Lời Khấn Khiết Tịnh

470

images906130_anhdong_hoa31.      Lời khấn là gì?

Lời khấn là một lời hứa ta đã suy xét và tự do đoan thệ với Chúa, tự buộc mình theo đức thờ phượng làm một việc lành có thể làm, mọi việc lành tốt hơn.

            Lời khấn tu trì là những lời khấn nào?

Đó là khấn giữ những lời khuyên Phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Bằng việc khấn giữ các lời khuyên phúc âm, tu sĩ phó mình hoàn toàn cho Chúa. Việc tuyên khấn không thêm thắt gì hơn vào cái mà mọi Kitô hữu phải sống. Tuyên khấn là một cách thức để nói lên ước muốn sống chính xác sự viên mãn đã ban cho Giáo Hội, cái làm nên đời sống sâu thẳm của mỗi Kitô hữu. Đời sống tu trì làm chứng cho xã hội thấy cách rõ ràng hơn những thực tại của đức ái, của sự hiệp thông vào thân thể Chúa Kitô, Đấng đã thíêt lập nên đời sống Giáo Hội. Nội dung của lời khấn không thêm điều gì mới. Lời khấn chỉ biểu lộ tính năng động sâu sắc của việc ta thuộc trọn về Giáo Hội. Truyền thống đã lý giải thực tại này trong cách nói: “Khấn dòng là phép Rửa lần hai”. Khấn dòng bắt nguồn từ phép Rửa và làm lan tỏa ra tính năng động của Phép Rửa, của việc chúng ta tháp nhập vào thân mình của Chúa Giêsu”. (La vie religieuse apostolique – Bruxelles 1978 – p. 146; LG số 42)

2.      Lời khấn khiết tịnh và ý nghĩa của nó trong cuộc sống

Lời khấn khiết tịnh là một trong ba lời khấn bắt buộc của bậc tu sỹ. Nó giúp người tu sỹ củng cố và kiện toàn đức bác ái – nhân đức vượt lên trên mọi nhân đức khác (GLCG số 1826). Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người sống đức ái; nhưng sự trọn hảo của đức ái chỉ dành cho những ai tự nguyện dấn thân trong đời sống thánh hiến qua việc thực hành các nhân đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục vì nước trời. Giáo hội luôn nhìn nhận sự khiết tịnh như là một bậc sống. Chính Đức Kitô đã sống đức khiết tịnh một cách hoàn hảo. Ngài là sức mạnh tuyệt vời; nhờ đó, mỗi người chúng ta được trở nên một trong nhiệm thể của người. Qua Bí tích rửa tội, Đức Kitô thánh hoá chúng ta, Ngài mời gọi mỗi người tiến lên trong đời sống thánh hiến để sống kết hợp với Ngài cách trọn vẹn.

Lời khấn khiết tịnh ngày nay mang nhiều ý nghĩa quý giá. Trước hết, lời khấn khiết tịnh giúp người tu sỹ dấn thân trọn vẹn cho sứ vụ của mình; thứ đến, lời khấn khiết tịnh chứa đựng tình yêu trọn vẹn mà mỗi người dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Sống đời khiết tịnh là sống kết hiệp với Chúa một cách tuyệt vời nhất, ở đó người tu sỹ hiến dâng tình yêu của mình cho Chúa vô điều kiện. Đặc biệt, lời khấn khiết tịnh được xem là sự thánh hiến. Chính Đức Kitô thánh hiến người tu sỹ qua Giáo hội.

Như vậy, đối với người tu sỹ, đức khiết tịnh là một đặc sủng Chúa ban. Đời sống khiết tịnh là dấu chỉ của sự sống muôn đời mà nhiều người cố gắng đạt đến. Nó vượt lên trên cả giá trị truyền sinh để đến với tình yêu đích thực là Đức Kitô.

Xã hội coi khiết tịnh như là vấn đề riêng của mỗi cá nhân, nó hoàn toàn không mang giá trị biểu trưng. Trong khi đó, Giáo hội coi đời sống khiết tịnh là phương tiện chính để đạt đến sự trọn hảo. Sự khác biệt của xã hội và Giáo hội trong việc nhìn nhận giá trị của đời sống khiết tịnh ngày càng trở nên rõ ràng hơn, nhất là trong thời đại ngày nay.

Đức khiết tịnh “vì Nước Trời” (Mt 19, 12) phải được xem như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Ơn ấy giải thoát lòng con người để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người hơn.

Công đồng cho ta biết, chỉ có thể sống khiết tịnh trong bầu khí ân sủng. Ơn sống khiết tịnh do Chúa Cha ban và là công trình liên lỉ của Chúa Thánh Thần.

 Đức khiết tịnh là tình yêu noi gương Đức Kitô, Đấng chỉ biết yêu Chúa Cha và nhân loại.

 Đức khiết tịnh là tình yêu kết hợp với Đức Kitô phục sinh, kết hợp trọn vẹn, báo hiệu sự kết hợp trọn hảo với Đấng Vĩnh Hằng.

Đức khiết tịnh là tình yêu phục vụ của Đức Kitô mà ta bắt gặp nơi người anh em đang đau khổ, đang khóc than, đang giẫy chết…

 Sống đức khiết tịnh như thế, người tu sỹ được đưa dẫn tới một cung cách mới để yêu thương, và có khả năng mở hết lòng mình ra cho anh em.

3.      Chúa Kitô yêu mến đời sống khiết tịnh.

Chính cuộc đời của Chúa Kitô là bằng chứng Người yêu mến đời sống khiết tịnh. Người đã sống cả một đời và trải qua tuổi trẻ của mình chỉ để làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”. Người để lại cho những ai muốn phục vụ “Danh Cha” và “Nước Cha” như Người, một tấm gương của sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa, bằng một trái tim không san sẻ, một tâm hồn không mảy may dính bén chút tỳ ố nào.

Không chỉ là cuộc đời, rất nhiều lần Chúa Kitô còn dạy ta phải giữ đức khiết tịnh. Chẳng hạn: “Anh em nghe luật dạy người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. (Mt 5, 27-28).

Chúa Kitô còn cho thấy Người yêu mến đời sống khiết tịnh khi chọn cho mình một gia đình thánh thiện và thanh khiết. Khi sinh ra làm người, Chúa Kitô bảo vệ đức đồng trinh vẹn tuyền của Đức Maria. Người cũng nhìn thấy khả năng sống đức trinh khiết trọn đời nơi thánh Cả Giuse, và đã chọn thánh nhân làm đấng bảo trợ của mình, bảo trợ gia đình thánh, để trong gia đình đó, Người sinh ra và lớn lên.

Đến khi chọn mười hai môn đệ thân tín, để từ đó, thành lập Giáo hội, Chúa Kitô đã dành một tình cảm hết sức đặc biệt cho “Người môn đệ Chúa yêu” – thánh Gioan tông đồ, người đã hiến thân hoàn toàn cho sự nghiệp của Giáo hội, của ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô đã thực hiện. “Người môn đệ Chúa yêu” ấy đã sống cả một đời trinh trong để làm hoàn tất những gì mà Thầy Giêsu trao cho mình một cách tốt đẹp.

Tất cả những minh chứng trên cho thấy một cách khả dĩ, Chúa Kitô yêu mến những ai có đời sống khiết tịnh.

4.      Đức khiết tịnh là ơn Thiên Chúa ban.

Sách Giáo Lý Công Giáo cho biết: “Đức khiết tịnh là một nhân đức luân lý. Nhưng đó cũng là hồng ân của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ban cho người tín hữu sức mạnh để noi theo sự thanh khiết của Đức Kitô” (GLCG 2345).

Tuy nhiên, Chúa không ban ơn để rồi ơn của người làm thay ta tất cả, nhưng bao giờ cũng cần sự cộng tác của chính bản thân ta. Cũng như hạt giống phải được đưa vào trong đất, hạt giống mới phát triển. Ơn Chúa ban chính là thửa đất. Đức khiết tịnh là hạt giống. Sự cộng tác của bản thân anh em và tôi chính là cách thức đưa hạt giống khiết tịnh của đời mình hòa vào ơn ban của Thiên Chúa, nhờ đó, đức khiết tịnh sẽ nảy sinh trong tâm hồn sự cao trọng, thánh thiện, bình an… Vì nếu ai biết sống khiết tịnh đúng theo bậc sống của mình, người ấy đang tiến vào chân trời của ơn gọi nên thánh.

Chúng ta thật có lỗi khi không biết giữ gìn và cộng tác để biến những gì Chúa ban trở thành vinh quang và danh dự cho chính mình. Cách riêng, với những người mang trong tâm hồn lý tưởng tu trì, hơn ai hết, là những người cần ơn Chúa vô cùng. Vì nếu không có ơn Chúa, ta không thể lội ngược dòng sống những gì mà người đời cho là rất khó, ngược đời và không thể hiểu được. Nhưng anh em chúng ta phải dứt khoát khẳng định rằng, càng khó khăn bao nhiêu, càng cần phải bám vào Chúa bấy nhiêu. Càng khó khăn bao nhiêu, càng cho thấy sức mạnh của ơn Chúa mới thật lớn lao vô cùng.

Hãy nhớ rằng, chúng ta không thể tự mình đứng vững nếu không có ơn Chúa. Bởi vậy thánh Phaolô mới nói với ta từ chính kinh nghiệm của bản thân thánh nhân: “Ai tự hào hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1, 31; 2Cr 10, 17) và: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng, kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Đó là bài học trên hết mọi bài học áp dụng cho sự độc thân khiết tịnh mà chúng ta phải học thuộc và nỗ lực sống trong đời mình.

Sách Giáo Lý Công Giáo còn đưa ra những chỉ dẫn giúp ta sống đức khiết tịnh: “Ai muốn trung thành với những lời hứa khi được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế sau: phải biết mình, khổ chế tùy theo hoàn cảnh, tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các đức tính luân lý và chuyên cần cầu nguyện” (số 2340).

5.      Đức khiết tịnh làm cho lương tâm thanh thản, nhẹ nhàng.

Vì đó là một mối phúc. Qua môi miệng Chúa Giêsu, Thiên Chúa chúc phúc cho người biết giữ mình thanh sạch: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (Mt 5, 8).

Như vậy, không chỉ lương tâm được bình an, đức khiết tịnh, qua lời chúc phúc của Chúa Giêsu, đã làm cho người trung thành giữ nó, đạt tới sự thánh thiện như Thiên Chúa mong muốn. Đó cũng là điều mà Giáo Lý Công Giáo khẳng định: “Những người có lòng trong sạch ngay thẳng là những người biết dùng trí khôn và ý chí để sống thánh thiện như Thiên Chúa đòi hỏi” (số 2518). Có còn điều gì tốt đẹp, lớn lao và có thể sánh ví bằng một người có đời sống thánh thiện. Chắc chắn lương tâm rất bình an, cuộc sống cũng sẽ thanh thản, nhẹ nhàng.

Bất cứ ai trong cuộc đời, dù bặm trợn, xấu xa đến đâu, khi sa ngã, nhất là cố tình sai phạm, dù cố tìm cách chạy trốn, hay tìm mọi cách để tránh mặt, để xa lánh mọi người, đều không thể thực hiện được. Nếu ngày nào người đó còn có sự khôn ngoan, còn biết suy nghĩ, chắc chắn vẫn phải đối diện với chính mình, vẫn nhận biết rõ ràng, mình đã từng sai phạm.

Đức khiết tịnh là một nhân đức phải luyện tập, phải cố gắng nhiều bằng sự nết na, mực thước, khiêm tốn, đứng đắn. . . Một người bình thường đã được đòi hỏi phải đề cao đức khiết tịnh, huống hồ một người muốn dấn thân cho ơn gọi tu trì. Vì thế, đi ngược lại những đòi hỏi ấy, dù chỉ một người bình thường, đã không có bình an trong tâm hồn, thì người dấn thân cho ơn gọi tu trì chắc chắn sẽ luôn luôn bị lương tâm dằn xé.

KẾT LUẬN

Tuy là vật mọn phàm hèn, nhưng thân xác lại được Thiên Chúa mặc cho vinh quang lớn lao:Đó là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chính Thiên Chúa làm người đã nhận lấy cho mình một thân xác để nên một con người. Người đã phục sinh thân xác ấy, đồng thời ban vinh quang phục sinh cho tất cả mọi thân xác của mọi con người. Và thân xác sẽ mặc lấy sự phục sinh của Chúa, cũng sẽ đi vào vĩnh cửu để sống trong sự sống của Thiên Chúa.

Thân xác con người cao quý là thế. Thiên Chúa tôn trọng thân xác con người là thế. Chỉ có chúng ta mới là kẻ dại khờ đánh đổi vinh quang tuyệt vời Thiên Chúa ban với lối sống tầm thường trong đam mê dục vọng mà thôi. Bởi vậy, anh em chúng ta hãy chiến đấu để bảo vệ cái đẹp vẹn toàn của thân xác bằng chính đời sống thanh khiết của mình. Vì bảo vệ cái đẹp vẹn toàn của thân xác, không có nghĩa chỉ là của thân xác, nhưng qua đó, chính là nét đẹp lộng lẫy của tâm hồn.

Nét đẹp của đức khiết tịnh trong tâm hồn luôn luôn là một nét đẹp vượt trội. Nét đẹp ấy đưa con người vươn tới sự thánh thiện, và vươn tới chính Thiên Chúa là Đấng Thánh. Vì thế, đức khiết tịnh, dù là biểu hiện của thân xác, lại là của cải quý giá trên mọi thứ quý giá. Vì nó chính là châu báu trang xức cho linh hồn.

Gioan Đạt – Vũ Thanh Tuấn

Nguồn : Báo Dựng Lều số 39

Dòng Thánh Gia – Long Xuyên