GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Lời dạy đáng giá

Lời dạy đáng giá

Con ạ!

Thực ra giữa “Ý chí” “Quyết tâm” nó không có gì khác biệt sâu xa cả! Cả hai đều đề cập đến một tình trạng nhất định: Tiến để đạt được mục tiêu (quyết tâm) và không nản chí ngã lòng, bỏ dở hướng đi (ý chí). Dù trong mọi hoàn cảnh nào, mọi sự khó khăn nào; con vẫn vững tiến, khắc phục mọi chướng ngại để đạt được mục tiêu cuối cùng, thực hiện lý tưởng của mình: Đó là ý chí và quyết tâm!

Tại sao Ba lại viết cho con vấn đề này? Vì trong cuộc sống, nếu con không có lý tưởng giống như thân xác con không có linh hồn; và nếu con không có ý chí, quyết tâm thì thân xác, linh hồn con không biết hoạt động! Ý chí và sự quyết tâm làm cho con trở nên sinh động, biến con từ một hình nhân trở thành con người thực sự.

Con yêu dấu,

Đứa học trò nào khi đi học cũng mong mình học được giỏi, được thầy cô yêu, bạn mến, và có tương lai xán lạn; chứ không ai nghĩ mình học dở bao giờ. Tuy nhiên, do nơi hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, vì thiên tư mình thích chơi hơn thích học, cho nên bỏ học mà đi chơi. Có người thì thích học, nhưng vì gia đình nghèo quá nên phải dành nhiều thì giờ phụ giúp cha mẹ, khiến sự học càng ngày càng tệ đi, đành chán nản bỏ học luôn. Còn có những người điều kiện không được đi học, nhưng họ lại tìm đủ mọi cách để học giống như truyện Trần Minh đi học không có quần vải để mặc, phải lấy lá chuối che thân; Châu Trí đốt lá đa cho sáng để học bài. Họ đã thi đỗ, vinh quy bái tổ, ra làm quan chức, hưởng cuộc đời phú quý. Như vậy, ý chí và sự quyết tâm quyết định cho cả tương lai của mình, chứ không hẳn là “Định mệnh đã an bài”. Chính vì thế mà người xưa mới nói: “Tận nhân lực tri thiên mệnh” là vậy!

Trong cuộc đời, không phải ai cũng có được cái ý chí bền vững. Có người thì chỉ có nói, họ nói rất hay nhưng khi vào việc họ dễ dàng chán nản, nhất là khi họ bị thất bại một đôi lần, họ sẽ bỏ cuộc ngay. Có người thì họ rất bền chí, họ từ từ mà tiến, không vội vã, nhưng họ lại thành công, đạt đến được đích giống như chú rùa trong cuộc đua với thỏ. Con có thể nghĩ được rằng, có người đã khoảng năm mươi mấy tuổi, khi sang đến Úc nầy họ học xong khóa Anh ngữ đặc biệt cho người mới tới, họ liền vào lớp 11 của bậc Trung học để học lại không? Và cũng có không ít người khoảng ba mươi mấy, hơn bốn mươi tuổi vào học lại lớp 12 để thi tốt nghiệp, và vào Đại học. Họ cũng tốt nghiệp Kỹ sư, Bác sĩ, Luật sư, Dược sĩ… Họ hành nghề trở lại với văn bằng mới tại xứ Úc, hoặc số mới đậu sau này. Họ cũng kiếm được việc vững chắc ở hảng và lương bổng cũng khá hậu hỹ. Đó là gương những người có chí và với sự quyết tâm họ đã thắng mọi trở ngại, hoàn cảnh để đạt được ý nguyện, mục đích và lý tưởng của mình.

Còn con thì sao? Con còn trẻ, con không gặp trở ngại về ngôn ngữ, con đi học không gặp khó khăn về tài chánh. Vậy tại sao con phải thua những người ấy? Con có hiểu không? Chẳng qua vì con chưa từ bỏ “cái ham vui” của con. Con chưa hiểu được tương lai của mình là cần thiết. Con chưa tìm thấy được cái ý chí, cái mục đích cuộc sống, cho nên con chưa hạ quyết tâm. Ba cũng biết vài thanh niên trước kia họ ham vui, chỉ lo ăn chơi; cha mẹ của họ khuyên họ học hành để có tương lai tốt đẹp hơn. Họ không chịu nghe và cứ mãi bê tha. Đến sau nầy gặp người yêu, cưới vợ, tạo nếp sống gia đình, lúc đó họ mới vào hảng, ổn định công việc làm, trụ lại để làm ăn. Rồi có một đứa con: Họ thấy nhu cầu lo cho con là cần thiết, họ phải ráng lo làm. Rồi hai đứa con, họ phải làm nhiều hơn chút nữa và đến ba đứa con: Họ phải cật lực làm. Thực sự ra, họ làm không phải vì họ muốn làm giàu hay họ sợ họ đói, mà làm là chính vì các đứa con. Cha mẹ nào cũng vậy, mình có thể đói nhưng không nở nhìn thấy con đói; mình có thể thiếu thốn, nhưng con thì phải được ấm no, đầy đủ. Con khoẻ, con mạnh, con đẹp, con ngoan, con học giỏi, con khôn: Đó là nguồn an ủi của những bậc cha mẹ! Những điều kiện ấy bắt buộc họ phải như vậy, dù họ có ý chí hay không? Nhưng ít ra họ cũng phải có quyết tâm: Quyết tâm không để con khổ hay con đói!

Con ạ,

Ngày xưa Ba có đọc chuyện về ông Ngu Công, ông nầy ở gần núi. Do sự đi lại khó khăn, ông mớí đục núi, lấp sông tạo đường đi. Có người hỏi ông và khuyên ông bỏ cuộc vì ông đã lớn tuổi rồi. Nhưng ông bảo ông phải làm dù đời ông không xong, thì đến đời con ông, đời con ông không xong, thì sẽ đến đời cháu ông… Tất nó cũng phải được, cũng phải xong! Câu chuyện ấy nói về một người có ý chí và quyết tâm rất là mãnh liệt. Qua câu chuyện đó, con có học được điều gì của ông Ngu Công không? Nếu con đã tìm được lý tưởng, hướng đi của mình rồi, thì với ý chí, quyết tâm là điều kiện cần thiết để con đạt được mục tiêu.

Cũng như đối với dân tộc ta, tại sao là một dân tộc nhỏ, một đất nước nhỏ, bị đô hộ hơn ngàn năm đối với phong kiến Tàu phương Bắc. Bị đế quốc Pháp cai trị hơn trăm năm, nhưng vẫn không bị đồng hóa mà lại giành được độc lập. Vì ý chí của dân tộc ta muốn phải được độc lập, tự chủ, không thèm làm nô lệ; quyết tâm giành độc lập; cho nên sự hi sinh nào cũng không ngại, miễn đạt được mục đích cao cả ấy mà thôi. Trong lịch sử của một số dân tộc, của một số nước mà Ba được đọc, Ba chưa thấy dân tộc nào có được tính chất như dân tộc của mình. Do Thái là dân tộc có tiếng trên thế giới, nhưng khi họ bị đô hộ không bao lâu họ đã bị mất nước. Họ phải lưu vong khắp Âu châu. Đến Đệ Nhị Thế Chiến, vì Hitler muốn tiêu diệt người Do thái đã động đến lương tâm thế giới và Israel được lập quốc trở lại từ năm 1948 do sự giúp đỡ của Mỹ và Anh. Còn đối với dân tộc ta đã bị đô hộ trên 1000 năm vẫn giữ vững độc lập, đất nước và con người. Quân Mông Cổ đánh chiếm từ Á sang Âu, nhưng phải bại ở Việt nam những ba lần… Đó cũng là nhờ ý chí và quyết tâm muốn giữ vững độc lập, không muốn làm nô lệ và nhứt quyết giành lấy được tự do.

Sao? Đến đây con thấy thế nào? Con có thể hiểu được sự quan trọng của ý chí không? Và con có khái niệm gì về nó không? Ý chí giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt, hành động suốt cuộc đời của con. Nó cần đi song song với quyết tâm để hổ trợ cho nhau như là đôi bạn đồng hành không thể thiếu. Cùng sánh bước thực hiện kế hoạch, cùng đạt được mục đích sau cùng: “Là Lý tưởng”. Con nên suy nghĩ để biết con “sẽ phài làm gì?”

Theo phathoc.net

Exit mobile version