Mặt trời đã xế bóng, trên ngọn núi cao, tiếng gió thổi lao xao khiến người ta dễ thổn thức những điều xảy ra trong cuộc sống. Trong lòng tôi hiện lên khung cảnh của chiều xưa năm ấy, trên một ngọn núi cao. Ở đó có thật nhiều cảm xúc được bộc lộ, ngày đó có thật nhiều âm thanh gây náo động. Nhưng những lời cuối của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của nhân loại đã vang vọng mãi cho đến ngày nay.
Chiều hôm ấy, thoi thóp trong nỗi đau tinh thần và thể xác, Người đã dùng những hơi thở còn lại để thốt lên bao điều ghi dấu ấn trong nhân loại: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Có lẽ, nhiều người sẽ tự hỏi tại sao phải tha cho người hại mình? Quả thực, để tìm một câu trả lời thỏa mãn lòng người, sẽ rất khó có được. Vì thế, không chỉ giờ sau hết, cả trong 33 năm sống trên trần gian, Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn cho điều đó: “Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44).
Lời cuối là lời của những ai đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Khi ấy, quả là có nhiều điều muốn nói với những người đưa tiễn. Có 3 người được chính Chúa Giêsu nói lời sau cuối với mình như những đặc ân tuyệt vời. Chúa Giêsu nói lời cuối với Đức Mẹ và Thánh Gioan: “Thưa Bà, đây là con của Bà” và “Đây là mẹ của anh” (Ga 19, 26-27). Liệu có cảnh nào đau đớn hơn cảnh người đầu bạc tiễn người đầu xanh mà lại trong sự đau khổ như vậy. Tình mẫu tử luôn cao quý và tình yêu với Giáo hội cũng được trọn vẹn trong Đức Giêsu. Sự trao gửi thiêng liêng đã ban cho Giáo hội đặc ân tuyệt vời, là được Đức Mẹ nâng đỡ bầu cử. Và lời cuối cùng mà Chúa Giêsu nói với anh trộm lành là “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23, 42). Anh ta là người tội lỗi, nhưng biết ăn năn sám hối và tin vào Lòng thương xót của Chúa. Đây không phải là việc Giáo hội mời gọi ta sống trong mỗi Mùa Chay hay sao? Liệu ta đã thực sự sống được như người trộm lạnh này trong niềm xác tín với tình yêu của Thiên Chúa?
“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34); (Mt 27, 46). Đã không ít lần, ta cũng thốt lên câu này trong cuộc đời, khi đối diện với khó khăn trong cuộc đời. Nhất là trong những biến cố lớn: thiên tai, chiến tranh, đại dịch,… Ta tự hỏi Thiên Chúa ở đâu? Nhưng ta cũng cần nhận ra rằng, ta đã sẵn sàng để nói “Tôi khát” (Ga 19, 28) hay chưa? Ta đã nhận rằng mình yếu đuối, giới hạn hay ta vẫn cho mình làm chủ cuộc đời và thế giới mà ta đang sống? Ta đã đủ khiêm tốn mà phó thác mọi sự trong tay Chúa, trong sự quan phòng của Chúa? Có lẽ trước khi hỏi Chúa ở đâu, ta hãy hỏi “Tôi đã ở đâu trong Chúa?”.
“Thế là đã hoàn tất” (Ga 19, 20) “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Có bao giờ, ta tự hỏi mình sẽ chết trong hoàn cảnh nào, chết lúc nào, chết cách nào hay không? Lời nói cuối ta muốn nói là gì? Ta cảm thấy mãn nguyện hay còn nuối tiếc điều gì? Trong hoàn cảnh này, Chúa Giêsu đã vui mừng đón nhận vinh quang của Người. Vinh quang của một Người Con đã hoàn thành sứ mạng của Cha trao phó. Giờ đây, những lời cuối cùng của Ngài không còn một nuối tiếc nào nữa. Người đã sống vì tình yêu và chết cũng vì yêu, đó là một tình yêu cho đi nhưng không, tình yêu làm tuôn chảy những giọt mồ hôi máu, những đòn roi tan nát thân mình, những mũi đinh, ngọn giáo mác đâm thủng thân xác. Tất cả làm nên một Tình Yêu Cứu độ.
Khi Chúa trút hơi thở, là thời điểm tiếng nói trần gian của Người cũng kết thúc. Người không còn nói như một con người với ta nữa, nhưng Người sẽ nói trong tâm hồn của mỗi người cách cá vị. Thật nhiều, thật nhiều ý nghĩa trong lời cuối của Chúa Giêsu, làm sao có thể cảm hết được tâm tình chiều hôm ấy. Để chiều hôm nay, tôi khao khát được lắng nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn mình, để được nên một trong tình yêu trọn vẹn với Ngài.
Lên Đường, Tập Sinh MTG. Thủ Đức