Lược sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức (2010)

462

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỦ ĐỨC

(xin được viết hoa chữ Dì và chữ Nhà Phước)

 

I.   QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

1. Đất Mẹ Bắc Ninh

Địa phận Bắc Ninh được tách ra từ địa phận Đông Đàng Ngoài và chính thức được thành lập ngày 1-6-1883, lúc đó gọi là địa phận Bắc. Ngày 3-12-1924, địa phận Bắc được đổi tên thành địa phận Bắc Ninh [1].

Nói đến vùng đất Bắc Ninh là nói đến mảnh đất quan họ, tranh Đông Hồ, sơn mài Đình Bảng… Bắc Ninh còn là quê hương của các nhân tài Nước Việt. Hơn thế nữa, Bắc Ninh đã thấm máu bao vị anh hùng tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô [2].

Trên mảnh đất Bắc Ninh trù phú, hạt giống Tin Mừng đã trổ sinh hoa trái dồi dào, trong đó có sự ra đời của chín Nhà Phước[3]: Xuân Hoà, Hương La, Đạo Ngạn, Đình Tổ, Nhã Lộng, Yên Mỹ, Tiên Nha, Yên Tràng, Vĩnh Phúc Yên.

2. BIẾN CỐ LỊCH SỬ NĂM 1954

Với hiệp định Genève được ký kết năm 1954, đất nước tạm thời bị chia đôi khiến tình hình chính trị trở nên rối ren. Dân chúng ở miền Bắc và miền Trung đổ xô chạy vào miền Nam, trong đó có nhiều người Công giáo.

Trong tình hình đó, ngày 09-08-1954, các chuyến bay và tàu thuỷ đã lần lượt đưa dân chúng, trong số đó có giáo dân và hàng trăm Dì phước từ chín Nhà Phước thuộc Giáo phận Bắc Ninh di tản vào miền Nam. Tuy vào Sài Gòn đất lạ, người đông, nhưng các Dì may mắn được Nhà Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và Giáo xứ Đức Hòa (trước đây thuộc tỉnh Long An) giúp đỡ trong thời gian đầu. Sau đó các Dì được tự do gia nhập vào một dòng tu thích hợp để tiếp tục đời sống dâng hiến của mình. Trong số đó, có một nhóm còn đang tìm ý Chúa về Linh đạo mà mình mong ước theo đuổi. Nhưng một lần nữa nhóm này lại phải phân tán, nhiều lần thay đổi chỗ ở để tu trì và mưu sinh. Một số Dì dạy học, số khác lao động chân tay như  làm ruộng, tráng bánh, làm nón lá, dệt vải… Đặc biệt, các Dì tự làm thuốc nam để vừa bốc thuốc chữa bệnh vừa đem Phúc Âm Chúa Kitô đến cho lương dân và rửa tội cho trẻ em lâm cơn nguy tử nơi các thôn làng. Ngoài ra, các Dì còn quy tụ trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già yếu neo đơn để chăm sóc, nuôi dưỡng. Dù sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng các Dì vẫn luôn giữ trong mình một tinh thần tận hiến cao độ với ước mong được sống trọn vẹn đời tu trì để hiến thân cho Thiên Chúa và phục vụ mọi người.[4]

3. SINH HOẠT KHỞI ĐẦU [5]

Tháng 06.1956, các Nhà Phước Đaminh thuộc bốn Giáo phận gốc Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn và Bắc Ninh được tập trung tại Hố Nai để thực hiện việc cải tổ. Các Dì thuộc các Nhà Phước trong Giáo phận Bắc Ninh cũng như ba Giáo phận trên lần lượt từng lớp xin vào nhà Tập. Một số Dì không gia nhập Dòng Đaminh thì chuyển đến sống tại Tua Chín, huyện Long Thành (nay thuộc Giáo xứ Thiết Nham, Giáo phận Xuân Lộc).

Khi nơi cư trú đã tạm ổn, các Dì tổ chức tuần tĩnh tâm và sau đó bầu Bà Nhất và Bà Nhì. Trong mọi hoàn cảnh, các Dì luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Theo thời gian, Thiên Chúa đã mạc khải dần chương trình tình yêu của Ngài và các Dì đã trở thành những hạt giống đầu tiên mà Thiên Chúa gieo trồng để cây Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh-Thủ Đức được dần nảy mầm và lớn lên.

4. HÌNH THÀNH HỘI DÒNG

  • 1959-1964 : CÔNG CUỘC CẢI TỔ [6]

Năm 1959, cha Gioan Baotixita Đào Duy Du, gốc Bắc Ninh, du học từ Roma trở về. Ngài quan tâm đặc biệt tới các Dì Nhà Phước còn lại ở Tua Chín, huyện Long Thành và có ý định giúp các Dì đi đến việc cải tổ.

Từ tháng 08.1959, cha Gioan Baotixita thường xuyên liên lạc và khích lệ tinh thần các Dì. Đầu năm 1960, ngài đến Tua Chín tổ chức tĩnh tâm và giúp các Dì đi vào nề nếp của đời sống tu trì. Vào thời điểm này, cơ sở vật chất và điều kiện sinh sống của các Dì đã phát triển hơn. Cha Gioan-Baotixita đề nghị các Dì liên lạc với cha Phêrô Nguyễn Thượng Hiền, chánh xứ Từ Đức, thuộc ấp Từ Đức, Linh Xuân, Thủ Đức, để xin ngài khu đất lập Nhà Dòng. Vừa ngỏ ý với cha Phêrô Hiền, ngài đã sẵn lòng chấp thuận cho các Dì một mảnh đất khá rộng, gần nhà xứ của ngài. Chính nơi đây đã trở thành chiếc nôi khai sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức. Đầu năm 1961, cha Gioan-Baotixita đặt viên đá đầu tiên xây dựng cơ sở cho các Dì, gồm nhà ở và trường học. Năm 1962, mười sáu Dì Nhà Phước đã quy tụ về Thủ Đức. Mặc dù rất bận rộn với nhiều công việc trong giai đoạn mới, nhưng các Dì vẫn luôn thao thức được cải tổ để trở thành nữ tu thực thụ trong một Nhà Dòng theo đúng điều kiện của Giáo Luật.

Niềm mong ước mãnh liệt ấy thúc đẩy các Dì mạnh dạn liên lạc với Bề trên Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt) để xin giúp cải tổ, nhưng không được chấp thuận. Mặc dù bị từ chối, các Dì vẫn tiếp tục duy trì ước mơ của mình trong âm thầm cầu nguyện, đồng thời trình bày với cha Gioan-Baotixita. Theo lời khuyên của ngài, một lần nữa các Dì thiết tha xin Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa giúp cải tổ và lời thỉnh nguyện lần này đã được chấp thuận.

Sau khi được sự đồng ý của Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt), cha Gioan-Baotixita trực tiếp trình bày với Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Trong thư phúc đáp, Đức Tổng Giám Mục đã vui mừng chấp thuận cho các Dì được cải tổ theo tinh thần Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt). Với văn thư đề ngày 01.07.1964, Đức Giám Mục Giáo phận Đà Lạt, Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền cũng đã ban phép cho Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt) giúp huấn luyện Nhà Phước Bắc Ninh.

  • 1965-1970 : NHỮNG NỮ TU ĐẦU TIÊN [7]

Hạ tuần tháng 5 năm 1965, Bề trên Nhà dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt) cử hai Bà Rosa Hoàng Thị Nhung và Anna Nguyễn Thị Thơm, từ Bảo Lộc xuống Thủ Đức để bắt tay ngay vào việc huấn luyện.

Chỉ sau một tuần, đã có hai mươi ba chị (mười sáu chị Nhà Phước và bảy ứng sinh mới đã tìm hiểu ơn gọi từ hai đến ba năm) được gia nhập lớp Tiền Tập viện đầu tiên, và sau sáu tháng, vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 08.12.1965, các chị được gia nhập Tập viện. Đây là lớp Tập đầu tiên của Dòng. Sau này, Nhà Dòng đã quyết định chọn ngày này là ngày thành lập. Từ đây, Nhà Dòng đã thực sự trở thành thành viên chính thức của Đại Gia đình Mến Thánh Giá. Ngày 19.12.1966, ngày hồng phúc của Nhà Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh khi hai mươi hai chị được thánh hiến để trở thành nữ tu thực thụ qua việc tuyên khấn lần đầu.

Bấy giờ, Nhà Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh tuân giữ Hiến Chương và Nội Quy của Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt). Thời gian khấn tạm theo luật định là sáu năm mới được khấn trọn, nhưng Đức Giám mục bản quyền đã ban phép chuẩn cho các chị lớn tuổi, đã ở Nhà Phước lâu năm được khấn trọn đời sớm hơn. Nhờ đặc ân này, sau hơn ba năm khấn tạm, mười sáu chị đã được khấn trọn đời vào ngày 02.05.1970. Trong tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, các chị trở thành nền móng cho Nhà Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh được xây dựng.

  • 1970 : NHÀ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ BẮC NINH ĐỘC LẬP [8]

Năm 1970, Ban Điều hành Nhà dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt) nhận thấy Mến Thánh Giá Bắc Ninh có thể đứng độc lập về mặt quản trị nên đã để cho các chị được tự lập. Kể từ ngày 02.05.1970, Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh có Mẹ Bề trên và Ban Tổng Cố vấn. Tuy nhiên, Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh vẫn xin được tiếp tục tuân giữ Hiến pháp, Kỷ luật và Tục lệ của Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt). Do chưa có nhân sự đảm trách việc huấn luyện, Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh tiếp tục gửi tập sinh lên Tập viện của Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt) để được huấn luyện.

Năm 1975, Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh xin được thiết lập Tập viện riêng tại Nhà Mẹ ở Thủ Đức và bắt đầu việc huấn luyện các giai đoạn tìm hiểu ơn gọi của Nhà Dòng. Tuy nhiên, chị em vẫn xin được sống theo Hiến pháp, Kỷ luật và Tục lệ Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (Đà Lạt) cho đến năm 1990, khi bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá thuộc Tổng Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh được Đấng bản quyền cho phép thử nghiệm Hiến Chương mới.

  • 1995 : ĐỔI TÊN THÀNH HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỦ ĐỨC

Để phù hợp với bản chất của Dòng địa phương, Toà Thánh đã đề nghị những Dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ tại Tổng Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh mà vẫn mang tên Giáo phận gốc miền Bắc lấy tên địa danh nơi Nhà Mẹ của Hội Dòng đang toạ lạc. Sau khi duyệt hồ sơ, ngày 29.06.1995, với bản tuyên ngôn (Prot. n. DD-2375-1/95), Toà Thánh chính thức đổi tên Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh thành Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức.

II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

1. NHÂN SỰ

1.1. Tuy non trẻ nhưng Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức đã từng bước lớn lên về nhiều mặt. Từ năm 1966 đến năm 2010, Hội Dòng đã có 34 lớp khấn với 148 nữ tu. Hiện tại, Hội Dòng có :

–   Khấn trọn               :  95 chị

–   Khấn tạm               :  53 chị

–   Tập sinh                :  39 em

–   Tiền tập sinh       :  19 em

–   Thanh tuyển sinh :  65 em

–   Tìm hiểu sinh        :  40 em

1.2.  Các Bề trên Hội Dòng:

–   Mẹ Bề trên Anna Nguyễn Thị Nhường (1970-1976 ; 1988-1992)

–   Mẹ Bề trên Anna Nguyễn Thị Phượng (1976-1982; 1982-1988)

–   Chị Tổng Phụ trách MariaTêrêsa Nguyễn Thị Dâng (1992-1996; 1996-2000)

–   Chị Tổng Phụ trách Anna Phạm Thị Khấn (2000-2004; 2004-2008;  2008-2012 )

2. CƠ SỞ

Tính đến năm 2010, Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức có 22 cộng đoàn hiện diện trong 6 Giáo phận:

GIÁO PHẬN CỘNG ĐOÀN NĂM THÀNH LẬP THUỘC GIÁO XỨ
Thành Phố Hồ Chí Minh Nhà Mẹ 1965 Từ Đức
Hoàng Mai 1971 Hoàng Mai
Tam Hải 1972 Tam Hải
Thị Nghè 1995 Thị Nghè
Nhật Hồng 2007 Tam Hải
Long Thạnh Mỹ 2007 Long Thạnh Mỹ
Xuân Lộc Tân Bắc 1967 Tân Bắc
Tâm Hòa 1973 Tâm Hòa
Tâm An 1975 Tâm An
Bắc Minh 1985 Bắc Minh
Nghĩa Sơn 1993 Nghĩa Sơn
Long An 2003 Thái Lạc
Tân Hiệp 2004 Tân Hiệp
Bà Rịa-Vũng Tàu Đông Xuyên 1969 Đông Xuyên
Bãi Dâu 2010 Bãi Dâu
Đà Lạt Đà Lạt 2002 Nhà Thờ Chánh Tòa Đà Lạt
Suối Mơ 2005 Suối Mơ
Damb’ri 2006 Bảo Lộc
Cần Thơ Vị Tín 2001 Vị Tín
Vị Thủy 2006 Vị Thủy
Cầu Móng 2008 Long Mỹ
Bắc Ninh Thường Lệ 2007 Thường Lệ
Oánh 2009 Thái Nguyên

3. HUẤN LUYỆN

3.1. Giai đoạn Thanh Tuyển viện nhằm giúp các em

–       Tìm hiểu và làm quen với ơn gọi tu trì, nhất là ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá ;

–       Trải nghiệm đầu tiên về đời sống Cộng đoàn ;

–       Nhận định ơn gọi, ý thức tự do, tự nguyện đáp trả tiếng Chúa ;

–       Thanh Tuyển sinh được hướng dẫn :

+ Giáo dục các đức tính nhân bản;

+ Giáo dục giới tính;

+ Giáo dục đức tin:

* bổ túc giáo lý,

* học gương các thánh, cách riêng là các Thánh Tử đạoi Việt Nam,

* tập suy niệm, chia sẻ và sống Lời Chúa.

+ Tiếp tục học văn hóa, nghề nghiệp cho đến khi tốt nghiệp (Trung cấp, Cao đẳng, Đại học).

Thời hạn: Đủ để hoàn tất chương trình của Thanh Tuyển viện.

Những trường hợp ngoại lệ sẽ do chị Đặc trách Thanh Tuyển quyết định.

3.2. Giai đoạn Tiền Tập viện

–       Giúp các em nhận biết ơn gọi của mình và Hội Dòng.

–       Hội Dòng tìm hiểu tính tình, khả năng và lý do chọn lựa đời sống tu trì của các em bằng cách cho tham gia đầy đủ đời sống cầu nguyện, đồng hành thiêng liêng và chia sẻ cuộc sống trong những sinh hoạt hàng ngày.

–       Thời hạn Tiền Tập viện là một năm. Trình độ tối thiểu của Tiền tập sinh là tốt nghiệp cấp III . Tiền Tập sinh tiếp tục được hướng dẫn về giáo dục nhân bản, đọc, học và chia sẻ Lời Chúa, Cầu nguyện, Giáo lý, Tiểu sử Đấng Sáng lập, Ơn gọi và Chân tính của Dòng. Ngoài ra, Tiền Tập sinh cũng có thể được học thêm về âm nhạc (đàn, xướng âm, ca trưởng), nhằm giúp cho cuộc sống thêm phong phú, thư giãn, đồng thời cũng giúp cho công việc mục vụ theo sứ vụ của Hội Dòng sau này.

Những trường hợp ngoại lệ sẽ do chị Đặc trách cùng với  Hội Đồng Hội Dòng ấn định.

3.3. Giai đoạn Tập viện

Đây là giai đoạn khởi đầu đời sống trong Hội Dòng, là thời gian quan trọng nhất trong hành trình huấn luyện và nhằm mục đích :

1.   Giúp ứng sinh nhận biết và xác tín hơn ơn gọi của mình và của Dòng Mến Thánh Giá ;

2.   Thực nghiệm lối sống của Hội Dòng ;

3.   Uốn nắn trí tuệ và trái tim theo tinh thần của Dòng Mến Thánh Giá ;

4.   Kiểm chứng ý định và tư cách thích đáng của ứng sinh đối với đời sống tu trì trong Hội Dòng.

Để đạt mục đích đó, ngang qua việc đồng hành cá nhân, học tập, tu đức… tập sinh được giúp đỡ để hình thành nơi mình cách suy nghĩ, cảm nhận và hành xử phù hợp với ơn gọi và chân tính của Dòng. Thời hạn huấn luyện trong Tập viện là hai năm :

* Tập sinh năm I được dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện, đọc, học và chia sẻ Lời Chúa, Đời sống Thánh hiến, Hiến Chương, Linh đạo, Đặc sủng và Bút tích của Đấng Sáng Lập…

* Tập sinh năm II được học thêm các môn về mục vụ và được gửi đi thực tập tông đồ tại các giáo điểm, giáo xứ hay cơ sở của Hội Dòng, tuỳ theo sự phân công của chị giám sư.

3.4. Giai đoạn Học viện

Việc huấn luyện trong giai đoạn này nhằm mục đích :

1.   Hướng dẫn chị em đến sự dâng hiến trọn vẹn và dứt khoát cho Chúa Kitô trong đời sống đặc thù của Hội Dòng ;

2.   Trau dồi cho chị em có khả năng chu toàn sứ mạng của Dòng Mến Thánh Giá cách thích đáng hơn ;

3.   Giúp chị em hòa hợp các yếu tố của chương trình huấn luyện sao cho có được một đời sống thuần nhất.

Với thời hạn từ sáu đến chín năm, khấn sinh :

1. Được Hội Dòng dành cho hai hoặc ba năm để hoàn thành các môn học theo quy định của Hiến Chương;  hoặc học Thần học khoá Hè tháng 07 do Liên Tu sĩ Tổng Giáo phận Sài Gòn tổ chức;

2. Thực tập tông đồ từ hai đến ba năm tại các cộng đoàn, giáo xứ hoặc các công tác y tế, xã hội theo sứ vụ và định hướng của Hội Dòng; có thể được đào tạo thêm chuyên môn hoặc ngành nghề phù hợp, để phục vụ hữu hiệu hơn theo ơn gọi của Dòng;

3. Trở về Nhà Mẹ chuẩn bị Khấn Trọn đời, thời gian một năm;

4. Những trường hợp ngoại lệ sẽ do chị Giám sư Học viện cùng với Hội đồng Hội Dòng ấn định.

Khi đã hoàn tất chương trình Tập viện hoặc Học viện theo đúng thời gian quy định của Hiến Chương và Nội Quy, ứng sinh tự nguyện đệ đơn xin khấn lên chị Tổng Phụ trách.

3.5 Giai đoạn Huấn luyện thường xuyên [9]

Các nữ tu khấn trọn đời vẫn tiếp nối tiến trình huấn luyện đã nhận được trong giai đoạn huấn luyện khởi đầu. Mục đích giai đoạn này không đơn thuần là đào tạo về trí thức hay nghề nghiệp như là thủ đắc những kỹ năng mục vụ mới, nhưng là nhằm đẩy mạnh sức phát triển liên tục và toàn diện con người, đào sâu từng phương diện như : nhân bản, đời sống thiêng liêng, tri thức, lối sống, đời tu, tông đồ, quản trị cũng như học cách sống hoà hợp và tích cực đặt nền trên đức ái mục vụ. [10]

Dù làm việc gì hay ở đâu, tất cả đều nhắm đến việc huấn luyện người nữ tu Mến Thánh Giá có khả năng thích ứng và hội nhập, đối thoại và lắng nghe, cần mẫn và nhẫn nại, nhạy bén và linh động trước những khó khăn cũng như những vấn đề của con người và thời đại, để dễ dàng thống nhất đời sống trong Đức Giêsu -Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất, và trở nên chứng nhân sống đời dâng hiến tới mức trọn hảo trong đức ái.

4. HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

Sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá là trở nên cánh tay hữu hình của Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh và tiếp nối sứ mạng Trung gian Chuyển cầu của Người nơi trần thế. Sống đúng tinh thần đó, chị em Mến Thánh Giá Thủ Đức thi hành sứ mạng tông đồ trong tâm tình vừa chiêm niệm vừa hoạt động trong các lãnh vực: giáo dục đức tin, giáo dục văn hoá, đến với lương dân, y tế và xã hội.

4.1. Giáo dục Đức tin

Ở những nơi có cộng đoàn Mến Thánh Giá Thủ Đức hiện diện, chị em cộng tác với cha xứ trong các việc mục vụ như : trao Mình Thánh Chúa, cắm hoa nhà thờ, phụ trách phòng thánh, phụ trách giáo lý Thiếu Nhi, giáo lý Dự Tòng, giáo lý Hôn nhân, hướng dẫn Giáo lý viên, hướng dẫn tìm hiểu ơn gọi, phụ trách ca đoàn và đoàn thể : Thiếu Nhi, Hiền Mẫu, Đaminh, Giới Trẻ, Mến Thánh Giá Tại Thế cũng như thăm viếng, an ủi và trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân…

4.2. Giáo dục Văn hóa

Phần lớn các cộng đoàn của Hội Dòng đều mở trường Mẫu Giáo để chăm sóc, giáo dục trẻ thơ. Bên cạnh đó, chị em cũng mở các lớp dạy ngoại ngữ, đàn Organ để giúp phát triển năng khiếu cho trẻ em. Chị em đặc biệt quan tâm mở các lớp học tình thương để nuôi dạy trẻ em  nghèo.

4.3. Đến với lương dân

Truyền giáo là sứ mạng của Giáo Hội và cũng là sứ mạng của Dòng Mến Thánh Giá, chị em Mến Thánh Giá Thủ Đức ý thức trách nhiệm của mình trong việc đem Tin Mừng đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Hiện nay, Hội Dòng có năm cộng đoàn hiện diện trong các vùng truyền giáo và có những chị em dấn thân tích cực trong việc sống và phục vụ lương dân. Qua đó, nhiều người đã được nhận biết Chúa, được tham dự các nghi lễ sốt sắng của đạo như Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh… ; nhiều thiếu nhi lương dân được đến lớp Giáo lý, được tham gia vui chơi, sinh hoạt tôn giáo trong các dịp lễ tết, hội hè…

4.4. Y tế

Hội Dòng có phòng khám Đông Y chăm sóc nhiều bệnh nhân, có các chương trình phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Chị em cộng đoàn Long An thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ các bệnh nhân phong trong vùng.

4.5. Công tác xã hội

Chị em góp phần xoa dịu nỗi khổ đau của đồng bào với cả tấm lòng yêu mến qua những công việc cụ thể như : giúp đỡ hàng trăm em học sinh nghèo được đến trường, thăm viếng, trao quà cho người già yếu neo đơn trong các dịp lễ tết, phát gạo, thuốc cho những gia đình nghèo, gia đình người dân tộc, những gia đình vùng sâu vùng xa ba tháng một lần, nhiều hộ nghèo được giúp vốn làm kế sinh nhai…

Từ năm 1995, Hội Dòng bắt đầu mở rộng lãnh vực công tác xã hội chuyên biệt trong việc chăm lo cho người khiếm thị, đặc biệt chăm sóc và nuôi dạy trẻ khiếm thị và trẻ khiếm thị đa tật. Các cộng đoàn và cũng là các mái ấm phục vụ trẻ khiếm thị được Hội Dòng quan tâm tạo nhiều điều kiện.

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sứ mạng chăm sóc và giáo dục trẻ khiếm thị, Hội Dòng đã gửi một số chị em đi học chuyên ngành về khiếm thị ở nước ngoài cũng như tại các trường đại học trong nước. Cho đến nay, Hội Dòng có sáu cộng đoàn phục vụ trong lãnh vực này. Các em khiếm thị tùy khả năng, tình trạng sức khỏe sẽ được chị em chăm sóc, nuôi dạy phù hợp : có những em có thể học cùng với trẻ sáng mắt và theo học hết các chương trình từ phổ thông cho đến đại học ; có những em học bổ túc văn hóa hay chỉ có thể học tại nhà ; có những em được hướng dẫn học các nghề phù hợp… Trong từng trường hợp, các chị luôn cố gắng giúp mỗi em có được một công việc ổn định để có thể tự lập sau này.

5. BIẾN CỐ ĐẶC BIỆT

  • 2005: MỪNG BỐN MƯƠI NĂM THÀNH LẬP HỘI DÒNG VÀ CUNG HIẾN NGUYỆN ĐƯỜNG

Nếu con số 40 có nhiều ý nghĩa trong Kinh Thánh thì cũng rất có ý nghĩa đối với Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức: bốn mươi năm Dân Chúa đi trong sa mạc để tiến vào Đất Hứa, bốn mươi ngày ông Giôna ở trong bụng cá, bốn mươi ngày Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu thử thách… và với Hội Dòng là bốn mươi năm được hình thành và phát triển. Ai đã từng đến thăm Hội Dòng trước năm 2000, chắc hẳn đều nhớ đến những gian nhà lợp tôn đơn sơ, nhỏ bé, nhiều vết rạn nứt và cũ kỹ. Dịp mừng bốn mươi năm ngày thành lập Hội Dòng và cung hiến Nguyện Đường do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ sự ngày 10.12.2005 quả thực là dấu ấn đối với chị em trong Hội Dòng. Nhìn những giọt nước mắt của các bà, các chị đã từng bước gầy dựng Nhà Dòng, cùng với những nụ cười của đàn em thơ- tương lai Hội Dòng, những ánh mắt ngỡ ngàng của những người thân quen… Tất cả đều muốn nói lên tâm tình tri ân Thiên Chúa về mầu nhiệm tình yêu mà Ngài đã thực hiện trên Hội Dòng. Những hạt giống ngày nào nay đã nảy mầm, vươn cao và đơm bông kết trái trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

6. NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU :

  • MẸ CỰU BỀ TRÊN ANNA NGUYỄN THỊ NHƯỜNG

Mẹ Anna là mẫu gương của tinh thần dấn thân không ngừng. Từng bước phát triển của Hội Dòng trong hành trình hơn bốn mươi năm qua đều có dấu ấn đôi tay của mẹ. Mẹ không chỉ là người đề xướng thiết lập các cộng đoàn mới mà chính mẹ còn là người thực hiện những dự án đó. Hơn thế nữa, mẹ luôn là người tiên phong sống trong các cộng đoàn mới để kiến tạo tinh thần tu trì và đời sống cộng đoàn lúc khởi đầu. Hội Dòng biết ơn mẹ vì bao hy sinh và những đóng góp to lớn của mẹ cho Hội Dòng được lớn lên như hôm nay. Mẹ như người thuyền trưởng trên con thuyền Hội Dòng, vị thuyền trưởng can đảm và cương nghị. Nơi mẹ, mỗi người con trong Hội Dòng còn được nêu gương về lòng khiêm nhường và vâng phục thẳm sâu. Trong mọi hoàn cảnh, mẹ luôn kiếm tìm và mau mắn vâng theo Thánh ý Chúa.

  • MẸ CỰU BỀ TRÊN ANNA NGUYỄN THỊ PHƯỢNG

Suốt cuộc đời dâng hiến, mẹ Anna đã chọn cho mình phương châm sống: “phục vụ trong khiêm tốn”. Trước mọi hoàn cảnh, mẹ đều thể hiện trọn vẹn phương châm ấy theo gương Chúa Kitô. Những năm 70, 80 với muôn vàn khó khăn : khó khăn chung của đất nước, khó khăn riêng của Hội Dòng trong những bước khởi đầu, mẹ luôn nêu cao tinh thần hiền hậu, nhẫn nại, phó thác trong tin yêu. Tấm gương của mẹ đã giúp chị em có thêm nghị lực để cùng nhau vượt qua bao khó khăn. Mẹ đã an nghỉ bên Chúa ngày 21 tháng 5 năm 2007.

  • CHỊ CỰU TỔNG PHỤ TRÁCH MARIA TÊRÊSA NGUYỄN THỊ DÂNG

Cuộc đời chị Maria-Têrêsa là một cuộc đời  tận tâm tận lực, hết lòng gắn bó và phục vụ Hội Dòng trong hành trình ơn gọi sống thánh hiến. Chị đã dùng trái tim yêu thương nhân hậu của người mẹ, người chị để đón nhận mọi chị em trong Hội Dòng. Thao thức lớn nhất của chị là ước mong chị em luôn yêu thương và hiệp nhất với nhau. Đặc biệt đối với các em khiếm thị, những người đã từng được chị trực tiếp săn sóc và phục vụ sau khi chị đã hết nhiệm kỳ Bề trên, luôn cảm nhận từ chị sự ân cần, thương yêu. Thế nên các em đã âu yếm gọi chị là “Bà ngoại”. Ngay trong những lúc đau đớn vì căn bệnh ung thư, gương mặt chị vẫn tỏa ra sự dịu hiền và tinh thần tín thác. Trong tin yêu phó thác, chị đã về Nhà Cha ngày 23 tháng 1 năm 2006.

  • CHỊ TỔNG PHỤ TRÁCH ANNA PHẠM THỊ KHẤN

Trong những năm tháng đất nước chuyển mình hội nhập với nền văn hóa thế giới, chị Tổng Phụ trách Anna đã cùng với Ban Tổng Cố Vấn hết lòng hướng dẫn chị em gạn lọc để thích nghi với môi trường mới. Qua chị, Thiên Chúa đã thông ban muôn hồng ân xuống trên Hội Dòng : ước mơ của chị em về việc xây dựng một số cơ sở, việc thành lập các cộng đoàn mới… đều đã trở thành hiện thực. Chị Tổng Phụ trách Anna còn đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ văn hoá và đời tu cho chị em qua việc khuyến khích và tạo điều kiện để các chị em được học tập. Đồng thời chính chị trở thành tấm gương về tinh thần khiêm tốn học hỏi và học hỏi không ngừng cho các chị em.

Là Bề trên Tổng quyền nhưng dường như mọi chị em trong Hội Dòng đều thấy hình ảnh của chị như một người mẹ hiền, một người chị Cả tận tụy, đảm đang. Mọi người đều có thể đến với chị mà không phải lo lắng hay khép nép. Chị gần gũi, thân tình với từng người chị gặp gỡ: một trẻ thơ, một cụ già, một người hành khất, một chị đã khấn hay một em thanh tuyển… tất cả đều cảm nghiệm nơi Chị sự khiêm tốn, hiền lành và dễ mến. Chị thật đã sống đúng lời thánh Phaolô mà Chị hằng tâm niệm là “coi người khác trọng hơn mình” và đáp lại, Chị đã được bao người coi trọng và mến yêu.


[1] x. Tìm về miền đất quê hương, Tăng Việt Yên, trang 154

[2] x. Tìm về miền đất quê hương, Tăng Việt Yên, trang 173

[3] x.Nhật ký Mẹ Cựu Bề trên Anna Nguyễn Thị Nhường

[4] x.Lược sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, 2005

[5] x.Nhật ký Mẹ Cựu Bề trên Anna Nguyễn Thị Nhường

[6] x.Lược sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, 2005; Nhật ký Mẹ Cựu Bề trên Anna Nguyễn Thị Nhường

[7] x. Lược sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, 2005

[8] Lược sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, 2005

[9] x.Giáo luật 661

[10] x.Chỉ thị về đào tạo cho các Hội Dòng1990 và thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II ngỏ lời với các tu sĩ ở Brazil, 1986).