Lì xì – Một phong tục tốt đẹp của người Việt trong ngày Tết
Có lẽ đối với người Á đông, nhất là tại Việt Nam thì không ai là không biết đến cái từ rất hấp dẫn này, mà hiện nay chúng ta cũng lạm dụng nó trong cuộc sống hàng ngày khi cho hoặc biếu tiền cho một ai đó thì chúng ta cũng dùng cái từ thiêng liêng mà xưa nay chỉ dành riêng cho ngày Tết này. Lì xì là một phong tục, một tập quán hay nói đúng hơn cũng là một nét văn hóa mang tính chất tâm linh rất đẹp và vui của người Việt Nam nói riêng, Á đông nói chung. Chứ người Tây phương họ không có tục lệ này.
Lì xì có nguồn gốc từ tiếng Hoa là từ 利市 phát âm theo phồn thể là Lì Shì (Lợi thị) mà người Việt Nam đọc trại ra thành Lì xì. Lợi thị (được lợi) có nghĩa là một nguồn lợi được phát sanh do người khác mang đến cho mình thông qua nhiều hình thức khác nhau như kinh doanh mua bán, biếu xén, cho lộc v..v.. Tất cả đều được gọi là Lợi thị (lì xì). Lì xì hay lợi thị còn có ý nghĩa khác nữa là được tiền và được may mắn. Nhưng hiểu theo cách của người Việt thì nó không phải là một nguồn lợi mà Lì xì có nghĩa là mừng tuổi cho trẻ em trong ngày đầu năm mới. Đặc biệt đối với người nhỏ hơn hoặc đồng trang lứa với mình thì gọi là lì xì, nhưng đối với người lớn hơn mình về tuổi tác và địa vị xã hội thì nên dùng từ “mừng tuổi” sẽ đúng hơn và có sự kính trọng hơn.
Đối với người Hoa thì họ lại quan niệm khác người Việt trong tập tục lì xì Tết. Người Hoa chỉ lì xì Tết cho trẻ em và những người chưa có gia đình. Còn nếu đã có gia đình rồi thì không được lì xì trong năm mới nữa, điều này gần như là tuyệt đối. Do đó chúng ta cũng nên thận trọng điểm này khi đến nhà người Hoa vào dịp đầu xuân để chúc tết thì chỉ lì xì cho trẻ con và người chưa có gia đình thôi, còn ai có gia đình rồi thì chúng ta không nên lì xì cho họ. Chẳng có gì lớn lao hay cấm kị cả mà nó chỉ đơn thuần là ” Người đã có gia đình được xem là người lớn, có trách nhiệm với gia đình và bản thân rồi nên không nhận tiền lì xì như con nít nữa”.
Lì xì là một tục lệ hay và đẹp trong những ngày Tết vì nó thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của chúng ta với thế hệ trẻ cũng như thể hiện sự phóng khoáng, rộng rãi của mình khi mở lòng ra chia xẻ những nguồn lợi của mình có được từ năm ngoái cho những người xung quanh. Chia cái lộc của mình cho mọi người đồng nghĩa là mình sẽ có thêm được nhiều lộc. Vì lộc có nghĩa là chồi non, là tầm xuân, là nhân tố đưa đến sự thành tựu và phát đạt.
Năm mới ai lại chẳng cầu một chút lộc để mong được may mắn. Đến Chùa xin lộc Phật đầu năm cũng chỉ mong được an lành, thịnh vượng. Người ta lì xì là cho lộc, chia lộc đến cho mình, tiền lì xì là tiền lộc, tiền may mắn. Chúng ta có tiền là đã thấy có may mắn rồi. Vì trong cuộc sống thường ngày, ngoài người thân ra chẳng ai cho tiền mình cả, vì cho tiền ở một vài trường hợp được xem như một sự bố thí, giống như cho ăn mày, ăn xin. Vì người ta chỉ cho tiền người lạ khi họ cảm thấy thương tâm, tội nghiệp trước hoàn cảnh khó khăn của người kia mà thôi. Chúng ta rất tự trọng và tuyệt đối không bao giờ chìa tay nhận của ai một đồng nào nếu nó không phải là thành quả của sự lao động như câu “Vô công bất thọ lộc” vậy.
