Lời cầu xin chân tình (Thứ Năm Tuần 11 Thường niên)

87
Lời Chúa: Mt 6, 7-15

27 “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

.

Suy niệm

Gọi dạ bảo vâng là cách sống ý thức của người dưới với kẻ trên, cũng có thể là tương quan của người đã từng được sống trong nền giáo dục trọng tình trọng nghĩa. Sách có câu : trăm voi không được bát nước sáo, hẳn tiền nhân chúng ta muốn nhắc tới giữa việc làm và lời nói mẫu thuẫn nhau sẽ chỉ là nhạt nhẽo mà thôi. Nói hay làm giỏi; ăn có nhai, nói có nghĩ, chắc chắn mới là mẫu người lý tưởng mà ai cũng khao khát tìm kiếm.

Nói tới nói lui mà không hiểu, nhắc hoài nhắc mãi mà vẫn quên, nếu đối diện với mối liên hệ như vậy, khó lòng chúng ta đủ bình tĩnh để sống tốt và cư xử hòa nhã với người anh em của mình được ! Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay đưa chúng ta đi sâu vào mối tương quan với Thiên Chúa là Cha, như một kinh nghiệm để chúng ta biết thưa chuyện và có đủ hiểu biết mà sống chân tình với Thiên Chúa là Cha, sống ân nghĩa với tha nhân là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương.

Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta không thích những ai lợi dụng lòng tốt của mình để lúc nào cũng nhờ vả vay mượn. Người Việt chúng ta có câu : “thả tép bắt tôm”. Nếu không tóm được tôm thì ít nhất cũng phải bắt lại được tép chứ. Rõ ràng cuộc sống hiện tại không phải là “cơ chế xin cho”, mà trước hết ai cũng phải là “tự lực cánh sinh”; nghĩa là mỗi người phải đầu tư công sức, thời gian và tín thác vào Thiên Chúa là Cha. Trong công việc làm ăn, không ông chủ nào lại ưa những nhân viên của mình cứ lải nhải, phân bua như dấu hiệu của bất bình, không vui… Với Thiên Chúa là Cha, Người thấu hiểu nhu cầu của từng hoàn cảnh, do đó mà Thiên Chúa muốn con người hãy sống tín thác, chân tình, chứ không phải thanh minh, dài dòng….

Yếu tố chính để xây dựng tình bạn bè vững chắc phải là sự tận tình, có phúc cùng hưởng có họa cùng chia. Khi nói tới tính hiệu quả, gia đình nào, xã hội thời nào cũng mong sẽ giáo dục và đào tạo được những con người ưu tú đủ tài đủ đức để phát triển dòng tộc quê hương. Chúa Giêsu lưu tâm chúng ta đến những căn bản cần thiết khi thưa chuyện với Thiên Chúa là Cha, biết sống thánh ý Cha nhằm xây dựng phát triển Nước Cha ngay hoàn giới hạn của mình. Chúa Giêsu không hứa những gì cao cả trừu tượng, nhưng Chúa hướng chúng ta đến việc cầu xin cho đủ lương thực, xin cho biết nhận ra con người tội lỗi của mình, xin cho được ơn thứ tha, đồng thời xin cho biết sống quảng đại với anh chị em mình.

Hiểu mình hiểu đời, biết người biết ta, luôn là người đang cầm bó đuốc tinh thần của nhân loại, đang giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của dân tộc. Chúa Giêsu đặt để niềm hy vọng nơi mỗi chúng ta bằng tương quan thân tình với Chúa Cha. Vì người tín hữu có khôn ngoan tín thác, có hiểu lời mình cầu xin, có sống thánh ý Chúa Cha, có biết đầu tư cho Nước Cha hôm nay và mai sau, mới thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu.

Lm. Jos DĐH, GP. Xuân Lộc