Lễ Thánh Gia_A

56

Ông bà anh chị em thân mến.  Chỉ mới mấy ngày trước đây, chúng ta nghe Tin mừng của thánh Lu-ca diễn tả sinh nhật của Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, tại Be-lem.  Mặc dầu hang đá không phải là nơi đầy đủ tiện nghi và sang trọng, nhưng chúng ta hình dung ra được một khung cảnh thật vô cùng êm đềm và linh thiêng, như được diễn tả trong những bài hát: “Đêm Thánh Vô Cùng”  hay “Cao Cung Lên” với những dòng nhạc thánh thoát nhẹ nhàng như: “Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa” hay “Đất với Trời xe chữ đồng” hay “Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn, một đêm khuya vang, vẳng trong tuyết sương.”  Đêm thánh thiêng khuya vắng đó chỉ bị “khúc nhạc thiên thần Chúa,.. rung những điệu réo rắt” ca ngợi hồng ân tình yêu cứu độ cao cả của Chúa khuyấy động, và sự đồng thanh của các thiên thần, tuyên bố bình an của Chúa cho những người thiện tâm, làm thức tỉnh con người vạn vật.

Hôm nay, Tin mừng của thánh Mát-thêu cho chúng ta biết sự thanh vắng và an bình đã biến mất.  Vua Hê-rô-đê, một vị vua hung ác và tàn bạo, định tâm giết con trẻ Giê-su, cho nên Thánh gia phải lìa xa quê hương, lánh nạn sang Ai cập, một nước láng giềng, trong một cuộc hành trình đầy gian khổ và nguy hiểm.  Đây có thể gọi là một “tia xét đánh”, hay một “luồng nước lạnh” thực tế dội vào mặt, nhắc nhở chúng ta một sự thật là không một gia đình nào, kể cả những gia thánh thiện nhất trên trái đất này, mà không phải đối diện với những sự căng thẳng, áp lực của sự dữ.  Và cũng giúp chúng ta ý thức được sự xung kích của 2 điều thiện và ác, ánh sáng và bóng tối, tốt lành và sự dữ, và ân sủng và tội lỗi.  Chúng ta thấy mãnh lực của sự dữ đã chờ chực ngay từ ngày giờ đầu tiên của cuộc đời Chúa Giê-su, Đấng cứu thế.  Như vậy, câu chuyện trong Tin mừng thánh Mát-thêu hôm nay nhắc chúng ta biết rằng mặc dầu con đường mà chúng ta quyết định tin và theo Chúa dẫn chúng ta đến hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng con đường này không bằng thẳng và trơn tru, nhưng đầy sự gồ ghề, khó khăn và cản trở.

Nhưng, ông bà anh chị em thân mến, chủ đích, trọng tâm của phụng vụ Chúa nhật tuần này nhắm và hướng chúng ta đến gia đình. Khi đề cập đến gia đình, chúng ta thường có thái độ là đã sống và đã nghe quá nhiều rồi, và để phản ứng lại, chúng ta bịt tai, ngoảnh mặt đi, hay không chú tâm.  Chúng ta phải luôn ý thức rằng ngày nào chúng ta còn thở, còn sống, cho dù ở tuổi nào hay hoàn cảnh nào, chúng ta không bao giờ coi thường hay không quan tâm đến sự quan trọng của gia đình, vì chúng ta là những phần tử trong một gia đình, có ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em.  Gia đình là nơi chúng ta khám phá ra những giá trị, ý nghĩa của một con người, những cái tốt, cái hay và sức mạnh, cũng như những yếu điểm, giới hạn và thiếu kém.  Gia đình cũng là nơi chúng ta cảm nhận sự yêu thương và tha thứ; là nơi chúng ta sống trong những sự liên hệ, hiệp nhất, hy sinh, tiếp nhận và hỗ trợ lẫn nhau.  Gia đình cũng là nơi chúng ta học những quan điểm, phát triển và đặt niềm tin tưởng, trung thành với nhau để đối phó với những áp lực, và lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận phải có, phải làm, để duy trì sự tôn trọng, yêu thương, hòa thuận và có hạnh phúc.  Gia đình cũng còn là nơi chúng ta học cách sống hòa hợp với nhau như thế nào.  Tất cả những công việc, trách nhiệm và bổn phận này hy vọng rằng chúng ta học trong gia đình một cách tương đối tốt đẹp.  Tôi nói tương đối tốt đẹp bởi vì tôi biết không một ai trong chúng ta, cũng như không một gia đình nào hoàn toàn.

