Chúa Giêsu ra đời vào ngày nào? Không ai biết đích xác. Thế thì dựa vào đâu để cử hành lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 dương lịch? Ngoài ra, một chi tiết khác cũng đáng được lưu ý là lễ này được ghi vào lịch phụng vụ vào giữa thế kỷ IV. Tại sao lễ này không được nói đến trong ba thế kỷ đầu tiên? Có lý do gì để thiết lập lễ này không? Tại sao vào lễ này, các linh mục được cử hành ba Thánh lễ ? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi cố gắng trả lời trong bài này, gồm ba phần: lịch sử, thần học, phụng vụ lễ Chúa Giáng sinh.
I. Lịch sử ngày lễ Giáng sinh
Tại sao Giáo hội mừng lễ Chúa giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 dương lịch? Các sử gia đã đưa ra khá nhiều giả thuyết. Nói chung, người ta cho rằng Giáo hội muốn thay thể một lễ ngoại đạo tại Rôma vào cuối tháng 12; nhưng cũng có ý kiến là cần phải quy chiếu vào lịch của đạo Do thái thay vì lịch của người Rôma. Chúng ta sẽ lần lượt xét đến cả hai ý kiến đó.
A. Lễ Chúa Giáng sinh thay thế một lễ ngoại đạo Rôma.
Trước hết chúng ta điểm qua những ý kiến cho rằng lễ Chúa Giáng sinh được mừng vào cuối tháng 12 nhằm thay thế những lễ hội khác ở Rôma vào dịp ấy. Các sử gia đưa ra 3 lễ được mừng vào dịp này: 1/ lễ kính thần Saturnô; 2/ lễ kính thần Mitra; 3/ lễ kính thần mặt trời.
1/ Lễ kính thần Saturnô tại Rôma, bắt đầu từ ngày 17 tháng 12 và kéo dài một tuần lễ. Người ta tổ chức một cuộc tế lễ ở trung tâm thành phố (Foro) kèm theo những bữa tiệc linh đình với sự tham gia của toàn dân. Trong thời gian đó, nhiều cuộc giải trí cũng diễn ra, tựa như đấu gươm, hóa trang, cờ bạc. Các nô lệ cũng được giảm bớt công việc phục vụ. Các Kitô hữu lợi dụng cơ hội này để mừng lễ Chúa Giêsu, đấng đã giải phóng cảnh nô lệ, hiến thân mình làm lương thực, (trái ngược với thần Saturno, ăn thịt con cái mình).
2/ Lễ kính thần Mitra. Một truyền thống khác cho rằng ngày 25 tháng 12 kỷ niệm thần Mitra ra đời trong một hang đá, cầm trong tay một ngọn đuốc. Lập tức thần này được các mục đồng thờ lạy. Về sau, thần Mitra biến thành thần Mặt trời. Thật ra, các dữ kiện lịch sử về đạo này không còn nữa, và người ta chỉ đọc được vài đoạn văn do các giáo phụ kể lại.
3/ Lễ nghi thờ mặt trời. Có lẽ đây là giả thuyết được nhiều sử gia nói đến hơn cả. Vào ngày đông chí, người Rôma có tục lệ tổ chức lễ thờ mặt trời, đặc biệt là tại đền thờ dâng kính thần Mặt trời cất tại Campo Marzio ở Rôma. Hoàng đế Aurêlianô (270-275) ra lệnh cử hành lễ này trong toàn đế quốc. Lý do chọn ngày này là vì khi chuyển từ mùa thu sang mùa đông, ngày càng lúc càng ngắn lại; nhưng đến ngày đông chí (25 tháng 12) thì ngày bắt đầu dài ra. Xem ra kể từ mùa thu, bóng tối mỗi ngày một tăng thế lực, nhưng từ ngày đông chí, ánh sáng bắt đầu quật khởi, dành lại chiến thắng trên bóng tối. Người Rôma tin rằng ngay từ buổi nguyên thủy, tối tăm đã giao chiến với mặt trời để làm suy giảm ảnh hưởng của mặt trời trên địa cầu. Đêm trước ngày đông chí, xem ra tối tăm đã tới đỉnh cao quyền lực, và sự tồn tại của mặt trời bị đe dọa. Một khi mặt trời suy yếu thì sức sống trên dương gian cũng lâm nguy. Vì vậy, vào đêm 24 tháng chạp, người dân đốt lò lửa trước cửa nhà, để hỗ trợ cho mặt trời trong cuộc giao tranh với tăm tối. Lúc tảng sáng, người dân làm lễ bái lạy thần mặt trời vì một lần nữa đã chiến thắng. Lễ này mang tên là “Sinh nhật của Mặt trời vô địch” (Natalis Solis Invicti) được tiếp tục với những tiệc tùng, chè chèn. Tục lệ này còn tồn tại lâu dài, bởi vì thánh giáo hoàng Lêo cả (+461) vẫn còn nhắc đến các tín hữu quay mặt về thái dương để phục lạy, trước khi đặt chân vào nhà thờ mừng Chúa giáng sinh (Sermo 27 in nativitatem). Ngài cũng nhắn nhủ các Kitô hữu hãy dành ngày 25 tháng 12 vào việc cầu nguyện, đọc lời Chúa, bố thí cho người nghèo, thay vì tổ chức múa nhảy đình đám. Chúng ta cũng đọc thấy những lời khuyên nhủ tương tự nơi thánh Augustinô (Sermo 198,2).
Giả thuyết về lễ Giáng sinh được mừng để thay thế lễ kính thần mặt trời được củng cố bởi những kinh nguyện phụng vụ, ca ngợi Đức Kitô như mặt trời công chính, soi sáng thế gian chìm ngập trong đêm tối của sự dữ. Dù nói gì đi nữa, điều này xem ra phù hợp với hoàn cảnh thiên nhiên ở miền Bắc bán cầu, khi lễ Giáng sinh trùng vào mùa đông, ngày ngắn đêm dài, và thời tiết lạnh lẽo đang mong đợi sức nóng và ánh sáng sưởi ấm.
B. Lễ Chúa Giáng sinh thay thế lễ của đạo Do thái
Một nhóm ý kiến khác chủ trương rằng Lễ Chúa Giáng sinh thay thế một lễ của người Do thái (cũng như Tân ước thay thế Cựu ước), chứ không phải thay thế lễ của dân ngoại đạo Rôma. Chúng ta có thể kể đến hai giả thuyết: 1) thay cho lễ cung hiến đền thờ Giêrusalem; 2) thay cho chu kỳ cứu độ.
1/ Lễ Chúa giáng sinh trùng với lễ cung hiến đền thờ Giêrusalem.
Trong bài huấn giáo nhân cuộc tiếp kiến chung ngày 23-12-2009, đức thánh cha Bênêđictô XVI cho biết rằng tác giả đầu tiên cung cấp thông tin về việc cử hành lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng chạp là linh mục Hippolitô Rôma trong sách chú giải Ngôn sứ Đaniel (viết vào khoảng năm 204). Ngày 25 tháng 12 kỷ niệm lễ cung hiến đền thờ Giêrusalem được ấn định bởi ông Giuda Macabê năm 204 trước CN. Việc chọn ngày này muốn nói lên rằng Đức Kitô đến trần gian để cung hiến việc Thiên Chúa ở giữa nhân loại mãi mãi. Về sau, lý do này được thêm bởi những động lực tuyên xưng Đức Giêsu là mặt trời soi đàng công chính, chiến thắng sự tối tăm của tội lỗi và sự chết, dựa theo tập tục của dân Rôma.
2/ Lễ Chúa Giáng sinh trong chu kỳ phụng vụ của đạo Do thái
Nhiều giáo phụ giải thích biểu tượng lễ Chúa Giáng sinh dựa trên quan điểm của người Do thái về lịch sử cứu độ. Đối với họ, ngày đầu năm (mừng vào ngày xuân phân, 25 tháng 3), đánh dấu ngày tạo dựng thế giới, ngày dựng nên nguyên tổ Adam, ngày vượt qua (dân được Chúa giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai cập) và ngày Đấng Mêsia sẽ xuất hiện. Người Kitô hữu cũng lấy lại truyền thống ấy, khi mừng lễ Vượt qua (Tử nạn và Phục sinh) của Chúa Giêsu vào ngày xuân phân. Ngày xuân phân cũng trùng vào ngày xuất hiện của Đấng Mesia, bắt đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể. Như vậy, sự xuất hiện của Đấng Mesia được tách ra làm hai lễ: lễ Truyền tin vào ngày xuân phân, và ngày giáng sinh vào chín tháng sau (ngày 25/12). Dần dần, người ta xen thêm lễ sinh nhật của thánh Gioan vào ngày 24 tháng 6, bởi vì vị tiền hô sinh ra 6 tháng trước Đấng Cứu thế, căn cứ theo thông tin của Tin mừng thánh Luca (1,26). Đàng khác, việc mừng sinh nhật của vị tiền hô vào ngày hạ chí (ngày dài nhất trong năm) được móc nối với ngày đông chí (ngày ngắn nhất trong năm), để diễn tả điều mà chính ông đã thú nhận: “tôi phải giảm xuống để cho ngài tăng thêm” (Ga 3,30): ánh sáng của ông Gioan cần phải giảm dần để cho ánh sáng của Chúa Cứu thế bừng lên[1].
II. Thần học về lễ Chúa Giáng sinh
Trên đây là những giả thuyết giải thích vì sao phụng vụ cử hành lễ Chúa ra đời vào ngày 25 tháng 12. Nhưng còn một câu hỏi khác không kém quan trọng là: tại sao phụng vụ không nhắc đến lễ Chúa Giáng sinh trong những thế kỷ đầu tiên?
Thật vậy, các Kitô hữu đã mừng lễ Chúa Phục sinh rất sớm, vì coi rằng đây là trọng tâm của niềm tin và hy vọng của Giáo hội. Có lẽ đó đây cũng mừng lễ sinh nhật của Chúa, đặc biệt tại chính nơi Người giáng trần là Belem, nhưng mãi đến năm 336 mới thấy ghi lễ này trong phụng vụ của giáo hội Rôma. Khỏi nói ai cũng đoán được, nhiều giả thuyết đã được đưa ra chung quanh sự xuất hiện của lễ này.
Ngày nay, phần đông các sử gia cho rằng lý do của việc cử hành phụng vụ không chỉ nhằm thánh hóa các lễ ngoại giáo đã nhắc trên đây, nhưng nhất là nhằm tuyên xưng đức tin vào bản tính của đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người. Nói cách khác, lễ này mang tính cách tín lý, nhằm chống lại những lạc thuyết liên quan đến Chúa Kitô. Thực ra, ngay từ thời các thánh tông đồ, đã có những thuyết sai lệch về Đức Kitô, buộc thánh Gioan phải nhắc nhở trong Tin mừng thứ bốn cũng như trong thư thứ nhất (1Jn 2,22): tuy có những khuynh hướng không chấp nhận Người là Con Thiên Chúa (điều dễ hiểu) thì cũng có những khuynh hướng không nhìn nhận Người là con người thật (thuyết ảo thân: x. 1Ga 4,2; 2Ga 7). Sang thế kỷ II, chúng ta thấy những thuyết cho rằng Người chỉ là một con người đạo hạnh, và vì thế được Thiên Chúa nhận làm dưỡng tử. Thuyết này sẽ được khai triển mạnh hơn khi bước sang thế kỷ IV. Nhờ những điều kiện thuận tiện, các giám mục có thể họp công đồng tại Nixêa năm 325, để tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa được sinh ra chứ không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha. Tuy nhiên, lạc thuyết Ariô vẫn được bành trướng nhờ sự yểm trợ của các hoàng đế, và những cuộc tranh luận về Kitô-luận vẫn tiếp tục trong suốt thế kỷ V, như chúng ta có thể đọc trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (từ số 465 đến 477). Trong bối cảnh này, không lạ gì mà lễ Giáng sinh được cử hành long trọng để tuyên xưng đức tin. Chúng ta có thể thấy một thí dụ từ kinh Vinh danh (“Gloria in excelsis Deo”) hát trong Thánh lễ. Hai câu đầu nhắc lại lời của thiên sứ loan báo Tin mừng Chúa Giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14). Kế đó là những lời chúc tụng Thiên Chúa, và đến một nửa phần sau dành cho Đức Kitô, từ câu “”Lạy Con Một Thiên Chúa” cho đến hết, với những ý tưởng chúc khen, cầu khẩn, xưng tụng, tôn vinh. Vào thời thánh Lêô Cả (440-461), bài ca này chỉ hát vào lễ Giáng sinh, và mãi đến thế kỷ XI mới mở rộng đến các Thánh lễ khác.
III. Phụng vụ và linh đạo lễ Giáng sinh
Trải qua bao thế kỷ, các nhà giảng thuyết đã chú giải các bài Sách Thánh cũng như các bản văn phụng vụ lễ Giáng sinh. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở một điểm liên quan đến phụng vụ và linh đạo, đó là đề tài ba lần Chúa giáng sinh được cử hành qua ba Thánh lễ trong đại lễ này.
Trước tiên, nên nhớ là trong mùa Vọng (trong tiếng Latinh là Adventus: Đến), phụng vụ nhiều lần nói đến hai lần Chúa đến (chẳng hạn kinh Tiền tụng, các thánh thi). Thực ra Tân ước chỉ nói đến một lần Chúa Kitô đến vào cuối lịch sử để hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại; nhưng ngay từ thế kỷ thứ II, các giáo phụ (chẳng hạn Inhaxiô Antiôkia) cũng gọi việc Chúa xuống trần là “Chúa đến”. Vì thế, để khỏi lẫn lộn, người ta phân biệt ra hai lần Chúa đến, và thường đối chọi với nhau. Lần thứ nhất trong cảnh âm thầm, khó nghèo ở Belem; lần thứ hai trong cảnh huy hoàng, quen gọi là “Quang lâm”. Dù sao, đây không phải là sự bịa đặt của các giáo phụ, nhưng đã có nền tảng trong Tân ước. Trong các thư mục tử (của thánh Phaolô gửi Timothê và Titô), chúng ta thấy danh từ epiphania (quen dịch là hiển linh) được áp dụng việc Chúa Giêsu “xuất hiện” ở biến cố nhập thể cũng như việc “xuất hiện” trong vinh quang. Chẳng hạn như trong thư gửi ông Titô, được phụng vụ trích trong bài đọc Một Lễ Nửa đêm giáng sinh, (ở chương 2 câu 11), tác giả viết: “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện, đem ơn cứu độ đến cho mọi người”, thế rồi đến câu 13, tác giả lại nói : “chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô (…) Đấng cứu độ chúng ta xuất hiện vinh quang”. Ngoài hai nghĩa của từ biến cố “Chúa đến” được sử dụng từ thời các giáo phụ, vào thời Trung cổ, thánh Bênađô còn thêm Chúa đến một lần thứ ba, đó là những lần Chúa đến viếng thăm ta bằng ơn thánh, bằng những lời mời gọi nên thánh (xem bài đọc Hai của Giờ kinh Sách, ngày thứ tư tuần thứ nhất mùa Vọng), và gần đây, ĐTC Phanxicô nói đến nhữnglần Chúa đến với chúng ta nơi những người nghèo, dựa trên Tin mừng Matthêu, chương 25 về cảnh phán xét.
1/ Bước sang mùa Giáng sinh, chúng ta gặp thấy những nhà giảng thuyết nói đến ba lần Chúa sinh ra khi chú giải lý do phụng vụ cử hành ba Thánh lễ trong ngày đại lễ này. Tuy nhiên, nên lưu ý: không phải tại vì có ba lần Chúa giáng sinh cho nên Giáo hội cho phép cử hành ba Thánh Lễ; thứ tự ngược lại: tại vì có ba Thánh lễ cho nên các nhà giảng thuyết nói đến ba lần Chúa giáng sinh.
Lập tức một câu hỏi được đặt lên: tại sao cử hành ba Thánh lễ vào lễ Giáng sinh? Theo các sử gia, nguồn gốc khá đơn giản chứ chẳng có lý do thần học nào hết. Tất cả bắt đầu từ Rôma. Cũng tương tự như bao nhiêu nơi khác trên thế giới, Thánh lễ chính của lễ Chúa giáng sinh được phụng vụ cử hành vào chính ngày, và do Đức thánh cha chủ sự tại đền thờ thánh Phêrô. Nhưng ở Roma, ngoài đền thờ thánh Phêrô có một đền thờ khác rất nổi tiếng có liên quan đến biến cố Chúa Giáng sinh, đó là đền thờ Đức Bà Cả, nơi tục truyền lưu giữ di tích máng cỏ của Chúa Giêsu. Vì thế đức thánh cha Sixtô III (432-440) muốn cử hành thánh lễ nửa đêm tại đây, có lẽ vào thời kỳ mà công đồng Ephêsô vừa mới tuyên bố tín điều Đức Maria Thánh mẫu Thiên Chúa. Vào buổi sáng, trên đường trở về đền thánh Phêrô, ngài dừng lại ở nhà thờ kính thánh nữ Anastasia (tử đạo ở Sirmia khoảng năm 302), được kính vào chính ngày 25 tháng 12. Tuy nhiên tục lệ này ra đời muộn hơn, vào khoảng thế kỷ thứ VI. Dù sao đến thời thánh Grêgôrio Cả (590-604), thì tại Roma việc cử hành ba thánh lễ đã trở thành tập tục. Đến khi các linh mục bắt đầu cử hành thánh lễ thường xuyên hơn thì họ cũng muốn cử hành ba thánh lễ vào dịp lễ Giáng sinh, mà chứng tích đầu tiên là đan viện Cluny vào năm 1156. Khác một điều là các linh mục cử hành thánh lễ tại cùng một nhà thờ (chứ không phải là tại ba nhà thờ), và thậm chí có khi là ba thánh lễ liền nhau. Dù vậy, tại các nhà thờ chính tòa và các đan viện, người ta vẫn duy trì việc cử hành Thánh lễ vào ba lúc khác nhau: lúc nửa đêm, bình minh, chính ngày, với ba bài lễ khác nhau.
2/ Chính trong khung cảnh của ba Thánh lễ mà nảy ra tư tưởng ba lần Chúa sinh ra. Thực ra, nếu chỉ dừng lại ở các bài đọc Sách thánh thì chúng ta khó nhận ra sự khác biệt này. Lễ đêm đọc trình thuật của thánh Luca kể lại việc Chúa sinh ra ở Belem; lễ bình minh tiếp tục thuật lại việc các mục đồng đến thờ lạy Chúa; lễ ban ngày đọc Tin mừng thánh Gioan về mầu nhiệm Nhập thể. Nhưng các nhà giảng thuyết đã cố gắng tìm ra vài ý tưởng thần học hoặc tu đức để nêu bật đặc trưng của mỗi Thánh lễ, dựa trên những bản văn khác của phụng vụ.
– Người ta có thể khởi đi từ biểu tượng của ánh sáng. Chúa Giêsu đem ánh sáng cho trần gian; ánh sáng này chiếu lên tiệm tiến, từ ánh đèn leo lét lúc nửa đêm, rồi ánh sáng lờ mờ lúc hừng đông, và sau cùng là ánh sáng rực rỡ giữa ban ngày.
– Một biểu tượng khác là mặc khải, cũng diễn ra cách tiệm tiến: lúc nửa đêm chỉ có Đức Mẹ và thánh Giuse chứng kiến; đến buổi sáng thì có thêm các mục đồng, còn ban ngày thì mặc khải cho toàn thế giới.
– Tuy nhiên, có lẽ tư tưởng thâm thúy nhất và phần nào còn ghi ấn vào bản văn phụng vụ là ba lần Chúa Giêsu sinh ra: lần thứ nhất từ muôn thuở; lần thứ hai tại Belem; lần thứ ba trong tâm hồn của mỗi người. Chúng ta đọc thấy tư tưởng này trong các bài giảng của thánh Bênađô và đặc biệt là cha Gioan Tauler, dòng Đaminh người Đức, sống vào thế kỷ XIV.
a) Lần sinh thứ nhất từ muôn thuở
Đây là một tư tưởng thần học thuần túy. Trong Tân ước, Đức Giêsu được gọi là Con Thiên Chúa. Tại sao nơi Thiên Chúa lại chuyện Cha và Con? Chắc chắn là không có chuyện sinh sản thể lý như loài người chúng ta. Thánh Augustinô nghĩ đến một thứ sinh khác. Khi chúng ta nghĩ tới một điều gì, thì trong đầu chúng ta nảy ra một tư tưởng hoặc một lời; và điều này có thể gọi là “sinh ra”, chẳng hạn như một nhà văn được gọi là cha của một tác phẩm. Hiểu theo nghĩa này, ta có thể hình dung mối tương quan giữa Ngôi Cha và Ngôi Con: Con được sinh ra bởi Cha, giống như Lời được sinh ra từ một đầu óc.
b) Lần sinh ra thứ hai không có gì khó hiểu, tức là khi Chúa Cứu thế ra đời ở Belem, được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria.
c) Lần sinh ra thứ ba đáng cho chúng ta để ý hơn, đó là Chúa sinh ra trong lòng mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy nghe chính bài giảng của cha Taulêrô (Sermon de Noel):
Hôm nay Giáo hội cử hành ba lần sinh ra của Chúa Giêsu. Lần thứ nhất, hết sức cao cả, diễn ra khi Chúa Cha sinh ra Con Một trong mầu nhiệm của một bản tính duy nhất và sự phân biệt ba ngôi vị. Lần thứ hai được cử hành hôm nay, khi một trinh nữ được diễm phúc làm mẹ. Lần thứ ba diễn ra mỗi khi Chúa sinh ra trong linh hồn lành thánh. Ba cuộc sinh ra được cử hành trong ba thánh lễ. Lần thứ nhất được mừng giữa đêm tối, và mở đầu ca nhập lễ bằng thánh vịnh 2 câu 7: “Thiên Chúa phán bảo tôi rằng: Con là Con của Cha, Ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Thánh lễ này nhớ đến sự sinh ra trong đêm tối ẩn kín của mầu nhiệm Thiên Chúa. Lễ thứ hai mở đầu bằng những lời: “Hôm nay ánh sáng bừng lên trên chúng ta” và cử hành ánh sáng của bản tính con người được thiên hóa, vào lúc tranh tối tranh sáng, bởi vì sự sinh ra mới chỉ được biết được có một phần. Thánh lễ thứ ba được cử hành vào giữa thanh thiên bạch nhật, và bắt đầu bằng những lời: “Một hài nhi đã sinh ra và một người con được ban cho chúng ta”, biểu tượng cho sự hạ sinh diễn ra trong linh hồn, nếu linh hồn biết hướng về Người với tất cả sự chú ý và tình yêu. Nếu chúng ta muốn cho sự sinh ra này mang lại hoa trái, thì trước hết chúng ta hãy học từ lần sinh ra thứ nhất, khi Chúa Cha sinh ra Ngôi Lời. Thiên Chúa là chính sự tốt lành, nên không thể nào khép kín trong mình nhưng cần phải thông đạt. Do sự thông ban giữa Ngôi Cha và Ngôi Con mà xuất phát Thánh Linh. Bạn cũng phải bắt chước như vậy, hãy biết chia sẻ và yêu thương, và đồng thời bạn hãy biết quay trở về nguồn ngọn của mình. Nhờ việc trao ban và quay về như vậy mà bạn trở thành giống như người mẹ tinh thần.
Như vậy là có hai chuyển động. Một đàng chúng ta phải “xuất ngoại”, nghĩa là ra khỏi mình, trao ban mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Đàng khác, chúng ta phải “nhập nội”, nghĩa là trở về với chính mình, khước từ những thú vui giả tạo, những quyến luyến phù vân, chuẩn bị một “cõi không” thinh lặng để lắng nghe Chúa, một căn phòng trống rỗng để cho Chúa ngự trị, một con tim dành trọn cho Chúa. Như thánh Augustinô đã viết: “Hãy khoét rỗng chính mình để cho Chúa lấp đầy; hãy ra khỏi chính mình để cho Chúa có thể đi vào”.
Tác giả kết luận: “Chúa Giêsu có thể sinh ra ngàn lần ở Belem, nhưng nếu Người không sinh trong lòng bạn, thì rút cuộc, chẳng có ích gì hết”.
Nữ tu Maria Cúc Hoa, MTG.Thủ Đức
.
[1] H.Rahner, Miti greci nell’interpretazione cristiana, EDB, Bologna, 1990 (nguyên bản 1957)