Lịch sử Đàng Thánh Giá

43

Lịch sử Đàng Thánh Giá

Những chặng đường Thánh giá đã có lâu đời mãi từ thế kỷ thứ IV.

Columbus, Ohio (CNA).- Những chặng đường Thánh giá, theo hình thức đa số các tín hữu Công giáo thấy ngày nay, còn là tương đối chưa phải là xưa cũ theo thuật ngữ của Giáo hội. Tuy nhiên, lịch sử hình thành nghi thức phụng tự này đã bắt đầu rất lâu, từ những ngày khi các người hành hương đầu tiên được công khai tới Giêrusalem và đi theo bước chân Chúa Giêsu trong ngày thứ Sáu Tuần thánh.

Sau thời gian 250 năm dài cấm cách, năm 313 Hoàng đế Constantinô cho phép người Kitô giáo được công khai thờ phượng Chúa trong toàn cõi Đế quốc Roma. Năm 335 ông xây Nhà thờ Mồ Thánh trên địa điểm tương truyền là ngôi mộ Chúa Giêsu.

Không bao lâu sau khi khánh thành, đã bắt đầu có những cuộc rước của người hành hương tới ngôi thánh đường này, nhất là trong Tuần Thánh.

Một phụ nữ tên là Egeria, từ nước Pháp hành hương tới đây, đã mô tả một trong những cuộc hành hương như thế xảy ra vào thế kỷ thứ 4: Giám mục Jerusalem và khoảng 200 khách hành hương bắt đầu “ngay từ lúc có tiếng gà gáy sáng đầu tiên” tại địa điểm Chúa Giêsu hấp hối vào đêm thứ Năm Tuần thánh. Họ đọc một kinh, hát một bài thánh ca và nghe một đoạn sách Tin mừng, sau đó đi tới vườn Giệtsimani, và cứ tiếp tục như thế.

Bà Egeria viết: Họ tiếp tục đi tới Jerusalem, “đến cửa thành vào khoảng thời gian người ta trông rõ được mặt nhau, và từ đó đi thẳng đến trung tâm thành phố. Mọi người, lớn nhỏ, giàu nghèo, tất cả đều tề tựu tại đó, vì vào ngày đặc biệt này, không ai bỏ qua cuộc canh thức cho đến sáng.”

Những người hành hương thường đi theo một con đường đã định sẵn, từ những khu hoang phế của Đồn Antonia, nơi Philatô đặt sảnh đường xử án, cho đến Nhà thờ Mồ thánh. Con đường đi qua Thành cổ Giêrusalem đó được mọi người công nhận là con đường Chúa Giêsu đã đi trong cuộc tử nạn, và cho đến nay vẫn giữ nguyên như thế. Con đường này được gọi là Via Dolorosa, từ ngữ tiếng Latinh có nghĩa là “Con đường Sầu thảm.”

Những chặng dừng chân trên con đường này được đặt ra để ghi nhớ những sự việc đặc biệt xảy ra trong hành trình đi tới núi Sọ. Ở nhiều chỗ, người hành hương chỉ phỏng đoán vị trí nơi chỗ xảy ra sự việc mà thôi, vì trong thực tế, Jerusalem đã bị quân lính Roma phá hủy hoàn toàn vào năm 70.

Những người hành hương trở về nhà, đem theo dầu từ những ngọn đèn đã thắp quanh mồ Chúa Giêsu và những di vật từ các nơi thánh, và đôi lúc họ cố xây dựng lại tại châu Âu những gì họ đã chứng kiến nơi Đất Thánh. Người Hồi giáo chiếm cứ Palestine vào thế kỷ thứ 7, đã làm cho những ngôi đền thánh như thế có ý nghĩa hơn bởi vì du hành tới Thánh Địa vào thời gian đó rất là nguy hiểm.

Lòng tôn sùng Chặng đường Thánh giá bắt đầu sốt sắng từ sau năm 1342 khi các tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô được trao nhiệm vụ coi sóc các địa điểm linh thiêng nơi Đất Thánh. Kể từ đó lòng sùng kính này gắn liền chặt chẽ với các tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô; trong nhiều năm luật lệ của Giáo hội đòi hỏi bộ tượng Đường Thánh giá khi có thể được phải được một tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô làm phép.

Con số những chặng đường Thánh giá cũng khác biệt nhiều, có những cuốn sách kinh ngày xưa ghi ra tới 37 chặng. Từ ngữ “chặng hay nơi” dùng để mô tả Con đường Thánh giá, được sử dụng lần đầu tiên là trong câu truyện kể của một khách hành hương người nước Anh tên là William Wey; ông đến viếng Đất Thánh hai lần vào thế kỷ 15.

Tranh ảnh mô tả những sự việc trong các chặng đường Thánh giá chỉ phổ biến trong các nhà thờ mãi tới năm 1686, khi Đức giáo hoàng Innocent XI cho phép các tu sĩ dòng Thánh Phanxicô được trưng bầy các tranh cảnh như thế trong những nhà thờ của dòng này. Đức giáo hoàng cũng tuyên bố rằng tất cả những ân xá ban cho người đi viếng các nơi thánh thiêng ở Thánh Địa cũng được áp dụng cho tu sĩ dòng Thánh Phanxicô hay giáo dân liên hệ với dòng này khi họ viếng các chặng đường Thánh giá đặt trong thánh đường.

Năm 1726 Đức giáo hoàng Bênêđictô XIII mở rộng đặc ân đó cho tất cả mọi người tín hữu. Năm năm sau, Đức giáo hoàng Clementê XII cho phép tất cả mọi nhà thờ được đặt các chặng đường Thánh giá và ấn định con số là 14 chặng, áp dụng kể từ đó cho đến nay. Trong những năm gần đây, nhiều nhà thờ đã đặt thêm sự Phục sinh của Chúa làm chặng thứ 15. Năm 1742, Đức giáo hoàng Bênêđictô XIV đã đặc biệt thúc giục mọi nhà thờ nên làm phong phú thánh điện bằng các chặng đường Thánh giá.

Hai tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô trong thời kỳ này đã hoạt động tích cực để ước nguyện của các vị giáo hoàng được phổ biến khắp nơi. Thánh Leonard thuộc Port-Maurice đã đặt các chặng đường Thánh giá tại hơn 500 nhà thờ ở nước Ý. Còn thánh Alphongsô Liguri năm 1787 đã viết ra bản kinh các chặng đường Thánh giá mà đa số chúng ta đều biết vì được dùng trong hầu hết các giáo đường vào thế kỷ 19 và 20.

Tại các nhà thờ Công giáo, việc đi các chặng đường Thánh giá vào những ngày thứ Sáu trong Mùa Chay đã trở thành thông lệ. Nhiều nhà thờ còn cử hành hai lần, một vào buổi chiều, thường dành cho học sinh, và một vào buổi tối. Nơi một số nhà thờ Tin Lành, đặc biệt là các chi phái Episcopal và Lutheran, cũng đi các chặng đường Thánh giá như là một hoạt động trong Mùa Chay, nhất là vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

14 chặng đường Thánh giá theo cổ truyền là:

1. Quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu
2. Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá.
3. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
4. Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá
5. Ông Simon vác Thánh giá đỡ Đức Chúa Giêsu
6. Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt
7. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
8. Đức Chúa Giêsu đứng lại an ủi con thành Giêrusalem
9. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
10. Quân dữ lột áo Đức Chúa Giêsu
11. Quân dữ đóng đanh Đức Chúa Giêsu
12. Đức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá
13. Tháo đanh Đức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ
14. Táng xác Đức Chúa Giêsu trong hang đá

Các chặng thứ ba, bốn, sáu, bẩy và chín không được mô tả rõ rệt trong các sách Tin Mừng, cũng như sự mô tả của thánh Alphongsô về nơi thứ 13: đặt xác Chúa Giêsu trong vòng tay Đức Mẹ.

Để phù hợp với các trình thuật trong sách Tin Mừng, hôm thứ Sáu Tuần Thánh năm 1991 Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra bản văn Con đường Thánh giá theo Thánh Kinh, và kể từ đó mỗi năm đều có cử hành nghi thức này tại Giác đấu trường Colosseum ở Roma. Năm 2007, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã chấp thuận bản văn này để dùng suy niệm và cử hành nghi thức công cộng.

Bản văn mới này có các chặng đường như sau:

1. Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani
2. Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt
3. Chúa Giêsu bị công nghị kết án
4. Chúa Giêsu bị Phêrô chối
5. Chúa Giêsu bị Philatô luận tội
6. Chúa Giêsu bị đánh đòn và đội mão gai
7. Chúa Giêsu vác thập giá
8. Chúa Giêsu được Simong vác giúp Thánh giá
9. Chúa Giêsu gặp phụ nữ thành Giêrusalem
10. Chúa Giêsu bị đóng đinh
11. Chúa Giêsu hứa một chỗ trong nước trời cho người trộm lành
12. Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho Gioan
13. Chúa Giêsu chết trên thập giá
14. Chúa Giêsu được táng trong mồ.

Các tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô đã có truyền thống lâu đời trong việc cử hành các chặng đường Thánh giá tại Giác đấu trường Colosseum vào những ngày thứ Sáu. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II coi đây là một nghi thức vào ngày thứ Sáu Tuần thánh hàng năm. Chính ngài đã vác một cây thánh giá đi suốt các chặng, cho đến khi tuổi già sức yếu và bệnh tật không cho phép ngài làm được. Năm 2005, chỉ còn ít ngày trước khi qua đời, ngài vẫn duy trì việc suy niệm các chặng đường Thánh giá trong ngôi nhà nguyện riêng ở Vatican.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tiếp nối truyền thống này. Mỗi năm, một người khác nhau được mời viết bản suy niệm cho các chặng đường Thánh giá của Đức giáo hoàng, trong số này có cả những người ngoài Công giáo. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô tự tay viết bản văn như thế năm 2000 và dùng các chặng đường cổ truyền.

13 chặng đường Thánh giá theo Kinh Thánh được đặc biệt dựng chung quanh thành phố Sydney (Úc) ngày 27 tháng 7 năm trước để cử hành nghi thức đi đường Thánh giá trong dịp Ngày Giới trẻ Thế giới. Các chặng này bắt đầu bằng Buổi Tiệc Ly tại Nhà thờ chính tòa St. Mary, cơn hấp hối trong vườn tại Công viên Domain, và kết thúc tại Cảng Darling, nơi ánh nắng hoàng hôn tạo nên một cảnh bi tráng làm nổi bật lên ba cây thập tự dựng tại địa điểm này.

Hơn hai triệu người đã tham dự những chặng đường Thánh giá đó và khoảng 500 triệu người dự khán qua truyền hình trên khắp thế giới. Đây là buội tập hợp lớn lao nhất chưa từng có để tôn sùng việc đi đường Thánh giá Chúa Giêsu.

Phụng Nghi
Nguồn: VCN