Lời Chúa: Lc 11, 1-4
“Một hôm, Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Ðại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
SUY NIỆM:
Đọc kinh, đó là một truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cha ông chúng ta đã sử dụng để lưu truyền đức tin cho hậu thế. Âm vang của những lời kinh thấm sâu trong tâm khảm đã giúp cho đức tin được gìn giữ và lớn lên, từ đức tin truyền thống bước sang đức tin tự giác và trách nhiệm.
Khi sống với Thầy mình, các môn đệ Đức Giêsu đã không ít lần chứng kiến Ngài cầu nguyện, dường như đó là việc rất quan trọng nên Thầy luôn đặt vị trí ưu tiên hàng đầu. Thầy lánh vào sa mạc cầu nguyện 40 ngày đêm khi bắt đầu sứ vụ công khai. (Mt 4, 1-11) Thầy cầu nguyện suốt đêm rồi chọn ra mười hai tông đồ để cùng thầy dấn thân cho sứ mạng. (Lc 6, 12) Thầy cầu nguyện khi sáng sớm, trước bữa ăn, sau một ngày làm việc…
Có lẽ, các môn đệ cũng đã hơn một lần cảm thấy khó khăn trong việc cầu nguyện, và khi khao khát cầu nguyện lên đến đỉnh điểm, các ông đã đến xin Thầy đã dạy cầu nguyện. Khi ấy, Đức Giêsu không hề có một ý niệm nào về Lectio divina, Taize hay linh thao 5 bước… Ngài dạy cho những học trò của mình chính cái kinh nghiệm mà Ngài thường thực hành. Một lời kinh từ trái tim gửi đến trái tim. Lời của Người Con thưa lên với Cha mình. Kinh Lạy Cha ra đời và mãi mãi còn sống với chúng ta từ đó.
Nếu đọc kinh là phương pháp cầu nguyện đơn sơ, mộc mạc nhất, thì lời Kinh Lạy Cha cũng là lời kinh gần gũi, thân thương nhất. Hôm nay, lời kinh ấy vẫn thấm đầy trong bầu khí phụng vụ của Giáo Hội, và mỗi cá nhân chúng ta cũng có thể thưa lên với Chúa lời kinh bất hủ ấy bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu.
Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Abba! là tiếng gọi thông dụng nhất mà bất cứ đứa trẻ Do Thái nào cũng có thể cất lên với cha của nó trong cuộc sống thường ngày. Người Việt cũng có những cách gọi cha theo ba miền khác nhau, dù gọi là bố, là ba, hay là tía… thì hình ảnh người cha vẫn thật đẹp và gắn bó.
Là người, ít nhiều ai cũng có kinh nghiệm về tình phụ tử. Tôi đã thấy khuôn mặt bơ phờ, tận lực sớm hôm lo cho đàn con của bố. Tôi đã thấy những người ba sẵn sàng không quản hiểm nguy để cứu con mình khỏi những cám dỗ thế gian. Tôi cũng đã thấy những người cha thịnh nộ vì kẻ khác đang tâm phá vỡ hạnh phúc hay phẩm giá của con mình. Tôi cũng từng thấy người bố nhói buốt, nuốt nước mắt vào trong khi thấy con mình đau… Những cử chỉ nhỏ nhặt nhất cho đến vĩ đại nhất mà người cha âm thầm, kiên nhẫn hy sinh cho những đứa con như thế, giúp chúng ta dễ cảm nhận cái tương quan thiêng liêng của chính mình với một Đấng Cao Trọng hơn, là chính Thiên Chúa của chúng ta. Nếu không cảm nhận được tình thương của người cha trần thế thì sẽ khó khăn hơn cho chúng ta trong việc cảm nhận tình thương của Cha trên Trời. Chị Têrêsa Nhỏ từng nói về ông Martin, người cha trần thế của chị rằng: “Khi con nghĩ về cha, hỡi người cha yêu dấu của con! Tự nhiên con cũng nghĩ đến Thiên Chúa tốt lành.” (Thư LT 58)
Thiên Chúa là người Cha không nói nhiều, nhưng không nói, không có nghĩa là không yêu thương. Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu cá vị mà Thánh Gioan đã cảm nghiệm và khảng định: “Người đã yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13, 1) Chúng ta chỉ có thể nếm cảm tình yêu cá vị của Chúa Cha bằng những giây phút chúng ta thực sự cầu nguyện và sống hết mình với đức tin đơn thành nhất, như một đứa trẻ biết cậy dựa và phó mình vào vòng tay yêu thương của cha mình.
Lạy Chúa Giêsu !
Chúng con cảm tạ Chúa đã để lại cho chúng con lời kinh thân thương, để hôm nay chúng con biết thưa chuyện với Cha trên Trời những khi vui, những khi buồn, những lúc thảnh thơi và cả khi bận rộn… Xin Mẹ Maria giúp chúng con biết suy đi nghĩ lại những lời Chúa nói với chúng con ngang qua những người chúng con gặp gỡ và qua biết bao nhiêu biến cố thường hằng trong mỗi ngày đời chúng con. Amen.
Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức.