Năm thánh Lòng thương xót 2015-2016 với chủ đề Misericordes sicut Pater, đã khai mạc từ 08.12.2015 và kéo dài tới ngày 20.11.2016 trong toàn thể Hội Thánh Công Giáo.
Lòng thương xót, thương hại, nhân từ hay lòng tốt, lòng nhân hậu nghe qua có vẻ như không còn hợp thời nữa. Nhưng nơi những từ ngữ đó vẫn ẩn chứa sự khôn ngoan.
Vậy những từ ngữ đó có nguồn gốc từ đâu?
Tiếng Latinh Lòng thương xót: misericordia : miser “ nghèo” và cor “ trái tim, tấm lòng”. Như thế mang ý nghĩa có “ trái tim hay tấm lòng với người nghèo khổ”.
Trong phần đầu của Kinh Thánh Lòng thương xót là đặc tính nổi bật của Thiên Chúa, ngài ban tặng sự vỗ về săn sóc không có điều kiện.
Trong tiếng Do Thái có nhiều từ ngữ diễn tả Lòng thương thương xót: Từ ngữ rachamin ( thương xót) diễn tả sự cảm động rung động của trái tim tâm hồn. Từ ngữ này có nguồn rễ từ chữ rechem mang ý nghĩa cung lòng người mẹ.
Và như thế cũng mang ý nghĩa nằm sâu trong cơ thể, như trong Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước nói là nơi chốn của tình cảm rung động.
Còn có chữ chessed ( lòng tốt, lòng nhân hậu). Chữ này diễn tả sự tốt lành với ý hướng sự nghiêng chiều, sự thông cảm đối với người khác. Chessed vượt lên trên tình cảm rung động và nói lên sự trung thành.
Chữ khác chanan ( ân huệ), như Thánh Gioan diễn tả: Thiên Chúa là Đấng nhân từ ân huệ.
Trong Kinh Thánh Tân ước chữ Lòng thương xót theo ngôn ngữ Hylạp là eleos mang ý nghĩa tương tự như lời kinh kêu cầu: Kyrie eleison.
Từ ngữ Eleos chứa đựng vừa ý nghĩa sự cảm động của rachamin, vừa ý nghĩa tình liên đới của chessed .
Chúa Giêsu nói đến sự cùng cảm thông với, tiếng Hylạp: splanchnizomai. Vừa có ý nghĩa cung lòng người mẹ, vừa mang ý nghĩa nằm sâu trong cơ thể. Chúa Giêsu qua đó muốn nói đến sự thống khổ của con người và nhu cầu từ bụng đi ra.
Chữ oiktirmon có ý nghĩa lòng thương cảm của người mẹ, trong phúc âm Thánh Luca (6,36) nói Thiên Chúa là “người cha giầu lòng thương xót”. Như thế, Thiên Chúa được trình bày theo ý nghĩa nguyên thủy của chữ này, như người cha và như người mẹ.
Lòng thương xót và sự công bằng là những khía cạnh căn bản của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, nhất là nơi các Thánh vịnh và nơi các Ngôn sứ. Chúa Giêsu cũng tự nhận mình nơi khía cạnh này: Ngài giận dữ về sự cứng lòng của họ. ( Mc 3,5), nhưng ngài đầy lòng thương cảm với dân chúng ( Mc 6,34). Không có sự khác biệt về hình ảnh Thiên Chúa nơi Kinh Thánh Cựu ước và Kinh Thánh Tân ước.
Nhiều nơi trong Kinh thánh Tân ước nói về lòng thương xót đã lấy hình ảnh từ Kinh thánh Cựu ước. Câu nói thời danh của Chúa Giêsu: “lòng thương xót ta muốn, chứ không phải lễ vật dâng cúng.” ( Mt 9,13) trích từ sách Ngôn sứ Hosea 6,6.
Chúa Giêsu kêu gọi “ hãy thương xót như Cha anh em giầu lòng thương xót” ( Lc 6,36) cũng đã được nói trong kinh thánh Cựu ước nơi sách Levi “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” ( Levi 19,2).
Câu Kinh Thánh chủ yếu, như chìa khóa nói về lòng thương xót : “ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” ( Xh 34,6). vừa nói lên đặc tính của Thiên Chúa, vừa được xem như công thức về ân huệ.
Ngôn sứ Giona dù trong giận dữ hoang mang cũng bày tỏ tâm tư: “con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” ( Giona 4, 2)
Với Do Thái giáo câu Kinh Thánh diễn tả đặc tính lòng thương xót và sự công bình của Thiên Chúa quan trọng trong lễ nghi phụng vụ và trong thần học: “ ̉6. ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín,7 giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.” ( Xh 34,6-7). Nhất là câu 6. luôn được đọc lên trong phụng vụ ở những ngày lễ trọng trong đạo Do Thái, mỗi khi sách Kinh Thánh lề luật được cuộn mở ra.
Đức Giáo Hoàng Beneditô XVI. có suy tư: “Lòng Chúa thương xót không chỉ là trong sự tha thứ những tội lỗi chúng ta, nhưng còn diễn tả Thiên Chúa là người cha của chúng ta . Ngài không muốn chúng ta đi lạc lối xa đường ( Mt 18,14, Ga 3,16), nên nhiều khi về phía con người chúng ta phải chịu đựng sự đau đớn, sự buồn sầu lo âu hay cả sợ hãi được ngài hướng dẫn trở về con đường chân thật và con đường ánh sáng.
Hai khía cạnh này diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài trung thành thế nào với mỗi người tín hữu Chúa Kitô đã được liên kết trong giao ước qua bí tích rửa tội.” ( Giáo hoàng Benedictô XVI, ngày 18.11.2011).
“Trong Thánh Kinh, lòng thương xót là từ then chốt để nói về hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không chỉ khẳng định, nhưng còn làm cho tình yêu của Ngài trở nên hữu hình và có thể chạm đến được. Quả thực, tình yêu không bao giờ là một từ ngữ trừu tượng. Tự bản chất, tình yêu nói lên điều gì đó cụ thể: ý hướng, thái độ và cách hành xử được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là trách nhiệm của Ngài đối với chúng ta. Ngài cảm thấy bị ràng buộc với chúng ta, nghĩa là Ngài muốn điều tốt cho chúng ta, muốn thấy chúng ta hạnh phúc, vui tươi và an bình. “ ( Giáo hoàng Phanxico, Misericordiae vultus số 9.).
Chúa Nhật lòng Chúa thương xót 2016.
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long