Lễ Đức Mẹ Lên Trời

194

Ông bà anh chị em thân mến.  Tôi có đọc được 1 bài báo cho biết, có một số thành phố nhỏ bên Ý mừng kính lễ Đức Maria hồn xác lên trời không bắt đầu trong nhà thờ, nhưng bằng 2 kiệu cung nghinh.  Kiệu cung nghinh thứ nhất với tượng Đức Maria bắt đầu từ biên giới tiến vào trung tâm thành phố bằng con đường chính, ám chỉ Đức Maria trên con đường về trời sau cuộc đời trần thế.  Kiệu cung nghinh thứ hai với tượng Chúa Giê-su phát xuất từ ranh giới đối ngược bên kia thành phố, và cũng tiến vào trung tâm thành phố bằng con đường chính, ám chỉ Chúa Giê-su ra đón Mẹ Ngài vào Nước Trời.  Ngay tại trung tâm thành phố, họ làm một cổng lớn bằng hoa, và khi 2 kiệu đến dưới cổng thì bái chào 3 lần, ám chỉ Chúa Giê-su chào mừng Mẹ tại cổng Thiên đàng. Sau khi bái chào, họ rước 2 tượng bên nhau tiến vào nhà thờ giáo xứ, ám chỉ Chúa Giê-su tháp tùng Đức Maria đến trước ngai của Mẹ, nơi Mẹ được tôn vinh trên Thiên Đàng.  Sau khi 2 tượng được đặt vào bục trên cung thánh, mọi người cùng dâng Thánh lễ.

Chúng ta biết Kinh thánh không ghi lại Đức Maria qua đời ngày nào, khi nào, và sự kiện lên trời của Mẹ.  Nhưng truyền thống trong giáo hội sơ khai khẳng định rằng Đức Maria đã được vinh thăng trên trời cả hồn lẫn xác sau cuộc đời trần thế.  Một chứng liệu của thánh Ju-ve-nal, Giám mục thành Giê-ru-sa-lem vào năm 450, trả lời cho hoàng đế đòi đưa xác Đức Maria tới thành Cons-tan-ti-nô-pô, là Đức Maria đã qua đời trước mặt các Tông đồ.  Nhưng sau đó, khi mở ngôi mồ ra, theo lời yêu cầu của thánh Tô-ma, thì thấy trống không.  Do đó các Tông đồ đã kết luận rằng thân xác của Đức Maria đã được cất lên trời như thân xác của Chúa Giê-su.

Chúng ta cũng nhận thấy một số người, nhất là những người theo giáo phái Tin lành, xem thường hay giảm giá trị truyền thống, và họ tuyên bố chỉ tin vào những điều ghi trong Kinh thánh mà thôi.  Nhưng nếu chúng ta dừng lại đôi chút và suy nghĩ, thì chúng ta nhận ra một sự thật rõ ràng, không có Kinh thánh nếu không có truyền thống, vì Kinh thánh xuất phát từ truyền thống của giáo hội. Ki-tô giáo cậy nhờ vào truyền thống để phát triển và bành trướng cho đến thời gian thánh Phao-lô và các Thánh sử bắt đầu ghi chép sau 20, 30, 40 năm sau thời điểm Chúa Giê-su, là sớm nhất. Cho nên sự hiểu biết cũng như sự giảng dạy về sự kiện lên trời hồn xác của Đức Maria theo Tông truyền, mang một “trọng lượng” thật lớn, hay có một tầm quan trọng to lớn trong giáo hội.  Vì vậy, sau khi đã xem xét và duyệt lại một cách kỹ lưỡng về niềm tin vào sự kiện Đức Maria lên trời hồn xác, Đức thánh cha Pi-ô thứ 12 đã tuyên bố sự kiện này là một tín điều vào năm 1950.

Tin mừng của thánh Lu-ca mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta biết câu chuyện thăm viếng của Maria, một thiếu nữ trẻ, với người chị họ lớn tuổi là bà Ê-li-za-bét. Maria vừa mới được thiên thần Chúa thăm viếng và vừa nhận lời trở thành mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng sẽ được sai đến cứu chuộc nhân loại. Maria trong lúc này là một người nữ chưa kết hôn mà đã mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Có thể nói đây là một tình cảnh không vui sướng mà không một phụ nữ nào thời đó muốn ở trong tình trạng này. Maria có thể bị người chồng tương lai từ chối; có thể bị gia đình tẩy chay; và có thể lâm vào tình trạng bị kết án tử hình.  Nhưng như chúng ta vừa nghe, Maria hoàn toàn tin, phó thác vào lời Chúa và đã ca tụng Thiên Chúa toàn năng cũng như ngợi khen những việc trọng đại của Ngài.  Chúng ta không nghe một lời than thở “tội nghiệp”, “tủi thân” cũng như không một lời buồn phiền hay hối hận. Maria hoàn toàn tập trung và chú ý vào Thiên Chúa. Như vậy, Đức Maria đã chỉ bảo chúng ta phương cách tin phải như thế nào, và qua sự lên trời vinh hiển, Mẹ đã cho chúng ta biết tin sẽ dẫn chúng ta tới đâu.

Ông bà anh chị em thân mến. Ngày lễ hôm nay khẳng định chúng ta một điều quan trọng và hy vọng là một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được hưởng hạnh phúc trên trời hồn xác. Nhưng điều chắc chắn không phải thân xác trần thế mà là thân xác tinh thần như thân xác của Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh. Thánh Phaolô cho chúng ta biết trong thư thứ nhất gởi cho tín hữu Côrintô: “Có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến?” (1Cr. 15: 35) Và thánh Phaolô đã trả lời bằng sự so sánh thân xác trần thế như một hạt giống, trong khi đó thân xác trên thiên đàng như cây mọc lên từ hạt giống.  Người nói “Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.”  (1Cr.15:36-38;42-44)

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta cũng ý thức một điểm thực tế quan trọng, Đức Maria đang ngự trên thiên đàng không phải trong tình trạng thụ động bên cạnh Chúa Cha.  Đức Maria không ngồi đó chờ đợi chúng ta được hưởng phúc Thiên đàng cùng Mẹ.  Ngược lại, Mẹ đang ngự trên Thiên đàng trong một sự tích cực. Mẹ quan tâm và muốn cứu giúp chúng ta trong những lúc gian nan, khó khăn và thử thách nơi trần thế, để chúng ta được tới đích điểm Thiên Đàng. Mẹ muốn hướng dẫn, chỉ bảo và giúp chúng ta sống đức tin, trung thành với Con Mẹ. Mẹ Maria là một mẫu gương cầu nguyện và sống đức tin cho chúng ta, qua sự chân thành lắng nghe và thực hành lời Chúa. Mẹ chỉ cho chúng ta cách sống trọn vẹn hai chữ “xin Vâng” và phục vụ thánh ý Chúa nơi trần gian. Đó là một tin vui, một niềm vui mừng mà chúng ta, như Đức Maria trong bài Tin mừng, cùng nhau ca ngợi, tôn vinh và tri ơn Thiên Chúa trong Thánh lễ này.  Xin cho mọi người chúng ta có lòng tôn kính và biết chạy đến Mẹ. Chúng ta tin Mẹ sẽ lắng nghe lời chúng ta cầu xin. Chúng ta cũng cầu xin Mẹ giúp chúng ta cũng sống như Mẹ, thành tâm lắng nghe lời Chúa, có đời sống hy sinh phục vụ theo như thánh ý Chúa hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa