LẼ SỐNG ĐỜI CON
Bố tôi không được may mắn như bao người. Từ khi mới sinh, Bố đã mang trong mình căn bệnh không rõ nguồn gốc. Căn bệnh ấy lấy đi thân hình khỏe mạnh, hàm răng săn chắc của Bố. Thế nhưng, nó không thể lấy đi được tính cách tiềm ẩn bên trong của một người vui vẻ, lạc quan và đầy nghị lực như Bố.
Lớn lên, vì là con cả trong gia đình có bảy anh em, gia đình khó khăn, Bố phải nghỉ học sớm để phụ ông bà nội làm việc, nuôi cô chú ăn học. Cả cuộc đời Bố là sự vất vả, hi sinh.
Khi lập gia đình, với nghề mộc trong tay, Bố luôn nỗ lực để có được miếng cơm manh áo nuôi chị em tôi. Nỗi vất vả của nghề mộc làm bàn tay Bố trở nên thô ráp, hằn lên những vết chai lì, sần sùi, khô cứng. Thế nhưng Bố luôn vui cười, coi đó là niềm hạnh phúc. Giờ đây, tôi đã hiểu vì sao mọi người thường gọi Bố là : “Thánh Giuse làm nghề thợ mộc nuôi con Đức Bà”. Tôi rất hãnh diện về Bố.
Dù bận rộn với công việc, nhưng Bố luôn dành thời gian vui đùa cùng chị em tôi. Bố thường nhấc tôi lên cao làm tôi sợ điếng người. Bố gọi chị em tôi bằng cái tên rất dễ thương : “Ngũ long công chúa” và “hoàng tử” của Bố. Cũng có khi, Bố đặt em trai tôi ngồi trên vai Bố và gọi đó là “ngai” của “hoàng tử”. Những buổi chiều mát, Bố cùng chị em tôi thả diều trên cánh đồng lúa. Lúc ấy, Bố như người bạn thân cùng chơi đùa với chúng tôi. Tiếng cười giòn tan của Bố toát lên một sự yên bình, thanh thoát. Ở bên Bố, tôi luôn được che chở, đỡ nâng.
“Con gái giống cha giàu ba họ”. Tôi rất giống Bố: giống khuôn mặt hiền từ, vóc dáng thanh cao và cả đức tính bao dung của Bố. Tôi rất tự hào vì được giống Bố.
Với tôi, Bố là thầy dạy đầu tiên gieo vào tôi lòng yêu mến Chúa. Bố hướng dẫn tôi bước đi đúng đắn trên đường dâng hiến. Những giờ kinh tối, Bố quy tụ gia đình trước bàn thờ rồi cất cao lời kinh chúc tụng Chúa. Tinh thần sống Phúc Âm của Bố là bài học cao quý cho tôi trong suốt cuộc đời. Bố dành thời gian thăm viếng người ốm đau bệnh tật : những cụ ông, cụ bà, bạn bè của Bố, những ai kém may mắn hơn Bố. Bố giúp họ bằng những “bát gạo” mà Bố làm ra cùng với lời động viên, khích lệ giúp họ vượt qua khó khăn.
Thời gian trôi qua căn bệnh của Bố ngày càng nặng. Nó biến chứng làm Bố suy yếu, khó thở và mệt mỏi. Những lúc Bố đau, nhìn Bố tôi thương Bố rất nhiều. Là con cả trong nhà nhưng tôi chẳng giúp được gì cho Bố. Mọi người thường nói: “Giá mày là con trai để giúp Bố mày thì hay biết mấy!”. Tôi có ý định bỏ học chữ để “học” làm “con trai” gánh vác công việc thay Bố. Nhưng Bố rất coi trọng việc học của tôi. Bố đã rất buồn khi biết tôi có ý định đó. Tôi lại âm thầm xin Chúa giúp tôi.
Bước vào Đại học, Bố vẫn là người quan tâm nhiều nhất đến việc học của tôi. Bố nói : “Chỉ có học mới giúp con sống tốt và thành công trong cuộc sống. Cả đời Bố chỉ mong con được hạnh phúc là Bố mãn nguyện rồi”. Lời căn dặn của Bố như nguồn sức mạnh thôi thúc tôi gắng sức học tập : học để đền đáp công ơn Bố, học để sống có ích và để phục vụ xã hội.
Bố đã hi sinh cho tôi rất nhiều, nhưng chưa một lần tôi bày tỏ tấm lòng với Bố. Tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội. Giờ đây, tôi xin được nói lời chân thành nhất của tôi với Bố: “Bố ơi ! Bố là lẽ sống đời con!”.
Hồng Thù
Thanh tuyển viện MTG. Thủ Đức