bề Trên Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá sẵn sàng tiếp tục nâng đỡ theo thỉnh nguyện của chị em Mến Thánh Giá Bắc Ninh. Cho đến năm 1975, Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh mới tự đảm nhận việc huấn luyện tập sinh.

Chị em vẫn sống theo Hiến Pháp-Kỷ Luật Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá cho đến năm 1990, khi Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn được Đấng Bản Quyền[6] cho phép thử nghiệm Hiến Chương mới.

Ngày 02.05.1970, Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh có Bề Trên Cả và Ban Tổng Cố Vấn.

2.5. Danh hiệu mới

Để phù hợp với bản chất của Hội Dòng địa phương, Toà Thánh đã đề nghị những Hội Dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn, mà vẫn còn mang tên Giáo Phận gốc miền Bắc, lấy tên địa danh nơi Nhà Mẹ của Hội Dòng đang toạ lạc. Ngày 29.06.1995, lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, qua bản Tuyên ngôn Prot. n. DD-2375-1/95, Đức Hồng Y Martinez, Tổng Trưởng Bộ Đặc Trách Tu Sĩ của các Hội Dòng Sống Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, chính thức đổi tên Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh thành Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, trực thuộc Đấng Bản quyền Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

  1. Nhân sự

Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức đã từng bước tiến triển về nhiều mặt. Theo thống kê năm 2023, nhân sự của Hội Dòng: Khấn trọn: 215; Khấn tạm: 68; Tập sinh: 19; Tiền tập sinh: 4; Thanh tuyển sinh: 26.

  1. Quý Bề Trên

– Mẹ Bề Trên Anna Nguyễn Thị Nhường (1970-1976; 1988-1992).

– Mẹ Bề Trên Anna Nguyễn Thị Phượng (1976-1982; 1982-1988).

– Chị Tổng Phụ Trách M.Têrêsa Nguyễn Thị Dâng (1992-1996; 1996-2000).

– Chị Tổng Phụ Trách Anna Phạm Thị Khấn

(2000-2004; 2004-2008; 2008-2012; 2012-2016).

– Chị Tổng Phụ Trách Anna Lê Thị Vân Nga (2016- 2020)

– Chị Tổng Phụ Trách Anna Nguyễn Thị Ngọc Hiệp (2020-…)

  1. Cơ sở

Nhà Mẹ

   Địa chỉ: Số 26, đường 6, Kp. 2, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM

   ĐT       : (028) 38 960 411; (028) 37 22 07 78

   Email  : mtgthuduc@gmail.com

Các cộng đoàn: Hội Dòng có 30 cộng đoàn hiện diện trong bảy Giáo Phận:

*  Sài Gòn (9): Nhà Mẹ, Hoàng Mai, Tam Hải, Thị Nghè, Nhật Hồng, Bừng Sáng, Bùi Phát, Lambert, Thiên Ân.

* Xuân Lộc (8): Tân Bắc, Tâm Hoà, Tâm An, Nghĩa Sơn, Long An, Tân Hiệp, Núi Cúi, Thiết Nham.

* Bà Rịa (2): Đông Xuyên, Bãi Dâu

* Đà Lạt (4): Đà Lạt, Suối Mơ, Tập viện Đamb’ri, Đạ Tồn (Đatol)

* Cần Thơ (3): Vị Tín, Vị Thuỷ, Cầu Móng

* Bắc Ninh (3): Thường Lệ, Thiên Hoà, Thiên An

* Melbourne, Úc (1)

III. HUẤN LUYỆN

  1. Huấn luyện khởi đầu

Ngày 12.06.1975, mười hai chị mới gia nhập Tiền Tập Viện từ cộng đoàn Nhà Mẹ được gửi đến sống giai đoạn Tiền Tập tại cộng đoàn An Bình thuộc Giáo Phận Xuân Lộc. Cho đến năm 1977, tình hình xã hội vẫn chưa thuận lợi nên Hội Dòng đã xin phép tạm thiết lập Tập Viện tại An Bình và các chị này đã làm năm Tập theo Giáo Luật tại đây.

Kể từ năm 1977, các giai đoạn huấn luyện khởi đầu, từ Đệ Tử Viện[7] cho đến Tập Viện được thực hiện tại Nhà Mẹ. Vì số ứng sinh của các giai đoạn còn ít nên Hội Dòng cho phép các em sống chung và trao cho một chị đặc trách việc huấn luyện tại cơ sở số 32, đường số 8, khu phố 2, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức.

1.1. Thanh Tuyển Viện 

Năm 1988, Hội Dòng quyết định tách riêng Thanh Tuyển Viện để thuận tiện cho việc huấn luyện, đồng thời chuyển Tiền Tập Viện và Tập Viện về Nhà Mẹ, số 26, đường số 6, khu phố 2, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình huấn luyện trong giai đoạn Thanh Tuyển Viện giúp các em:

– Tìm hiểu và làm quen với ơn gọi tu trì, nhất là ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá;

– Trải nghiệm đầu tiên về đời sống cộng đoàn;

– Nhận định ơn gọi, ý thức tự do, tự nguyện đáp trả tiếng Chúa;

– Được giáo dục về nhân bản, giới tính, đức tin: bổ túc giáo lý, học gương các thánh, cách riêng các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tập suy niệm, chia sẻ và sống Lời Chúa. Các em tiếp tục học văn hoá, nghề nghiệp cho đến khi tốt nghiệp (trung cấp, cao đẳng, đại học).

Thời hạn: đủ để hoàn tất chương trình của Thanh Tuyển Viện. Những trường hợp ngoại lệ do chị Đặc Trách Thanh Tuyển Viện quyết định.

1.2. Tiền Tập Viện

Từ năm 1977, các em tiền tập sinh và tập sinh cùng sống chung trong một khu nhà dành riêng, dưới sự đồng hành của chị Giám Sư Tập Viện. Hội Dòng nhận Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng cho các em, để ghi nhớ ngày các chị lớp đầu tiên gia nhập Tập Viện và cũng là sinh nhật của Hội Dòng.

Năm 2006, để thuận tiện hơn cho việc huấn luyện, Hội Dòng tách Tiền Tập Viện ra khỏi Tập Viện.

Với ước mong được trở thành người môn đệ Đức Giêsu thương mến, chị Đặc Trách Tiền Tập Viện đã chọn Thánh Gioan Tông Đồ (27.12) làm bổn mạng cho Tiền Tập Viện.

1.3. Tập Viện

Năm 1978, Tập Viện được di chuyển từ An Bình (nay là giáo xứ Tâm An, Giáo Phận Xuân Lộc) về Thủ Đức.

Ngày 15.07.2008, Hội Dòng đã quyết định chuyển Tập Viện từ Nhà Mẹ đến Đamb’ri, Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Chương trình huấn luyện trong các giai đoạn Tiền Tập Viện và Tập Viện: Hội Dòng theo sát Hiến Chương.

1.4. Học Viện 

Để đánh dấu ngày khai mạc lớp Học Viện đầu tiên, ngày 15.10.1986, Hội Dòng tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn vào ngày lễ kính Thánh Têrêsa Avila, cũng là bổn mạng của Học Viện.

Hiện nay, trong giai đoạn Học Viện, chị em được Hội Dòng dành cho ba hoặc bốn năm để học Thần Học tại các Học Viện Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá, Học Viện Liên Dòng Nữ Phaolô Nguyễn Văn Bình hoặc Học Viện Công Giáo. Chị em thực tập tông đồ từ hai đến ba năm tại các cộng đoàn, giáo xứ hoặc làm các công tác y tế, xã hội theo sứ vụ và định hướng của Hội Dòng. Chị em có thể được đào tạo thêm chuyên môn hoặc ngành nghề phù hợp, để phục vụ hữu hiệu hơn theo ơn gọi của Dòng. Chị em trở về Nhà Mẹ một năm để chuẩn bị khấn trọn đời. Những trường hợp ngoại lệ sẽ do chị Giám Sư Học Viện cùng với Ban Điều Hành Hội Dòng ấn định.

  1. Huấn luyện thường xuyên

Các nữ tu khấn trọn đời vẫn tiếp nối tiến trình huấn luyện đã nhận được trong giai đoạn huấn luyện khởi đầu. Mục đích việc thường huấn không đơn thuần là đào tạo về tri thức hay nghề nghiệp như là thủ đắc những kỹ năng mục vụ mới, nhưng nhằm đẩy mạnh sức phát triển liên tục và toàn diện con người, đào sâu từng phương diện như nhân bản, đời sống thiêng liêng, tri thức, lối sống, đời tu, tông đồ, quản trị cũng như học cách sống hoà hợp và dấn thân[8].

Dù làm việc gì hay ở đâu, tất cả đều nhắm đến việc huấn luyện người nữ tu Mến Thánh Giá có khả năng thích ứng và hội nhập, đối thoại và lắng nghe, cần mẫn và nhẫn nại, nhạy bén và linh động trước những khó khăn cũng như những vấn đề của con người và thời đại, để dễ dàng thống nhất đời sống trong Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chị em, và trở nên chứng nhân sống đời dâng hiến tới mức trọn hảo trong đức ái.

Năm 2020, Hội dòng bổ nhiệm một chị có kinh nghiệm thiêng liêng và tu trì để đồng hành với những chị em mới khấn trọn từ 1 đến 5 năm.

IV. HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

 Sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá là trở nên cánh tay hữu hình của Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh và tiếp nối sứ mạng trung gian chuyển cầu của Người nơi trần thế. Sống đúng tinh thần đó, chị em Mến Thánh Giá Thủ Đức thi hành sứ mạng tông đồ trong tâm tình vừa chiêm niệm vừa hoạt động trong các lãnh vực: giáo dục đức tin, giáo dục văn hoá, đến với lương dân, y tế và xã hội.

  1. Giáo dục đức tin

Chị em cộng tác với cha xứ trong việc mục vụ như trao Mình Thánh Chúa trong Thánh Lễ, phục vụ phòng thánh, ca đoàn và các đoàn thể; dạy giáo lý thiếu nhi các cấp, giáo lý dự tòng và hôn nhân; đào tạo giáo lý viên và hướng dẫn tìm hiểu ơn gọi; thăm viếng, an ủi và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân; phụ trách Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế.

  1. Giáo dục văn hoá

Phần lớn các cộng đoàn của Hội Dòng đều mở trường mẫu giáo để chăm sóc, giáo dục trẻ thơ. Bên cạnh đó, chị em mở các lớp dạy ngoại ngữ, đàn organ, phương pháp học tập siêu trí nhớ để giúp phát triển năng khiếu cho trẻ em, đặc biệt quan tâm mở các lớp học tình thương để nuôi dạy trẻ em nghèo.

  1. Đến với lương dân

Đến với lương dân là sứ mạng của Giáo Hội và cũng là sứ mạng của Dòng Mến Thánh Giá. Chị em ý thức trách nhiệm của mình trong việc đem Tin Mừng đến cho lương dân, nên tích cực dấn thân trong việc sống và phục vụ họ. Nhờ đó, nhiều người đã nhận biết Chúa, được tham dự các lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh; nhiều thiếu nhi lương dân được đến lớp giáo lý, tham gia vui chơi, sinh hoạt tôn giáo trong các dịp lễ tết, hội hè… Hiện nay, Hội Dòng có năm cộng đoàn hiện diện trong các vùng truyền giáo: Đạ Tồn, phục vụ dân tộc Châu Mạ; Vị Tín, phục vụ dân tộc Khmer; Thường Lệ, phục vụ lương dân vùng sâu vùng xa; Vị Thuỷ và Cầu Móng, thăm viếng, chia sẻ, hướng dẫn lương dân nghèo làm thủ công nghệ, tổ chức các nghi thức tôn giáo vào các dịp thuận tiện…

  1. Y tế

Từ năm 1980, Hội Dòng có phòng khám Đông y tại Nhà Mẹ: chăm sóc, chữa trị nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó, Hội Dòng cộng tác với các tổ chức từ thiện thực hiện chương trình phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo ở các cộng đoàn: Tân Hiệp, Đạ Tồn, Thường Lệ, Thiên An, Vị Tín, Vị Thuỷ…

  1. Bác ái xã hội

Chị em góp phần xoa dịu nỗi khổ đau của đồng bào với cả tấm lòng yêu mến qua những công việc cụ thể như giúp đỡ hàng trăm em học sinh nghèo được đến trường, thăm viếng, trao quà cho người già yếu neo đơn trong các dịp lễ tết; ba tháng một lần, phát gạo, thuốc cho những gia đình nghèo, gia đình người dân tộc thiểu số, những gia đình vùng sâu vùng xa; giúp vốn cho nhiều hộ nghèo để họ có phương tiện làm kinh tế… Đặc biệt, chị em quan tâm chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho một số bà con ở trại phong Bình Minh (Đồng Nai).

Từ năm 1995, Hội Dòng bắt đầu mở rộng lãnh vực công tác xã hội chuyên biệt trong việc chăm lo nuôi dạy trẻ em khiếm thị, đặc biệt những em khiếm thị đa tật. Những cộng đoàn phục vụ trẻ khiếm thị được Hội Dòng quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

Hơn nữa, Hội Dòng còn gửi một số chị em đi học chuyên ngành tại các trường đại học trong và ngoài nước. Nhờ đó, chị em có thể phục vụ tốt hơn, chăm sóc, nuôi dạy các em khiếm thị, phù hợp với khả năng, tình trạng sức khỏe của từng em. Một số có thể học hết chương trình từ phổ thông cho đến đại học cùng với các bạn sáng mắt; số khác theo chương trình bổ túc văn hoá hoặc chỉ có thể học tại nhà; số còn lại được hướng dẫn học các nghề thích hợp. Trong từng trường hợp, các chị luôn cố gắng giúp mỗi em có được một công việc ổn định để có thể tự lập sau này.

Cho đến nay, Hội Dòng có mười cơ sở phục vụ trong lãnh vực này: Thị Nghè, Nhật Hồng, Đà Lạt, Suối Mơ, Long An, Vị Thuỷ, Bừng Sáng, Thiên Hoà, Núi Cúi và Thiên Ân.

Ngoài ra, kể từ năm 2010, Hội Dòng phục vụ thêm lãnh vực bảo vệ trẻ thơ và thăng tiến giới nữ.

V. NHỮNG BIẾN CỐ ĐẶC BIỆT

  1. Khai sinh Hội Dòng

Ngày 08.12.1965, hai mươi ba chị gia nhập lớp Tập Viện đầu tiên, đó chính là ngày khai sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh.

  1. Tu phục qua các thời kỳ

Từ khi hình thành Hội Dòng cho đến nay, chị em đã có bốn kiểu tu phục:

– Từ năm 1966-1970: Áo xếp ly dài màu đen; cổ màu trắng; yếm đen bên ngoài phủ trước ngực và sau lưng; lúp đen dài và rộng, cốt màu trắng che kín trán, phủ vai và một phần thân trước; Thánh Giá lớn đeo bằng dây đen trước ngực.

– Từ năm 1970-1977: Áo xếp ly dài màu đen; cổ màu trắng; lúp đen ngắn, cốt màu trắng hình lưỡi liềm; Thánh Giá cài trước ngực.

– Từ năm 1977-1988: Áo xếp ly dài màu đen; cổ màu trắng; lúp đen ngắn viền trắng, không che kín tóc; Thánh Giá cài trước ngực.

– Từ năm 1988 – nay: Áo blouse màu đen; cổ màu trắng; yếm đen; lúp đen ngắn viền trắng, không che kín tóc; Thánh Giá nhỏ cài trên cổ áo phía tay trái.

  1. Hiến chương thử nghiệm

Năm 1990, nhân kỷ niệm 320 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam (1670-1990), Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký Nghị định phê chuẩn quyển Hiến Chương thử nghiệm cho Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá trực thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn[9]. Cùng năm, chị Tổng Phụ Trách Maria Têrêsa Nguyễn Thị Dâng ban hành Hiến Chương thử nghiệm cho chị em.

  1. Hiến Chương chính thức

Ngày 02.02.2000, ngày thánh hiến các tu sĩ, cùng với sáu Hội Dòng Mến Thánh Giá trực thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức đón nhận Hiến Chương chính thức do Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn long trọng phê chuẩn sau mười năm thử nghiệm (1990-2000).

Ngày 27.05.2000, chị Tổng Phụ Trách Maria Têrêsa Nguyễn Thị Dâng ban hành Hiến Chương và Nội Quy cho chị em trong Hội Dòng.

  1. Mừng Bốn Mươi Năm thành lập Hội Dòng và cung hiến Nguyện đường

Ngày 10.12.2005, Hội Dòng mừng kỷ niệm Bốn Mươi Năm thành lập và cung hiến Nguyện đường do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ sự.

  1. Di chuyển Tập Viện

Ngày 15.07.2008, Hội Dòng đã quyết định dời Tập Viện từ Nhà Mẹ Thủ Đức đến Đamb’ri, Bảo Lộc, Lâm Đồng.

  1. Mừng Năm Mươi Năm thành lập Hội Dòng

Hội Dòng khai mạc Năm Thánh mừng Năm Mươi Năm thành lập vào ngày 01.01.2015, nhằm lễ Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa; Bế mạc vào ngày 08.12.2015, nhằm lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Bao nhiêu tâm tình được thể hiện qua những giọt nước mắt tràn ngập niềm vui của các bà, các chị đã từng bước gầy dựng Hội Dòng, cùng với những nụ cười rạng rỡ của đàn em, những ánh mắt hân hoan của những người thân quen…, tất cả đều muốn nói lên niềm cảm tạ tri ân Thiên Chúa, về mầu nhiệm tình yêu mà Ngài đã thực hiện trên Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức.

