Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin
tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật Lễ Chúa Kitô Vua, 24-11-2013
Hôm nay, đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ, cũng là kết thúc Năm Đức tin đã được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI công bố. Giờ đây chúng ta hướng về Đức Bênêđictô với đầy lòng yêu mến và biết ơn vì ngài đã tặng cho chúng ta món quà ấy. Nhờ sáng kiến do Chúa quan phòng này, ngài đã cho chúng ta cơ hội khám phá lại vẻ đẹp của hành trình đức tin đã khởi đầu từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau trong Giáo hội. Mục tiêu tối hậu của cuộc hành trình ấy là chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa một cách trọn vẹn, và trong hành trình ấy Chúa Thánh Thần thanh tẩy chúng ta, nâng chúng ta lên và thánh hoá chúng ta, để đưa chúng ta vào cõi phúc lòng chúng ta hằng khát khao.
Tôi xin gửi lời chào thân ái và huynh đệ đến các vị Thượng phụ và Tổng giám mục Trưởng của các Giáo hội Công giáo Đông phương đang hiện diện ở đây. Lời chúc bình an mà tôi sẽ trao đổi với các vị trước hết muốn nói lên rằng Giám mục Roma nhìn nhận các cộng đoàn này đã tuyên xưng Danh Chúa Kitô với một lòng trung thành gương mẫu, thường phải trả giá đắt.
Đồng thời, với cử chỉ này, qua các vị, tôi cũng muốn liên kết với tất cả những Kitô hữu đang sống ở Thánh Địa, ở Syria và trong toàn thế giới Đông phương, xin cho tất cả được ơn bình an và hoà hợp.
Các bài đọc Kinh Thánh vừa được công bố có cùng một chủ đề là vị thế trung tâm của Chúa Kitô. Chúa Kitô ở trung tâm, Chúa Kitô là trung tâm. Chúa Kitô là trung tâm của tạo thành, trung tâm của dân Người và trung tâm của lịch sử.
1. Thánh Tông đồ Phaolô cho chúng ta một tầm nhìn sâu sắc về vị thế trung tâm của Chúa Giêsu. Ngài trình bày với chúng ta Chúa Kitô là Trưởng tử của mọi loài thọ sinh: trong Người, nhờ Người và với Người mà muôn vật được tạo thành. Người là trung tâm của mọi vật, là khởi nguyên: Người là Đức Giêsu Kitô, là Chúa. Thiên Chúa đã ban cho Người sự viên mãn, tất cả, để trong Người mọi vật được giao hòa (x. Co 1,12-20). Người là Chúa của tạo thành, Chúa của giao hoà.
Hình ảnh này cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu là trung tâm của tạo thành; và, vì thế thái độ phải có của người tín hữu –nếu muốn là người tín hữu– là phải nhận biết và chấp nhận vị thế trung tâm ấy của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống, trong tư tưởng, trong lời nói và hành động của mình. Khi ấy tư tưởng của chúng ta sẽ là tư tưởng của người Kitô hữu, của Chúa Kitô; hành động của chúng ta sẽ là hành động của người Kitô hữu, của Chúa Kitô; lời nói của chúng ta sẽ là lời nói của người Kitô hữu, của Chúa Kitô. Trái lại, khi chúng ta đánh mất trung tâm này, vì đã thay thế bằng điều gì khác, thì sẽ chỉ là tác hại, cho môi trường chung quanh chúng ta và cho chính chúng ta.
2. Không chỉ là trung tâm của tạo thành và trung tâm của giao hoà, Chúa Kitô còn là trung tâm của dân Thiên Chúa. Và ngay hôm nay, Người ở đây, giữa chúng ta. Lúc này Người đang ở đây trong Lời Chúa, Người sẽ ở đây trên bàn thờ, sống động, hiện diện giữa chúng ta là dân của Người. Đó là điều mà bài đọc thứ nhất mô tả cho chúng ta thấy: khi các chi tộc Israel đi tìm Đavit và xức dầu tấn phong ông làm vua Israel trước mặt Chúa (x. 2 Sm 5,1-3). Khi tìm kiếm một vị vua lý tưởng, thực ra con người đang tìm kiếm chính Thiên Chúa: một Thiên Chúa trở nên gần gũi, chấp nhận trở thành người bạn đồng hành của con người, trở nên một người anh em của con người.
Chúa Kitô, hậu duệ của vua Đavit, chính là người “anh em” mà dân Chúa vây quanh, là Đấng chăm sóc dân, chăm sóc tất cả chúng ta, với cái giá phải trả là mạng sống của Người. Trong Người chúng ta nên một; một dân duy nhất được kết hiệp với Người, chúng ta chia sẻ một hành trình duy nhất, một vận mệnh duy nhất.
3. Cuối cùng, Đức Kitô là trung tâm của lịch sử nhân loại và trung tâm của mỗi người. Chúng ta có thể dâng lên Người những vui buồn, hy vọng và khó khăn trong cuộc sống của chúng ta. Khi Chúa Giêsu ở trung tâm, ngay cả những lúc đen tối nhất của cuộc sống chúng ta cũng sẽ bừng sáng. Người ban cho chúng ta hy vọng, như đã xảy ra với người trộm lành trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong khi tất cả những người khác nói với Chúa Giêsu một cách khinh miệt – “Nếu ông là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia, thì hãy cứu mình đi và hãy xuống khỏi cây thập tự!” – thì người trộm đã phạm bao lỗi lầm trong cuộc sống, cuối cùng lại sám hối, níu lấy Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh và cầu xin: “Khi ông vào Nước của ông, xin hãy nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Và Chúa Giêsu hứa với anh: “Hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên đàng với tôi” (c. 43). Chúa Giêsu chỉ nói lời tha thứ, chứ không nói lời kết án; và khi con người biết can đảm xin ơn tha thứ, Chúa không bao giờ bỏ rơi lời cầu xin ấy. Ngày nay, tất cả chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện của chúng ta, hành trình của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện của mình; mỗi người chúng ta cũng có những sai lầm, tội lỗi, những lúc hạnh phúc và những khi đen tối. Ngày hôm nay là dịp tốt để mỗi người nghĩ đến câu chuyện của mình, và nhìn Chúa Giêsu rồi chân thành lặp đi lặp lại trong thinh lặng: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa đang ở trong Nước Chúa, xin nhớ đến con! Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con, vì con muốn sống tốt, muốn nên tốt lành, nhưng con yếu đuối, con không thể: con là người tội lỗi. Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con. Chúa có thể nhớ đến con, vì Chúa là trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa!” Thật đẹp biết bao! Tất cả chúng ta hãy làm điều đó trong ngày hôm nay, mỗi người hãy làm điều đó trong tâm hồn mình, nhiều lần. “Lạy Chúa, Chúa ở trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa, xin nhớ đến con”.
Lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao: lời ấy nói với chúng ta rằng ơn Chúa bao giờ cũng phong phú hơn lời cầu xin. Chúa luôn ban cho nhiều hơn, Người rất quảng đại, luôn ban cho nhiều hơn điều con người cầu xin: bạn xin Người nhớ đến bạn, còn Người lại đưa bạn vào Vương quốc của Người! Chúa Giêsu chính là trung tâm những nỗi khát mong niềm vui và ơn cứu độ của chúng ta. Nào chúng ta hãy cùng nhau lên đường!
Huy Hoàng chuyển ngữ
(Nguồn: WHĐ)