VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN VĂN HÓA Lễ hội Deepavali

Lễ hội Deepavali

 

Chắc hẳn bạn còn xa lạ với Lễ hội Deepavali, vì đây là lễ hội của Ấn giáo. Đây là một “thế giới mới”, một lễ hội mang tính văn hóa, nhất là về ý tưởng “tự thắp sáng” và “chia sẻ ánh sáng” với người khác. Xin mời bạn tìm hiểu, chắc hẳn bạn sẽ thấy được điều thú vị và hữu ích cho cuộc sống.

LỄ HỘI DEEPAVALI LÀ GÌ ?

Lễ hội Deepavali (còn được gọi là Diwali, viết tắt của từ Deepavali –दीपावली Dīpāvalī) của người Hindu, nghĩa là “Lễ hội Ánh sáng”, đầy màu sắc. (Có thể xem lễ hội tại www.youtube.com/watch?v=IU8g9CHTyZs).

Lễ hội Deepavali tưởng nhớ sự trở lại của Vua Rama cùng với Sita và Lakshmana, sau cuộc lưu đày 14 năm và chiến thắng Quỷ vương Ravana (demon-king Ravana). Khi vui mừng đón chào vua của họ trở về, dân thành phố Ayodhya, thủ phủ của Rama, cả thành phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn đất (diya) và đốt pháo bông.

Ấn Độ là vùng đất lễ hội, mỗi tháng có ít nhất một lễ hội. Lễ hội Deepavali là “những dãy đèn”, thế nên được gọi là “Lễ hội Ánh sáng”, là một trong bốn lễ hội chính của Ấn Độ. Người Hindu trên khắp thế giới đều mừng Lễ hội Deepavali một cách long trọng và thành kính.

Lễ hội Deepavali kéo dài 6 ngày, bắt đầu từ ngày 12 tháng Kartik (âm lịch Bắc Ấn, khoảng từ giữa tháng 10 tới giữa tháng 12 dương lịch). Trước ngày Lễ hội Deepavali, để cầu xin ơn thiêng của Thần linh, các phụ nữ đều ăn chay. Không phải Thần linh muốn người ta nhịn đói hoặc chịu cực khổ, mà đó là quy luật hy sinh để được lãnh nhận. Chiều tối hôm trước lễ, mọi tín đồ đều thờ lạy Thần Gomata (bò cái) và bò con, rồi cho bò ăn loại đặc sản. Các phụ nữ hy vọng cả gia đình họ được hạnh phúc. Đây là ngày thánh, gọi là Vasubaras.

Ngày thứ nhất của Lễ hội Deepavali là ngày 13 của tháng Kartik, gọi là Dhantrayodashi hoặc Dhanteras. Mọi người lau chùi nhà cửa, mua sắm, trang trí cửa nhà và ngoài sân bằng những chiếc đèn sặc sỡ. Họ mua đồ trang trí bằng vàng, mua sắm quần áo và các dụng cụ mới. Các tín đồ thức dậy sớm từ lúc mặt trời chưa mọc, họ tắm dầu thơm và mặc quần áo mới. Chiều tối, người ta cung kính những đồng tiền (coins), biểu tượng của sự giàu có.

Ngày thứ nhì gọi là Naraka Chaturdashi. Người ta tắm dầu thơm từ sáng sớm, đến tối thì người ta thắp đèn và đốt pháo bông. Người ta thăm thân nhân và bạn bè, bày tỏ yêu thương và quan tâm lẫn nhau.

Ngày thứ ba, người ta thờ Nữ thần Lakshmi, thần giàu sang. Người ta trang trí nhà cửa bằng đèn lồng để đón Thần Lakshmi tới nhà họ và tâm hồn họ. Vào ngày này, giới kinh doanh đóng tài khoản cũ và mở tài khoản mới. Trên trời và dưới đất đều được thắp sáng bằng những chiếc đèn rực rỡ và pháo bông.

Tại Bắc Ấn, ngày thừ tư là ngày Govardhana Puja. Các tín đồ ở miền Bắc Ấn đắp những ụ lớn bằng phân bò, tượng trưng Thần Govardhana, đó là núi mà Thần Krishna đã lấy tay nâng cao dân làng Vrindavan thoát khỏi mưa lụt, rồi họ trang trí và tôn khính các “ụ phân” đó. Dân Bắc Ấn gọi ngày này là Annakoot, nghĩa là “núi thực phẩm”.

Ngày thứ năm là Bhaiyya Dooj, được mừng thống nhất và vui mừng. Nam giới ăn tối tại nhà chị gái, rồi sau đó tặng chị những món quà. Dân Bắc Ấn gọi đó là Yama Dwitiya. Hằng ngàn người cùng chung tay và tắm trong Thánh giang Yamuna (sông thánh).

CÁC TRUYỀN THUYẾT

Dhanteras. Kinh thánh nói tới vị thần Dhanvantari nổi lên từ việc khuấy độn đại dương khi cầm kalash (chiếc bình) đựng đầy amrit (thực phẩm của thần thánh). Vì thần Dhanvantari là người đã “mặc khải” y học của Ayurveda cho thế giới, lần đầu tiên được thể hiện vào ngày này, nên tất cả các bác sĩ ở Ấn Độ đều theo hệ thống y dược Ayurvedic và vui mừng kỷ niệm trong Lễ hội Dhanvantari.

Naraka Chaturdashi. Truyền thuyết kể về vua của Prag-Jyotishpur, tên là Narakasura. Ông là vị vua nhưng đã lạm quyền để quấy nhiễu thần dân. Thần Sri Krishna đã triệt hạ ông vua kia vào ngày này. Những người bị tù oan sai vui mừng kỷ niệm ngày được tự do về sống với gia đình. Dân chúng mừng được thoát khỏi chế độ độc ác Narkasura bằng cách thắp sáng những ngọn đèn.

Sri Rama. Lễ hội Deepavali rơi vào ngày không có trăng, thậm chí là ngày tối nhất trong năm. Việc thắp sáng đèn và đốt pháo bông là để thể hiện sự chiến thắng của thần quyền đối với bóng tối. Vào ngày Lễ hội Deepavali, người chiến thắng là Thần Sri Rama được coi là đã trở lại Ayodhya sau khi đánh bại Ravana, vua của Lanka.

Nữ thần Lakshmi Devi. Người Purana nói rằng vào ngày này, Nữ thần Lakshmi (nổi lên trên biển sữa Ksheera Sagara) đã kết hôn với Chúa Vishnu, là kho chứa các phẩm chất thần thánh.

Govardhana Puja. Để che chở dân chúng và đàn bò của họ khỏi trận mưa tầm tã do Thần Indra làm, Thần Krishna đã lấy tay nâng họ lên một ngọn đồi gần Mathura là đồi Govardhana, che chở họ suốt 7 ngày. Lúc đó, Indra nhận thấy sự vĩ đại của Thần Krishna và cầu xin tha thứ.

Bhaiyya Dooj. Sông Yama (Tử Thần) và Yamuna là anh và em gái. Khi trưởng thành, họ có ý hướng hoàn toàn khác nhau. Vào ngày này, Thần Yama đến thăm Nữ thần Yamuna, và Nữ thần Yamuna vui mừng gặp lại anh mình sau một thời gian dài nên đã làm tiệc thết đãi anh mình. Thần Yama vui mừng nhận lời ngay. Thần Yama tuyên bố rằng mọi người đều nhận một tilak (vết son) trên trán từ cô em gái để thể hiện món quà yêu thương trong ngày này và sẽ đạt được thế giới cao hơn.

Sứ điệp Deepavali. Tên truyền thống của nước Ấn Độ là Bharata và người Ấn là Bharatias – nghĩa là “người liên hoan trong ánh sáng”. Đêm Lễ hội Deepavali, vô số những chiếc đèn đất chứa thông điệp của Lễ hội Deepavali: “Hãy đến, và chúng ta cùng loại bỏ bóng tối khỏi mặt đất”.

Hỏa pháp (dharma of fire) cũng tương tự: Tại nhà người nghèo và người giàu, ở Mỹ, ở Nam cực, hoặc ở dãy Hy Mã Lạp sơn (Himalayas). Hỏa pháp tạo ánh sáng và hơi nóng. Lửa luôn bốc lên cao. Dù bạn lật ngược đèn xuống, lửa vẫn bốc lên. Thông điệp cho chúng ta: “Hãy tập trung vào atman (chính mình) dù chúng ta ở đâu”. Những chiếc đèn nhắc chúng ta nhớ tới đạo pháp (dharma) để nhận ra bản chất thần thánh (divine nature) của chúng ta.

Bhrihadaranyaka Upanishad nói: “Bản ngã là ý thức thuần khiết (pure conscicousness) tự phát sáng. Nhận thức mọi vật nổi lên từ ánh sáng của ý thức thuần khiết”.

Một chiếc đèn có thể thắp sáng nhiều chiếc đèn khác, cà trăm hoặc cả ngàn chiếc, nhưng lửa ban đầu vẫn nguyên vẹn. Càng chia sẻ càng tăng gấp nhiều lần mà không mất mát gì. Ánh sáng của Lễ hội Deepavali biểu hiện Thần Brahman và sự sáng tạo, trong đó chuyển tải câu thần chú: “Purnamada Purnamidam Purnaat Purnamudachyate Purnasya Purnamadaya Purnamevasishyate”.

Những dãy đèn sáng dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết. Ánh sáng từ mặt trời, mặt trăng, các vì sao, và lửa cũng tương tự. Nhìn thấy và nhận biết ánh sáng, ánh sáng của nhận thức, là thể hiện và rung động trong sự sáng tạo là mục đích của cuộc sống. Như vậy, nhận biết sự sáng tạo là diễn tả đúng con người của mình, rồi làm lan truyền ánh sáng yêu thương và lòng trắc ẩn.

Ánh sáng của Lễ hội Deepavali có ở mỗi cửa nhà, trên vách tường, ngoài đường phố, dưới đất và trên trời. Đó là thể hiện ánh sáng nội tâm của mỗi con người, ai cũng phải tỏa sáng ánh sáng nội tâm của mình. Đó là làm lợi ích cho người khác, cho xã hội, cho quê hương, cho thế giới,… Nhờ đó mà người khác không bị cản bước tiến và có thể đạt được mục đích của họ.

Đem ánh sáng tới những người trong bóng tối là tinh thần chính của Lễ hội Deepavali. Đó là lời cầu nguyện đích thực cho người khác, dù người đó là ai!

KHA ĐÔNG ANH (Chuyển ngữ từ Amritapuri.org và Essortment.com)

Exit mobile version