Nỗi buồn của sự chia ly có thể không chịu nổi. Không gì khó chịu cho đứa con nhỏ hơn là sự xa cách khi người mẹ vắng mặt vì phải giặt đồ hoặc đi chợ.
“Mẹ ơi!” Tiếng khóc hoảng hốt này của đứa con giữa của tôi đã theo tôi xuống cầu thang không biết bao nhiêu lần rồi. Tiếng gọi đó đã theo tôi vào phòng tắm, theo tôi ra khỏi cửa, khi tôi thả con chó ra ngoài, và nó cứ theo tôi khắp nơi.
Đôi khi thiếu kiên nhẫn và sáng suốt, tôi thường bỏ lỡ lời mời gọi suy ngẫm mà tiếng kêu lo lắng đó mang lại. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chỉ sở hữu một phần mong muốn của con tôi muốn tôi hiện diện, đó là muốn được ở trong sự hiện diện của Đức Kitô?
Vào những thiếu vắng trong sự khô khan, đôi khi tôi cảm thấy nhức nhối mong muốn Chúa Giêsu. Tôi tin rằng đó là ân huệ tuyệt đối, nhưng dù sao tôi cũng biết ơn vì những khoảnh khắc đó. Chính những lúc đó tôi nhận được gợi ý về những gì mà các tông đồ đã cảm thấy đau khổ khi Đức Kitô lên trời. Ngài và họ đã ở bên nhau suốt ba năm, sự hiện diện của Ngài khiến trái tim họ bừng cháy, nhưng rồi Ngài rời bỏ họ để trở về với Chúa Cha trên trời.
Làm sao họ có thể chịu đựng sự chia cách như vậy? Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa của Ngài: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế.” (Mt 28:20)
- LÝ THUYẾT VÀ PHÚC ÂM
Nếu chúng ta xem lại Kinh Thánh, có một số lần đáng ngạc nhiên khi các mệnh lệnh của Thiên Chúa đối với dân Ngài cuối cùng lại có ý nghĩa to lớn dựa trên sự hiểu biết khoa học hoặc y học hiện đại. Chẳng hạn, lời khuyên đối với người Do Thái về việc rửa sạch trước bữa ăn, giờ đây được cho là lẽ thường.
Vào thời Chúa Giêsu, tâm lý học chưa được nghiên cứu hoặc hiểu biết. Nhưng chúng ta có thể thấy Chúa Giêsu đã có kiến thức thần thánh, nghĩa là Ngài không cần nghiên cứu để hiểu loài người. Ngài đã sử dụng lý thuyết gắn bó lành mạnh và vững chắc trong cách đối xử với các tông đồ.
Khi đứa con lớn nhất của chúng tôi mới biết đi, ông bà đã cho nó đĩa DVD có các bài hát thiếu nhi, và một trong những bài hát yêu thích của chúng tôi là bài “My Mommy Comes Back” – Mẹ Trở Lại. Đoạn điệp khúc nói: “Mẹ của con trở lại, mẹ luôn trở lại… mẹ sẽ không bao giờ quên con!” Điều đó tóm tắt sự hình thành gắn bó lành mạnh ở trẻ nhỏ – để có thể tin tưởng và trải nghiệm rằng cha mẹ chúng yêu thương chúng và sẽ luôn quay trở lại. Một đứa trẻ có sự gắn bó lành mạnh thì không hoảng sợ khi cha mẹ chúng đi khuất, nhưng cảm thấy tự do khám phá thế giới và nghỉ ngơi trong sự hiểu biết về sự trở lại chắc chắn của cha mẹ.
Chỉ mới trải qua sự đóng đinh gần đây, các tông đồ chắc chắn vẫn còn quay cuồng. Họ chưa nhận được các ân Chúa Thánh Thần trong Lễ Ngũ Tuần nên họ còn thiếu sự mạnh mẽ. Chúa Giêsu biết điều đó. Ngài biết rằng họ không chỉ cần sự yên tâm về sự trở lại của Ngài, điều mà các thiên sứ đã đề nghị với các tông đồ khi họ ngước nhìn khi Đức Kitô lên trời, mà còn cần lời hứa của Ngài về việc không bao giờ thực sự rời bỏ họ. Thực sự lời hứa đó được thực hiện cụ thể qua Bí tích Thánh Thể.
- NIỀM AN ỦI NƠI THÁNH THỂ
Có thể khuây khỏa khi biết rằng ai đó quan tâm đến mình, yêu thương và ủng hộ mình khi xa nhau. Nhưng không có sự an ủi nào giống như sự hiện diện thật của những người thân yêu – cha mẹ, anh chị em, bạn bè, vợ chồng, con cái. Sự yên nghỉ nhất định chỉ có thể xảy ra khi bạn có mặt những người mà bạn yêu thương.
Chúng ta được tạo nên để kết hợp với Đức Kitô – không chỉ là tình bạn, hoặc mối quan hệ thông thường. Chúng ta được tạo nên để kết hợp thực sự. Khi chồng vắng nhà, tôi đau buồn vì anh ấy theo cách khác, không như cách với một người bạn. Tôi có thể đi nhiều tuần mà không gặp mặt những người bạn thân nhất của mình, mặc dù tôi nhớ họ, nhưng tôi không thấy đau buồn như vậy. Sự đau buồn đó chỉ là một gợi ý về sự đau buồn mà chúng ta phải có đối với Đức Kitô. Trong tác phẩm “Lâu Đài Nội Tâm,” Thánh nữ Têrêsa Avila gọi nỗi đau này là “nỗi đau ngọt ngào.” Ý tưởng là mặc dù nỗi đau khao khát Đức Kitô là nỗi đau lớn, nhưng đó là nỗi đau ngọt ngào hơn niềm hạnh phúc lớn nhất mà thế giới có thể cung cấp.
Khi chúng ta sống trên thế gian này, cách chữa trị duy nhất cho nỗi đau này được tìm thấy trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi khi chúng ta lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta thực sự được kết hợp với Ngài một cách sâu xa. Mặc dù chúng ta không xuất thần khi đón rước Ngài, nhưng sự kết hợp mà Thánh Thể tác động không kém phần thực tế và sâu sắc.
Sự gắn bó lành mạnh không đòi hỏi bạn phải xa nhau vĩnh viễn. Là con người, chúng ta cần dành thời gian trong sự hiện diện của những người mà chúng ta yêu thương và những người yêu thương chúng ta. Là người vợ hoặc người chồng được hưởng lợi từ sự kết hợp của vòng tay hôn nhân, chúng ta cũng được hưởng lợi từ việc được Chàng Rể của chúng ta ôm ấp – được nên một với Ngài trong Bí tích Thánh Thể.
Khi lắng nghe sự kiện Thăng Thiên được đọc trong Thánh Lễ, sau đó không lâu khi chúng ta rước lễ, xin cho chúng ta được yên nghỉ trong niềm an ủi rằng Thiên Chúa của chúng ta là Đấng yêu thương chúng ta, luôn mong muốn chúng ta, và giữ những lời hứa với chúng ta. Ngài sẽ luôn ở bên chúng ta cho đến tận cùng thời gian.
MICHELE CHRONISTER
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)