Luận về cái đẹp
Cái đẹp là một phần ý vị của cuộc sống, cái đẹp cách nào đó làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và đáng sống hơn. Tuy vậy, mỗi người đều có quan niệm khác nhau về cái đẹp. Cũng cùng một sự vật một số người lại cho là đẹp, số khác lại không cho là như thế. Như vậy, cái đẹp là gì? Phải chăng cái đẹp là cái nhìn chủ quan nơi mỗi người? Chúng ta phải hiểu như thế nào về cái đẹp theo kinh nghiệm thường nghiệm cũng như theo phương diện siêu hình học?
Thật khó để định nghĩa cái đẹp và đưa ra một tiêu chuẩn chắc chắn về cái đẹp.Tuy vậy, thánh Thomas Aquinas cũng đã từng đưa ra một định nghĩa khá hợp lý khi ngài cho rằng “cái đẹp là cái hễ nhìn thấy là thích”. Thật thế, quan năng và lòng muốn của chúng ta thường bị thu hút đến những gì được gọi là đẹp. Nhiều cái đẹp đôi khi làm chúng ta mê mẩn nhưng không biết vì sao. Chúng ta chỉ biết chúng đẹp vì chúng ta cảm thấy thích nó, muốn chiêm ngưỡng hay thưởng thức nét đẹp đó. Cái đẹp đánh vào ngay trực giác của lòng muốn và cuốn hút chúng ta một cách rất tự nhiên. Nhưng nói đến lòng muốn hay niềm thích thú thì mỗi người mỗi khác nhau. Định nghĩa cái đẹp của thánh Thomas phần nào nói lên rằng cái đẹp chịu ảnh hưởng phần nhiều nơi sở thích chủ quan của mỗi người. Hơn nữa, nếu được hỏi vì sao chúng đẹp thì sau một hồi quan sát và nhận định chúng ta mới khám phá được đặc trưng của nét đẹp đó bằng tư duy trừu tượng. Có thể đó là sự cân đối hài hòa và dễ chịu về hình dáng, màu sắc khi ngắm một cảnh đẹp hay một bức bích họa. Đó cũng có thể là sự hòa điệu nhịp nhàng nơi một bản nhạc hay… Nhưng xét cho cùng, chúng ta không thể lột tả hết được những đặc điểm về tiêu chuẩn của cái đẹp. Bởi vì, một cách nào đó, nó còn là sự hòa quyện cách rất riêng nơi sự vật đẹp và người tri nhận nét đẹp đó. Chính điều này làm cho cái đẹp mang một sắc thái riêng nơi mỗi người và tính chủ quan về cái đẹp cũng phát xuất từ đó.
Chúng ta sẽ tìm hiểu hơn về tính chủ quan về cái đẹp khi đi vào kinh nghiệm trong cuộc sống. Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng các quan năng của mình. Để thưởng thức cái đẹp chúng ta thường sử dụng thị giác khi chiêm ngưỡng một thắng cảnh đẹp, và dùng thính giác khi nghe một bài hát hay. Chúng ta cũng sử dụng nội quan kết hợp với tư duy trừu tượng để cảm nhận nét ý vị nơi một bài thơ ý nghĩa, một áng văn hay… Và dường như nhắc đến cái đẹp người ta thường liên hệ chúng với các ngành mỹ thuật và nghệ thuật. Theo quan năng và trực giác mỗi người luôn hướng đến cái đẹp, chúng ta có thể đánh giá ngay một điều gì đó là đẹp hay không đẹp.
Thế nhưng, để đánh giá một sự vật là đẹp hay không như thế chúng ta thường căn cứ trên cơ sở nào? Như đã nói, cũng cùng một sự vật nhưng có người cho là đẹp, người khác lại không cho là như vậy. Điều này cần đi ngược lại để tìm hiểu về bối cảnh trong việc hình thành sở thích của người tri nhận. Mỗi người khi sinh ra và lớn lên thường gắn liền với một văn hóa và được thủ đắc một khiếu thẩm mỹ riêng.Tất nhiên, về văn hóa, sở thích cái đẹp của người Việt Nam thì cũng khác với người Tây Âu ở một số đặc trưng nghệ thuật.Về mặt thời đại, thị hiếu thẩm mỹ của người thời xưa thì không thể giống với người ngày nay ở một vài phương diện nào đó. Người trong cùng một sở thích nhiều lúc cũng có những khác biệt trong cảm nhận cái đẹp vì sở thích cũng thường gắn với tính cách của mỗi người. Có người thì chú trọng đến vấn đề người ta đang lưu tâm nên cho sự vật này là đẹp, người khác thì lưu tâm đến vấn đề kia nên cho rằng sự vật kia đẹp hơn. Ngay cả đối với cùng một chủ thể nhìn cùng một sự vật với tâm trạng khác nhau cũng khác nhau. Có thể hôm nay vui thì tôi cho là nó đẹp, nhưng đến ngày mai buồn lại cho là xấu. Do vậy, vấn đề tâm lý cũng ảnh hưởng rất nhiều khi đánh giá điều gì là đẹp hay không đẹp. Đúng như Nguyễn Du có nói về tính chủ quan khi nhìn sự vật nơi tâm trạng của Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhìn chung, ở mức độ thường nghiệm, quan niệm về cái đẹp phần nhiều là cái nhìn chủ quan của mỗi người. Cái đẹp sẽ được đánh giá khác nhau khi sống trong những nền văn hóa, thời đại, thị hiếu thẩm mỹ, tâm lý khác nhau… Do đó, không thể đưa ra một quan niệm khách quan cách chuẩn tắc về cái đẹp chung cho tất cả mọi người, mọi thời đại.
Nếu như cái đẹp của thường nghiệm nơi con người phần lớn đều mang tính chủ quan thì cái đẹp theo quan niệm siêu hình lại mang một ý nghĩa khá bất ngờ. Nói rằng cái đẹp là cái làm cho người ta ưa thích và hài lòng thì thật ra không phải vì ta ưa thích hay hài lòng mà đối tượng đó mới đẹp nhưng nó đẹp là vì bản chất của nó. Những sự vật vẫn cứ đẹp dù có hay không con người biết thưởng thức vẻ đẹp của chúng. Nghĩa là tự nó là đẹp trong chính hiện hữu của nó chứ chẳng phải do nhận xét của ta. Cái đẹp mang tính siêu hình là ở chỗ đó. Nói như vậy, theo nghĩa siêu hình thì tất cả mọi sự vật hiện hữu đều là đẹp và cái đẹp đó là cái đẹp khách quan chứ chẳng phải chủ quan như ta vẫn thường nghiệm thấy trong cuộc sống.
Hơn thế nữa, không hẳn chỉ vì sự hiện hữu mà một vật được gọi là đẹp nhưng nền tảng của cái đẹp theo nghĩa đầy đủ nhất là khi nó có được sự hài hòa và hoàn bị phù hợp với bản chất của nó. Thánh Thomas còn nêu lên ba nền tảng của vẻ đẹp đó là sự hài hòa cân xứng, tính toàn bích đầy đủ và tính sáng tỏ của nó. Những sự vật nào có được những nền tảng trên đều là đẹp về mặt khách quan, còn tính chủ quan là thuộc về cách đánh giá của mỗi người và tùy theo thị hiếu mỹ học của từng trường phái, từng thời thì khác nhau.
Thêm vào đó, cái đẹp của hiện hữu thì có nhiều cấp độ khác nhau. Đối với Thiên Chúa, hiện hữu của Ngài là cái đẹp tuyệt đối, không thụ tạo nào sánh bằng. Còn nơi thụ tạo, cái đẹp được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau tùy theo cách thức hiện hữu của chúng. Phải chăng vì tùy theo mức độ đẹp của sự vật theo nghĩa siêu hình mà ta có sự so sánh cách chủ quan nơi chúng ta về sự vật? Ở đây, nếu xét theo vẻ đẹp theo cấp độ hiện hữu (secundum quid) thì những loài nào hoàn bị hơn đương nhiên sẽ đẹp hơn. Nhưng nếu xét theo vẻ đẹp trong tính hài hòa, toàn bích và sáng tỏ (simpliciter) thì một loài kém hơn có thể đẹp hơn một cá thể khác thuộc loài cao hơn. Ví dụ về một bông hồng có hình dạng hoàn hảo thì đẹp hơn một con ngựa dị dạng nói lên rất rõ điều đó. Như vậy, có thể cho rằng cái đẹp simpliciter thu hút con người từ bên ngoài và cách nào đó nó cũng mang dấu vết của cảm tính con người. Trong khi đó, cái đẹp theo cấp độ hiện hữu (secundum quid) thì xét theo loài trong bản chất của sự vật khi thông dự vào cái đẹp tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Nghĩa là, con người luôn mang nơi mình cái đẹp cao cả hơn con vật vì con người được thông dự sâu xa hơn vào sự hoàn bị tuyệt đối của Thiên Chúa ở phương diện lý trí. Hơn nữa, nếu xét trong bản chất thì một con người dù có dị dạng và khuyết tật thì vẫn cao trọng hơn rất nhiều so với một bông hồng cân đối hoàn hảo. Chúng ta cũng không thể đánh giá rằng, một người khuyết tật thì kém đẹp hơn một con người sinh ra bình thường.Thật ra, một người khuyết tật thì vẫn là đẹp khi xét trong bản chất họ là người khuyết tật hoàn hảo. Như vậy có thể thấy rằng, cái đẹp xét trong bản chất hiện hữu của mỗi sự vật thì tự chúng là đẹp nhưng chúng có sự phân cấp trong sự thông dự vào cái đẹp Tuyệt đối của Thiên Chúa và đó là cái đẹp khách quan. Còn cái đẹp simpliciter cũng là khách quan nơi mỗi sự vật nhưng phần nào liên hệ đến giác quan của con người khi tri nhận nơi sự vật. Do đó, cách nào đó ở nét đẹp siêu hình có liên quan đến tính chủ quan nơi khả năng tri nhận về thẩm mỹ của con người.
Tóm lại, khi tìm hiểu về cái đẹp chúng ta thấy rằng cái đẹp thường nghiệm là điều mang tính chủ quan nơi mỗi người là điều chắc chắn. Nhưng ở góc độ siêu hình, cái đẹp nằm ngay nơi bản chất hiện hữu của sự vật. Không cần con người cho là đẹp thì nó vẫn là đẹp khi tham dự vào cái đẹp tuyệt đối nơi Đấng tuyệt đối. Tuy vậy, quan niệm về cái đẹp là vấn đề con người đặt ra và nói cho cùng sự vật dù đẹp đến mấy nhưng không có người chiêm ngắm thì cái đẹp cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tạo hóa sáng tạo mọi sự là cho con người và vì con người do vậy nói đến cái đẹp người ta thường gắn với sở thích chủ quan của mỗi người là như thế.
Nguyễn Phước Bảo Đại Lợi, sj – Triết Sinh Năm 1
Tài liệu tham khảo: Nguyễn Ngọc Hải, Siêu hình học (Tài liệu môn học), hồ sơ 2.