Chuyện kể: Trong một Thánh Lễ tại Hàn Quốc, những anh em Công giáo và Tin lành cùng hiện diện với nhau. Mọi thứ được diễn ra trang nghiệm từ đầu cho đến khi lời nguyện tín hữu cất lên: “Trên thế giới còn rất nhiều người sống trong cảnh túng thiếu, nghèo đói. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho có nhiều nhà hảo tâm, biết quảng đại chia sớt cho những người nghèo khổ, bất hạnh. Nhờ đó, mọi người cảm nghiệm được tình yêu quan phòng của Chúa với tất cả niềm trân quý”. Người anh em Tin lành nói: “Người Công giáo cầu nguyện chỉ được vậy thôi sao? Đúng là kiểu cầu nguyện rẻ tiền”.
Bạn suy nghĩ sao về câu nói đó? Phải chăng chúng ta có xu hướng cầu nguyện theo kiểu “biến” Chúa thành người làm từ thiện thay cho mình. Còn mình thì bàng quan, vô trách nhiệm, chưa bao giờ xắn tay vô việc làm cụ thể, xem việc đó là của Chúa, của ông nọ bà kia.
Vậy thế nào là cầu nguyện không rẻ tiền? Câu trả lời ở bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Đó là lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất (Thánh Tôma Aquinô), là tâm tình người con dâng lên Chúa Cha, muốn thực thi ý Cha; cũng là lời van xin cho những nhu cầu của con người: xin lương thực, tha nợ, gìn giữ, cứu chữa. Thoạt nhìn, bạn chưa thấy gì là hay ho, cũng là loại cầu xin rẻ tiền. Nhưng khi bạn đọc và suy gẫm lời kinh, bạn sẽ thấy rằng để vừa đọc bằng miệng, vừa đem áp dụng trong đời sống hằng ngày, nó không rẻ tiền chút nào. Trích dẫn một vài lời kinh, ta sẽ nhận ra điều đó.
“Lạy cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến” (Lc 11, 2). Ta có chắc, mình đọc và sống đúng lời cầu nguyện trên không? Muôn vàn vấn đề để ta lượng giá lại bản thân mình. Mỗi lần, ta mất niềm tin và lòng trông cậy nơi Cha qua các biến cố đau khổ xảy ra. Mỗi lần, ta sống trong các giờ kinh mà không nhận biết Cha, tôn trọng Cha. Ta sẽ trả cho Cha xứng với danh dự của Cha ra sao? Những lần ta coi lạc thú, vật chất, danh vọng hơn kính mến danh Cha; ta làm mọi việc vì danh Cha hay vì hư danh nào đó…
“Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (Lc 11, 4). Để xin ơn này, ta cần phải khiêm hạ đến trước mặt Chúa như đứa con hoang đàng trờ về nhà Cha trong niềm sám hối “Thưa cha, con phải lỗi phạm đến Trời và đến Cha” (Lc 15, 17-19), và như người thu thuế không dám ngẩng mật lên, nhưng cúi đầu xuống, đấm ngực mà thầm thì: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13). Tâm tình sám hối đó phát xuất từ chỗ nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. Ta là kẻ tội lỗi đã làm lu mờ danh Cha, vô ơn trước những ân huệ Cha ban, xúc phạm và chống lại ý Cha. Chính vì thế, nếu ta nói, ta không có tội thì ta tự lừa dối mình, là kẻ nói láo. Tin tưởng vào Cha, ta nài xin ơn tha thứ cho chính mình, để ta được giải thoát, được tái lập mối quan hệ với Cha. Khi xin Cha tha tội cho mình thì ta lại thêm: “như chúng con cũng tha kẻ mắc lỗi với chúng con”. Cha không chấp nhận tình trạng bất công, một đàng đón nhận lòng thương xót và tha thứ; một đàng vẫn hẹp hòi với người khác. Nhưng ta phải diễn tả ơn tha thứ mình đã lãnh nhận đến cho tha nhân mình, để ta sống Lời Cha “Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Chúa thứ tha” (Lc 6, 37). Như vậy, lời cầu xin này dẫn ta đến một lối sống chan chứa tình thương, và biến đổi cả bộ mặt cuộc đời ta.
Lạy Cha, xin cho con luôn ý thức rằng: Cầu nguyện thôi chưa đủ, nhưng còn phải sống lời con cầu xin nữa, đó là sự dấn thân, ra đi với một trái tim chịu trách nhiệm. Xin Cha hãy dùng con để vơi bớt đau khổ cho người khác mà con sẽ gặp trên đường. Amen.
Lê Chung, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức