Lòng thương xót

110

ThanhGia18Ngày 13-3-2015 vừa qua, trong một cử hành sám hối tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha đã tuyên bố, ngài đã quyết định mở Năm Thánh Lòng Thương Xót. Năm Thánh này sẽ được khai mạc vào ngày 8-12-2015 và kết thúc ngày 20-11-2016, tức lễ Chúa Kitô Vua. Mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót được chính Đức Thánh Cha nêu rõ như sau: “Anh chị em thân mến, tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo hội có thể làm nổi bật hơn sứ mạng của mình là làm chứng nhân về lòng từ bi. Đó là một con đường bắt đầu bằng sự hoán cải tinh thần. Vì thế, tôi quyết định ấn định Năm Thánh đặc biệt, có trọng tâm là lòng từ bi của Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng lời Chúa nói: ‘Các con hãy có lòng thương xót như Chúa Cha’ (x. Lc 6,36)”.

Sau đó, ngày 11-4-2015, Đức Phanxicô đã công bố một Tông sắc với tên gọi “Misericordiae vultus” (Khuôn mặt thương xót). Qua Tông sắc này, Đức Thánh Cha giải thích những lý do khiến ngài tuyên bố Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót, đồng thời đề ra những đường hướng giúp sống Năm Thánh tốt đẹp nhất.

Việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót gắn liền với Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng. Ngài cũng được gọi là vị Giáo hoàng của Lòng Chúa Thương Xót. Khởi đi từ năm 2000, với sự kiện phong thánh cho một nữ tu người Ba Lan tên là Faustina, việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót đã được cổ võ và lan rộng nơi giới tín hữu bình dân, mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp. Thánh nữ Faustina đã nhận được mạc khải của Chúa Giêsu và trở thành sứ giả loan báo tình thương của Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng đã thiết lập ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, được cử hành hằng năm vào Chúa nhật II Phục Sinh. Năm Thánh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thiết lập có tên là Năm Thánh của Lòng Thương Xót (Jubilé de la Miséricorde). Như thế, ta có thể hiểu qua tước hiệu này hai khía cạnh: đó là Lòng Thương Xót của Chúa và lòng thương xót mà con người dành cho nhau.

Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một trong những đề tài nổi bật của Mạc Khải, Cựu ước cũng như Tân ước. Thiên Chúa vừa là người Cha, vừa là người Mẹ và còn là một “Bạn tình”. Là Cha, Thiên Chúa dẫn đưa con người bằng cánh tay uy quyền, giải phóng khi họ bị áp bức và sống đời nô lệ; là Mẹ, Thiên Chúa bao bọc che chở con người trong tình yêu thương trìu mến, tha thứ vỗ về khi họ lỗi lầm; là “Bạn tình”, Thiên Chúa hờn ghen khi con người bất trung phản bội. Những đề tài này được trình bày rải rác trong Kinh Thánh. Vì thế mà Kinh Thánh được coi là một thiên tình sử giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không dửng dưng trước nỗi thống khổ của con người, và Ngài sẵn sàng ra tay cứu giúp. Khi tỏ mình ra lần đầu tiên với ông Môisen, Chúa đã nói: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết nỗi đau khổ của chúng” (Xh 3,7).

Cũng theo Kinh Thánh, tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua những khía cạnh sau:

– Sáng tạo: Vì yêu thương, Thiên Chúa đã gọi con người từ hư vô đến hiện hữu. Ngài cũng tạo dựng muôn loài muôn vật để phục vụ con người. Thiên nhiên hùng vĩ chính là một cuốn sách phong phú nói về quyền năng của Thiên Chúa, bởi qua “cuốn sách” này người ta có thể nhận ra quyền năng và tình yêu thương của Ngài.

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
Đêm này kể lại với đêm kia
(Tv 19, 2-3)

– Quan phòng: Thiên Chúa không tạo dựng vũ trụ và con người rồi buông xuôi. Ngài chăm sóc, nâng đỡ và làm cho công trình ấy luôn mới mẻ. Qua Chúa Thánh Thần, Chúa vẫn đang tiếp tục canh tân mọi sự.

Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay,
và chúng trở về chỗ tro bụi của mình.
Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành,
và Ngài canh tân bộ mặt trái đất
(Tv 104, 29-30).

– Giải phóng: Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài không để họ sống trong cảnh nô lệ lầm than. Ngài can thiệp bằng cánh tay hùng mạnh để giải thoát Dân Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập, đem họ đến bến bờ tự do. Không chỉ giải phóng con người về phần xác, Thiên Chúa còn cứu con người khỏi ách giam cầm của tội lỗi. Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã thực hiện công trình cứu chuộc con người. Người đã dùng thập giá như cờ hiệu chiến thắng để dẫn đưa con người thoát khỏi tội lỗi tối tăm, vươn tới ánh sáng vĩnh cửu ngàn đời.

Người giải thoát bần dân kêu khổ
Và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương.
Chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo
(Tv 72, 12-13).

Quả thật, tôi bảo các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội…
Vậy, nếu con người có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự
là những người tự do”
(Ga 8, 34.36).

Theo nguyên nghĩa, chữ “lòng thương xót” hay “lòng nhân hậu” là từ ghép của hai chữ “đau khổ, nghèo nàn” (miseria) và “trái tim” (cordia). Như vậy, có lòng nhân hậu tức là “có trái tim đau khổ với một ai đó”, là thực sự cảm thông và muốn chia sẻ nỗi đau của người mình gặp gỡ hoặc có liên quan. Lòng thương xót (misericordia), hay từ bi, còn là sự sẵn sàng tha thứ bỏ qua cho người lỗi phạm đến mình. Tiếng Việt chúng ta cũng diễn tả rất sâu sắc ý nghĩa của từ này. “Xót” là cảm giác đau đớn khi bị đứt tay hoặc chảy máu. “Xót xa” cũng là sự đau đớn về thể xác và tinh thần. Ngược lại với lòng thương xót là sự dửng dưng, thờ ơ vô cảm.

“Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân” (Tv 102,11). Thiên Chúa cũng “đau” nỗi đau của con người. Ta hãy nghe ngôn sứ Hôsê diễn tả: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8). Trên thập giá, chúng ta chứng kiến một Thiên Chúa đau khổ vì con người. Thiên Chúa đau khổ cho con người được hạnh phúc. Đây chính là nét ưu việt của Kitô giáo, một tôn giáo vì con người và để cứu rỗi loài người. “Chúa không dửng dưng với chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có chỗ trong lòng của Ngài, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và đi tìm chúng ta mỗi khi chúng ta bỏ Ngài” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2015).

“Thương người như thể thương thân”, đây là điểm gặp gỡ giữa truyền thống văn hóa Việt Nam và lời giáo huấn của Kinh Thánh “yêu tha nhân như chính bản thân mình (x. Mc 12,30). Một mục đích quan trọng của Năm Thánh Lòng Thương Xót, đó là thực thi tình yêu thương với anh chị em đồng loại. “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Trong xã hội hôm nay, người ta nói nhiều đến sự vô cảm giữa con người với nhau. Mối tương quan gia đình, cộng đoàn, xã hội ngày càng trở nên lạnh nhạt. Đã đến lúc phải thổi vào xã hội và Giáo hội một làn gió mới đến từ Lòng Thương Xót của Chúa và tình bác ái của con người. Đây không phải là cử chỉ thương hại, hoặc miễn cưỡng, nhưng là nghĩa cử của yêu thương, với tâm tình của Chúa Giêsu trên thập giá.

Ước mong Năm Thánh Lòng Thương Xót giúp chúng ta tái khám phá tình thương vô bờ của Thiên Chúa, để mỗi người trở nên hình bóng của Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương và nộp mình hy sinh vì chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên