Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina caeli), bài thánh ca chữa lành trong mùa đại dịch

413

Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina caeli), bài thánh ca chữa lành trong mùa đại dịch

Truyền thống kể rằng vào thế kỷ thứ VI bệnh dịch hạch đã tấn công thành Rôma[1]. Sau cái chết của Giáo hoàng Pelagius II, người kế vị ngài là ĐGH Grêgôriô (590-604) đã van nài Lòng Thương Xót Chúa và dẫn đầu đoàn rước với lời kinh cầu Đức Trinh Nữ Maria, từ đền thờ thánh Phêrô đến lăng mộ Hadrian. Đang khi chủ trì đoàn rước, Đức Grêgôriô đã nghe được các thiên thần hát ba câu đầu tiên của kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, câu thứ tư do ngài thêm vào sau là “xin cầu cùng Chúa cho chúng con”.

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng đã được phổ biến từ thế kỷ XII như bài ca vãn khi rước kiệu sau giờ Kinh Tối, và được Đức Giáo hoàng Piô V chính thức đưa vào sách nguyện Rôma sau công đồng Trentô (năm 1568). Vào năm 1742, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIV đã quyết định dùng kinh này thay thế cho Kinh Truyền tin, bắt đầu từ Chúa nhật Phục sinh đến lễ Hiện xuống.

Kết hiệp với niềm vui trong mùa Phục sinh, Giáo hội dâng lên Mẹ Thiên Chúa lời kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, vì sự phục sinh của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, như một biến cố trung tâm của mầu nhiệm lớn lao đối với niềm tin Kitô giáo.

Giống như Kinh Truyền tin, Kinh Lạy Nữ Vương được đọc ba lần trong ngày: buổi sáng, trưa và chiều, như một cách để dâng hiến trọn ngày cho Thiên Chúa và Đức Trinh nữ Maria.

Regina Caeli, bản văn Latinh

Regina caeli, laetare, Alleluia.
Quia quem meruisti portare. Alleluia.
Resurrexit, sicut dixit, Alleluia,
Ora pro nobis Deum, Alleluia.

Bản Việt ngữ

Mừng vui lên, lạy Nữ Hoàng Thiên Quốc. Aleluia!
Vì Thánh Tử Bà được phúc cưu mang. Aleluia!
Ðã phục sinh như lời Người phán trước. Aleluia!
Cầu Chúa cho đoàn con, lạy Nữ Hoàng. Aleluia!

Sau này, nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Tomás Luis de Victoria, Monteverdi, Vivaldi, Couperin, Mozart, Brahms đã dùng khả năng của mình đưa những lời kinh này vào trong âm nhạc. Tuy nhiên, trong phụng vụ bài thánh ca này vẫn được hát dưới hình thức Bình ca.

Thật không may, nhân loại chúng ta đang trải qua cơn đại dịch khủng khiếp, gây ra nhiều cảnh tượng đau lòng, hoang mang và hỗn loạn. Hơn bao giờ hết chúng ta hướng nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin Mẹ “cầu cùng Chúa cho chúng ta”, để thế giới này được chữa lành và nhân loại được bình an.

.

[1] Theo như ký sự của đức cha Grêgoriô giám mục Tours (Pháp), vào năm 589-590, một cơn dịch lớn bùng nổ trong Đế quốc Rôma, bắt đầu từ mạn Đông, lan sang mạn Tây, giết hại rất nhiều người, và lan tới thành phố đô Roma. Nạn nhân đầu tiên tại thủ đô là chính giáo hoàng Pelagio II, băng hà ngày 5/2/590 và được an táng trong đền thờ thánh Phêrô. Hàng giáo sĩ đã bầu người kế vị là Grêgoriô, nguyên thị trưởng thành phố và đang sống như đan sĩ ở Monte Celio (đàng sau Colosêô). Sau khi được tấn phong giám mục ngày 3/9/590, ngài  đã đương đầu với cơn dịch. Trong một bài giảng ở thánh đường Santa Sabina, ngài đã mời gọi dân thành phố hãy theo gương của dân Ninive bằng những lời như sau: “Hãy nhìn ra chung quanh thì thấy: kìa lưỡi gươm của Chúa đang vung lên trên toàn dân. Cái chết đã cướp mất mạng sống của chúng ta, cách bất ngờ không có thời gian chuẩn bị. Biết bao người không kịp ăn năn thống hối”. Đức thánh cha mời gọi mọi người hãy ngước mắt nhìn lên Chúa, vì đã dùng hình phạt để sửa dạy con cái. Và để đền tội, ngài truyền tổ chức một cuộc rước kiệu, chia thành 7 đám, phân phối theo tuổi, giới, điều kiện xã hội. Các đám rước khởi hành từ những thánh đường khác nhau của thành phố, tiến về đền thờ thánh Phêrô. Các tín hữu, đầu rắc tro, đi chân không, tiến bước trong thinh lặng. Bầu khí thật là nặng nề. Chỉ trong vòng một giờ đi kiệu, đã có 80 người ngã gục. Đức thánh cha thúc giục cứ tiếp tục và truyền đưa bức icôn Đức Mẹ Salus Populi Romani được kính ở đền thờ Đức Bà Cả. (https://catechesis.net/kinh-lay-nu-vuong-thien-dang-va-mua-dai-dich/)

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng