Lễ Các Thánh – 2011

37

Lễ Các Thánh 2011.

      Ngày hôm nay chúng ta mừng trọng thể lễ Các Thánh.  Chúng ta, không ít thì nhiều đều biết một số các thánh và tiểu sử của các ngài.  Thí dụ như thánh bổn mạng của chúng ta, hy vọng chúng ta còn nhớ thánh bổn mạng của mình là vị thánh nào; chúng ta biết Thánh Giuse là chồng của Đức Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu;  chúng ta biết 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam đã chịu những cực hình đau đớn trước khi hy sinh mạng sống vì đức tin;  chúng ta biết rõ hơn về thánh Phêrô, mà Chúa Giêsu giao chìa khóa Nước Trời và đặt làm đầu 12 vị tông đồ.  Chúng ta biết về thánh Phaolô, một người Pharisiêu đi tìm, bắt và bách hại Kitô hữu, được chính Chúa Giêsu kêu gọi trở lại, và sau đó trở thành tông đồ của Dân ngoại.  Chúng ta biết về thánh Phan-xi-cô con của một thương gia giàu có, đã từ chối tài sản của cha mẹ hứa để lại, sống cuộc sống cơ hàn làm việc bác aí giúp những người bệnh tật, đau yếu.  Chúng ta cũng biết đến thánh Têrêsa thành Calcutta, Ấn độ, một vị thánh trong thời đại hôm nay, đã đến với những người bệnh nhân hấp hối bên vệ đường, và ôm những người này vào lòng mình  trước khi họ tắt thở.

     Hôm nay chúng ta mừng kính vô số các vị thánh đàn ông, đàn bà và trẻ em vô danh, những người đã cố gắng sống cuộc sống Kitô hữu nơi trần gian một cách tốt đẹp nhất, như được diễn tả trong bài đọc một trích sách Khải huyền hôm nay.

     Sách Khải huyền là một sách thánh thật huyền bí, chứa đựng những điều bí ẩn mà chúng ta không thể nào thấu hiểu tường tận những ý nghĩa trong cuốn sách này.   Tác giả là một người tên Gioan thành Pat mos.  Ông ta tin tưởng rằng, một Kitô sống đức tin thật sự phải xa lánh xã hội ồn ào và sống chung thành cộng đoàn với nhau.  Trong đoạn cuối này, ông ta viết về nhiều điều kinh dị sẽ xảy ra, và đó kết qủa của sự không tuân theo những lời ông khuyên bảo.

     Nhưng nếu đi xa hơn và hiểu xâu xa hơn, sách Khải huyền chứa đựng những sự hy vọng cho các Kitô hữu đang trải qua những cơn bách đạo, hoặc đang bị những thách thức và lôi cuốn của xã hội, chấp nhận những giá trị, những sự hào nhoáng cám dỗ đi ngược lại với Phúc âm, vớI những lời dạy dỗ của Chúa Giêsu.

     Thưa ông bà anh chị em.  Những hy vọng chất chứa trong sách Khải huyền cũng còn được đưa đến cho tất cả mọi người chúng ta đã được mặc một áo trắng trong ngày chịu bí tích Thánh tẩy, đang sống trong xã hội hôm nay.   Con số một trăm bốn mươi bốn ngàn là một con số hy vọng.  Chúng ta biết dân Do thái được chia là 12 bộ lạc.  Đối với họ, con số 12 là một con số hoàn toàn.  Chúng ta có thể nhận ra là khi Giu-đa, một trong số 12 tồng đồ phản bội  Chúa Giêsu, họ đã chọn ông Mathaia để thay thế cho trọn 12.  Để tăng sự tối đa, con số 12 nhân cho 12 là 144. Và để chỉ sự bao la, rộng lớn, vô số, con số 144 được nhân cho 1000 là con số không thể đếm được, sẽ thành 144.000 con số thật sự bao phủ hoàn toàn.  Con số 144.000 trong thần học có nghĩa là sự cứu độ được đưa đến cho mọi người, mọi nơi, là một sự hy vọng tràn trề cho mọi người.

    Thiên thần đến từ phía đông mặt trời mọc, cũng là hướng Chúa sống lại, mang một ấn chứng để đóng ấn, chứng nhận những ngườI còn trung thành  vớI  đức tin, vớI Thiên Chúa, để khi Thiên Chúa xuất hiện họ sẽ được chứng nhận, công bố.  Không có sự gì, gian truân, khó khăn, nguy hiểm và cả sự chết, có thể thiêu hủy, phá vỡ và loại trừ họ, cho đến khi sứ mạng của Thiên Chúa chấm dứt.

     Ngày lễ hôm nay, từ lúc thiết lập, để mừng kính những người đang hiện diện trước nhan thánh Chúa trên Nước Trời nhưng bị quyên lãng bởi thế giới, trong đó có những ngườI đã sống trong cộng đoàn, ông bà, cha mẹ, và những người thân thuộc của chúng ta.  Có rất nhiều người đã được giáo hội tuyên xưng là những vị thánh, nhưng tất cả những ngườI đang ở trên Nước Trời là thánh.   Tất cả các thánh trên trờI không có những ngày kính riêng, nhưng ơn sủng cứu rỗI của tất cả đều được tôn vinh không những trên Trời mà còn dướI đất.  Do đó ngày hôm nay chúng ta mừng kính và vinh danh toàn thể cộng đồng các thánh Trên trời.

      Mừng kính các thánh nhắc nhở mọi người chúng ta về ơn gọi nên thánh, kêu gọi chúng ta cố gắng trung thành với đức tin, với sự dạy dỗ của Tin mừng, về sự hy vọng, và những gì đã được hứa ban đang chờ đón  chúng ta trên Nước Trời.  Vậy thì, thưa ông bà anh chĩ em, chúng ta phải làm sao để trở nên thánh.  Chúng ta không được kêu gọi trở thành thánh Giuse, Mẹ Maria, thánh Têrêsa, thánh Phêrô, thánh Phaolô, hay các thánh tử đạo.   Nhưng Chúng ta được kêu gọI trở thành một người Kitô hữu chính đáng.  Hay nói một cách khác, chúng ta được kêu gọI sống xứng đáng là một ngườI ông, là một ngườI bà trở thành những gương sáng thánh thiện cho con cái, cháu chắt noi theo. Chúng ta được kêu gọi sống xứng đáng là một người chồng, một ngườI vợ, trung thành vớI lời thề hứa và là những cha mẹ mẫu mực, chu toàn bổn phận, sốt sắng, và hướng dẫn con cái trong đờI sống đức tin.  Chúng ta được kêu gọi là những ngườI con vâng lời cha mẹ và ngoan ngoãn trong gia đình.  Chúng ta được kêu mời và sống xứng đáng là một tín hữu thật sự trong cộng đồng giáo hội Chúa nơi trần gian, hy sinh phục vụ và đóng góp xây dựng mở mang nước Chúa.

     Chúng ta không phải đợi khi chết mới trở thành thánh.   Trước khi đứng trước nhan thánh Chúa, các thánh đã đứng trước mặt chúng ta nơi trần gian. Họ có thể là những người trog một thời điểm cuộc sống đã xa ngã hay lầm đường, sai lạc, nhưng đã nhận thức được tình yêu và tha thứ của Chúa và đã quay trở về, và cố gắng sống điều răn mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn, và yêu người như chính bản thân họ.

     Trong mọi cuộc sống và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta được kêu gọi sống hiền lành, công chính, bác ái, khiêm nhường và thánh thiện, thể hiện thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống, và làm vinh danh Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày. Đó là phương cách nên thánh của chúng ta.

 

Lm. Antôn, Giáo xứ Thánh Giuse, Tulsa, OK