GÓC SUY TƯ GIÁO LÝ Lễ tro và sống hành trình Mùa chay

Lễ tro và sống hành trình Mùa chay

Ngày 6 tháng 3, thứ tư lễ tro, bắt đầu Mùa chay. Đây là thời gian để chuẩn bị cho lễ phục sinh, đỉnh cao của năm phụng vụ và đời sống của mỗi người tín hữu. Mùa chay kết thúc vào Thứ Năm Tuần Thánh với lễ Tiệc ly, là thời điểm bắt đầu Tam Nhật Phục Sinh. Lễ Phục sinh năm nay rơi vào ngày 21 tháng 4.

Như thánh Phaolô đã nói, Mùa chay là “thời điểm thuận lợi” để hoàn thành “một lộ trình hoán cải đích thực” để “đối mặt với cuộc chiến chống lại kẻ thù bằng vũ khí sám hối”. Hành trình 40 ngày này hướng đến Tam nhật Vượt qua, nhắc đến cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, trọng tâm của mầu nhiệm cứu rỗi, là “bước vào trong sa mạc thiên nhiên, nhằm biến nó một lần nữa trở thành khu vườn hiệp thông với Thiên Chúa như trước khi xảy ra tội nguyên tổ (x. Mc 1, 12-13) (ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Mùa chay 2019)

Con số 40

40 là con số biểu trưng mà Cựu ước lẫn Tân ước dùng để diễn tả những thời điểm nổi bật về kinh nghiệm đức tin của dân Thiên Chúa. Đó là hình ảnh nói đến thời gian mong đợi của việc thanh tẩy, trở về với Thiên Chúa, nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng trung thành với những gì Ngài đã hứa.

– Trong Cựu ước

40 ngày đêm Thiên Chúa cho mưa xuống trên mặt đất, nhắc chúng ta nhớ đến biến cố đại hồng thủy, qua đó Thiên Chúa muốn trừng phạt con người vì những sai lầm khiến họ không còn khả năng tiến lại gần Thiên Chúa nữa.

40 ngày Môsê ở trên núi Sinai để nhận 10 điều luật từ Thiên Chúa.

40 năm dân Do thái lữ hành trong sa mạc để tiến về đất hứa.

40 ngày ngôn sứ Êlia trên đường tiến về núi Hôreb,

40 ngày là thời gian Chúa ban cho thành Ninivê hoán cải sau lời rao giảng của ngôn sứ Giona.

– Trong các Tin mừng

40 ngày là thời gian Chúa Giêsu trải qua trong hoang địa, trước khi thi hành sứ vụ của mình. Trong những ngày ấy ma quỷ tiếp tục cám dỗ Chúa, chúng muốn Ngài đứng về phía chúng và muốn Ngài từ bỏ sứ mạng giải thoát nhân loại mà Thiên Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài.

40 ngày cũng là thời gian Chúa Giêsu ở lại thế gian để an ủi các đồ đệ của mình trước khi về trời.

Trở về với Mùa Chay đó là : “cùng đi với Chúa Giêsu lên Giêrusalem, nơi Ngài hoàn tất mầu nhiệm đau khổ của mình, chết và sống lại, điều đó nhắc đến cuộc đời của người kitô hữu là một “con đường” để ra đi, nó không bao gồm quá nhiều luật lệ phải tuân giữ, nhưng ở trong chính con người Đức Kitô, từ trong cuộc gặp gỡ, đón nhận và bước theo Ngài” (ĐTC Bênêđictô XVI, tiếp kiến chung ngày 9 tháng 3, 2011)

Tro

Thứ Tư Lễ Tro là ngày giữ chay và kiêng thịt. Như kinh tiền tụng Mùa chay đã nói : “giữ chay” là khả năng chiến thắng “những đam mê của chúng ta” và nâng cao đời sống “tinh thần”.

Trong khi cử hành nghi thức, vị linh mục rắc tro đã được làm phép trên đầu hoặc trên trán của người tham dự. Theo truyền thống tro được dùng trong ngày lễ được lấy từ những cành ôliu của Chúa nhật lễ lá năm trước. Tro xức trên đầu là dấu hiệu nhắc nhở chúng ta ý thức về tình trạng yếu đuối và tội lỗi của thụ tạo và khích lệ chúng ta hoán cải. Lời mời gọi hoán cải được diễn tả bằng hai công thức : “hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” hoặc “con hãy nhớ rằng thân con là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Trước hết là lời mời gọi hoán cải, nghĩa là thay đổi hướng đi trong cuộc sống. Công thức tiếp theo là quay lại tình trạng nguyên sơ của nhân loại khi Chúa nói với Ađam sau khi phạm tội : “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3,19). Lời Chúa gợi lên tính mỏng giòn, thậm chí cái chết là hình thức tận cùng. Nhưng nếu con người là tro bụi, thì đó là tro bụi quý trong mắt Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã tạo nên con người hướng về sự bất tử.

Nghi lễ Ambrôsiô

Khác với nghi lễ Roma, phụng vụ Ambrôsiô không có nghi thức thứ tư lễ tro, nhưng Mùa chay bắt đầu từ Chúa nhật ngày 10/3 và buộc phải xức tro trong suốt các thánh lễ trong ngày. Một trong những nét đặc thù của nghi lễ Ambrôsiô là trong suốt Mùa chay, không có cử hành thánh thể vào các ngày thứ 6 trong tuần. Bước vào trong các nhà thờ theo nghi lễ Ambrôsiô ta chỉ thấy trên bàn thờ một cây thánh giá gỗ, gợi lại cảm xúc buồn của đồi Canvê và còn là dấu chỉ của sự từ bỏ. Điều đó tạo ra một cảm giác trống rỗng thực sự, làm tăng thêm giá trị của thực tại mà suốt ngày thánh lễ không được cử hành, và các tín hữu cũng không được rước lễ.

Phụng vụ

Cũng như Mùa vọng, phụng vụ Mùa chay cũng có những biểu tượng đơn giản giúp chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của thời gian này. Giống như đã xảy ra trong những tuần trước lễ Giáng sinh, trong Mùa chay, lễ phục của linh mục đổi sang màu tím, một màu sắc đòi hỏi một hành trình hoán cải rõ ràng. Sẽ không có hoa trên bàn thờ, không đọc Kinh Vinh danh và không hát Alleluia. Tuy nhiên vào Chúa nhật thứ tư Mùa chay, hay còn gọi Chúa nhật “mừng vui” – Leatare, vì muốn diễn tả niềm vui cận kề lễ Phục sinh, trong ngày lễ này được phép sử dụng nhạc cụ, trang trí hoa trên bàn thờ hoặc trang phục màu hồng.

Các bài đọc thánh lễ của các Chúa nhật mùa chay 2019

Trong năm phụng vụ này (năm C), Lời Chúa của Chúa nhật I Mùa chay đề cập đến bốn mươi ngày trong sa mạc, Chúa Kitô bị Satan cám dỗ (Lc 4 1-13). Vào Chúa nhật này, Giáo hội cử hành việc tuyển chọn các dự tòng để chuẩn bị lãnh nhận bí tích gia nhập kitô giáo trong đêm vượt qua.

Chúa nhật II Mùa chay nói về tổ phụ Abraham, cha các kẻ tin và sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo (Lc 9 28b-36).

Chúa nhật III Mùa chay đề cập đến ngụ ngôn cây vả mà ông chủ vườn nho định chặt nó đi, nhưng người làm vườn “xin cứ để nó lại năm nay nữa may ra sang năm có trái” (Lc 13 1-9). Chúa nhật này Giáo hội cử hành nghi thức khảo hạch các dự tòng và trao ban Tín biểu đức tin (Kinh Tin Kính) cho các dự tòng.

Chúa nhật thứ tư Mùa chay phụng vụ giới thiệu dụ ngôn người con hoang đàng hay còn gọi dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15,1-3.11-32).

Chúa nhật V Mùa chay, phụng vụ trình bày hình ảnh người đàn bà ngoại tình bị ném đá với câu nói đầy thách thức của Chúa Giêsu “Ai trong các ngươi vô tội, hãy ném đá người đàn bà này trước đi” (Ga 8,1-11).

Cuối cùng là Chúa nhật Lễ lá, nhắc đến hình ảnh Chúa Giêsu vào thành thánh Giêrusalem. Chúa nhật này tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu qua Tin mừng Luca.

Mùa chay và Bí tích Rửa tội

Từ xưa Giáo hội đã kết hợp đêm Vọng Phục sinh với việc cử hành Bí tích Rửa tội cho các dự tòng. Trong việc cử hành này họ nhận ra phép rửa là một mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa dành cho con người, làm cho họ tham dự vào cuộc sống mới trong Chúa Kitô Phục sinh và lãnh nhận Thánh Thần, Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Từ những thế kỷ đầu tiên trong Giáo hội, Mùa chay là thời gian mà các dự tòng sau khi đã lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, bắt đầu từng bước tiến tới trong hành trình đức tin để lãnh nhận phép rửa. Sau đó cả các hối nhân và tất cả các tín hữu được mời gọi sống hành trình đổi mới tâm linh, để sao cho cuộc sống của mình ngày càng phù hợp với Chúa Kitô hơn. Trong các Chúa nhật Mùa chay chúng ta được mời gọi sống lại hành trình Phép rửa, gần như đi lại hành trình của các dự tòng, của những người đang chuẩn bị lãnh nhận Phép rửa.

Ăn chay, bố thí và cầu nguyện

Ăn chay, bố thí và cầu nguyện là những thực hành Mùa chay trong Giáo hội. Ăn chay có nghĩa là kiêng khem trong việc ăn uống, nhưng nó cũng bao gồm những hành vi khổ chế khác để có được một cuộc sống tỉnh thức hơn. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói : Nó tạo nên cơ hội quan trọng cho việc phát triển”, bởi vì “nó cho phép chúng ta trải nghiệm được điều mà chúng ta cảm thấy thiếu thốn ngay cả trong những thứ cần thiết nhất”, “nó khiến chúng ta để tâm đến Thiên Chúa và tha nhân” đánh thức “ý muốn vâng phục Thiên Chúa, và chỉ có một mình Ngài mới làm cho chúng ta no thỏa.

Ăn chay đi liền với bố thí. Trong một bài giảng của mình, thánh Lêô Cả đã nói về Mùa chay như sau: “điều mà người tín hữu có bổn phận phải làm trong mọi lúc thì giờ đây họ phải thực thi nó với lòng nhiệt thành và yêu mến, vì để hoàn thành nghĩa vụ tông đồ của việc chay tịnh, nó không chỉ bao gồm việc kiêng khem trong cách ăn uống, nhưng còn đòi hỏi phải từ bỏ tội lỗi. Những công cụ kết hợp hiệu quả trong việc chay tịnh thánh thiện này không có gì khác hơn là bố thí. Như thế việc ăn chay được thêm phần thánh thiện nhờ bởi các nhân đức, xuất phát từ các hành động đầy quảng đại khi chúng ta quan tâm đến những người nghèo, người túng thiếu xung quanh chúng ta. Theo ĐTC Phanxicô “thực hành việc bố thí giúp giải phóng chúng ta khỏi lòng tham và giúp chúng ta khám phá được rằng tha nhân là anh em của tôi”.

Hơn nữa Mùa Chay là thời gian đặc biệt để cầu nguyện. Thánh Augustinô nói rằng ăn chay và bố thí là “đôi cánh của cầu nguyện” cho phép chúng ta dễ dàng tiến gần Chúa hơn. Và thánh Gioan Crisosto cũng nói : “Hãy làm đẹp ngôi nhà bằng nết na và khiêm tốn, bằng thực hành cầu nguyện. Vì thế hãy chuẩn bị một chỗ thật xứng đáng cho Thiên Chúa, làm được như thế là bạn đang đón tiếp Ngài vào trong cung điện thật lộng lẫy của mình”. Đối với ĐTC Phanxicô thì, “bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện, cho phép tâm hồn mình khám phá những lời nói dối bí mật mà chúng ta đang lừa dối chính mình”.

Mùa chay mời gọi chúng ta sống như con cái Thiên Chúa, đem lại lợi ích cho sáng tạo

Chủ đề của Sứ điệp Mùa chay 2019 này, Đức Thánh Cha Phanxicô dùng đoạn thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Rôma : “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19).

Đức Thánh Cha nói : “Khi chúng ta sống như con cái Chúa, như những người được cứu chuộc, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần (x Rm 8,14) và có khả năng nhìn nhận và tuân thủ luật pháp Chúa, bắt đầu với lề luật được ghi khắc trong tâm hồn và trong tự nhiên, chúng ta cũng mang lại lợi ích cho sáng tạo bằng cách hợp tác trong công trình cứu độ của của Ngài”. Trái lại, nếu chúng ta không sống như những người con của Thiên Chúa “chúng ta thường cư xử theo chiều hướng hủy diệt đối với người lân cận và các thụ tạo khác”. Khi đó, “sự quá độ chiếm ưu thế: chúng ta bắt đầu sống một cuộc sống vượt quá những giới hạn mà thân phận con người và bản tính tự nhiên của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng”.

Căn nguyên của mọi sự ác là tội lỗi, làm “rạn nứt tình hiệp thông với Thiên Chúa và cũng làm suy yếu mối quan hệ hài hòa của cuộc sống con người với môi trường mà chúng ta được kêu gọi để sống”. ĐTC nhấn mạnh : “Tội lỗi dẫn con người đến chỗ coi mình là thần minh của thiên nhiên, coi mình là chủ nhân tuyệt đối của nó và sử dụng nó, không phải cho những mục đích phù hợp với thánh ý của Đấng Tạo Hóa, mà vì tư lợi của chính mình, gây phương hại cho các tạo vật khác”. Do đó Mùa chay là cơ hội để “mang lại niềm hy vọng của Chúa Kitô cho sáng tạo”, từ đây mỗi người chúng ta “từ bỏ tính ích kỷ và sự lôi cuốn vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu”.

Kính chúc mọi người một Mùa chay sốt sắng.

G. Võ Tá Hoàng

 

Exit mobile version