GÓC SUY TƯ SUY TƯ Lời xin vâng: dễ nói không dễ sống

Lời xin vâng: dễ nói không dễ sống

LỜI XIN VÂNG : DỄ NÓI KHÔNG DỄ SỐNG

          Người Công Giáo không thể không biết biến cố truyền tin. Qua biến cố truyền tin, sứ thần của Chúa nói với Mẹ Maria về chương trình cứu độ của Chúa đó là Ngôi Lời của Thiên Chúa sẽ nhập thể làm người ngang qua cung lòng của Mẹ. Phần Mẹ, nhờ ơn Chúa, Mẹ nói lời xin vâng.

          Lời xin vâng Mẹ Maria đáp lại với sứ thần là lời xin vâng liều lĩnh và phó thác.

          Tuổi còn quá trẻ để nhận ra những biến cố gì sẽ xảy đến sau khi đón nhận ơn thụ thai trong lòng mình. Gần nhất đó là bản án tử hình cho người chưa qua lại với người mình đã đính hôn mà có thai. Chỉ cần người bạn đời mình lắc nhẹ cái đầu trước quan án thì cuộc đời của Maria coi như chấm hết như quả banh chấm dứt ở quả phạt đền 16 mét 50.

          Tuổi còn quá trẻ để đối đầu với biết bao nhiêu gian lao khốn khó trong cuộc đời. Dĩ nhiên gọi là sống dựa vào người bạn đời của mình về kinh tế nhưng sống hoàn thành trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình ắt hẳn cũng khó với cô thiếu nữ thành Nagiareth thời bấy giờ. Đủ mọi khó khăn bao phủ trên cuộc đời nhưng rồi Maria hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn phó thác đời mình để mình sống buông theo Thần Khí. Và quả thật, Maria đã để mình cho Thần Khí Chúa hướng dẫn và dẫn dắt từng bước đường đời.

          Thành công mỹ mãn của lời xin vâng trải qua bao gian nan khốn khó trong cuộc đời, Đỉnh điểm của thành công của lời xin vâng đó chính là đỉnh đồi Canvê. Bi thương nhất, nhục nhã nhất, đau đớn nhất, thử thách lớn nhất đời của Mẹ Maria đó chính là đứng dưới chân Thập Giá. Mẹ vẫn bằng lòng xin vâng với Chúa cho đến giây phút cuối cuộc đời của người con yêu của Mẹ.

          Ta đọc hay nghe về lời xin vâng của Mẹ, ta cũng hát, cũng nói, cũng thưa với Chúa lời xin vâng ấy như Mẹ. Thế nhưng có khi ta hát, ta đọc như một cái máy và hoàn toàn không sống lời xin vâng ấy trong cuộc đời.

          Bằng chứng hết sức cụ thể khi ta đến trung tâm hành hương nào đó, đài nào đó thì ta xin gì ? Phải chăng là ta xin như ý, phải chăng là ta xin bán được nhà, phải chăng là ta xin trả được nợ, phải chăng là ta xin đủ thứ đủ mọi sự cho cái phần xác của chúng ta.

          Mỗi chúng ta tự hỏi  mỗi khi đọc kinh cầu nguyện và dĩ nhiên là có kèm theo lời cầu xin. Chúng ta thường xin gì với Chúa và với Mẹ ?

          “Xin Mẹ dạy con 2 tiếng xin vâng” ! Mẹ dạy đó nhưng mà con có nghe, con có nạp, con có để cho lời xin vâng ấy thẩm thấu trong cuộc đời của con và con có sống lời xin vâng ấy trong cuộc đời của con hay không đó mới là điều quan trọng.

          Con vẫn gào, con vẫn hét lên “Xin Mẹ dạy con 2 tiếng xin vâng” nhưng thực tế thì ngược lại. Con vẫn xin Chúa và Mẹ vâng theo ý của con mỗi khi con cầu nguyện.

          Xin vâng phải chăng chỉ có 2 từ thôi nhưng mà lại là chuyện rất khó trong cuộc đời. Để nói lời xin vâng xem chừng ra là dễ nhưng sống lời xin vâng ấy cực khó trong cuộc đời.

          Như chuyện kể trong Tin Mừng về 2 người con trai. Người con thứ nhất nói ngay với cha là vâng lời cha nhưng sau đó lại không làm như lời mình nói. Hình ảnh người con đó phảng phất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

          Nếu chúng ta sống lời xin vâng thật sự thì thập giá đời ta ta vui vẻ vác. Có chăng là ta xin Chúa thêm sức để ta vác mà thôi.

          Chú em kết nghĩa sống trong một gia đình mà có thể nói là chán. Từ mẹ đến vợ, 2 nhân vật này làm cho chú đảo điên. Có những lúc chú muốn buông xuôi cho nhẹ lòng nhưng chú không buông và chú nói : “Chúa gửi thánh giá cho con thì con xin vác thôi Cha !”.

          Thật sự không dễ vác. Có những lúc chú đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mỗi khi có chuyện. Đến đó chẳng làm gì, chỉ để ngồi đó lặng thinh nhìn lên ảnh Mẹ. Có những lúc chạy chỗ này chỗ kia nhưng cũng chỉ với tâm tình xin cho đủ sức để vác thập giá trong đời.

          Đời chả ai không có thập giá. Không ít thì nhiều, không nặng thì nhẹ. Ai ai cũng có thập giá đời mình. Thập giá ấy có khi là sức khỏe, có khi là tinh thần, có khi là vật chất.

          Thời buổi hiện tại, thập giá của nhiều người phải chăng là gánh nặng của làm ăn thua lỗ, của công ăn việc làm bị đình trệ hay có khi là thất nghiệp … Thập giá của nhiều gia đình là sự không hiệp nhất với nhau, không yêu thương nhau và không nhường nhịn nhau để có nguy cơ tan vỡ.

          Và như thế, lời mời gọi sống lời xin vâng ấy thiết thực ngang qua cuộc đời của mỗi người.

          Trong tâm thế là người lắng nghe, người chịu nghe những trần tình của những người tìm đến thì bỉ nhân thấy rằng đời chả có ai là hoàn toàn hạnh phúc và tròn vẹn. Có những gia đình xem chừng ra là cha mẹ chuẩn mực nhưng phần con cái coi như mất trắng. Có những gia đình người vợ cặm cụi lo cho chồng lo cho con nhưng bị phản bội … Bao nhiêu đau khổ đè nén trong gia đình và chỉ có nhờ ơn Chúa thì người ta mới có thể vượt qua. Dĩ nhiên là người đó phải cộng tác với ơn Chúa.

          Lời xin vâng luôn là lời mời gọi mỗi chúng ta trong hành tình theo Chúa. Để đáp lại tiếng xin vâng như  Mẹ Maria không phải là chuyện đơn giản vì lẽ giữa lời đáp và thực tế cũng như thực hành là xa lắm !

          Chỉ trong tĩnh lặng, chỉ trong cô tịch đặt mình trước mặt Chúa ta mới cảm được những gì Chúa đang gửi đến đời ta. Nếu như ta sống tâm tình đơn sơ và phó thác như Mẹ thì lời xin vâng ấy mới trọn hảo trong đời ta.

          Bí quyết để sống được lời xin vâng ấy phải chăng đó chính là sự khiêm nhường. Khi cao ngạo, khi tự cao tự đại và tưởng mình là nhất thì không bao giờ đón nhận và sống lời xin vâng trong đời của ta được. Ai nào đó khiêm nhường để cho mình trống rỗng và để cho Thần Khí Chúa lấp đầy thì khi ấy ta mới sống lời xin vâng được.

Lm. Anmai, CSsR

Exit mobile version