Lễ Mình Máu Chúa Kitô_Năm A

67

Ông bà anh chị em thân mến.  Một người đàn ông được mời dự một đám cưới, ngồi chung bàn với những người khác.  Trong cuộc trò truyện thăm hỏi với những người đồng bàn, người đàn ông này khám phá ra một người trong bàn ăn sinh ra trong cùng một làng, và qua sự thăm hỏi sau đó, ông ngạc nhiên biết người này có cùng một dòng tộc với ông.  Khi bữa tiệc chấm dứt, người đàn ông này nói đùa rằng, “Nếu tiếp tục tìm hiểu có thể hai người cùng sinh ra trong một gia đình chỉ khác cha hay khác mẹ gì đó thôi!”

Câu chuyện trên đây là một lời giới thiệu rất thích hợp cho Thánh lễ chúng ta đang tham dự hôm nay.  Vì Thánh lễ là Bí tích Thánh Thể và cũng là một “bữa ăn”, trong đó chúng ta nhận biết, qua một sự kiện đặc biệt, chúng ta, những Ki-tô hữu, là một gia đình.  Chúng ta khám phá ra chúng ta là anh chị em, trong cùng một gia đình chịu một phép rửa, có cùng một đức tin, và thờ kính cùng một Cha.  Chúng ta còn là những phần tử, những chi thể của Thân Thể Chúa Ki-tô.  Trong bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phao-lô cho chúng ta biết về Bí tích Thánh Thể như sau, “Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.”

Ông bà anh chị em thân mến.  Đến đây chúng ta hướng về ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô mà chúng ta mừng kính hôm nay.  Chúng ta mừng kính một ơn sủng lớn lao và cao quí mà Chúa Giê-su đã ban cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly.  Tin mừng của thánh Luca đã diễn tả sự kiện Chúa Giê-su ban ơn sủng đó như sau, “Ðoạn Người cầm bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.  Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén mà phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta sẽ đổ ra vì các con.” (Lc. 22, 19-20)

Chúng ta hãy chú ý đến những câu nói thật vô cùng cao trọng của Chúa sau đây:  “Hiến ban vì các con” và “sẽ đổ ra vì các con.” Những câu này đề cập đến một hy lễ, đó chính là Mình và Máu Chúa đã đổ ra vì và cho chúng ta trên thập giá.  Trong bài đọc 2, Thánh Phao-lô đã dẫn giải cho chúng ta hiểu về những hy lễ này trong Bí tích Thánh Thể như sau, “Anh (chị) em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao?”

Thật vậy, điểm mà thánh Phao-lô nêu ra trên đây rất quan trọng.  Mỗi lần chúng ta cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta thông phần vào sự kiện Chúa Giê-su tự dâng hiến chính toàn thân mình làm hy lễ cho Thiên Chúa Cha cho chúng ta.  Hay nói một cách khác, hy lễ thánh mà chúng ta cùng cử hành mỗi ngày, mỗi Chúa nhật không phải là hy lễ mới, mà là cùng một hy lễ mà Chúa Giê-su đã khởi đầu tại bàn bữa Tiệc ly và chấm dứt tại thập giá trên đỉnh đồi Gôn-gô-ta.

Ông bà anh chị em thân mến.  Nếu chúng ta thấu hiểu được điểm lạ lùng này, và chỉ khi nào chúng ta thấu hiểu được, thì Thánh lễ mới đem đến những ý nghĩa và cảm nghiệm mới và sâu sa hơn cho chúng ta mà thôi. Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Người tôi tớ của Chúa sắp được phong thánh, đã nhận được những cảm nghiệm mới và sâu sa hơn khi ngài cử hành Bí tích Thánh Thể trong trại tù biệt giam.  Trong cuốn sách “Năm chiếc bánh và hai con cá”, ngài đã chia sẻ cảm nghiệm lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể sâu sa của ngài trong lời cầu nguyện sau đây, tôi xin được đọc,  “Lạy Chúa Giêsu, Chúa tiếp tục Thánh Lễ mỗi giây phút cho đến tận thế. Con dâng Thánh Lễ đúng qui thức phụng vụ không đủ. Ngày xưa Chúa không theo qui luật phụng vụ ngày nay. Nhưng Chúa dâng lễ với những tâm tình sốt sắng nhất, những tâm tình trong giờ tử nạn, nhất là trên Thánh giá. Ðau khổ thể xác, nhất là đau khổ tinh thần. Yêu mến vâng phục Chúa Cha cho đến chết, chết sỉ nhục trên Thánh giá, hình phạt dành cho nô lệ…  Xin cho chúng con dâng lễ như Chúa. Nếu chúng con không dâng chính mình, làm hy lễ toàn thiêu; Nếu cuộc đời chúng con không chịu đói, chịu khát, chịu sỉ nhục, chịu nhổ, chịu vả vào mặt, chịu đội mão gai, chịu vác thánh giá, chịu đánh đòn,.; thì con phải xét mình, phải sám hối, hoán cải; phải biến chuyển, lột xác; vì con chưa tế lễ như Chúa. Nếu con còn lo sợ, con kiếm cách tránh né thân phận Chúa, thì dù con có theo nghi thức nào có long trọng đến đâu con cũng không tế lễ với tâm tình Chúa.” (http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/banhca/banhca04.htm)

Ông bà anh chị em thân mến.  Đây là những cảm nghiệm về lòng tin yêu mến sâu sa vào Bí tích Thánh Thể mà ngày lễ mừng Mình và Máu Chúa Ki-tô muốn chú trọng vào.  Đây là ngày lễ chúng ta cử hành mừng kính ơn sủng, là chính thân thể Chúa Giê-su, cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly.  Trong dịp tưởng nhớ đó, “Chúa Giê-su cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là Mình Ta.”  Ðoạn Người cầm lấy chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ mà phán: “Tất cả các con hãy uống Chén này, vì này là Máu Ta, Máu Tân ước, sẽ đổ ra cho nhiều người.” (Mt. 26, 26-28)

Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, ban cho chúng ta chính sự sống của Chúa Kitô, để chúng ta có sự liên kết, gắn bó mật thiết với Chúa.  Và sự hiệp nhất với Chúa Giêsu này nối kết mọi người Kitô hữu vào trong một gia đình, và liên kết với nhau trong Thân Thể Chúa Ki-tô. Bí Tích Thánh Thể còn là bảo chứng chắc chắn cho người Kitô hữu đạt tới vinh quang Nước Trời.  Thế nên Chúa cho chúng ta biết, “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.”

Trong ngày kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta một lòng tin vững mạnh vào sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể, và siêng năng chạy đến với Chúa trong Bí tích này với một tâm hồn sốt sắng, để luôn cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa đã tự hiến vì và cho chúng ta. Ðể từ đó chúng ta kín múc tình yêu của Chúa trao ban, và chia sẻ với tha nhân, làm sáng danh Chúa.

Lm. Antôn giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

.