Nói đến “lối về” là nói đến về nhà, nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Con người ta có thể quên mọi thứ, nhưng không ai quên lối về quê. Quên lối về quê là những người mất gốc, vong bản. Những người sống xa quê, nhất là ở hải ngoại, lâu lâu có dịp trở về, thấy lối về thật gần gũi thân thiết. Tình quê rất đỗi thiêng liêng trong tâm hồn người Việt, đó là lý do tại sao những người dù đã cao tuổi mà vẫn sẵn sàng vượt nửa vòng trái đất, chấp nhận mọi thủ tục rườm rà tốn kém để trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Có những người di chúc cho con cháu, ước mong sau khi qua đời được an táng trên mảnh đất của cha ông. Lối về nhắc họ nhớ đến những kỷ niệm thời ấu thơ, đến bầu khí thân thương của gia đình. Khi đi xa, mỗi người phải bươn chải, bon chen và luôn cảnh giác. Khi về nhà, ta thấy lại được sự thân thương và cảm giác an toàn. Một người bị xã hội chối từ không chốn dung thân, người ấy vẫn còn một lối về, đó là gia đình đang dang rộng vòng tay đón nhận. Con đường của lối về không chỉ mang vẻ đẹp của cây cỏ lá hoa, mà còn chất chứa niềm vui của gặp gỡ. Lối về dẫn ta đến sum vầy đoàn tụ, sưởi ấm tấm lòng đang lạnh giá khô cằn.
Lối về nhắc ta sống tốt đạo hiếu. Ta hiện hữu trên đời là nhờ có cha mẹ và sự đùm bọc của người thân. Nhớ ơn sinh thành dưỡng dục, ta được nhắc bảo đừng làm điều gì làm cha mẹ phiền lòng hoặc hổ thẹn với đời. Dù đã lớn khôn và trưởng thành, dưới cái nhìn của cha mẹ, chúng ta vẫn là những đứa con dại khờ cần được hướng dẫn chăm lo. Dù cha mẹ đã khuất bóng, tình thương và sự dạy dỗ của các ngài vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. Người luôn nghĩ về cha mẹ sẽ cố gắng sống làm người tốt, để không phụ công ơn và kỳ vọng của bậc sinh thành.
Lối về còn là đạo-làm-người. Trước khi học làm thánh, cần phải học làm người. Giữa một thế giới mênh mông phức tạp, chúng ta luôn phải cố gắng phục thiện để nên người có nhân có nghĩa. Sống giữa đời, ta dễ bị lây nhiễm lối sống giành giật bon chen ích kỷ. Những giây phút lắng đọng trong cầu nguyện sẽ giúp ta nhận ra những khuyết điểm của mình để quyết tâm sửa đổi. Một khi nghiêm túc suy xét những việc đã làm, chúng ta có thể lượng giá đó là những hành vi tốt hay xấu, để biết dừng lại trước khi quá muộn, nếu việc ta đang làm không đúng với lương tâm.
Đối với các tín hữu, lối về là con đường sám hối canh tân. Con đường này dẫn đưa chúng ta đến gặp Thiên Chúa, Đấng từ bi nhân hậu. Thiên Chúa là cội nguồn của nhân loại. Ngài dựng nên con người và cho họ được chia sẻ vinh quang ngàn đời của Ngài, vì Ngài luôn mong ước cho con người được hạnh phúc. Ngài kêu gọi và ban ơn phúc giúp con người nên hoàn thiện. Khi tạo dựng con người “giống hình ảnh của Thiên Chúa”, Thiên Chúa muốn qua con người, vinh quang của Ngài hiện hữu và chiếu tỏa khắp nơi. Như vậy, khi con người cùng nhau sống thánh thiện và thực thi công chính, Nước Trời đã khởi đầu ở trần gian, đời sau đã hiện hữu ở đời này. Ý thức mình là tạo vật của Thiên Chúa, mỗi chúng ta hãy sống đẹp lòng Ngài. Thiên Chúa luôn kêu gọi và mong chờ chúng ta trở về với Ngài. Hình ảnh người cha trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” đã diễn tả lòng bao dung và từ tâm của Thiên Chúa. Người con thứ, sau một đời đi hoang đã nhận thấy cần thiết phải trở về. Những thú ăn chơi xa xỉ không làm anh thỏa mãn; những bóng hồng lòe loẹt không giúp anh thấy niềm vui. Khi bỏ nhà ra đi, anh nghĩ mình có thể tự xây dựng sự nghiệp. Khi thoát khỏi mái ấm gia đình, anh tưởng mình sẽ được tự do. “Sự nghiệp” và “tự do” mà anh mong ước đã tan nhanh như bong bóng xà phòng. Vinh hoa phú quý mà anh tưởng sẽ đạt được đã biến thành mây khói. Phút hồi tâm đã giúp anh vỡ mộng. Khi tỉnh ngộ, anh thấy cần một lối về. Anh thấy chẳng đâu bằng mái ấm gia đình, và anh đã quyết tâm trở về. Cũng con đường ấy, lúc ra đi, anh mang đầy dự tính, nay trở về chỉ ôm nỗi ân hận xót xa. Những gì anh định thưa với cha mình, không phải là những tranh luận cãi vã, mà chỉ là tâm tình sám hối ăn năn. Trên lối về, anh mang hy vọng, vì anh biết tính cha mình là người bao dung nhân hậu. Người cha đã âm thầm đau đớn chấp nhận chia gia tài, mặc dù biết rằng bao giông bão đang chờ con phía trước. Ông tôn trọng tự do của con, và muốn con phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Mặc dù anh bỏ nhà đi hoang, nhưng lối về vẫn thênh thang rộng mở. Người cha hiền vẫn mong ngóng trông chờ. Sự chờ đợi làm cho ông mòn mỏi về thể xác, nhưng tình thương của ông lại theo ngày tháng đong đầy. Khi con mắt thể xác đã mờ nhạt chẳng còn nhìn rõ những gì ở khoảng xa, con mắt trái tim giúp ông nhận ra kẻ khốn khổ tiều tụy kia là chính con mình. Lòng bao dung của người cha cũng là một lối về, luôn rộng mở, không oán trách, nhưng tràn ngập tình thương yêu tha thứ. Trong đau khổ và hy vọng, người cha đã âm thầm chuẩn bị bê béo, áo đẹp, dép mới và nhẫn vàng. Trong truyền thống xa xưa, đây là những thứ cần thiết để tổ chức một lễ cưới. Kinh Thánh diễn tả một hình ảnh tuyệt vời về tình thương của Chúa: khi đứa con hư còn ở đàng xa, cha nó đã chạy ra, ôm cổ nó mà hôn. Lòng bao dung cũng chẳng đợi người con kể lể sự tình, chẳng cần những công thức đã định sẵn. Người cha đã tha thứ cho người con. Lòng bao dung của ông mênh mông không bờ bến (x. Lc 15, 11-31).
“Hỡi người hãy nhớ, mình là bụi tro…”.Mỗi khi Mùa Chay về, người tín hữu được mời gọi hãy nhớ lại thân phận của mình là bụi tro. Dù sống lâu trăm tuổi cũng chỉ như bông hoa sớm nở chiều tàn; dù giàu sang phú quý cũng là phận người tay trắng hư vô. Nhớ mình là thân cát bụi, ta sẽ sống khiêm tốn chân thành; nhận ra phận người chóng qua, ta sẽ nỗ lực vươn tới vĩnh cửu. Nếu cuộc sống thân xác con người chỉ như làn gió thoảng qua, thì linh hồn họ lại bền vững bất tử. Người tín hữu tin rằng, sự chết là sự biến đổi từ tạm thời đến vĩnh cửu, từ hư nát đến bền vững, từ kiếp người còn mang nặng sầu đau đến hạnh phúc vĩnh cửu lâu bền.
Mỗi ngày sống, chúng ta đang đi trên lối về. Đó là con đường đến gặp gỡ Chúa và tha nhân. Đây cũng là con đường dẫn ta tới vĩnh cửu, vì hạnh phúc vĩnh cửu chính là kết quả của những gì chúng ta đang làm hôm nay.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên