Lời Chúa Năm A Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Năm A

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Năm A

Ông bà anh chị em thân mến.  Vào những năm đầu của thập niên 1950, khi thành phố Bá linh của Nước Đức còn bị chia đôi là Đông và Tây, chính quyền Cộng sản Đông Bá linh xây một tháp cao trong thành phố để khoe khoang với chính phủ Cộng hòa Tây Bá linh.  Trên đỉnh của tháp đó là một nhà hàng xoay quanh để thực khách có thể ngắm nhìn thành phố.  Thế nhưng kiến trúc này đã trở thành một đề tài làm cho chính phủ Cộng sản Đông Bá linh phải xấu hổ và ngượng ngùng.  Số là khi ánh sáng mặt trời ở một hướng nào đó chiếu vào tháp này thì lóe ra một cây thánh giá to lớn và ngời sáng.  Chính quyền Cộng sản lúc đó đã cố gắng hết sức sửa lại để không hiện ra hình cây thánh giá nhưng không thành công.

Một điều tương tự đã xảy ra tại thành phố Giêrusalem sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Nhà cầm quyền và các kỳ lão lúc đó đã cố gắng hết sức và hy vọng sau cái chết của Chúa Giêsu thì có thể loại trừ được phong trào Kitô giáo. Nhưng thực tế thì ngược lại, phong trào Kitô giáo lan rộng ra như một cơn bão thổi vào ngọn lửa đang cháy.  Ngọn lửa bộc phát một cách mãnh liệt và nhanh chóng đến nỗi vào khoảng năm 64 sau Kỷ nguyên đã lan tràn đến tận thành phố Roma. Vì vậy cho nên hoàng đế Nero lúc đó đã nhắm vào Kitô giáo như là một mục đích cho sự cương quyết tàn sát và bách đạo tàn nhẫn của mình. Làm sao Kitô giáo chỉ trong khỏang 30 năm ngắn ngủi từ một tia lửa nhỏ bé bộc phát trở thành một cơn bão lửa lan tràn ra tứ phía?

Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện kỳ lạ và ngoạn mục này được kể lại trong sách Tông Đồ Công Vụ., và nguồn gốc của sự kiện này được diễn tả trong Tin mừng hôm nay.  Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa ban ngự xuống trên đầu các tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần, và đã biến đổi họ từ một nhóm người ít học, bình dân, rụt rè, sợ hãi và rối loạn đã trở thành một nhóm người can đảm, bạo dạn với một niềm tin mãnh liệt, và đã trở thành một “Thân thể” của những chứng nhân Ki-tô giáo mà chúng ta gọi là Giáo hội.  Nhưng Giáo hội này còn bề xâu hơn là thân thể của những tín hữu chia sẻ cùng một đức tin, họ đã trở thành “Thân Thể Chúa Kitô” chia sẻ cùng một sự sống chung.  Bởi vậy cho nên chúng ta nghe thánh Phaolô khẳng định rằng, “Giáo hội là Thân thể của Chúa Kitô.” (Ep. 1, 23)  Thánh Phao-lô một lần nữa đã tuyên bố cho chúng ta biết: “Chúa Giêsu là đầu Thân thể, tức là Giáo hội, là nguồn sự sống cho thân thể.’’  (Cl. 1, 18)    Và vì vậy, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay cũng đích thực là ngày Sinh nhật của Giáo hội, ngày thân thể phục sinh của Chúa Ki-tô được tỏ hiện rõ ràng.

Ông bà anh chị em thân mến.  Có 2 điểm quan trọng về ngày lễ Ngũ tuần mà chúng ta cần lưu ý.  Điểm thứ nhất, lễ Ngũ tuần là một ngày lễ lớn và quan trọng của người Do thái, là ngày lễ tạ ơn, bao gồm 2 sự tạ ơn, một là cho mùa gặt hái trong năm và hai là cho giao ước của Chúa ban cho họ ngày xưa tại núi Si-nai.  Ngài lễ Ngũ tuần rơi vào ngày thứ 50 sau lễ Vượt qua, và đây cũng là lý do tại sao người Do thái sống tại nhiều nơi và nói nhiều thứ tiếng, tụ họp lại cùng một lúc.  Điểm quan trọng thứ hai mà chúng ta cần lưu ý về ngày lễ Ngũ tuần là, chúng ta phải đặt ngày lễ Ngũ tuần trong bối cảnh của câu chuyện xây tháp Ba-ben của người Do thái trong Cựu ước.  Bài đọc 1, cho chúng ta biết trước khi xây tháp Ba-ben, người Do thái nói cùng một ngôn ngữ, nhưng khi sự kiêu căng, tự cao bắt đầu xâm nhập vào và khi họ bắt đầu xây tháp thì Thiên Chúa đã “làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn” và “Chúa đã làm cho họ tản mát ra khắp mặt địa cầu.”

Cho nên, Chúa Thánh Thần Hiện xuống trong ngày lễ Ngũ tuần đã đảo ngược lại những sự kiện này.  Chúng ta nhận thấy, sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống những người nói khác ngôn ngữ tụ tập tại Giê-ru-sa-lem hiểu rõ được lời rao giảng của các tông đồ.   Một điều quan trọng mà chúng ta cũng nhận ra thật rõ ràng là: những gì mà tội lỗi đã chia rẽ, thì nay được Chúa Thánh Thần nối liền, kết hợp lại.  Như thế, Thiên Chúa đã tạo dựng lại một thế giới mới và canh tân bộ mặt trái đất.

Và, ông bà anh chị em thân mến, tất cả những sự kiện nêu trên mà Chúa Thánh Thần đã khởi đầu trong ngày lễ Ngũ tuần, để lại cho tất cả chúng ta hiện diện trong thánh đường hôm nay tiếp tục hoàn thành.  Như các tông đồ của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng, tất cả chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần một cách cá nhân qua Bí tích Thánh tẩy hay Rửa tội và Thêm sức.  Và cũng như các tông đồ của Chúa Giê-su, chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Thần với một mục đích.  Đó là chúng ta phải ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho muôn dân.  Hay nói một cách khác như những lời của thánh Phao-lô nói trong bài đọc hai, chúng ta phải ra đi dùng cuộc sống của chính mình hôm nay, mang mọi người đến, và  kết hợp họ lại trong Thân Thể của Chúa Ki-tô, là nguồn phân phát cho tất cả chúng ta một sức sống và là nơi chúng ta kín múc và uống chung một Thánh Thần.

Vậy thì thực tế chúng ta phải làm gì?  Và điều này có nghĩa gì?  Có nghĩa là chúng ta phải tích cực hỗ trợ cộng việc truyền giáo của Giáo hội bằng tài chánh hay lời cầu nguyện, có đời sống bác ái và quảng đại, phục vụ và hy sinh để làm sáng danh Chúa, và trở thành những người rao giảng và chứng nhân cho Tin mừng trong đời sống hàng ngày.   Nếu chúng ta sống những gì chúng ta tuyên xưng trong ngày Chúa nhật thì chắc chắn Tin mừng của Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh sẽ được loan truyền đến những người chung quanh, và cũng là dấu chỉ Chúa Thánh Thần đang hiện diện và hoạt động trong chúng ta.  Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục canh tân, đổi mới và là nguồn thúc đẩy mỗi người chúng ta lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

Exit mobile version