Bài chia sẻ của ĐTC Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền tin tại quảng trường thánh Phêrô, sáng Chúa nhật 14/7/2019.
Anh chị em thân mến!
Nhân vật chính trong câu chuyện ngắn là một người Samari, ông gặp một người bị cướp, bị những tên cướp đánh cho nhừ tử trên đường, và ông đã chăm sóc cho người ấy. Chúng ta biết rằng người Do thái đối xử với những người Samari đầy khinh miệt, coi họ như những người ngoại quốc so với dân tộc được tuyển chọn. Cho nên không phải tình cờ mà Chúa Giêsu chọn một người Samari như nhân vật chính của dụ ngôn. Bằng cách này Ngài muốn vượt qua định kiến, và cho thấy rằng ngay cả một người ngoại quốc, một người không biết rõ Thiên Chúa và không lui tới đền thờ của Ngài, cũng có thể cư xử theo ý muốn của Ngài, cảm nghiệm được lòng xót thương đối với anh chị em túng thiếu và chăm sóc họ bằng tất cả mọi phương tiện theo sự sắp xếp của mình.
Trên cùng con đường đó, trước người Samari, có thầy tư tế và thầy lêvi đi ngang qua, họ là những người hết lòng phụng thờ Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi nhìn thấy người đàn ông tội nghiệp, họ đã tránh qua một bên và không dừng lại, có lẽ để không bị lây nhiễm máu của nạn nhân. Họ đã đặt ra một quy tắc nhân loại trói buộc với việc phụng thờ cao hơn giới răn của Thiên Chúa, là giới răn đòi hỏi xót thương trước hết.
Do đó, Chúa Giêsu giới thiệu người Samari như kiểu mẫu, chính xác là người không có đức tin! Chúng ta cũng hãy nghĩ đến nhiều người mà chúng ta biết, có thể là không có đức tin, nhưng thực thi điều thiện. Chúa Giêsu chọn một người không có đức tin như kiểu mẫu. Và người này khi yêu anh em như chính mình, cho thấy rằng anh yêu mến Thiên Chúa với trọn tâm hồn và tất cả sức mạnh, đồng thời diễn tả bản chất tôn giáo đích thực và tính nhân văn tròn đầy.
Sau khi kể lại câu chuyện ngụ ngôn rất hay này, quay về phía người thông luật, Chúa Giêsu hỏi ông, vậy : “ai là người thân cận của tôi?”. Và Ngài nói : “trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (c. 36). Theo cách này, Chúa Giêsu đảo ngược câu hỏi của người đối thoại với Ngài, cũng như đảo ngược tất cả những lý luận của chúng ta. Điều đó khiến chúng ta hiểu rằng không phải chúng ta, dựa trên tiêu chuẩn của chúng ta, để chúng ta xác định ai là người thân cận và ai không phải, nhưng là người cần phải có khả năng nhận biết ai là người thân cận của mình trong mọi hoàn cảnh, tức là “người có lòng thương xót đối với người ấy” (c. 37). Người có khả năng có lòng trắc ẩn : đây là chìa khóa. Đây là chìa khóa của chúng ta. Nếu đứng trước một người túng thiếu bạn không cảm thấy xót thương, nếu trái tim của bạn không lay động, điều đó muốn nói rằng có cái gì đó không ổn. Bạn hãy cẩn thận, chúng ta hãy cẩn thận. Chúng ta đừng để mình bị lôi kéo bởi sự vô cảm ích kỷ. Khả năng xót thương đã trở thành đá tảng đối với người tín hữu, đúng hơn đó là giáo huấn của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Cha dành cho chúng ta. Nếu bạn đi trên đường và thấy một người vô gia cư nằm đó, bạn bước qua mà không quay nhìn người đó hoặc bạn suy nghĩ : “chắc là hậu quả của rượu. Người đó say rượu”, anh chị em đừng hỏi người đó có say rượu không, nhưng hãy tự hỏi, liệu con tim của bạn có bị xơ cứng không; con tim bạn có trở nên băng giá không.
Kết luận này cho thấy rằng lòng thương xót đối với cuộc sống nhân loại tất yếu là gương mặt thật của tình yêu. Và được như vậy chúng ta trở thành những người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và biểu lộ được gương mặt của Chúa : “Các con hãy có lòng xót thương như Cha các con là Đấng xót thương” (Lc 6,36). Thiên Chúa, Cha chúng ta, là Đấng xót thương, vì Ngài có lòng từ bi; Ngài có khả năng thương xót, có thể gần gũi với nỗi đau, tội lỗi, thói hư tật xấu và với cảnh đời cơ cực của chúng ta.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta hiểu và nhất là ngày càng sống mối liên kết bất khả hủy diệt giữa tình yêu đối với Thiên Chúa, Cha của chúng ta và tình yêu cụ thể, quảng đại đối với anh chị em của chúng ta, ban cho chúng ta ơn biết thương xót và lớn lên trong lòng xót thương.
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: Vatican.va: