Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Năm A

71

Ông bà anh chị em thân mến.  Ngày lễ kính 2 thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ hôm nay là một ngày lễ đã có từ xưa, bắt đầu vào khoảng năm 250.  Hai thánh được mừng kính vì 2 ngài là người mà Kinh thánh cho chúng ta biết  nhiều nhất.  Các ngài đã có những ảnh hưởng lớn lao nhất lúc Giáo hội còn đang trong thời kỳ sơ khai.  Truyền thống cho chúng ta biết 2 ngài đã cùng chết trong những cuộc bách đạo thời hoàng đế Nê-rô.  Trong thời hoàng đế Nê-rô, có một cuộc hỏa hoạn lớn xảy ra thiêu rụi nhiều nhà cửa, một số sử gia cho rằng chính nhà vua là thủ phạm với ý đồ muốn chiếm đất, nhưng vua đã vu oan cho những Ki-tô hữu, vì thế nhiều người đã bị tử hình.

Thánh Phê-rô đã tử vì đạo, bị đóng đanh treo trên thập giá như Thầy Giê-su của mình, nhưng xin đóng đinh đầu lộn ngược xuống vì nghĩ rằng ngài không xứng đáng được chết theo như cách của Thầy.  Còn thánh Phao-lô thì bị chém đầu. Mặc dù là người Do thái, nhưng ngài là một công dân Rô-ma chính thức vì sinh ra trong lãnh thổ do người Rô ma cai trị.  Luật Rô-ma lúc đó loại trừ những người có quốc tịch Rô-ma bị lên án treo thập giá vì hình phạt này quá kinh hoàng và tàn nhẫn.

Trong niềm vui chung của Giáo hội, chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô, 2 vị tông đồ là hai con người khác nhau, được Chúa gọi hai cách khác nhau, nhưng đã chu toàn sứ vụ Thầy giao phó và trung thành cũng như can đảm chết vì Thầy.  Hai vị là 2 cột trụ chính của Giáo hội và là hai tấm gương cho chúng ta. Chúng ta cùng nhau gợi lại niềm tin của 2 ngài vào Chúa Giêsu và chia sẻ niềm tin đó vào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng, để đáp lại câu hỏi của Thầy, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” tông đồ Phê-rô, lúc đó được gọi là Simon, đã khẳng định rằng, Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”,đây là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô vào Chúa Giêsu. Một lời tuyên xưng được Thiên Chúa soi sáng, để minh chứng thiên tính và sứ mệnh của Chúa Giêsu.

Nếu chúng ta thành thật với chính mình thì chúng ta phải thú nhận, tuy chúng ta tuyên xưng đức tin khi tham dự Thánh lễ, nhưng khi về nhà, trong đời sống hàng ngày, nhiều lúc chúng ta phủ nhận, hay không dám xưng mình, hoặc không dám làm điều gì trước công chúng chứng tỏ mình là người Kitô hữu vì chúng ta xấu hổ, sợ bị chê cười hay nhạo báng.  Có những lúc chúng ta không dám bảo vệ đức tin, giáo hội, làm thinh hay còn hùa theo với những người khác đả kích, chống đối, nói hay làm những việc trái với đức tin, sống ngược lại với giáo huấn của Chúa trong Tin mừng.

Tin mừng cho chúng ta đã biết, thánh Phêrô đã chối Chúa không phải 1 hay 2 lần, nhưng 3 lần sau khi đã tuyên xưng đức tin của mình.  Sau đó vì lòng mến Chúa, Chúa đã tha thứ và giao cho sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Trong sứ vụ xây dựng giáo hội và làm chứng cho Chúa, ngài cũng phải chịu những gian nan, khốn khó, đau khổ và tù đày, nhưng Chúa luôn luôn gìn giữ, che chở và giải thoát ngài khỏi gian nguy được diễn tả  trong bài đọc 1 hôm nay.  Điều này cho chúng ta suy ra rằng: con người chúng ta bất toàn, hay thay đổi và yếu đuối nếu không có ơn Chúa trợ giúp.  Cũng vậy, sống trong một xã hội chú trọng đến vật chất và lợi lộc, chú trọng vào chủ nghĩa tự do cá nhân, chúng ta bị lôi cuốn và dễ dàng vấp phạm, trở nên những kẻ chối Chúa, nếu chúng ta không có lòng yêu mến Chúa, có một tin mạnh mẽ và nhận ra lòng yêu thương, nhân từ của Thiên Chúa, chính Người là nguồn sức mạnh sẽ gìn giữ, che chở và giải thoát chúng ta, để chúng ta trung thành và can đảm sống giáo huấn của Chúa.

Trong bài đọc 2, chúng ta nghe thánh Phao-lô tâm sự, Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”,đâylà lời bộc lộ tâm tình về lòng tin của thánh Phaolô trong suốt cuộc đời làm tông đồ của Chúa. Như chúng ta biết ngài đã bị Chúa làm cho té ngựa để thức tỉnh khi còn đang sống trong lầm lạc, hăng hái trong việc bách hại các Kitô hữu.  Nhưng có thể nói chính sự hăng hái nhiệt thành này với lòng tuân giữ lề luật, mà Thiên Chúa đã chọn ngài sau khi đã thức tỉnh, trở thành tông đồ cho dân ngoại. Từ một người đi lùng bắt những người tin theo Chúa Kitô, bây giờ chính ngài cũng đã trở thành đối tượng cho người khác bách hại vì ngài đã ăn năn trở lại, tin, trung thành và can đảm làm chứng về niềm tin của mình vào Chúa cho muôn dân.  Lúc này, ngài nhận ra đã đi gần hết cuộc đời của mình, qua một cuộc hành trình đầy chông gai và nguy hiểm, có nhiều vui buồn, trong đó có những lúc bị đánh đòn, bị tù đày, khổ sở, bị sỉ nhục, nếm mùi đau thương của thất bại cũng như có những sự vui mừng trong thành công, và chung kết thì cũng giống như Đấng mà ngài đã tin và đã rao giảng, đó là chết cho tình yêu và cho đức tin.  Thánh Phao-lô đã được biến đổi và có một đức tin tình yêu bao la vào Chúa Giêsu Phục sinh, Người mà ngài đã bôn ba chịu cực khổ để loan truyền.  Cuối cùng ngài đã đến đích và phần thưởng của ngài chính là niềm vui mừng trong Chúa Giê-su Kitô.

Ông bà anh chị em thân mến. Cuộc đời và cuộc hành trình đức tin của mỗi người Kitô hữu chúng ta đều giống nhau ở một điểm là chúng ta sẽ phải đối diện với những khó khăn, thử thách và chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ vì Tin mừng và vì Chúa.   Chúng ta ý thức cuộc hành trình này được ví như  là một cuộc chạy đua mà phần thưởng không phải là tiền bạc, vật chất và danh vọng, nhưng là Chúa Giê-su Kitô, Đấng Hằng sống.  Thánh Phêrô và Phaolô, và hàng triệu triệu người trước chúng ta, đã chạy và đã tới đích, còn chúng ta thì vẫn đang chạy và phải vượt qua những khúc quanh co, những chướng ngại cản trở, đó là vật chất, yếu đuối của xác thịt, và những cơn cám dỗ mà chúng ta không thấy trong cuộc hành trình cam go này.

Chúng ta cảm tạ, tri ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta 2 vị thánh cột trụ của Giáo hội.  Các ngài là những dấu chỉ tình yêu bao la của Chúa cho chúng ta.  Bởi vì nếu không có thánh Phêrô thì chúng ta không nhận ra được tình yêu tha thứ lớn lao của Chúa dành cho những người tội lỗi biết hối cải.  Và nếu không có thánh Phaolô, thì chúng ta cũng không được biết đến Tin Mừng đem lại ơn cứu độ và sự sống đời đời.  Tất cả chúng ta được Chúa kêu gọi trở thành môn đệ của Ngài. Chúng ta tin và có lòng yêu mến Chúa.  Chúng ta cầu xin Chúa, qua lời cầu bầu của 2 thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ trong ngày kính hôm nay, biến đổi chúng ta hằng ngày bằng tình yêu tha thứ của Chúa, luôn trung thành sống giáo huấn của Chúa, trở thành những khí cụ mang tình yêu, cũng như can đảm rao giảng Tin mừng cho mọi người, qua đời sống chứng nhân, bằng đời sống hy sinh, bác ái và quảng đại, để làm sáng danh Chúa, và để khi đến cuối đường, chúng ta được hưởng phần thưởng là hạnh phúc vĩnh cửu của Chúa Giê-su Kitô Phục sinh.

Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa