Lao động như một cách diễn tả tình yêu

49

Lao động như một cách diễn tả tình yêu. Lời này của Chân Phước Gioan Phaolô II mời gọi mỗi người tín hữu Kitô trở về nguồn cội, học nơi gia đình Nagiaret xưa để kín múc được giá trị của lao động như một nẻo đường nên thánh. Mời bạn đọc dành vài phút hôm nay, đọc lại những suy tư của Chân Phước Gioan Phaolô II về Thánh Giuse.

LAO ĐỘNG NHƯ MỘT CÁCH DIỄN TẢ TÌNH YÊU

22. Lao động là cách hằng ngày diễn tả tình yêu trong cuộc sống của Gia đình Nagiarét. Sách Tin Mừng nói rõ loại công việc mà thánh Giuse làm để nuôi sống gia đình mình: Người là một thợ mộc. Từ đơn giản này tóm gọn toàn bộ cuộc sống của thánh Giuse. Đối với Chúa Giêsu, đây là những năm ẩn dật, những năm mà Luca nói đến sau khi kể lại câu chuyện xảy ra trong Đền thờ: “Và Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Sự “phục tùng” hoặc vâng lời của Chúa Giêsu trong nhà Nagiarét cần được hiểu như là một sự chia sẻ trong lao động với Giuse. Trong khi học việc với người được coi là cha mình, Người được biết đến như là “con của ông thợ mộc.” Nếu Gia đình Nagiarét là tấm gương và là mẫu mực cho các gia đình khác, trong việc cứu độ và nên thánh, thì lao động của Chúa Giêsu bên cạnh ông thợ mộc Giuse cũng tương tự như thế. Trong thời đại chúng ta ngày nay, Giáo hội nhấn mạnh điều này bằng cách qui định phụng vụ kính thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng Năm. Lao công của con người, nhất là lao động tay chân, được đặc biệt nhấn mạnh trong Tin Mừng. Cùng với nhân tính của Con Thiên Chúa, lao động cũng được đưa vào trong mầu nhiệm Nhập thể, và cũng được cứu chuộc theo cách đặc biệt. Tại xưởng mộc nơi Ngài miệt mài làm việc với Chúa Giêsu, thánh Giuse đưa lao công con người đến gần mầu nhiệm Cứu chuộc hơn.

 

23. Trong thời gian Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa”, đức tính cần cù nắm một vai trò đáng kể, vì “lao động là điều thiện hảo nơi con người”, nó “biến đổi thiên nhiên” và biến con người “theo một nghĩa nào đó, thành nhân bản hơn”. (34)

Tầm quan trọng của lao động trong đời sống con người đòi hỏi chúng ta phải thấu triệt và tiếp thu ý nghĩa của nó để “giúp mọi người đến gần Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá và Đấng Cứu chuộc hơn, để tham dự vào kế hoạch cứu độ con người và thế giới, và để đào sâu hơn… tình bạn với Chúa Kitô trong cuộc sống của họ, bằng cách qua đức tin, chấp nhận tham dự sống động vào sứ mạng gồm ba chức vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vua”. (35)

24. Điều hết sức quan trọng ở đây là thánh hoá cuộc sống hằng ngày, một sự thánh hoá mà mỗi người phải đạt được tuỳ theo bậc sống của mình. Sự thánh hoá đó có thể được thăng tiến theo mẫu mực ai cũng có thể đạt tới: “Thánh Giuse là mẫu mực của những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; … Người là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính nối gót Chúa Kitô, không cần đến những điều vĩ đại – chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực.” (36)

(ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Huấn Người Trông Nom Đấng Cứu Thế).