VI. HIỆP HỘI MẾN TÌN HỮU THÁNH GIÁ 

  1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục tiên khởi, đã để lại cho Hội Thánh Việt Nam một kho tàng quý báu là linh đạo Mến Thánh Giá. Ngài đã nhận ra rằng, không phải chỉ bản thân ngài noi gương Thánh Tông Đồ Phaolô, mà mọi thành phần trong Thân Thể Đức Kitô cũng có thể góp phần vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng nhờ sống linh đạo Mến Thánh Giá. Chính vì thế, ngài đã lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá cho các tín hữu sống giữa đời tại Thái Lan năm 1668 và Đàng Ngoài năm 1670. Tuy nhiên Hiệp hội đã sớm mai một, có thể hoặc vì chiến tranh, hoặc vì những cuộc bách hại đạo khốc liệt.

Năm 1965, cha Gioan Baotixita Đào Duy Du đã quy tụ một số chị Nhà Phước Bắc Ninh di cư và giúp chị em cải tổ theo linh đạo Mến Thánh Giá, và trở thành Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức hiện nay. Đồng thời, cha đã chia sẻ và gợi ý cho em trai là ông Gioan Baotixita Đào Văn Thời, mời gọi các bạn hữu cùng sống Linh đạo Mến Thánh Giá giữa đời một cách tự phát.

Năm 1984, một nhóm Tín hữu đạo đức do ông Stephanô Vincentê Nguyễn Văn Khanh và ông Gioan Baotixita Đào Văn Thời quy tụ và mời gọi, có lòng sùng kính Thánh giá Chúa Giêsu và Thánh thể thuộc giáo xứ Tâm Hoà, giáo phận Xuân Lộc gồm 15 thành viên được thiết lập với sự chấp thuận của cha xứ Tôma Nguyễn Văn Thân. Vào các chiều thứ Sáu hàng tuần, những giáo dân đạo đức này cùng nhau chầu Thánh Thể và suy niệm Đàng Thánh Giá. Các hội viên phân công nhau thăm viếng các cụ già yếu, neo đơn trong giáo xứ. Đồng thời cũng giúp hoà giải một số gia đình trong xóm làng.

Năm 1986, vì lòng đạo đức và ao ước được học tập tìm hiểu về linh đạo Mến Thánh Giá của các hội viên hội này, bề trên Hội dòng đã cử chị phụ trách cộng đoàn Tâm hoà là chị Rosa Nguyễn Thị Ái, hướng dẫn và đồng hành với các hội viên. Nhóm Tâm Hoà đã chính thức được thành lập với tên gọi Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế Tâm Hoà vào ngày 13 tháng 04 năm 1989.

Năm 1996, Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá soạn thảo quyển Quy chế Mến Thánh Giá Tại Thế, chị Tổng Phụ Trách đã cho áp dụng thử nghiệm.

Ngày 08 tháng 07 năm 2001, Dì Tổng Phụ Trách Anna Phạm Thị Khấn đã ra quyết định bổ nhiệm hai chị Rosa Nguyễn Thị Ái và chị Maria Trần Thị Khuyến trong vai trò trợ uý và phụ tá trợ uý của Hiệp hội Giáo xứ Tâm Hoà.

Trong giai đoạn áp dụng thử nghiệm Quy Chế Hiệp Hội, Hội dòng tiếp tục thiết lập thêm những nhóm thuộc các giáo xứ nơi có các cộng đoàn của Hội dòng hiện diện như: Tâm An, năm 2002; Bắc Minh, năm 2002; Nghĩa Sơn, năm 2004.

Sau nhiều năm phổ biến và áp dụng cho các hội viên Hiệp hội Mến Thánh Giá học hỏi và sống tinh thần theo Quy chế, ngày 26 tháng 03 năm 2010, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã chính thức ký Nghị định thiết lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá (Mến Thánh Giá Tại Thế) trong Tổng Giáo Phận Sài Gòn, và ngài cũng phê chuẩn Quy chế do Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá soạn thảo.

Linh đạo Mến Thánh Giá ngày càng được lan rộng hơn và xa hơn trên các vùng đất nơi có các cộng đoàn của Hội dòng hiện diện. Sau khi Hiệp Hội được chính thức nhìn nhận là một Hội Công thuộc giáo phận, và đánh dấu sự phát triển của Hội dòng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (1965-2015), Hội dòng tiếp tục thiết lập thêm những nhóm mới như: Vị Tín, năm 2015; Tân Bắc, năm  2017; Tân Hiệp, năm 2018; Từ Đức, năm 2019; Hiển Linh, năm 2019; La Vang (Đạ Tồn) và Cầu Móng, năm 2020, Thiết Nham 2022.

Ngày 07 tháng 12  năm 2020, Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, giám mục giáo phận Xuân Lộc đã ký một quyết định cho phép Hiệp Hội được hiện diện và hoạt động trong giáo phận.

Ngày 01 tháng 01 năm 2023, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Tổng giáo phận Sài gòn đã ký Quyết định thay đổi tên từ Mến Thánh Giá Tại Thế Thủ Đức thành Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Thủ Đức và phê chuẩn Quy Chế tu chính 2023.

Hiện nay, tính đến tháng 06 năm 2023, trong sự liên đới con cùng một cha và cùng sống Linh đạo Mến Thánh Giá, Hội Dòng đã có 13 nhóm Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá, thuộc 13 giáo xứ hiện diện ở bốn giáo phận Sài Gòn, Xuân Lộc, Cần Thơ, Đà Lạt với tổng số 939 hội viên. Các nhóm độc lập về quản trị với sự điều động của một Ban Phục vụ và mỗi nhóm có một trợ uý đồng hành. Điều hành hiệp hội, có Ban điều hành với sự đồng hành của một Tổng trợ uý.

  1. CƠ CẤU TỔ CHỨC
  2. Tổng Trợ Uý
  • Nữ tu Rosa Nguyễn Thị Ái (2001-2010)
  • Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Xuân Lan (2010 – 2020)
  • Nữ tu Têrêsa Lê Thị Kim Phụng (2020- nay)
  1. Ban Điều Hành hiện nay (2018-nay)

– Phêrô Huỳnh Khái Hưng (Giáo xứ Tâm Hòa)                 Trưởng ban

– Maria  Vũ Thị Cậy    (Giáo xứ Tâm An)                         Phó Nội

– Phêrô Vũ Văn Quý   (Giáo xứ Tân Hiệp)                        Phó Ngoại

– Maria Phạm Thị Nhịn  (Giáo xứ Nghĩa Sơn)                   UV. Thư ký

– Maria Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Giáo xứ Tân Bắc)          UV. Thủ quỹ

  1. Các Nhóm Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá

01- Gx. Tâm Hòa   (1986) : 140 hội viên

 03- Gx. Bắc Minh  (2002) :   75 hội viên

04- Gx. Tâm An      (2002) : 278 hội viên

05- Gx. Nghĩa Sơn (2004) :   72 hội viên

06- Gx. Vị Tín         (2015) :   48 hội viên

07- Gx. Tân Bắc     (2017) :   60 hội viên

08- Gx. Tân Hiệp   (2018) :   34 hội viên

09- Gx. Từ Đức       (2019):   28 hội viên Gia Nhập

10- Gx. Hiển Linh (2019) :  23 hội viên Gia Nhập

11- Gx. La Vang ( Đạ Tồn)  (2020) : 14 ứng viên tìm hiểu

12- Gx. Cầu Móng (2020):  24 hội viên

13- Gx. Thiết Nham (2022) :  20 hội viên gia nhập và ứng viên.

Tổng số Hội viên 939, trong đó có khoảng 30% hội viên đau bệnh già yếu, không sinh hoạt thường xuyên.

  1. SINH HOẠT HIỆP HỘI
  2. Cầu Nguyện: Hướng trọn lòng trí về Đức Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh

– Dâng Thánh lễ và Rước Mình Thánh Chúa thường xuyên

– Kết hiệp với Đấng Chịu-Đóng- Đinh và liên kết với nhau bằng 5 Kinh Lạy Cha buổi sáng và tối để tưởng nhớ 5 dấu đanh của Người đã chịu vì nhân loại, xin ơn cho người ngoại giáo được nhận biết Chúa.

– Mỗi ngày dành ít phút để suy gẫm về cuộc Thương Khó Chúa, hoặc đọc một chặng Đàng Thánh Giá

– Mỗi tuần quy tụ để cùng đọc kinh cầu nguyện, học tập, chầu Thánh Thể, chia sẻ Lời Chúa, suy ngắm Đàng Thánh Giá.

  1. Học Tập: Theo Quy chế Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá
  2. Giai đoạn Tìm Hiểu (khoảng 6 tháng)
  • Học Tiểu sử Đấng Sáng Lập.
  • Học phương pháp chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm sống đạo và hoạt động tông đồ.
  • Bồi dưỡng giáo lý.
  1. Giai đoạn Gia Nhập (khoảng 1 năm)
  • Học Quy chế Hiệp hội.
  • Học giáo huấn của Giáo hội về Tông đồ Giáo dân:

– Chương IV của Hiến chế Giáo hội về Giáo dân,

– Tông huấn của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Giáo dân.

  1. Giai đoạn Cam Kết Tạm đến Cam Kết Vĩnh Viễn (tối thiểu 3 năm)
    • Chia sẻ Lời Chúa và kinh nghiệm sống Quy Chế Hiệp hội.
    • Học Bài Tự sự; hai Thư Mục vụ của Đức Cha Pierre Lambert de La Motte; Luật Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá.
    • Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân.
  2. Hoạt động tông đồ
  • Hy sinh cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo hội địa phương, cách riêng của Giáo xứ.
  • Những trường hợp khẩn cấp như thiên tai, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thực hiện quyên góp và chia sẻ với đồng bào nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
  • Chu toàn bổn phận được giao trong Giáo xứ và cộng tác với những hội đoàn khác xây dựng Giáo xứ.
  • Thăm viếng các bệnh nhân, người già yếu, người neo đơn, trẻ mồ côi khuyết tật tối thiểu 2 lần/năm.
  • Cầu nguyện liên gia và viếng xác tín hữu qua đời trong Giáo xứ.
  • Cộng tác với các nữ tu Mến Thánh Giá trong công tác tông đồ mục vụ giáo xứ, loan báo Tin Mừng, nhằm góp phần xây dựng Giáo hội địa phương qua hoạt động dạy giáo lý thiếu nhi, dạy giáo lý dự tòng, và kết bạn với lương dân theo định hướng Hội dòng nhiệm kỳ 2020-2024.
  • Thực hiện việc loan báo Tin mừng cho lương dân qua hoạt động kết bạn với lương dân, cầu nguyện cho họ, và thường xuyên thăm viếng giao lưu với họ.
  • Mùa Giáng sinh mỗi hội lên kế hoạch và thực hiện hoạt động làm hang đá cho một số người già yếu neo đơn trong giáo xứ, mời người bạn lương dân đến tham dự lễ mừng Chúa Giáng sinh với Giáo xứ.
  • Trước tết Nguyên Đán, thực hiện chương trình nuôi heo đất chia sẻ với một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
  1. Sinh hoạt chung

Hiệp hội hiệp hành trong cùng một đường hướng hoạt động qua kế hoạch hoạt động chung của từng năm, từng quý và từng tháng. Mỗi quý, Ban điều hành và các Ban phục vụ gặp gỡ chia sẻ các sinh hoạt hoạt động tông đồ của quý trước, đường hướng hoạt động của quý tiếp theo. Ngoài ra, hiệp hội cũng thi thoảng tổ chức những chuyến hành hương về nguồn, như năm 2014, tổ chức chuyến đi Thái Lan dành cho các Ban Phục vụ, viếng phần mộ Đấng Sáng Lập. Ngày 18 tháng 09 năm 2022 hơn 500 hội viên đã đến viếng di cốt Đấng Sáng Lập tại Nhà Nguyện cổ Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.

  1. Ngày họp mặt truyền thống

Ngày 16 tháng 09 năm 2001, là ngày họp mặt đầu tiên của Hiệp hội. 87 hội viên từ hai nhóm giáo xứ Tâm Hoà và Thanh Bình được về cộng đoàn Nhà Mẹ, Thủ Đức để gặp gỡ, chia sẻ và cử hành nghi thức gia nhập Hiệp hội trong Thánh lễ tạ ơn. Trong dịp này, có 47 hội viên độ tuổi từ 55-91 của Tâm Hoà đã long trọng gia nhập Hiệp hội sau 12 năm âm thầm kiên trì trong linh đạo Mến Thánh Giá. Kể từ đó, hằng năm, các hội viên quy tụ về cộng đoàn Nhà Mẹ Thủ Đức để long trọng mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 09, đồng thời cũng cử hành và tham dự nghi thức Cam Kết Lần Đầu và Cam Kết Vĩnh Viễn. Dịp lễ bổn mạng Hiệp hội, kính Thánh Giuse 19 tháng 03, các hội viên cũng quy tụ cùng mừng lễ chung tại Nhà mẹ hoặc một giáo xứ có Hiệp hội.

  1. Đồng phục và Logo Hiệp Hội
  • Trang phục dành cho nam: áo sơ mi màu trắng tay dài, cà vạt đỏ, quần tây sậm màu, đeo Thánh giá gỗ trước ngực.
  • Trang phục dành cho nữ: áo dài và quần dài màu trắng, đeo Thánh giá gỗ trước ngực.
  • Logo:

VII. NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU

  1. Mẹ Cựu Bề Trên Anna Nguyễn Thị Nhường (1970-1976; 1988-1992)

Mẹ Anna Nguyễn Thị Nhường là một trong những chị em đầu tiên đồng hành cùng Hội Dòng từ thuở khai sinh cho đến khi Hội Dòng gần 50 tuổi. Mẹ được chị em tin tưởng bầu làm Bề Trên Cả và cũng là Bề Trên tiên khởi của Hội Dòng. Bao gian nan của những ngày đầu hình thành và quá trình phát triển, mẹ đã cùng chị em chung tay hy sinh, gánh vác.

Khi đương nhiệm, mẹ như người thuyền trưởng can đảm và cương nghị, luôn mạnh mẽ chèo chống con thuyền Hội Dòng lướt qua từng đợt sóng gian nan. Khi tuổi xế chiều, ánh mắt còn tinh tường, đôi tay chưa quá run rẩy, mẹ dành thời gian nâng niu từng mũi đan đường móc để làm nên những chiếc áo ấm cho người nghèo. Khi chân không còn vững, trí đã lúc nhớ lúc quên, mẹ nêu gương cho chị em về lòng khao khát kết hợp với Chúa. Và Thiên Chúa đã đáp lại niềm khát mong mãnh liệt của mẹ, đưa mẹ về bên Chúa vào ngày 18.06.2014.

  1. Mẹ Cựu Bề Trên Anna Nguyễn Thị Phượng (1976-1982; 1982-1988)

Suốt cuộc đời dâng hiến, mẹ Anna đã chọn cho mình phương châm sống: Phục vụ trong khiêm tốn. Trước mọi hoàn cảnh, mẹ đều thể hiện trọn vẹn phương châm ấy theo gương Chúa Kitô. Những thập niên bảy mươi, tám mươi với muôn vàn khó khăn chung của đất nước cũng như của Hội Dòng, mẹ luôn nêu cao tinh thần hiền hậu, nhẫn nại, phó thác trong tin yêu. Tấm gương của mẹ đã giúp chị em có thêm nghị lực để cùng nhau vượt qua bao khó khăn. Mẹ đã an nghỉ trong Chúa ngày 21.05.2007.

  1. Chị Cựu Tổng Phụ Trách Maria Têrêsa Nguyễn Thị Dâng (1992-1996; 1996-2000)

Cuộc đời chị Maria Têrêsa là một cuộc đời tận tâm tận lực, hết lòng gắn bó và phục vụ Hội Dòng. Chị đã dùng trái tim yêu thương nhân hậu của người mẹ, người chị để đón nhận mọi chị em. Thao thức lớn nhất của chị là ước mong chị em luôn yêu thương và hiệp nhất với nhau. Đặc biệt, đối với các em khiếm thị, những người đã từng được chị trực tiếp săn sóc và phục vụ sau khi hết nhiệm kỳ Bề Trên, luôn cảm nhận từ chị sự ân cần, thương yêu. Thế nên, các em đã âu yếm gọi chị là “Bà Ngoại”. Ngay trong những lúc đau đớn vì căn bệnh ung thư, gương mặt chị vẫn toả ra sự dịu hiền và tinh thần tín thác. Trong tin yêu, chị đã về Nhà Cha ngày 23.01.2006.

 

[1] X. Nhật Ký Mẹ Cựu Bề Trên Anna Nguyễn Thị Nhường.

[2] X. Lược Sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, 2005.

[3] Trại Bắc Ninh là nơi tập trung đại đa số những cư dân gốc Bắc Ninh.

[4] Nay là Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, toạ lạc tại giáo xứ Tân Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng.

[5] Lớp Tiền Tập đầu tiên gồm 16 chị Nhà Phước và bảy ứng sinh mới, đã tìm hiểu ơn gọi từ hai đến ba năm.

[6] Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.

[7] Từ năm 2000, theo Hiến Chương mới, Đệ Tử Viện được gọi là Thanh Tuyển Viện.

[8] X. Huấn thị Những Chỉ Dẫn Về Việc Huấn Luyện Trong Các Hội Dòng, 02.02.1990; và Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngỏ lời với các tu sĩ ở Brazil, 1986.

[9] Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá: Thủ Thiêm, Chợ Quán, Phát Diệm (Gò Vấp), Hà Nội (Khiết Tâm), Thái Bình (Tân Lập), Thái Bình (Tân Việt), Bắc Ninh (Thủ Đức).