Như chúng ta đã biết một gia đình mà có những khủng hoảng trầm trọng, có những phần tử không tốt, hay có những sự bất hòa sẽ dạy chúng ta những điều xấu, hay có những ảnh hưởng không tốt và sẽ đem đến những hậu quả không được ích lợi.  Sự thành công của xã hội tùy thuộc vào tình trạng “sức khỏe” của gia đình.  Điều này tạo nên một gánh nặng cho gia đình và cho xã hội, để gây dựng, bồi dưỡng, khuyến khích và duy trì những gia đình lành mạnh.

Ông bà anh chị em thân mến.  Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng sự quan trọng của một gia đình khác, đó là gia đình đức tin Việt Nam của chúng ta. Tôi muốn nhấn mạnh đến những chữ gia đình đức tin Việt Nam, bởi vì người Việt gia nhập giáo xứ Hoa kỳ sẽ không thể cảm nhận và khám phá ra mình là ai một cách đầy đủ được, vì sự khác biệt, khó khăn về văn hóa, phong tục và ngôn ngữ.  Tôi hy vọng những người này có thể hội nhập được một cách hoàn toàn. Nơi đây, trong giáo xứ này, sự khám phá ra chúng ta là ai như con cái của Thiên Chúa được gia tăng, chúng ta biết được niềm tin và đức tin của chúng ta như thế nào, và lòng mến Chúa và anh chị em ra sao trên con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu.  Chúng ta tiếp tục học được những giá trị và tinh thần đặc biệt, đồng thời duy trì những gì quí báu do cha ông chúng ta để lại, cũng như hãnh diện về những thành quả do chúng ta tạo nên.  Hy vọng rằng chúng ta biết và sống những điều Chúa dạy, để chúng ta tiếp tục lãnh nhận những ơn lành Chúa ban.  Và chúng ta cũng học và ý thức sự chia sẻ, đóng góp, để chúng ta duy trì những gì chúng ta đang hưởng, và để lại cho thế hệ sau này.   Qua lời Chúa và qua những ơn sủng Chúa ban, chúng ta hy vọng sẽ nhận được sức mạnh để tha thứ cũng như được tha thứ.   Và cũng tại nơi đây, chúng ta quây quần chung quanh “bàn ăn gia đình” để được lãnh nhận, để được ăn, không phải thức ăn bị tiêu hủy đi, mà là thức ăn có sự sống vĩnh cửu.  Chúng ta phải luôn ý thức gia đình đức tin cũng quan trọng không kém gia đình ruột thịt.  Nếu gia đình đức tin của chúng ta được vững mạnh, yêu thương và làm sáng danh Chúa, thì cũng như một gia đình ruột thịt, cần những sự cố gắng, hy sinh và quảng đại của tất cả mọi thành phần trong giáo xứ, không trừ một ai.

Tôi thành thật cảm tạ, tri ân Thiên Chúa về sự cố gắng, hy sinh, phục vụ cũng như lòng quảng đại tất cả mọi người đã, đang và sẽ đóng góp, dâng cúng cũng như giúp đỡ gia đình giáo xứ trong mọi công việc.  Tôi cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn thể hiện lòng yêu mến Chúa qua việc sốt sắng tham dự Thánh lễ  hàng tuần, hàng ngày.  Và sau cùng, tôi xin được chia sẻ với mọi người tâm tình của thánh Phao-lô trong bài đọc 2 hôm nay.  “Anh chị em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh chị em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh chị em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh chị em, sự bình an mà anh chị em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh chị em.”

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa