Chúa Giêsu mời gọi ta tin vào Người. Trước lời mời gọi này, nhiều người Do-thái và các nhà lãnh đạo của họ từ chối không nhìn nhận Chúa Giêsu cũng như sứ mệnh cứu thế của Người. Trái lại, các môn đệ và Kitô hữu thì khẩn cầu Người: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Lời cầu xin của các môn đệ và lời giải thích của Chúa Giêsu giúp ta hiểu được những chiều kích khác biệt của đức tin. Tại sao ta xin Chúa thêm lòng tin cho ta? Đâu là sức mạnh của lòng tin? Ngoài ra, Chúa Giêsu dùng tỉ dụ người đầy tớ làm việc bổn phận để làm sáng tỏ ý nghĩa nào về lòng tin của ta?
a) Lòng tin là một ân huệ Chúa ban
Giáo lý Công giáo gọi đức tin là nhân đức đối thần, nghĩa là chính Thiên Chúa mới là đối tượng của lòng tin. Đức tin không khởi đầu từ nơi ta, nghĩa là không phải tự ta muốn tin vào Chúa mà là Chúa muốn ta hãy tin vào Người. Nhưng tại sao Người muốn ta phải tin vào Người? Bởi vì Người có tất cả những đặc tính để ta có thể nhìn nhận Người là Đấng nào, phó thác mọi sự trong tay uy quyền của Người và nhất là có thể lãnh nhận tình yêu Người dành cho ta. Tất cả những đặc tính ấy làm cho Người trở nên đối tượng lòng tin của ta. Người đã tỏ mình cho ta biết về Người, đó là một ân huệ cho ta và là khởi đầu cho một mối quan hệ Người muốn thiết lập giữa Người với ta. Vì thế, đức tin có hai phía: về phần Chúa, Người là Đấng “trung thành” trong giao ước Người thiết lập với ta; về phần ta, ta có bổn phận phải đáp lại lòng trung thành của Người. Người muốn đưa ta tới cùng đích của đời ta là được cứu rỗi và sống bên Người mãi mãi.
Đức tin có lịch sử của nó, lịch sử gắn liền với lịch sử của một dân tộc. Ông Áp-ra-ham, cha các kẻ tin, đã được Thiên Chúa tuyển chọn để làm tổ phụ dân tộc Do-thái vì ông “đã tin vào Thiên Chúa” (St 15,6). Người gọi ông thi hành sứ mệnh dẫn đầu một dân tộc để chuẩn bị cho toàn thể nhân loại đón nhận ơn cứu rỗi. Ông là gương mẫu sống đức tin. Cả cuộc đời ông là luôn tín thác vào Thiên Chúa là Đấng trung thành và toàn năng (Dt 11,11; Rm 4,21). Mà tin vào Thiên Chúa tức là vâng lời Người và thi hành những điều Người dạy. Tiếp đến, ông Mô-sê và các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để hướng dẫn dân Chúa luôn biết tin vào Người và kế hoạch cứu độ Người sẽ thực hiện qua dân Do-thái. Thăng trầm của lịch sử đức tin phản ảnh qua lịch sử dân Do-thái. Tuy nhiên cuối cùng, theo thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, lịch sử đức tin vẫn diễn tiến theo “kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10). Đức tin đạt tới mức hoàn hảo nơi Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ đã lên đường đi Giê-ru-sa-lem mà “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,7t) để dẫn đưa đức tin của ta đến mức toàn thiện (Dt 12,2).
Như vậy, đối với một cá nhân hay đối với một dân tộc, lịch sử đức tin là một diễn tiến quy chiếu về Chúa Kitô và đưa ta đến kết hiệp với Người để nhờ Người, với Người ta đến với Thiên Chúa Cha.
b) Sức mạnh của lòng tin
Các môn đệ xin Chúa Giêsu thêm lòng tin cho các ông. Hoặc nói khác đi, các ông xin Chúa giúp cho các ông tin vào Người mỗi ngày một hơn. Lập tức Chúa nói đến hiệu quả của lòng tin ấy. Dĩ nhiên, Chúa không có ý nói đến những phép lạ bề ngoài của lòng tin là những điều họ đã chứng kiến và nhờ đó họ được tăng thêm niềm tin vào Người. Nhưng Chúa muốn nhắm tới những phép lạ xảy ra trong tâm hồn mỗi người môn đệ theo Người. Người hứa: “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Người muốn nói đến những cây dâu của tính hư nết xấu đã mọc rễ sâu trong tâm hồn ta từ bao năm, đúng như Người đã khuyến khích ta khi gọi ta làm môn đệ: “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.” Chúa Giêsu bảo ta hãy để cho lòng tin vào Người tỏa ra sức mạnh tiêu diệt con người tội lỗi của ta, nhờ đó ta được biến cải thành mẫu người vâng lời và phục vụ giống như Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.
c) Phục vụ trong khiêm tốn
Đức tin luôn ràng buộc với sứ mệnh. Chúa Giêsu đã thi hành sứ mệnh cứu thế với đức tin hoàn hảo, tin vào tình yêu của Chúa Cha. Trước khi chết, Người chỉ nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Một câu nói ngắn gọn, nhưng chứa đựng biết bao tâm tình. Tâm tình cảm tạ Thiên Chúa Cha. Tâm tình biểu lộ lòng vâng phục. Và tâm tình khiêm tốn, không kể công hoặc khoe khoang. Sở dĩ Chúa Giêsu có được những tâm tình ấy là vì suốt cuộc sống trên trần gian, tâm niệm của Người chỉ là thi hành thánh ý Chúa Cha hoặc tin vào Thiên Chúa Cha mà thôi. Cho nên hôm nay Người dạy ta cùng một bài học ấy: “Đối với anh em cũng vậy. Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Tỷ dụ người đầy tớ chu toàn bổn phận cũng cho ta thấy rõ hơn khía cạnh ân huệ của lòng tin. Ta có được lòng tin vào Chúa, đó là ân huệ Chúa ban nhưng không. Mà Chúa đã dạy: ta nhận được nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không. Nhận lấy và cho đi là năng động của đức tin được thể hiện trong đời sống phục vụ của người môn đệ, y hệt như Chúa Giêsu đã lấy tất cả những gì Chúa Cha ban cho Người mà ban lại cho các môn đệ Người, kể cả sự sống của chính Người. Một đức tin như thế mới đích thực là đức tin sinh động, chứ không phải đức tin chết (Gc 2,17).
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” là lời cầu nguyện hằng ngày của tôi, hay chỉ là lời kêu cứu khi tôi gặp khó khăn hoạn nạn? Lời cầu nguyện ấy có đồng nghĩa với lời cầu xin cho tôi “được biết Chúa Giêsu rõ ràng hơn, yêu mến Người nồng nàn hơn và theo Người mỗi ngày một trung thành hơn”?
Tôi thử nhìn lại lịch sử đức tin của tôi. Đức tin của tôi đang ở giai đoạn nào? Vẫn còn là những điều học thuộc lòng về đạo hay đã bắt đầu tiến đến giai đoạn nhận ra ơn gọi và sứ mệnh của mình, để sống mối quan hệ với Chúa?
“Những cây dâu” nào trong tôi cần phải bật rễ đi để tôi trồng những cây trái sinh hoa quả đạo đức?
Cầu nguyện:
“Lạy Chúa Giêsu, con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phê-rô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn. Có bao cám dỗ cuốn hút con vô vực sâu. Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống. Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm. Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa. A-men.” (Trích RABBOUNI, lời nguyện 55)
Lm.Đaminh Trần Đình Nhi