Cho tiền người khác đôi khi cũng được xem là một hình thức xỉ nhục mặc dù cho với thiện ý hay lòng tốt. Đâu phải ở đời lúc nào mình cho người ta cũng sẵn sàng lấy. Người ta chỉ nhận nó qua hình thức vay mượn có lời (lãi) hoặc không có lời tùy theo chủ nhân của số tiền đó. Mượn đôi khi lại sang hơn là xin. Vì xin chẳng khác nào mình tham hoặc ăn mày công sức của người khác. Chẳng ai dám xin tiền ai khi người đó không phải là cha mẹ hoặc anh chị hoặc người thân của mình cả. Và chúng ta cũng đừng nên tự tiện cho tiền ai khi họ thật sự chưa cần đến sự giúp đỡ của mình ngoại trừ con cái, chồng vợ hoặc người thân của mình. Khi đưa tiền hoặc quà cho người dưới mình thì gọi là cho, người bằng mình thì gọi là tặng còn người trên mình thì phải gọi là biếu. Bỏ tiền ra cũng là một nghệ thuật sống đẹp và mang tính nhân văn rất cao chứ đâu phải cứ vun tiền ra rồi muốn nói sao thì nói bất cần tôn ti trật tự cũng như đạo đức gia đình và xã hội.
Phong tục tặng tiền lì xì trong ngày tết cũng không phải chuyện đùa, cần phải tỉ mỉ và khéo léo cũng như câu “Của cho không bằng cách cho”. Trước tiên, chúng ta mua một xấp phong bao đỏ (hồng bao), hồng bao hay phong bao đỏ trên thị trường hiện nay rất phong phú, đa dạng và bắt mắt, đa số có nguồn gốc từ Trung Quốc và khu người Hoa tại Chợ Lớn. Phong bao thường có màu đỏ tươi biểu hiện cho sự may mắn, phát đạt. Trên phong bao đỏ còn in hình cây mai, cây đào, câu liển đối, những câu chúc Tết và một số hình ảnh sinh động khác. Có những chiếc phong bao rất cầu kỳ và lịch sự, sang trọng, biểu hiện tính cách của người sử dụng nó, những loại phong bao ấy được in ấn rất đẹp và khéo léo đến từng chi tiết và được mạ vàng sáng bóng, rất đẹp.
Sau khi đã có phong bao rồi, chúng ta đổi tiền mới rồi gấp đôi hoặc gấp ba lại hoặc để nguyên tờ tiền phẳng và cho vào phong bao (tùy theo loại phong bao lớn, nhỏ hoặc trung bình). Trước khi lì xì cho trẻ em thì cần phải đợi câu chúc của bé trước. Điều này rất quan trọng vì nó mang tính giáo dục rất cao cho thế hệ trẻ. Câu chúc mặc dù chẳng ăn nhằm gì cả nhưng nó thể hiện sự kính trọng hoặc thay cho một lời cảm ơn của kẻ nhỏ dành cho người lớn hoặc khi nhận từ ai đó bất cứ thứ gì cũng phải biết nói một lời cảm ơn. Sau khi bé đã chúc xong, chúng ta đưa phong bao và xoa đầu bé rồi chúc bé học giỏi, ngoan, chăm chỉ, nghe lời ba mẹ, ông bà, thầy cô hoặc ăn ngoan chóng lớn chẳng hạn. Sau đó bé sẽ có một lời cảm ơn để đáp lại lời chúc của chúng ta.
Nhiêu khê nhỉ? Nhưng đó là phong tục, là tập quán là truyền thống cũng như nét văn hóa vô cùng độc đáo và ý nghĩa của dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ là một phong tục dành cho ngày Tết mà nó còn mang tính giáo dục và kế thừa rất cao và cần phải được xem như một nghệ thuật sống đẹp của người Việt Nam để giáo dục cho con cháu chúng ta và các thế hệ sau này về một nghệ thuật cho, tặng, biếu, mừng tuổi, lì xì trong cuộc sống thường ngày và trong các ngày lễ hội cồ truyền của dân tộc.