Lòng thương xót của Chúa trong kinh ca ngợi của Đức Maria (Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng)

57

Lòng thương xót của Chúa trong kinh ca ngợi của Đức Maria

(Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng)

Trên đường đến thăm người chị họ là bà Elisabeth, Đức Maria hân hoan vui mừng vì Mẹ cảm nhận được tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho mình. Mẹ đang dự tính sẽ kể cho người chị họ điều mới xảy ra do cuộc viếng thăm của Sứ thần Gabrien, thì Bà Elisabeth đã biết hết điều Đức Maria định kể! Vì thế, lời chào của bà Elisabeth làm cho niềm vui nơi Trinh Nữ thêm tràn đầy.

Trong kinh Ca ngợi (Magnificat), Đức Maria nhắc tới lòng thương xót của Chúa ba lần. Mỗi lần mang một chiều kích khác nhau:

– “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48)
– “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”
 (câu 50)
– “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham”
 (câu 55).

 Qua lời vinh tụng của Đức Maria, chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa thật lớn lao, vĩ đại. Mẹ đã ba lần nhắc tới lòng thương xót của Chúa. Sau mỗi lần tuyên dương lòng thương xót của Chúa, đều có lời giải thích đi kèm để quảng diễn ý tưởng được nêu:

– “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” cho nên “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

– “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”, vì vậy mà phường lòng trí kêu căng bị dẹp tan; người quyền thế bị hạ bệ; người nghèo được đầy dư và người giàu trở thành tay trắng”.
– “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham” 
cho nên Người độ trì dân Israel và con cháu Ông đến muôn đời.

Chúng ta hãy cùng với Đức Mẹ khám phá những chiều kích khác nhau của lòng thương xót của Chúa, được diễn tả trong lời kinh tuyệt diệu này:

1- Lòng thương xót của Chúa đối với cá nhân mỗi người

Đức Maria được tràn đầy niềm vui, khi nghe lời người chị họ chúc phúc: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (câu 45). Chính trong tâm tình hân hoan đến mức xuất thần đó mà Đức Maria ca lên bài tán dương Thiên Chúa. Mẹ ca tụng Chúa bằng cả con người: linh hồn, thần trí và thân xác. Đó là ba yếu tố cấu thành con người trọn vẹn theo quan niệm của truyền thống Thánh Kinh, như sau này Thánh Phaolô viết:“Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn…” (1 Tx 5,23). Đức Maria đã ca tụng Chúa vì Mẹ được Chúa yêu thương cách riêng. Lời tán dương trên đây của Đức Mẹ có thể được dịch nguyên ngữ như sau: “Vì Người đã cúi mình xuống trên nữ tớ hèn mọn của Người – Il s’est penché sur son humble servante”. Cử chỉ “cúi mình xuống” là ân huệ của một người bậc trên ưu ái đến người ở bậc thấp hơn mình. Thiên Chúa đã “cúi mình xuống” để gặp gỡ con người và nâng họ lên cao. Mầu nhiệm Nhập thể đã diễn tả điều đó. Đức Giêsu là Thiên Chúa cao cả, đã hóa thành xác thịt, đã mang lấy thân phận con người. Nhờ mầu nhiệm nhập thể mà con người được nâng lên bậc thần thánh. Chúng ta thấy rõ điều này khi suy niệm mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Người lên trời đem theo một nhân loại được cứu chuộc. Người cho phép con người được thần linh hóa, được trở nên con Thiên Chúa và được hứa hạnh phúc đời đời. Chúa yêu từng người trong chúng ta. Lòng thương xót của Chúa không phải là một khái niệm mông lung, mờ nhạt, nhưng được thực thi cụ thể nơi mỗi con người, vì Chúa là Đấng “ấn định con số các vì sao; Người đặt tên cho từng ngôi một” (Tv 147,4). Đức Giêsu đã tiếp nối giáo huấn này của Cựu ước và Người còn cụ thể hơn khi dùng hình ảnh con chim sẻ, cánh huệ ngoài đồng hay ngay cả sợi tóc trên đầu… để diễn tả tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Đức Maria đã cảm nhận điều đó. Vì Chúa thương mà Mẹ được mọi người ca tụng là diễm phúc. Đây cũng chính là lời chào của sứ thần Gabrien khi đến gặp Mẹ để loan báo Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Lời chào ấy hôm nay được lặp đi lặp lại nơi môi miệng các tín hữu, như tiếp nối lời ca của Mẹ, cùng Mẹ tán dương Thiên Chúa.

Khi tín thác vào lòng thương xót của Chúa, chúng ta trở nên những người có phúc. “Em thật có phúc, vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Chúng ta có phúc vì chúng ta tín thác vào Chúa, tin rằng Người sẽ thực hiện nơi chúng ta những gì Người đã hứa. Thiên Chúa hứa cho chúng ta hạnh phúc Nước Trời, nếu chúng ta mến Chúa yêu người. Chúng ta tin điều ấy, như Mẹ Maria đã tin, và đức tin đem lại cho Mẹ niềm vui.

