Lời xin lỗi

 Tôi đã từng đọc được câu nói của ai đó về lời xin lỗi như thế này: “Lời xin lỗi không luôn luôn có nghĩa là bạn sai người khác đúng. Lời xin lỗi có nghĩa là bạn coi trọng mối quan hệ đó hơn những điều đã xảy ra”. Hôm nay tôi thật ngạc nhiên và cảm động trước lời xin lỗi của một chị phụ huynh lớp tôi.

Chuyện xảy ra như sau: Chiều hôm trước trong lúc trả trẻ tôi xin lỗi chị vì hôm nay con trai của chị bị bạn cào xước một má. Chị nói với tôi: “Sao Dì không trông bé cẩn thận? Bé nào cào bé hả Dì ?” Tôi chưa kịp trả lời thì chị quay sang nói với con: “Tội nghiệp con trai của mẹ quá, mặt bị xước thế này rồi ! Có đau không con ?” Rồi chị im lặng quay đi lấy cặp cho con mà không hỏi gì thêm. Nhìn thái độ và nét mặt của chị tôi thấy chị không vui. Tôi cũng hơi ái ngại nhưng chỉ biết nói lời xin lỗi chị và hứa sẽ để ý hơn.

Hôm nay chị đến đón bé. Với nét mặt tươi cười, chị hỏi tôi: Bé H.T hôm nay có ngoan không Dì ? Tôi mỉm cười trả lời: Bé H.T hôm nay ăn giỏi hơn, bé tự biết xúc cơm ăn và uống sữa cũng nhanh hơn. Bé mạnh dạn, nhanh nhẹn nhưng cũng hơi nghịch. Bạn mà dành đồ chơi của bé là bé đánh ngay. Rồi chị nói với tôi: Bé ở nhà cũng hơi nghịch .Đến lớp chắc bé cũng nghịch lắm. Em xin lỗi Dì hôm qua em không có ý trách Dì đâu. Trẻ con mà, chúng giành nhau đồ chơi rồi cào nhau là chuyện thường Dì nhỉ! Tôi cười và tiếp lời chị: Dạ em cám ơn chị vì chị đã hiểu và thông cảm cho chúng em. Em cũng không muốn bé bị cào thế đâu chị ạ. Sau đó tôi và chị còn trao đổi vài điều khác nữa.

Quả thật, tôi rất bất ngờ trước thái độ và lời xin lỗi của chị. Tôi hơi thắc mắc điều gì đã làm chị thay đổi thái độ để chị tươi cười và nói lời xin lỗi với tôi. Tôi thầm cám ơn Chúa, cám ơn chị đã hiểu cho công việc của một cô giáo mầm non như chúng tôi  Thật sự, là một cô giáo mầm non với tôi không dễ chút nào. Tôi không chỉ chăm sóc trẻ với vai trò là một cô giáo dạy học để lấy tiền lương nhưng là một nữ tu với công việc phục vụ cách vô vị lợi, làm việc vì tình yêu nên khi chăm sóc trẻ tôi không muốn bất kì một thương tích nào xảy ra cho trẻ. Mỗi ngày làm việc tôi đều cầu nguyện, cầu nguyện để xin Chúa giữ gìn những đứa trẻ mà tôi chăm sóc được bình an. Tôi mong Chúa luôn ở với tôi nhất là những lúc tôi nổi nóng. Tôi cũng mong mình khiêm tốn và biết cảm thông cho phụ huynh, và cũng hy vọng những bậc phụ huynh hiểu và thông cảm với nỗi lòng của một cô giáo mầm non như chúng tôi, để giữa nhà trường và phụ huynh có mối quan hệ thân thiết trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ được phát triển một cách toàn diện hơn.

Chị phụ huynh trên có quyền không vui khi con chị bị trầy xước. Tôi không trách cứ chị vì chị đã tỏ ra khó chịu với mình. Nhưng điều khiến tôi vui và cảm động là hai chữ xin lỗi của chị. Hai chữ ấy đã làm cho tôi an lòng hơn và tin rằng chị đã cảm thông cho tôi. Qua chị, tôi cũng học được rằng, một lời xin lỗi có tác dụng lớn lao trong việc chữa lành và hàn gắn mọi mối tương quan. Tôi sẽ cố gắng hơn trong việc học biết nói lời xin lỗi khi mình có những thái độ, hành vi, hay phản ứng không phù hợp trong giao tiếp ứng xử hằng ngày.

Sr. Maria Nguyễn Thị Khiêm – Học viện MTG. Thủ Đức

Exit mobile version