Lời cầu đêm Giáng Sinh
Với người không có niềm tin tôn giáo thì có mơ ước, với người có niềm tin Kitô giáo thì có lời cầu nguyện – đặc biệt là lời cầu nguyện trong Đêm Con Chúa Giáng Sinh.
Ca khúc “Lời Con Xin Chúa” của NS Lê Kim Khánh (*) nói về tình yêu đôi lứa phải xa cách nhau vì chiến cuộc, là lời cầu nguyện cho bản thân, cho tình yêu đôi lứa và cho quê hương Việt Nam.
Không biết NS Khánh là nam hay nữ, nhưng thiết nghĩ rất có thể là nữ – xin tạm gọi NS Khánh là “chị”. Ca khúc “Lời Con Xin Chúa” được chị viết ở âm thể thứ với giai điệu du dương, buồn nhưng không ủy mị, buồn theo phong cách hướng thượng.
NS Khánh cảm nhận: “Dương trần đã vang lên bài thánh ca, mùa Đông năm ấy Chúa sinh vì ta. Năm ấy không xa bây giờ, vào một mùa giáng sinh xưa, nửa đêm đi lễ anh đưa”. Chị nhớ đến ngày xưa Chúa giáng sinh vì yêu thương loài người, rồi chị lại nhớ đến kỷ niệm tình yêu đẹp, nhất là chị được người yêu đưa đi dự lễ nửa đêm Giáng Sinh năm đó, chỉ vài năm qua chứ chưa lâu.
Giáng Sinh về, kỷ niệm cũng ùa về, ký ức của chị cứ ngồn ngộn: “Nay mùa giáng sinh đã về, Chúa ơi! Lòng con như thấy thiếu đi niềm vui. Đi lễ năm xưa bên người, giờ này chỉ có riêng tôi, quỳ bên hang đá lẻ loi”. Nói là “như thiếu niềm vui” chứ thực ra làm gì có niềm vui, vì ngày xưa có hai người cùng quỳ gối cầu nguyện trước hang đá mà nay chỉ có một người lẻ loi với nỗi cô độc. Nhìn người ta vui mà mình không cười được, có phải là cái lạnh mùa Đông làm đôi môi tê cóng?
Chị không ích kỷ chỉ cầu cho mình, chị còn cầu cho đồng bào Việt Nam khi nghĩ tới chiến tranh đã khiến bao người không có niềm vui ngay trong đêm Giáng Sinh: “Cầu xin ơn chúa xót thương, thương nhà Việt Nam chinh chiến thê lương. Lòng con sao mãi vấn vương, ngày đêm trông ngóng người yêu vắng xa”. Chị rất nhớ người yêu, có thể chị cũng thầm hỏi: “Người ấy có nhớ mình không?”. Lòng mình vấn vương mà người xa biền biệt. Buồn lắm!
Tình yêu là thế. Thương lắm, nhớ lắm, nhưng vẫn lo sợ về tương lai với nhiều lý do… Niềm thương nỗi nhớ đó được cố NS Lam Phương so sánh trong ca khúc “Trăm Nhớ Ngàn Thương”. Nhiều lắm, làm sao kể xiết được!
Tình yêu luôn cần lòng chung thủy, dù là tình yêu nào cũng vậy. Chị tâm sự với Chúa: “Bao mùa giáng sinh vẫn một mối tình, cầu xin ơn chúa chứng cho lòng con”. Và chị xin Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng Xót Thương ban ơn cho chị, cho đất nước, và cho những người yêu nhau: “Ban xuống cho con phước lành, hòa bình thay chiến chinh nhanh, tình yêu mãi thắm màu xanh”.
Có nhiều loại chiến tranh: Thế chiến, quốc chiến, nội chiến, ngoại chiến, gia chiến (chiến tranh gia đình), tâm chiến (chiến tranh trong mỗi con người), hàn chiến (chiến đấu với cái nghèo),… Biết bao loại chiến tranh. Chiến tranh xảy ra hằng ngày trong xã hội, trong cộng đồng, trong dòng tu, trong gia đình, trong hội đoàn, trong mọi tầng lớp, ngay cả giữa hai người bạn thân nhất, thậm chí giữa cha mẹ và con cái hoặc giữa hai vợ chồng.
Chắc chắn chiến tranh nào cũng gây đau khổ, tang thương về thể lý hoặc tinh thần. Vì thế ai cũng khao khát hòa bình đích thực. Chắc chắn hòa bình mãi là niềm khao khát tột đỉnh của cả nhân loại, dù lương hay giáo.
Lạy Chúa Hài Đồng, muôn tâu Thượng Đế, lạy Hoàng Tử Bình An, lạy Vua Công Lý, xin ban cho chúng con được hưởng nền hòa bình đích thực xuất phát từ chính tâm hồn của mỗi người. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Tôi không rõ thân thế và sự nghiệp của NS Lê Kim Khánh, tôi chỉ biết nhạc sĩ này có một số ca khúc như: Có Lẽ, Cơn Mê Tình Ái, Hoa Một Tên Người Hai Họ, Như Một Cơn Mê, Thân Phận, Thiên Duyên Tiền Định, Trót Dại (viết chung với Tuấn Hải),… Các ca khúc của nhạc sĩ này thường mang tâm sự buồn, nhưng nghe giai điệu khá mượt mà.