2- Lòng thương xót của Chúa đối với mọi thế hệ

Thiên Chúa yêu thương mọi người và Người muốn cho họ hết thảy được cứu rỗi. Tình yêu thương được thể hiện qua công trình sáng tạo. Người yêu thương mọi tạo vật. Người yêu thương con người một cách đặc biệt, đến nỗi Người muốn để lại dấu ấn của Người nơi khuôn mặt con người. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh Người, Người muốn sau này, hễ ai nhìn thấy con người thì một cách nào đó họ nhận ra Chúa, vì họ giống Chúa, và vì Chúa giống họ. Ý muốn làm nên một vật gì giống mình xuất phát từ tình yêu thương và tin tưởng. Đức Maria đã cảm nhận tính phổ quát của ơn cứu độ. Bất cứ ai thành tâm yêu mến Chúa đều có thể được Người cứu thoát và bênh vực. Người là vị thẩm phán công tâm, dẹp tan phường gian ác, nâng cao người khiêm nhường. Đánh đuổi người giàu có, đỡ nâng kẻ nghèo hèn… những hình ảnh đó cho chúng ta thấy một quan niệm rất phổ biến trong truyền thống Thánh Kinh về Thiên Chúa: Người luôn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức bất công, người cô thân cô thế và mồ côi góa bụa. Sau này, Đức Giêsu cho thấy tình yêu Thiên Chúa không chỉ thể hiện qua sự quan tâm, săn sóc, mà Thiên Chúa còn trở nên đồng hình đồng dạng với những người đau khổ bất hạnh trong cuộc đời. Nếu từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người, thì sau này Con Thiên Chúa đã thực hiện sự “nên giống” ấy một cách kỳ diệu: Chúa đồng hóa với người nghèo, đến nỗi ai giúp người nghèo là giúp Chúa (x. Mt 25).

Trong tâm tình hân hoan, Mẹ Maria đã nhìn thấy một nhân loại được Chúa yêu thương. Mẹ đã đại diện cho cả nhân loại và vũ trụ để tán dương Chúa. Khi xác tín Thiên Chúa yêu thương mọi người, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và chia sẻ với anh chị em mình hơn. Bởi lẽ mọi người đều là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Để được Chúa yêu thương, chúng ta cần phải thực thi tình mến đối với anh chị em mình. Điều này được quảng diễn qua dụ ngôn người mắc nợ không biết thương xót. Ông chủ đã lên án con người cạn tình này: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33). Yêu mến tha nhân là một trong những điều kiện cần thiết để đón nhận tình yêu Thiên Chúa.

3- Lòng thương xót của Chúa đối với dân riêng của Người

Thiên Chúa đã chọn Ông Abraham để từ ông xuất phát một dân tộc mới. Người đã trường kỳ và kiên nhẫn để dân riêng của Người được hình thành. Chúa đã hứa cho ông Abraham một đất để định cư. Người cũng hứa sẽ làm cho dòng dõi ông đông như sao trên trời, như cát bãi biển. Abraham đã tin vào Chúa. Chúa đã giữ lời hứa với Ông. Dân Do Thái tự hào vì họ là dân riêng của Chúa. Trải qua bao thế hệ, họ vẫn luôn xác tín rằng Chúa bao bọc che chở dân của Người. Họ cũng tin rằng chính tự dân tộc của họ mà Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện.

Khi vang lời tán dương ca ngợi Chúa, Đức Maria nhìn lại suốt bề dày lịch sử dân tộc mình. Lịch sử ấy ghi khắc quyền năng của Thiên Chúa và sự yếu đuối của con người. Lịch sử ấy cũng ghi lại những bất trung của con người và lòng nhân từ bao dung của Thiên Chúa. Thấy được lòng bao dung của Chúa thể hiện trong suốt bề dày lịch sử dân tộc, Đức Maria đã lớn tiếng ca ngợi: “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham”. Vâng, Mẹ thấy rõ nay đã đến thời Chúa thực hiện lời hứa của Người từ ban đầu của lịch sử, khi đôi lứa đầu tiên đã bất tuân lệnh truyền của Người. Mẹ cũng như nghe thấy bên tai lời tuyên án năm xưa Chúa dành cho con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”(St 3,15). Mẹ thấy rõ thời của tối tăm và tội lỗi đã hết, nhường chỗ cho kỷ nguyên ánh sáng sắp khởi đầu. Mẹ vinh dự được cộng tác với Thiên Chúa để Đấng là “Ánh sáng bởi Ánh sáng” bước vào trần gian. Mẹ vui mừng, vì thời của lời hứa đã đến. Chúa luôn trung thành. Người thực hiện điều Người đã hứa, dù cho lòng người luôn bội tín bất trung.

Giáo Hội của Chúa chính là dân Israel mới. Nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tháp nhập vào dòng giống Abraham và là những người thừa kế lời hứa. Chúng ta là những “con cháu” của Abraham. Sống giữa thế gian còn biết bao tăm tối lọc lừa, Giáo Hội là Ánh sáng cho muôn dân, là con tàu đưa nhân loại vượt biển cả, về bến bờ hạnh phúc và an bình. Nhìn lại những bước thăng trầm của lịch sử Giáo Hội, chúng ta cùng với Đức Maria tán dương ca ngợi Chúa: “Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”.

Ngay từ rất sớm, Giáo Hội đã nhận lời kinh ca ngợi của Đức Maria như lời kinh của chính mình. Vì thế, Thánh ca Tin Mừng này được đọc trong các giờ Kinh Chiều, khi một ngày vừa kết thúc. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng ta trong một ngày. Và, trước nhan Thiên Chúa, “là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân” (Tv 103,8), chúng ta cùng hát lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…”.

Xin cho chúng ta biết cùng với Đức Maria, ngợi khen Thiên Chúa bằng cả cuộc đời.

 Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, 2012
Gm Giuse Vũ Văn Thiên